Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2016

Cà phê Thứ 7: THẢO LUẬN VỀ NHỮNG ĐỊNH KIẾN CẦN TRA VẤN


THƯ MỜI
CÀ PHÊ GẶP GỠ & ĐỐI THOẠI

Anh chị và các bạn thân mến!
vào hồi 14h30 chiều thứ bảy, ngày 19/11/2016 tại SALON VĂN HÓA quán CÀ PHÊ THỨ BẢY tầng 1, số 3A Ngô Quyền, Hà Nội sẽ diễn ra buổi CÀ PHÊ GẶP GỠ & ĐỐI THOẠI
“Cà phê” với dịch giả, GS NGUYỄN VĂN TRỌNG

Chủ đề: NHỮNG ĐỊNH KIẾN CẦN TRA VẤN
(Nói chuyện về cuốn sách của N. Berdyaev
"Con người trong thế giới tinh thần" (NXB Tri thức, 2015)

Chủ trì: GS CHU HẢO

Rất mong các bạn đến tham dự.
Hân hạnh được đón tiếp
Giám đốc chương trình: Dương Thụ


LỜI DẪN

Những định kiến cần tra vấn là một chủ đề lớn mà GS Nguyễn Văn Trọng và NNC Bùi Văn Nam Sơn đã chia sẻ trong nhiều buổi tại Salon Văn hóa Cà Phê Thứ Bảy tại CPTB TPHCM. Đây là buổi đầu tiên của GS Nguyễn Văn Trong tại CPTB Hà Nội. Để các bạn có thể nắm trước được nội dung những buổi đó chúng tôi xin giới thiệu lời dẫn về chủ đề này của GS Nguyễn Văn Trọng.

NHỮNG ĐỊNH KIẾN CẦN TRA VẤN

Nói chuyện về cuốn sách của N. Berdyaev
"Con người trong thế giới tinh thần" (NXB Tri thức, 2015)

Nguyễn Văn Trọng

Tác phẩm của N. Berdyaev không dễ đọc vì ông là người theo nhị nguyên luận: con người đồng thời thuộc về hai thế giới (thế giới tinh thần và thế giới tự nhiên). Ông thậm chí còn cho rằng thế giới tinh thần tiên khởi hơn thế giới tự nhiên. Điều này gây khó khăn cho những người theo nhất nguyên luận và chủ nghĩa duy vật khi đọc Berdyaev.

Trong buổi giao lưu hôm nay tôi muốn tập trung thảo luận một số những định kiến quan trọng của con người trong cuộc sống xã hội. Đó là các định kiến về chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể, đó là các định kiến về nhà nước, văn hóa và tôn giáo. Những khái niệm này có sự khác biệt đáng kể trong nhận thức giữa Berdyaev và những con người trung bình trong xã hội. Berdyaev không phải là triết gia duy nhất có cách hiểu khác về các khái niệm trên. Một thí dụ là định kiến về tôn giáo. Hamvas Béla đã viết như sau:"Các cuộc tấn công đều [thời kỳ Ánh Sáng] đều nhằm vào tôn giáo, cho dù mục tiêu không phải là tôn giáo mà nhằm vào sự lạm dụng quyền lực của giới giáo sĩ, sự hạn chế và các tham vọng thế lực của giới này.

Nhưng cho đến tận thời gian gần đây nhất, cả những kẻ tấn công và những kẻ bảo vệ đều ở trong một niềm tin: nói đến Kitô giáo là cần phải nói đến những giáo điều, các huyền thoại, các tổ chức giáo sĩ và đạo đức của nỗi sợ hãi mê tín." ( Hamvas Béla, Minh triết và thiêng liêng, tập III, Nguyễn Hồng Nhung dịch, NXB Tri thức, 2016, tr.45-46). Hamvas Béla hiểu Kitô giáo trong ý nghĩa định hướng tinh thần của Phúc Âm là rao giảng tình thương yêu. Cách hiểu này tương đồng với N. Berdyaev và khác biệt với cách hiểu của đám đông trong xã hội.

Tôi nói về "tra vấn các định kiến" không hàm ý nhất thiết phải từ bỏ những định kiến cũ. Ở đây chỉ hàm ý "tra vấn" để rồi mỗi người có một lựa chọn cho riêng mình, trong đó bao gồm cả trường hợp giữ lại định kiến cũ. Tôi theo ý của triết lí Phật giáo: mỗi cá nhân tự tạo nghiệp cho mình bằng chuỗi các tự do lựa chọn mà anh ta thực hiện trong cuộc đời mình. Ngay cả khi con người đem quyền tự do lựa chọn của mình để đổi lấy bánh mì hay sự an toàn thì đó cũng vẫn là một lựa chọn của anh ta.
 
 

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét