Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2016

HỘI NGHỊ NGOẠI GIAO RẤT CHIẾU LỆ & KHÔNG GẮN VỚI VẬN NƯỚC

 
Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh tại Hội Nghị Ngoại Giao lần 29 diễn ra 
từ ngày 22 đến 26 tháng 8 tại Hà Nội.

Hội nhập quốc tế - Chưa có gì mới 

Thanh Trúc, phóng viên RFA
RFA 2016-08-27 

Hội Nghị Ngoại Giao đã diễn ra tại Hà Nội với sự tham dự của đại diện các cơ quan chuyên trách  đối ngoại trong nước cũng như các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài. Đây là hội nghị lần thứ 29 của ngành ngoại giao Việt Nam.

Với khẩu hiệu “Nâng Cao Hiệu Quả Công Tác Đối Ngoại Và Hội Nhập Quốc Tế”, “Thực Hiện Thắng Lợi Nghị Quyết Đại Hội Đảng Lần Thứ XII, Hội Nghị Ngoại Giao lần thứ 29 diễn ra từ ngày 22 đến 26 tháng 8.

Theo tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nguyên đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, nguyên trưởng nhóm tư vấn lãnh đạo Bộ Ngoại Giao Việt Nam: 

Đây là chủ đề mang tính “routine” thôi, tức là một tập hợp bao gồm các nhiệm vụ hàng ngày chứ phần nào chưa bao hàm hết được bối cảnh đặc thù của Hội Nghị Ngoại Giao này.

Lần nào thì hội nghị như thế này cũng bàn về Nghị Quyết đại hội đảng và phần liên quan đến đối ngoại. 

Hội Nghị Ngoại Giao được tổ chức hai năm một lần, điểm lại thành quả đã qua đồng thời vạch hướng đi mới  cho chính sách đối ngoại những ngày tới.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đến dự hội nghị và có kêu gọi “trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần thường xuyên suy nghĩ, tìm hiểu cái gì có lợi cho đất nước thì báo ngay cho bộ trưởng Bộ Ngoại Giao, kể cả gọi điện trực tiếp cho thủ tướng”.

Báo chí trong nước trích thuật đầy đủ  những lời tuyên bố của ông Nguyễn  Xuân Phúc đại ý ngành ngoại giao Việt Nam phải đáp ứng được những luật chơi tầm cỡ quốc tế, phải kiến tạo và phải tập trung vào 5 vấn đề mấu chốt.

Trong lúc tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng, nguyên giáo sư danh dự đại học Liege của Bĩ, hiện về sinh sống tại Việt Nam bao năm nay, nhận xét Hội Nghị Ngoại Giao lần thứ 29 này không chứng tỏ được tầm quan trọng của nó: 

Thủ tướng có những phát biểu mà tôi thấy không đi vào những vấn đề cụ thể. Phát biểu mà chỉ có tính cách chung chung như vậy tôi thấy nó cũng hơi mơ hồ. Thủ tướng biểu phải có sáng tạo mà sáng tạo cái gì, sáng tạo đối với ai và làm cái gì cụ thể mới quan trọng.

Tại vì vấn đề ngoại giao Việt Nam bây giờ mà cốt lõi và bức thiết là bảo vệ lãnh thổ và biển đảo.

Thì tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng cho rằng Hội Nghị Ngoại Giao lần thứ 29 này diễn ra trong bối cảnh đặc biệt: 

Ít nhất có hai cái đặc biệt. Thứ nhất, đất nước chưa bao giờ đối mặt với những hiểm nguy có thể nói là chưa từng có như hiện nay, cả về mặt nội trị lẫn về mặt ngoại giao.

Thứ hai, để có thể tìm một lối ra cho những bế tắc hiện nay thì cả về chủ quan lẫn khách quan lại cũng chưa bao giờ nó hội tụ những cái hoàn cảnh và những cái thuận lợi như hiện nay. Điều này nghe như một nhịch lý nhưng đây chính là nghịch lý trong quá trình tiến hóa của sự việc. 

Một người đang sống ở nước ngoài, ông Đặng Xương Hùng, cựu  quan chức Bộ Ngoại Giao Việt Nam  đã ly khai và  đào tị sang Thụy Sĩ,  đang theo dõi sát Hội Nghị Ngoại Giao  lần thứ 29 này, nhận xét: 

Trong lịch sử của ngành ngoại giao Việt Nam thì họp rồi bàn , rồi cãi , rồi tranh luận, rồi  phân tích. Cũng rất là sâu sắc , cũng có những điểm rất đúng với tình hình quốc tế cũng như cái cấp bách đối ngoại của đất nước. Tuy nhiên nó bị ràng buộc, tức là phải thực hiện thắng lợi Nghị Quyết đại hội đảng XII. Đấy  là câu mấu chốt. Tất cả những bàn cãi của những anh em làm công tác đối ngoại, dù có tâm huuyết  đến đâu chăng nữa, thì rốt cuộc lại quay về cái khóa, cái trói là Nghị Quyết đại hội đảng XII.

Ngành ngoại giao mà không dựa trên tinh thần những biến chuyển của tình hình thế giới mà chỉ dựa vào Nghị Quyết của đại hội đảng , mà Nghị Quyết đại hội đảng đó vạch ra những thứ rất chung chung và nó bị cứng nhắc bởi một chính sách đối ngoại bất di bất dịch, không uyển chuyển theo tình thế. 

Năm điểm mấu chốt mà ông Nguyễn Xuân Phúc đưa ra trong Hội Nghị Ngoại Giao lần thứ 29, thứ nhất là định hình được những ưu tiên chiến lược của đất nước và xác lập một tư duy chiến lược cho ngành ngoại giao trong thời kỳ mới.

Thứ hai, Việt Nam cần tham gia và đóng vai trò quan trọng hơn trong nữa trong việc xây dựng thể chế của các định chế quốc tế nhằm tạo thế và lực cho đất nước.

Thứ ba, ngoại giao cần chủ động đề xuất triển khai phối hợp tốt với trong nước, hoạt động ngoại giao không chỉ nằm ở Bộ Ngoại Giao mà cần sự hỗ trợ tích cực từ trong nước, đặc biệt các bộ, ngành.

Thứ tư, cần có sự phối hợp chặc chẽ, thống nhất về nhiệm vụ đối ngoại và quản lý đối ngoại.

Thứ năm, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, những nhà ngoại giao và các cán bộ thương mại phải đại diện một cách chân thực nhất, tối ưu nhất cho hình ảnh của Việt Nam.  

Đây là những điều mà ông Đặng Xương Hùng  cho là nặng phần lý thuyết mà kém phần thực tế: 

Những phát biểu của ông thủ tướng có khi là do Bộ Ngoại Giao soạn ra và dựa thêm cái tinh thần của ông ấy hoặc của văn phòng chính phủ, không nói lên được điều gì mới cho tình hình đất nước, đến chính sách đối ngoại của Việt Nam trong quan hệ với các nước lớn để giải quyết được vấn đề có lợi nhất cho dân tộc cho đất nước.

Bài phát biểu của  thủ tướng trong một hội nghị rất quan trọng mà nó như một bài báo viết ra để phục vụ cho người đọc, để tô vẽ cho cái hình ảnh ngoại giao Việt Nam chứ không có tính chất chỉ dẫn, hướng dẫn, chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tế.

Do đó, bài tán giải đáp cho quan hệ đối với các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nga , rồi tình hình hiện nay ở biền Động, sự bành trướng của Trung Quốc, thái độ thay đổi của Kampuchia cũng như của Philippines. Tất cả những thứ đó nếu cứ lấy Nghị Quyết đại hội đảng XII ra chiếu rọi thì không thể theo kịp được những thay đổi hiện nay của tình hình thế giới. 

Đâu là giải pháp 

Chưa thấy có gì gọi là đột phá hay kiến tạo trong các nhiệm vụ mà ông thủ tướng muốn giao cho ngành ngoại giao Việt Nam, là phân tích của tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng: 

Những yêu cầu mà thủ tướng đưa ra nói chung đều đúng, đó là những điểm mấu chốt mang tính thường trực, mang tính đạo đức nghề nghiệp hơn là tính giải pháp.

Riêng cái nhiệm vụ thứ nhất, tức là thủ tướng nói cần định hình được những ưu tiên chiến lược của đất nước và xác lập một tư duy chiến lược cho ngành ngoại giao trong thời kỳ mới là tôi thấy phần nào có gợi lên ý nghĩa chuyển hướng, chuyển giai đoạn về đối ngoại cho thời gian tới.

Tuy nhiên để làm được điều này thì một mình ngoại giao chuyển động không thôi thì chưa đủ. Ngoại giao với nội trị bây giờ là hai mặt tích hợp của một chiến lược nhất quán. Nếu nội trị không chuyển thì một mình ngoại giao khó có thể làm được gì. Theo tôi, có thể gọi giai đoạn tới đây là  giai đoạn thoát hiểm để tập trung phát triển. Mà thoát hiểm cùng một lúc là phải chạy bằng cả hai chân và phải chạy nhanh. Phải có những đột phá về nội trị lẫn ngoại giao, đột phá cả về nhận thức lẫn chính sách thì mới có thể nói chuyện chuyển hướng theo yêu cầu mới, đáp ứng cái cấp bách của tình hình đang biến chuyển rất kịch tính. 

Được hỏi những yếu  tố  quan trọng hàng đầu mà ngành ngoại giao Việt Nam cần bàn thảo và hướng tới nhân Hội Nghị Ngoại Giao Lần Thứ 29 này, tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng cho rằng: 

Tôi nghĩ phải tìm cho được, tìm cho ra một đáp án để trả lời cho câu hỏi Việt Nam là ai trong thế giới hôm nay. Việt Nam cũng phải tự biết rõ mình là ai, đặc biệt cũng phải làm cho các đối tác biết rõ Việt Nam có thể đóng góp gì vào công việc chung trong khu vực cũng như toàn cầu. Hiện nay nước nào, lớn hay nhỏ, phát triển hay đang phát triển, kể cả Trung Quốc hay Mỹ đều có vấn đề của họ cả. Không ai có thể đứng ra giải quyết hộ những khó khăn của mình. Nếu Việt Nam không có tinh thần tự cường quốc gia thì mọi chuyện rồi đây sẽ rất khó khăn. 

Tưởng cần nhắc trước đây, tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng, từng tuyên bố rằng  ngành ngoại giao Việt Nam phải biết bảo vệ đất nước theo quan điểm ông gọi là “giữ nước từ xa” “giữ  nước từ khi nước chưa nguy”.

Còn theo tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, tuy Việt Nam đã có đối tác chiến lược hay đối tác toàn diện, đã được thống kê bằng con số, nhưng nếu không xét xem chất lượng của những bang giao ấy có phản ảnh đúng nội dung cần yếu không thì rõ ràng ngành ngoại giao nước nhà vẫn còn gặp nhiều trở ngại. Nói cách khác là có khi chính Việt Nam tự cản trở mình trong việc hoàn thành các sứ mạng ngoại giao đề ra.

6 nhận xét :

  1. Trong thời đại ngày nay, trong một thế giới mở, không một quốc gia nào có thể tự bảo vệ được mình về kinh tế cũng như quốc phòng. Quốc gia nọ phải dựa vào sự giúp đỡ, hỗ trợ của quốc gia kia để mà sống. Chính sách ngoại giao độc lập, tự chủ, không liên minh của VN đã lỗi thời. Chính sách đó đã tự trói chân tay mình. trong phát biểu tại HN, ông Trọng nói chính sách ngoại giao của VN phải như cây tre (mềm dẻo). Nhưng cây tre cũng phải đứng trong một bụi tre, tai tre, gai tre phải liên kết với nhau thành lũy tre thì mới vững được. Nếu tre đứng một mình, ắt sẽ bị bão quật đổ.

    Trả lờiXóa
  2. Đường lối NG mà không ở Bộ NG lại ở tận BCT, tử TBT ! Thủ tướng ôm hết . Cứ bảo có thể gọi điện thẳng cho mình . Vậy Phó thủ tướng kiêm BT NG làm gì ? Thủ tướng có chỉ đạo thì cũng trên tinh thần NQ của BCT thôi ! Người trực tiếp phụ trách thông thường là người nằm vẫn để, ông ta chỉ đạo chắc sát sao hơn !

    Trả lờiXóa
  3. Tôi cho rằng, gần 100 năm mà vẫn lải nhải "Hội nhập quốc tế", thì chẳng khác gì vẹt hót!

    Trả lờiXóa
  4. Cứ theo đường lối ngoại giao,ngoại thớt của đảng từ trước đến nay thì đất nước VN anh hùng của chúng ta sẽ thăng hoa ở đỉnh cao diệt vong trong một ngày không xa ./

    Trả lờiXóa
  5. hội nghị mệt mỏi vì 4 vị tứ trụ chiều đình đến huấn thị, huấn thị gì mà lắm thế, tốn tiền tốn của mất thời gian.

    Trả lờiXóa
  6. Lâu nay,người dễ tính có niềm tin vào Phạm Bình Minh,xem
    đó là người con cùng chính kiến với thân phụ ông,là Nguyễn
    Cơ Thạch nhưng trong thực tế,họ tin vậy là điều viễn vông, không tưởng dưới chế độ trách nhiệm tập thể cho nên không có bất kỳ cá nhân nào có thể vượt ra khỏi vòng kiểm soát của kỷ luật đảng CsVN.vốn áp đặt lên từng đảng viên CS.!

    Trả lờiXóa