Thứ Ba, 18 tháng 10, 2016

Từ Formosa tới lũ lụt Miền Trung: VAI TRÒ NỔI LÊN CỦA XÃ HỘI DÂN SỰ



Từ Formosa tới lũ lụt Miền Trung
VAI TRÒ NỔI LÊN CỦA XÃ HỘI DÂN SỰ

FB Nguyễn Anh Tuấn
17-10-2016

Không chờ chỉ thị hay công điện khẩn của Chính phủ, cũng không cần đến sự cho phép của chính quyền địa phương (vì chẳng có luật hay lý nào bắt người dân phải xin phép chính quyền khi giúp đỡ nhau), hàng chục nhóm dân sự đã và đang có mặt tại vùng rốn lũ Quảng Bình – Hà Tĩnh, tiến hành những trợ giúp nhân đạo kịp thời cho bà con, từ việc cung cấp lương thực, thuốc men, nhu yếu phẩm tới việc hỗ trợ khôi phục sinh kế, xây nhà chống lũ…

Trước đó, nhiều nhóm hội dân sự khác cũng đã sát cánh cùng người dân vùng này trong thảm họa cá chết do Formosa gây ra, vừa tích cực cứu trợ vừa giúp đưa tiếng nói của người dân địa phương đến công luận trong bối cảnh truyền thông bị kiểm soát chặt chẽ bởi Chính phủ. Hiện nay, vẫn là những nhóm hội dân sự đang đồng hành cùng người dân trong cuộc chiến pháp lý với mục tiêu đòi công lý và tống khứ Formosa ra khỏi Việt Nam.

Với xã hội dân sự, mỗi cá nhân cũng như toàn thể cộng đồng trở nên mạnh mẽ hơn nhờ đứng cùng nhau và bảo vệ lẫn nhau, từ đó ứng phó tốt hơn trước nghịch cảnh, gồm cả thiên tai lẫn nhân tai.

Vai trò nổi lên của xã hội dân sự qua nhiều biến động chính trị – xã hội những năm gần đây bỗng dưng khiến lối tư duy toàn trị, coi dân quyền là thứ xin-cho của nhà nước được thể hiện qua dự thảo Luật Hội mới đây, trở nên hoàn toàn lố bịch, nếu không muốn nói là phản động. Bất chấp sự cản trở, xã hội dân sự sẽ tiếp tục lớn mạnh như những gì đã được chứng tỏ suốt mấy năm qua.

Tuy vậy, sẽ không có xã hội dân sự mạnh mẽ, hiệu quả nếu thiếu những người hoạt động dấn thân vì nó. Vậy nên, xin được cảm ơn những người bạn đang lăn lộn ở Hà Tĩnh, Quảng Bình – những người mới mấy ngày trước còn đang giúp đỡ bà con theo đuổi cuộc chiến chống lại Formosa, nay thấy lũ về, lại không ngại hiểm nguy mở ngay một chiến dịch khác giúp đỡ cho bà con.

PS: Trong số nhiều chương trình, sáng kiến khác nhau giúp đỡ khẩn cấp người dân vùng lũ hiện nay, xin giới thiệu chương trình Ống Gạo Miền Trung (https://goo.gl/A0VGKC) của nhóm những người hoạt động ở Hà Nội và Hà Tĩnh, thông thuộc tình hình địa phương và có mặt ở vùng này trước khi lũ về.

Updates về chương trình, xin xem thêm ở FB của:

Lan Lê: https://www.facebook.com/manhhung.bui.1232

Trịnh Anh Tuấn: https://www.facebook.com/giogiolangthang

Đào Trang Loan: https://www.facebook.com/hu.vo.777

Trần Quyết Thắng: https://www.facebook.com/quyetthang1608

VOICE Vietnam xin được gửi số tiền 20,000,000 VND (xem trong hình) để nhóm thực hiện các hoạt động cứu trợ khẩn cấp tại địa phương.

Bên cạnh đó, hưởng ứng lời kêu gọi của một số luật sư về việc các nạn nhân vùng lũ nên khởi kiện thủy điện của EVN, tạo áp lực xã hội để xem xét lại toàn bộ quy hoạch thủy điện trong vùng, nhằm giảm thiểu các cơn lũ tương tự trong tương lai, chúng tôi, trong khả năng của mình, sẽ tìm cách hỗ trợ chi phí phát sinh trong quá trình các nạn nhân đi tìm công lý.
 
____

FB Nguyễn Anh Tuấn

THẤY GÌ QUA CƠN LŨ?

17-10-2016

Chuyện lũ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng thì rõ rồi, nhưng còn một câu chuyện khác là sao hàng chục năm rồi mà vẫn còn quá nhiều gia đình ở Hà Tĩnh chỉ có một mái lá che mưa nắng và tài sản lớn nhất vẫn chỉ là một con trâu/con bò? Cảnh lũ miền Trung chiếu trên tivi từ lúc tôi còn học cấp I (15 năm trước đây) với bây giờ chẳng khác nhau là mấy.

Trong khi dễ dàng nhận ra sự thay đổi ở các thành phố lớn thì có vẻ như mức sống và lề lối sinh hoạt của người dân những vùng này chẳng có gì khác so với vài chục năm trước. Mặc cho các con số GDP hàng năm nhảy múa, mặc cho những lời tán dương của quốc tế về việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, người dân nơi đây vẫn bị bỏ lại phía sau sự phát triển.

Những người bảo vệ Formosa hoặc các dự án thuỷ điện thường lấy lý do các dự án này đóng góp ngân sách hàng ngàn tỷ đồng để phục vụ phát triển, song với những hình ảnh thế này thì phát triển dường như diễn ra ở một nơi khác (như trong các căn biệt thự của các Uỷ viên Trung ương ở Hà Nội, Sài Gòn và cả Âu, Mỹ chẳng hạn) chứ chẳng phải của nơi đặt các dự án. Thế mà thảm hoạ thì dân nơi đây phải chịu.

Nhìn chung cuộc thì Đảng Cộng sản Việt Nam – vốn giành toàn quyền lãnh đạo tuyệt đối quốc gia – phải chịu trách nhiệm cho tình cảnh này. Họ đã thất bại hoàn toàn trong việc nâng cao mức sống của người dân một cách đồng đều để rồi khiến hố ngăn phân cách giàu nghèo ngày một sâu hơn. Ở chiều ngược lại, người dân cũng phải chịu trách nhiệm vì quá chậm tạo ra cạnh tranh chính trị, khiến một đảng vì nắm độc quyền mà trở nên tha hoá như ngày hôm nay.
 
Ảnh: Dân Áo Tơi (Lê Quốc Châu) 
 
 

2 nhận xét :

  1. Cảm phục nhũng tấm lòng

    Trả lờiXóa
  2. Đáng lý ra chính phủ phải lên tiếng biết ơn xã hội dân sự đã chung tay gánh vác những khó khăn, tai họa của đất nước, dân tộc.
    Chính phủ này là chính phủ gì?
    Trong khi đó bà chủ tịch quốc hội nhởn nhơ đi dự festival, hội hè, đình đám, ăn chơi.
    Quốc hội này là quốc hội gì?

    Trả lờiXóa