Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2016

Thư Mời: GẶP GỠ VÀ ĐỐI THOẠI VỚI BÀ PHẠM CHI LAN



THƯ MỜI
CÀ PHÊ GẶP GỠ & ĐỐI THOẠI

Anh chị và các bạn thân mến!

Vào 09h sáng thứ bảy 29/10/2016,
tại Salon Văn hóa quán CÀ PHÊ THỨ BẢY, Số 3A, phố Ngô Quyền, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội sẽ diễn ra buổi CÀ PHÊ GẶP GỠ & ĐỐI THOẠI

“Cà phê” với Chuyên gia kinh tế PHẠM CHI LAN
 
Chủ đề: “Báo cáo Việt Nam 2035 & khuyến nghị Chuyển đổi nông nghiệp”

Chủ trì: Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Dy

Rất mong các bạn đến tham dự.
Hân hạnh được đón tiếp

Giám đốc chương trình: Nhạc sĩ Dương Thụ.


----------------

LỜI DẪN

Tháng 7 năm 2014, Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đưa ra sáng kiến xây dựng Báo cáo Việt Nam 2035. Báo cáo khuyến nghị Việt Nam cần thực hiện sáu chuyển đổi quan trọng để trở thành một nền kinh tế thu nhập trung bình cao. Chương trình cải cách gắn với sáu chuyển đổi này được thể hiện theo ba trụ cột chính: thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường; công bằng và hòa nhập xã hội; năng lực và trách nhiệm giải trình của nhà nước.


Nông nghiệp Việt Nam, nơi 48% lực lượng lao động đang làm việc, và nông thôn Việt Nam, nơi 65% dân số đang sinh sống, đang đứng trước những thách thức lớn chưa từng có do thiên tai, biến đổi khí hậu, do sự tàn phá môi trường của con người, do nguồn lực đất và nước ngày càng hạn hẹp, do sức ép hội nhập quốc tế, do đòi hỏi mạnh mẽ của người tiêu dùng khắp nơi về an toàn thực phẩm…, và nhất là do chính những vấn đề trong sự phát triển vẫn được coi là thành công của nông nghiệp Việt Nam trong những năm qua.

Liệu có thể biến “nguy” thành “cơ”, có thể chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam sang một cách phát triển mới khác hẳn trước để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho nông dân và người dân sống ở nông thôn và an toàn cao hơn cho những người tiêu dùng thực phẩm, để nông nghiệp Việt Nam phát huy tốt hơn lợi thế của nó, đóng góp lớn hơn cho sự phát triển của đất nước Việt Nam?

Nhiều nghiên cứu và thảo luận trong thời gian gần đây đã tập trung vào vấn đề này. Chúng ta hãy lắng nghe, suy ngẫm, bàn luận, và góp tiếng nói, việc làm vào cho một nền nông nghiệp Việt Nam phát triển vì mọi người, xanh và bền vững.

VÀI NÉT VỀ DIỄN GIẢ

Bà Phạm Chi Lan hiện là chuyên gia nghiên cứu kinh tế độc lập. Bà là thành viên của Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao Năng lực cạnh tranh (do Chính phủ thành lập tháng 5-2012). Bà thường xuyên cộng tác với một số tổ chức nghiên cứu, trường đại học, các cơ quan nhà nước, các hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và báo chí.

Bà đã làm chuyên gia tư vấn tại Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ từ năm 1996, và trở thành chuyên gia làm việc thường xuyên ở Ban từ tháng 5-2003 cho đến khi Ban kết thúc hoạt động tháng 8-2006. Từ tháng 7-1966 đến tháng 4-2003 bà làm việc ở Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tại đó bà đã giữ những cương vị như Trưởng ban Quan hệ quốc tế (1984-1989), Phó Tổng thư ký (1989-1993), Tổng thư ký (1993-1997), Phó Chủ tịch (1997-2003).

Các lĩnh vực chuyên môn chính của bà là tham gia xây dựng thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường cho hoạt động kinh doanh ở Việt Nam và thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và tiến trình hội nhập giữa Việt Nam và các nước khác trên thế giới. Bà đã tham gia ban soạn thảo một số văn bản pháp luật quan trọng về kinh tế như Luật Doanh nghiệp (1999 và 2005), Luật Cạnh tranh (2004) và đóng góp nhiều ý kiến vào các văn bản pháp quy về doanh nghiệp và kinh tế của Việt Nam.

Trong hoạt động đối ngoại, bà đã tham gia nhiều hoạt động thúc đẩy hợp tác kinh tế trong ASEAN, giữa ASEAN với các bên đối thoại, cũng như nhiều hoạt động thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế song phương giữa Việt Nam với các nước châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Úc. Bà là thành viên nhóm Tầm nhìn Đông Á do chính phủ các nước ASEAN và Đông Bắc Á thành lập từ năm 1999-2001 để đề xuất việc hình thành cơ chế ASEAN + 3. Bà tham dự, phát biểu và viết bài tại nhiều hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế tổ chức bởi nhiều cơ quan, trong đó có các tổ chức có uy tín cao như Diễn đàn Kinh tế thế giới WEF, Ngân hàng Thế giới WB, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, Ngân hàng Phát triển châu Á ADB, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD, Trung tâm Thương mại quốc tế ITC, Hội Châu Á (Asia Society)…

Bà cũng tham gia nhiều hoạt động về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp nữ, cũng như về đào tạo doanh nhân, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, thúc đẩy bình đẳng giới, phát triển các tổ chức xã hội và các hoạt động cộng đổng.

Với những đóng góp của mình, bà đã được Nhà nước Việt Nam tặng thưởng Huân chương Lao động hạng hai, Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen và được tặng huy chương của Bộ Tư pháp, Bộ Thương mại, Văn phòng Chính phủ, Phòng Thương mại-Công nghiệp Việt Nam.

6 nhận xét :

  1. Bà Phạm chi Lan là nhà lãnh đạo lâu năm của Phòng thương mại và công nghiệp VN,Con người không bệ vệ to con như bà Phóng nhưng các bài phát biểu của bà thật xưng đáng làm 1 trong các thành viên tổ cố vấn của nguyên TT Vỏ văn Kiệt, ông là nhà lảnh đạo có rất nhiều tư tưởng đổi mới được nhiều nhà kinh tế - kỷ thuật đánh giá cao.
    Tôi rát kính trọng bà và mong được gặp lại bà ở cuộc gặp mặt này.

    Trả lờiXóa
  2. Khuyến nghị chuyển đổi nông nghiệp của Bà Phạm Chi Lan cũng là vấn đề tôi suy nghĩ lâu nay. Tôi rất muốn được nghe những thuyết trình của Bà về vấn đề này

    Trả lờiXóa
  3. Bà Phạm Chi Lan là một nhà trí thức đã dày công nghiên cứu hiện tình đất nước. Ba trụ cột bà nêu ra có ý nghĩa rất lớn không chỉ cho lĩnh vực nông nghiệp mà đó là công cuộc cải cách thể chế mang ý nghĩa lớn hơn nhiều.
    Nhưng có một điều rõ ràng là đảng này không có năng lực tự chuyển hóa vì thế sẽ không có một bước cải cách nào sẽ được thực hiện. Vì những cải cách sẽ đụng đến nền tảng của chủ nghĩa mac lê, điều này nằm ngoài suy nghĩ của những nhà lãnh đạo đảng. Như thế là quá đủ rồi!

    Trả lờiXóa
  4. Tuyệt vời sáng kiến Cafe Thứ Bảy, không đi cực phí

    Trả lờiXóa
  5. Trong một lần trả lời phỏng vấn của đài BBC, bà Phạm Chi Lan đã than phiền:
    Hiện nay doanh nghiệp kiếm được một đồng, nhưng thuế phí và các loại bôi trơn hết một đồng hai thì doanh nghiệp sống bằng gì?
    Nếu lần giở lịch sử qua bài thơ Vịnh Làng Chế của vua Lê Thánh Tông:
    Chợ họp bên sông gẫm có chiều,
    Thuyền bày trên đất xem nhiều thể.
    Cảnh vật bằng đây họa có hai,
    Vì dân khoan giản bên tô thuế.
    Thì rõ ràng nhà vua thấy dân chúng làm ăn phát đạt đã lấy đó làm niềm cảm hứng để giảm thuế cho dân và không có phí bôi trơn nào cả!
    "Ôn cố tri tân" thì thấy dưới sự lãnh đạo của đảng, nước nhà đã tụt hậu so với chính mình mất năm trăm năm!!! Đau khổ quá!

    Trả lờiXóa
  6. Bà Chi Lan một trí thức uyên bác về nhiều lĩnh vực khác nhau đặc biệt bà rất giỏi về ngoại ngử (cho dù bà không tốt nghiệp ở nước ngoài) làm công cụ đắc lực kết hợp với trí tuệ thông minh đưa bà lên vị trí tầm cao hiếm có trong số các chuyên gia giỏi của đất nước.Với nhiều kiến thức đa dạng phong phú nên bà có thể tham gia nghiên cứu độc lập hay kết hợp với các chuyên viên giỏi do bà lựa chọn để hoàn thành các công trình rất có giá trị.
    Buổi thuyết trình của bà được hầu hết các thính giả hiểu biết đánh giá cao,người tham dự chật hết các phòng họp của Cafe thứ 7.

    Trả lờiXóa