Green Trees: Toàn cảnh thảm họa
môi trường biển Việt Nam
BTV Mặc Lâm
RFA2016-10-24
Sáng ngày 19 tháng 10 nhóm Green Trees, trước đây có tên gọi Hà Nội Xanh, đã gửi cho Quốc hội bản báo cáo “Toàn cảnh thảm họa môi trường biển Việt Nam” nhằm giúp cho các đại biểu Quốc hội có thông tin về thảm họa môi trường biển nhiều hơn khi vấn đề Formosa được đưa ra bàn thảo. Mặc lâm có cuộc phỏng vấn Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn một thành viên của nhóm Green Trees để tìm hiểu về nội dung cũng như mục tiêu của bản báo cáo này. Trước tiên Dược sĩ Tuấn cho biết:
DS Nguyễn Anh Tuấn: Chúng tôi làm bản báo cáo là giúp cho những người quan tâm muốn nghiên cứu và muốn nắm được thông tin đầy đủ một cách có hệ thống, khách quan, đa chiều về thảm họa đã diễn ra do đó chúng tôi cho rằng đó không hẳn là một việc xuất bản mà đơn giản chỉ là báo cáo mà cụ thể đối tượng đầu tiên mà chúng tôi gửi tới thì đó là các đại biểu quốc hội.
Chúng tôi ý thức được rằng 500 đại biểu quốc hội chắc chắn đại đa số
họ không hiểu hết vụ việc vậy thì đối với tình hình đang rất căng thẳng
hiện nay, với tình trạng người dân đang rất bức xúc vì không được giải
quyết sinh kế, không tìm được sự đền bù thỏa đáng thì rõ ràng quốc hội
cần phải có trách nhiệm nghiên cứu đầy đủ về vụ việc này và vào cuộc.
Với tâm nguyện đó chúng tôi cho rằng dù có khó khăn đến đâu chúng tôi
cũng sẽ vượt qua được.
Mặc Lâm: Anh có thể cho biết thành viên của Green Trees thuộc thành phần xã hội nào và những khó khăn mà các anh chị gặp phải là gì?
Nguyễn Anh Tuấn: Các thành viên cốt lõi của
Green Trees chúng tôi đều có trình độ đại học trở lên. Có kỹ sư, bác sĩ,
dược sĩ, luật sư, nhà báo do đó bằng trí tuệ tập thể mà hình thành báo
cáo này. Tuy nhiên khó khăn chủ yếu nó tới là “quyền tiếp cận thông
tin”, khi mà những thông tin về vụ việc liên quan đến sai phạm của
Formosa cho đến thời điểm này chúng tôi chỉ được biết qua thông tin đại
chúng.
Nhờ ông Bộ trưởng Trần Hồng Hà ông ấy công bố Formosa là thủ phạm kèm
theo tuyên bố là đã phát hiện ra 53 sai phạm của Formosa. Chúng tôi
hoàn toàn rất mong muốn được biết những sai phạm ấy nó là cái gì? Hay là
biên bản thỏa thuận của chính phủ với bên đại diện Formosa, liên quan
đến việc Formosa nhận tội nó gồm nội dung gì. . .
Những cái đó chúng tôi không có, những thông số chi tiết của các nhà
khoa học tham gia vào cuộc điều tra khẳng định sai phạm của Formosa. Hay
là ví dụ một điều rất là đơn giản thôi đó là danh sách những chất độc
đã gây độc cho biển miền Trung trong thời gian vừa qua là những chất gì?
Chúng tôi không thể nào tiếp cận được do chính phủ hiện nay hoàn toàn
đang bưng bít thông tin, không cho dân quyền tiếp cận thông tin mà lẽ ra
họ phải được biết, đó là những khó khăn lớn nhất của chúng tôi.
Mặc Lâm: Anh có thể tóm tắt bản báo cáo được thực hiện với các nội dung như thế nào hay không?
Nguyễn Anh Tuấn: Tôi cũng xin được khái quát
nội dung của bản báo cáo nó đề cập đến thảm họa này, thứ nhất theo
chiều thời gian, đối với từng thời điểm thì có từng phản ứng của các
bên. Từ các hành động tự giác của các bên. Bên cạnh đó chúng tôi tiếp
cận các nguồn thông tin từ tất cả các bên. Từ các bài báo đã được đăng
trên báo chính thống hay những bài viết của các blogger, các Facebooker
hay những nhà hoạt động độc lập và bên cạnh đó chúng tôi tiếp cận theo
các góc độ như góc độ liên quan đến môi trường, góc độ liên quan đến
luật pháp, liên quan đến vai trò của nhà nước hay liên quan đến vai trò
của các tổ chức xã hội dân sự
Mặc Lâm: Thường thì tất cả văn bản được các
tổ chức xã hội dân sự gửi đi cho chính phủ hay cho Quốc hội đều không
được phản hồi. Để tránh tình trạng này Green Trees đã có cách nào khác
khiến cho người nhận chú ý và phải thực hiện nó hay không?
Nguyễn Anh Tuấn: Bản báo cáo này chúng tôi kỳ
vọng không chỉ gửi tới Quốc hội hay đại diện các cơ quan ban ngành có
trách nhiệm trong việc xử lý thảm họa Formosa mà chúng tôi tìm mọi cách
để có thể giúp cho độc giả hay những người muốn nghiên cứu về thảm họa
tiếp cận bản báo cáo này. Còn quay lại chuyện làm thế nào để nhận được
phản hồi thì tôi xin lấy ví dụ: khi chúng tôi đến Quốc hội, ngoài việc
chúng tôi đến văn phòng Quốc hội để gửi thì chúng tôi còn trực tiếp đi
gặp một số các Đại biểu Quốc hội đương nhiệm ở nhiệm kỳ 14 này có gửi
báo cáo và trao đổi trực tiếp với họ.
Bản thân họ cũng có thiện chí, họ hỏi lại chúng tôi là các bạn có kỳ
vọng gì với các đại biểu Quốc hội? Nên nắm điều gì và cần phải có những
quan điểm, những phát biểu như thế nào trước Quốc hội và trước các cơ
quan ban ngành trách nhiệm.
Chúng tôi nghĩ rằng sau một thời gian nữa thì chúng tôi sẽ tìm cách
gặp gỡ với những Đại biểu Quốc hội mà chúng tôi cho rằng ít nhất có liên
quan trực tiếp thí dụ như đại biều Quốc hội thành viên của các Ban
Chuyên trách mà chúng tôi đã gửi. Chúng tôi có tiếp cận, có trao đổi cụ
thể về vấn đề này. Bên cạnh đó chúng tôi cũng sẽ theo dõi việc họ làm
việc trong kỳ họp thứ hai này.
Mặc Lâm: Anh có thể cho biết Green Trees được thành lập từ khi nào và cách thức hoạt động cũng như mục tiêu của nó là gì?
Nguyễn Anh Tuấn: Bản thân Green Trees vốn là
nhóm Hà Nội Xanh, là nhóm có thể nói đóng vai trò dẫn dắt phong trào bảo
vệ cây xanh Hà Nội. Là nhóm kiên trì cuối cùng đi theo hướng minh bạch,
tức là đòi chính quyền thành phố Hà Nội và chính quyền Trung ương là
phải minh bạch các hành vi sai phạm trong vụ chặt phá cây xanh Hà Nội
năm 2015.
Trong tình thần đó sang năm 2016 chúng tôi đã đổi tên và đồng thời
gần như hoàn thiện hơn nhóm của mình để trở thành nhóm có tôn chỉ hoạt
động về môi trường. Tuy nhiên như anh biết trong điều kiện của Việt Nam
thì việc người dân thực hiện các quyền của mình vào việc bảo vệ môi
trường thì nó gặp hạn chế nằm trong bối cảnh chung là người dân Việt Nam
chưa được thực sự tôn trọng các cái quyền của mình. Do đó trong quá
trình bảo vệ môi trường chúng tôi đồng thời còn bảo vệ quyền của mọi
công dân được tham gia vào bảo vệ môi trường, cũng như quyền được tiếp
cận thông tin, quyền được lên tiếng các vấn đề xã hội liên quan đến môi
trường của Việt Nam.
Mặc Lâm: Xin cám ơn Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét