Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2016

CÓ NHỮNG KẺ BÁN RẺ TỔ QUỐC CHO TÀU VÌ NGAI VÀNG QUYỀN LỰC


TS Vũ Ngọc Hoàng. Ảnh: Lê Anh Dũng.
Kiểm soát quyền lực:
“Có những người bán rẻ Tổ quốc vì quyền lợi cá nhân”

Vũ Ngọc Hoàng
22/09/2016 10:42 GMT+7
"Có những người lúc đầu khi chưa có quyền lực thì tốt, nhưng sau đó, khi đã có quyền lực trong tay thì dần dần trở nên hư hỏng, thành người xấu; thậm chí đến mức có thể phản bội nhân dân, bán rẻ Tổ quốc vì ngai vàng của cá nhân".
LTS: Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết mới nhất của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, nguyên phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, xung quanh một vấn đề mà ông luôn trăn trở - quyền lực và kiểm soát quyền lực.

Quyền lực như “con ngựa” bất kham, người không đủ nhân cách mà giao cho họ cầm cương thì nó sẽ tung phá, gây đổ ngã và làm chết cả người ngồi trên yên ngựa. Quyền lực là "con dao" hai lưỡi, có thể phục vụ cho đời và cũng có thể làm hại đất nước nếu rơi vào tay những kẻ bất tài, tham lam.

Năm 2011, Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề cập, dù là mới thoáng qua, việc kiểm soát quyền lực. Rất tiếc là chủ trương đó chưa được triển khai thực hiện cụ thể. Trước và trong Đại hội XII, Tổng Bí thư của Đảng ít nhất đã hai lần nhấn mạnh phải kiểm soát quyền lực.

Gần hai năm trước, trong bài “Tham vọng quyền lực và sự tha hóa”, tôi có viết ý kiến về kiểm soát quyền lực và trả lời phỏng vấn của báo chí về việc này. Thời gian gần đây một số tờ báo có đặt vấn đề phỏng vấn tôi yêu cầu nói tiếp ý kiến về kiểm soát quyền lực. Đó là lý do khiến tôi viết tiếp bài này trao đổi thêm để bạn đọc tham khảo.

Câu hỏi trước tiên cần nói thêm là vì sao phải kiểm soát quyền lực? nếu không kiểm soát quyền lực thì sẽ thế nào?

Mặt tiêu cực của quyền lực

Quyền lực vốn là của cộng đồng nhân dân, khởi đầu là thế, và mãi mãi cũng là thế, không phải của thần linh, không phải của bất kỳ cá nhân ai, của một gia đình trị hoặc một tộc họ nào; cũng không phải của bất kỳ một tổ chức nào khác.

Từ lâu Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận thức được và đã nhiều lần khẳng định trong các Nghị quyết rằng quyền lực thuộc về nhân dân. Nhân dân không trực tiếp nắm giữ tất cả, mà chỉ nắm giữ một số vấn đề then chốt (sẽ nói sau), còn lại là ủy quyền cho nhà nước quản lý và sử dụng quyền lực để bảo vệ và phục vụ nhân dân, kiến tạo một quốc gia phát triển.

Tuy nhiên, trong lịch sử, đã từng có không ít trường hợp những người (hoặc nhóm người) bằng các thủ đoạn chính trị đã cướp đoạt quyền lực của nhân dân, biến nhân dân thành đối tượng bị cai trị. Nhân dân sau khi ủy quyền thì mất quyền, còn người được ủy quyền thì dần dần bị quyền lực làm tha hóa. Họ sử dụng quyền lực không phải để bảo vệ và phục vụ nhân dân như mục đích ban đầu, mà để phục vụ lợi ích của cá nhân, gia đình, dòng họ, cho một nhóm người, họ quay lại ức hiếp nhân dân, biến nhân dân từ chủ nhân của quyền lực thành đối tượng bị chèn ép, bị ức hiếp, bị tước đoạt.

Ở bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào, quyền lực cũng luôn có hai mặt. Mặt tích cực, nó là công cụ hữu hiệu bậc nhất để tập hợp lực lượng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng một xã hội tốt đẹp, nếu như quyền lực ấy được trao cho những con người có nhân cách tốt.

Mặt tiêu cực, nó luôn làm tha hóa những con người và bộ máy sử dụng quyền lực nhưng lại yếu kém về nhân cách và không có cơ chế tốt để kiểm soát quyền lực. Sự tha hóa như vậy có từ trong bản chất tự nhiên của con người và quyền lực. Có những người lúc đầu (khi chưa có quyền lực) thì tốt, nhưng sau đó, khi đã có quyền lực trong tay thì dần dần trở nên hư hỏng, thành người xấu; thậm chí đến mức có thể phản bội nhân dân, bán rẻ Tổ quốc vì ngai vàng của cá nhân.

Cá biệt có những người thay đổi bản chất rất nhanh, chỉ sau một lần bỏ phiếu, họ gần như trở thành một người khác hẳn, từ dáng đi, cách nói, cách bắt tay. Họ khệnh khạng hơn, có vẻ "oai vệ" hơn, "bề trên" hơn. Khi người ta đến được đỉnh cao của "chiến thắng" trong quyền lực thì đấy là lúc người ta bắt đầu thua, mà trước tiên là thua chính mình.

Trên đỉnh cao của quyền lực ít ai nhìn thấy tai họa ẩn chứa vốn có từ bên trong quyền lực ấy, nếu không phải là người lãnh đạo có nhân cách lớn, minh triết uyên thâm, có khả năng vượt qua chính mình và ma lực cám dỗ của quyền lực, để tịnh tâm nhìn xa trông rộng. Khi đã có trong tay tất cả thì đấy cũng là lúc tự mình bắt đầu đánh mất dần.

Tha hóa quyền lực dẫn đến sụp đổ chế độ

Việc kiểm soát quyền lực trước tiên là để bảo đảm cho quyền lực luôn thuộc về đúng chủ nhân của nó, tức là thuộc về nhân dân, được sử dụng đúng mục đích, không bị lợi dụng, lạm quyền. Khi quyền lực bị lạm dụng thì tất yếu sẽ tha hóa bộ máy cầm quyền, và cũng là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tha hóa đạo đức xã hội.

Sự tha hóa quyền lực tất yếu sẽ dẫn đến sụp đổ chế độ chính trị. Nếu sự tha hóa ấy không dừng lại và lành mạnh hóa thì sụp đổ là không thể khác, chỉ còn là vấn đề thời gian. Sự sụp đổ ấy chính là tự đổ, không phải do ai phá và cũng không ai cản nổi.

Có những suy nghĩ rất ấu trĩ sai lầm khi cho rằng nắm cho chắc lực lượng vũ trang là có thể đẩy lùi sự sụp đổ. Không đâu! Liên Xô ngày trước cả quân đội và lực lượng an ninh KGB còn rất mạnh, bậc nhất thế giới, vậy mà đến một lúc, khi sự tha hóa đã đến ngưỡng, thì cả một chế độ được cho là thành trì ấy bỗng chốc đổ ào, đến mức không tưởng tượng được, không hiểu nổi.

Nhiều người đã giải thích rằng do địch phá bằng “diễn biến hòa bình”... Không phải như thế đâu! Đấy là cách giải thích miễn cưỡng, không có cơ sở khoa học, tự trấn an mình. Địch thì lúc nào mà chả phá ta? Do phá ta nên nó mới là địch. Địch mà không phá ta mới là chuyện lạ.

Phá là việc của địch, còn ngã đổ là chuyện của ta. Nếu cử đổ lỗi cho địch thì rồi chẳng biết cách nào mà sửa. Địch phá Liên Xô ư? Phá sao bằng thời kỳ trước đó, khi 14 nước đế quốc tập trung bao vây nhà nước nhân dân còn non trẻ, rồi nội chiến, rồi chủ nghĩa phát-xít đã tập trung cao độ lực lượng với nửa nghìn sư đoàn thiện chiến trong đại chiến thế giới lần thứ 2 để tiêu diệt Liên Xô, nhưng không tiêu diệt được.

Ngược lại, Liên Xô đã lớn mạnh thành một cường quốc hàng đầu thế giới. Sao bây giờ địch giỏi vậy, tài tình vậy, chẳng tốn một viên đạn mà Liên Xô vẫn đổ ào không cứu vãn được, cứ như một cơn đột quỵ dữ dội và bất ngờ. Địch mà giỏi như vậy thì thật đáng kính phục?

Những nhà tuyên truyền “ngây thơ” đã vô tình tâng bốc địch, vậy mà cứ tưởng thế mới là có lập trường địch - ta. Bản chất của vấn đề Liên Xô đổ là tự đổ, do tha hóa quyền lực mà đổ, do không thể tự đứng được nữa mà đổ, do thối nát mà đổ, chứ chẳng phải ai xô ngã được. 

Có những người có quyền lực trong tay trở nên tha hóa. 
Ảnh minh họa: Shutterstock/Thanh niên

Tham nhũng, lợi ích nhóm lan cả vào chốn thiêng liêng

Đặc điểm chính trị quan trọng nhất của xã hội xã hội chủ nghĩa (XHCN) chân chính là quyền lực thật sự và luôn luôn thuộc về nhân dân. Chỉ khi ấy mới có một nền chính trị thật sự tốt đẹp và bền vững.

Thực tế lịch sử nhân loại đã cho thấy: nhà nước của chủ nô, của vua và các tập đoàn phong kiến, nhà nước của quan lại tha hóa (như Liên Xô giai đoạn sau chẳng hạn) và nhà nước của tài phiệt (tư bản hoang dã thời kỳ đầu) cuối cùng đều phải ngã đổ và kết thúc. Chỉ có nhà nước của dân, thật sự của dân, thì mới bền vững lâu dài, vì dân là vạn đại.

Vì vậy, việc kiểm soát quyền lực vừa là giá trị nhân văn của một xã hội tiến bộ, phòng chống sự tha hóa của Nhà nước và xã hội, đồng thời là để thực hiện mục tiêu XHCN chân chính, để có được một nhà nước bền vững lâu dài phục vụ nhân dân.

Khi quyền lực không được kiểm soát thì mặt trái của nó chính là tác nhân quan trọng nhất làm tha hóa cán bộ, tha hóa những con người được trao quyền lực, rồi tha hóa cả bộ máy, làm cho bộ máy bị biến chất, không còn là nhà nước của dân, mà dần dần thành nhà nước phản bội nhân dân.

Trong bất kỳ điều kiện nào, sự tha hóa quyền lực ở cán bộ và các cơ quan lãnh đạo quản lý, đều là nguyên nhân lớn nhất làm cho đạo đức xã hội xuống cấp, văn hóa suy đồi, dân tộc bị mất dần sức mạnh nội sinh, xã hội trì trệ và quốc gia không thể hưng thịnh, không có đủ sức mạnh để bảo vệ Tổ quốc, mục tiêu XHCN tốt đẹp mà nhiều người đã từng mong ước cũng trở nên xa vời và mơ hồ.

Lịch sử nước ta đã từng có nhiều lần do tha hóa quyền lực mà dẫn đến mất nước. Hầu hết các triều đại phong kiến Việt Nam đã từng bị sụp đổ vì tha hóa quyền lực. Triều đại sau được dân chúng ủng hộ lên thay, rồi cũng tha hóa tương tự, lặp lại như cũ. Ngay cả những triều đại đã một thời rất huy hoàng, có công lao to lớn bậc nhất với lịch sử dân tộc nhưng sau đó cũng tha hóa và sụp đổ (như nhà Lý, nhà Trần, Hậu Lê và Tây Sơn chẳng hạn).

Nhiều năm qua lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đã rất nhiều lần đề ra chủ trương và kêu gọi phải chống tham nhũng, chống “lợi ích nhóm” tiêu cực, cũng đã mất nhiều công sức cho công việc khó khăn và vất vả này, nhưng kết quả vẫn còn rất hạn chế. Tình hình tham nhũng, “lợi ích nhóm” chẳng những không dừng lại, mà đang còn khá phổ biến và phức tạp, gây nhức nhối xã hội, đau đầu các cơ quan lãnh đạo đất nước.

Nó cứ lan rộng dần vào tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, của công việc quản lý và quản trị quốc gia, vào ngay trong các lĩnh vực mà trước đến nay thường được cho là trong sạch, thiêng liêng (như lĩnh vực dạy người, cứu người, an ninh quốc gia, nắm cán cân công lý để bảo vệ sự nghiêm minh, kể cả cơ quan ở cấp cao, cả nhà thờ, chùa chiền, cả lĩnh vực làm từ thiện, nhân đạo, chính sách đền ơn đáp nghĩa…).

Điều đó có nguyên nhân trực tiếp quan trọng nhất là chưa làm tốt việc kiểm soát quyền lực, nói thẳng và mạnh hơn là quyền lực về cơ bản chưa được kiểm soát, từ đó dẫn đến tha hóa cán bộ và các tổ chức trong bộ máy lãnh đạo quản lý.

Vũ Ngọc Hoàng
*Tiêu đề, các tiêu đề phụ của bài viết do Tuần Việt Nam đặt.

29 nhận xét :

  1. Những điều bác Hoàng nói không có gì mới, chỉ mới ở chỗ Bác là Nguyên cán bộ cấp cao đã nói ra điều này. dù sao, đây cũng là sự ngưỡng mộ của độc giả đối với một tờ báo lớn của đất nước, đã bắt đầu tỉnh ngộ cho đăng những bài như thế này với hy vọng mọi người chung tay giữ gìn đất nước. Ai sẽ là người đủ khả năng gột sạch vết nhơ bây giờ? Không thể để đất nước như thế này được!!!

    Trả lờiXóa
  2. Cơ chế vậy nên không tha hóa mới là chuyện lạ. Cơ chế tạo ra quyền lực, quyền lực tạo ra tiền, tiền mua quyền lực, có quyền lực lại tạo ra tiền. Một vòng luẩn quẩn của sự tham lam vô độ.

    Trả lờiXóa
  3. Bài viết của ông Vũ Ngọc Hoàng dài, tóm lại chỉ nêu ra được tha hóa quyền lực ở Liên Xô(1917-1991) hay ở ta bây giờ là do không kiểm soát tốt được quyền lực. Khi nói về nguyên nhân của sự tha hóa quyền lực ông hoàng cũng chỉ đưa ra được ý kiến là quyền lực bị trao vào tay những người kém về phẩm chất và nhân cách...Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Cái cần phải được nêu bật hơn để kiểm soát quyền lực chống sự tha quyền lực, là do thể chế lạc hậu và lỗi hệ thống mới là nguyên nhân của mọi nguyên gây ra sự tha hóa về quyền lực thì ông Hoàng chưa dám thẳng thắn nêu ra. Là một thường dân tôi thiển nghĩ để có sự kiểm soát tốt nhất quyền lực, thì thể chế của một nhà nước tam quyền phân lập đang hiện hữu ở nhiều quốc gia phát triển văn minh, mới kiểm soát được quyền lực có hiệu quả nhất.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mình rất đồng tình với ý kiến của bạn Văn Quang. Tuy nhiên mình cũng muốn nói thêm rằng: Bài viết của Vũ Ngọc Hoàng đã phân tích khá sâu sắc mặt trái của quyền lực cũng như tác hại của việc đặt quyền lực vào tay những kẻ thiếu nhân cách và không có cơ chế kiểm soát quyền lực thì sẽ gây hậu quả khôn lường. Còn muốn có cơ chế kiểm soát quyền lực thì tất yêu phải tam quyền phân lập, phải để cho dân có thực quyền có lẽ ông Hoàng muốn bàn ở một bài khác chăng?

      Xóa
  4. Kẻ nào bán nước xin ông chỉ đích danh. Lập luận vòng vo, đưa tin mập mờ, ai nói chẳng được.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đồng ý. Đã đến kúc phaỉ nói thẳng, nói thật. Ai ? làm gì? Dân cần phải biết để bắt họ phải chịu trách nhiệm (và xử lý đến nơi đến chốn)

      Xóa
    2. Ông Vũ Ngọc Hoàng ở ngay trong nước mà nói vậy cũng rõ ràng và can đảm lắm rồi nhưng bác xem ra khe khắt qúa đấy !

      Xóa
  5. Tam quyền phân lâp,cac đảng phái cạnh tranh nhau bình đăng,minh bạch trong các cuộc bầu cử là cách tốt nhất và duy nhất để kiểm soát quyền lực.Khi nào CSVN chưa chấp nhận điều nây thì quyền lực không kiểm soát được.

    Trả lờiXóa
  6. Bài viết thể hiện rõ thực trang hệ thống chính trị của Việt Nam hiện nay đang trong hoàn cảnh quyền lực bị tha hoá đặc biệt nghiêm trọng mà không có khả năng ngăn chặn. Sự sụp đổ chế đô không là viễn cảnh mà là cận cảnh và chỉ còn là vấn đề thời gian mà hoà toàn không phải sụp đổ do thế lực thù địch bên ngoài tác động...Bác Hoàng viết đúng lắm, hay lắm , xuất sắc lắm...Gieo nhân nào găp quả đó dứt khoát quả nầy là quả của cây lá ngón rùi bác Hoàng ạ!!!!

    Trả lờiXóa
  7. Đây là những lởi cảnh tỉnh cho Đảng và Nhà nước ta !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đây là những lởi cảnh tỉnh cho Đảng và Nhà nước không phải của chúng ta!

      Xóa
    2. đảng nào là đảng ta?"đảng ta"chỉ là một phần với một số người thôi chứ không thể là của toàn thể nhân dân Việt Nam đâu bạn ạ

      Xóa
  8. Tôi đang là 1 người dân, nếu có quyền lực tôi cũng tham nhũng. Ông Vũ Ngọc Hoàng nếu đang có quyền lực ông cũng tham nhũng. Người châu Âu, châu Á, châu Mỹ vv đều có lòng tham nếu có quyền lực đều tham nhũng. Vấn đề là nếu cơ chế tốt muốn tham nhũng cũng khó. Nhưng ở Việt Nam là độc đảng mà cái đảng này ăn hại đái nát, độc đảng là cơ chế tốt nhất cho tham nhũng phát triển.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi cũng đang là 1 người dân, và nếu có quyền lực tôi không tham nhũng.
      Bạn thấy sao? Chắc tôi nói sai? Rất thất vọng, vì những người như bạn đang làm xã hội xấu đi.

      Xóa
  9. Ngày xưa Đảng lãnh đạo Nhân dân vùng lên đánh đuổi thực dân, lật đổ quan lại, cường hào, ngày nay Đảng lãnh đạo nhân dân chống lại chủ nghĩa cá nhân, tham nhũng, lẵng phí...nhưng những người tham nhũng lại là người của Đảng ! Oáy oằn thay !

    Trả lờiXóa
  10. Hôm qua VTV1 phát hình buổi lễ quốc tế kỷ niệm 30 năm quyền được phát triển. Ông bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh đọc diễn văn rất "oách", trong đó có đoạn đại ý : phải bảo vệ quyền được phát triển của con người về mọi mặt, phải bảo vệ và tạo điều kiện phát triển cho những thành phần dân chúng dễ bị tổn thương.
    Nghe ông bộ trưởng ngoại giao Minh phát biểu mà muốn cười té ghế!
    Phát triển mọi mặt gì mà anh Ba Sàm và cô Minh Thúy bị bỏ tù vì thực thi quyền được thông tin và quyền tự do tư tưởng, ngôn luận có ghi trong hiến pháp của cái chế độ CHXHCN Việt Nam này?
    Bảo vệ sự phát triển của thành phần dễ bị tổn thương thì hãy nhìn xem! Cả triệu ngư dân đói kém kia kìa! Vì ba cái đồng bạc lẻ mà cho con quái vật Fomosa nuốt trọn mấy trăm kí lô mét bờ biển. Phát triển như thế hả? Hả?
    Chưa hết, trong khi ông bộ trưởng ngoại giao to mồm ngoài diễn đàn thế giới thì dân oan Cấn Thị Thêu_một người đàn bà nhỏ thó, gầy còm, hiền lành, lương thiện bị nhà nước cướp đất_ lại bị hai ông công an to khỏe như đô vật, áo giáp, nón sắt hai bên dùng vũ lực, dùng cái sức của kẻ cục súc dẫn giải về trại giam chỉ vì nói lên tiếng nói của lương tâm. Phát triển kiểu gì thế? Ông bộ trưởng ngoại giao Minh???
    Bây giờ thông tin tràn ngập, những chính khách cái mồm leo lẻo đã là một hình ảnh lỗi thời và đáng thương hại!

    Trả lờiXóa
  11. Bài hay nè các bác http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160922-cuba-raul-phuc-han-fidel-sau-50-nam-an-nhan-cho-thoi

    Trả lờiXóa
  12. Người có vẻ tài ba nhất trong số các lãnh đạo cấp cao của các ông cs là ông HCM mà còn chẳng thể nào kiểm soát nổi quyền lực bị cho ra dìa thì nay ổng mất rồi đương nhiên là quyền lực sẽ bị tha hóa , y chang các chế độ phong kiến xưa kia. Cách tốt nhất để kiểm soát quyền lực là đa đảng và tam quyền phân lập , tự do báo chí thì các ông lấy hết lí do nọ kia để ngăn cấm , đàn áp thì , theo lẽ tự nhiên, các ông phải tự ăn đuôi của chính mình là đúng rồi. Sau còn ăn luôn cả đầu nữa ấy chứ !

    Trả lờiXóa
  13. Ông VNH nói được vậy là quý lắm rồi . Ngay từ lúc còn tại vị ông đã dám nói những điều ông nghĩ chứ không như nhiều người về hưu vẫn phải làm người tật nguyền câm điếc mũ ni che tai

    Trả lờiXóa
  14. Ông tiến sĩ này thật buồn cười! Suốt ngày càm ràm cái đảng này tha hóa! Nó tha hóa thì kệ nó! Trong một thể chế đa đảng thì cái đảng nào tha hóa tức là nó tự đào hố chôn nó! Đảng khác sẽ lên nắm quyền, đất nước vẫn phồn vinh, dân tộc vẫn mạnh khỏe! Còn cái đảng nào tha hóa thì người ta bịt mũi! Lúc đó chẳng có ai dám nhận mình là đảng viên của cái đảng thối tha ấy nữa!
    Có gì đâu phải suốt ngày rên rỉ, càm ràm! Hả?

    Trả lờiXóa
  15. Xin mời nguyên phó trưởng ban tuyên giáo trung ương đọc link dưới đây và cho biết ý kiến về vấn đề này (link duy nhất chưa bị tháo gỡ)trân trọng:
    http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/09/160923_ex_pm_tandung_as_lecturer

    Trả lờiXóa
  16. Ai có quyền bán,chỉ có Vua mới có quyền,bây giờ là một tập thể vua nên bán càng nhanh

    Trả lờiXóa
  17. Cái mà ông Hoàng nói về thực chất là nói về đạo đức công chức. Còn hiện tượng tham nhũng phần nhiều liên quan đến cơ chế. Một Cơ chế độc đảng, độc tài thì không tham nhũng mới là lạ. Giải pháp là cho phép cạnh tranh chính trị bằng đa đảng, quân đội phải đứng ngoài chính trị thì sẽ giảm ngay tức thì tham nhũng.

    Trả lờiXóa
  18. Ta có cảm tưởng những người lãnh đạo đảng và nhà nước này họ như bị uống một thứ thuốc 'lú'. Trước đó họ là những con người bình thường có lý tưởng và lương tâm. Thế mà khi vào đảng CS và có chức quyền thế là họ như bị nhốt vào cùng một cái rọ và được uống thuốc lú. Họ nghĩ, nói, làm như nhau. Cứ như thế tới ngày hôm nay họ không còn ra một con người nữa, mà thành một bầy đi theo tiếng roi nẹt của người chăn dắt và bắt họ đi đâu là họ phải theo đấy. Khốn khổ thay!

    Trả lờiXóa
  19. lúc đương quyền ngồi im thin thít, khi về hưu chém gió tưng bừng.

    Trả lờiXóa
  20. Thưa ông Vũ Ngọc Hoàng: Trong bài này ông đã nói được thực trạng tha hoá quyền lực, nguy cơ sụp đổ chế độ và sự cần phải kiểm soát quyền lực, nhưng điều đáng tiếc là ông chưa nói tới nguyên nhân của sự tha hoá quyền lực và làm thế nào để kiểm soát quyền lực?
    Theo tôi có 2 nguyên nhân chính đó là sự độc tài của đảng CSVN, đó là sự thống trị của đảng CSVN trong cả 3 tổ chức lập pháp, hành pháp và tư pháp. Vậy thì con đường duy nhất đúng và vô cùng cấp bách là hãy đập tan sự thống trị của đảng CSVN, thành lập một nhà nước cộng hoà tổng thống đa đảng với thiết chế tam quyền phân lập. Điều này ông không biết, không giám nói hay chưa nói? Tôi và có lẽ rất nhiều người dân rất muốn ông nói ra điều này. Xin cảm ơn.

    Trả lờiXóa
  21. Chỉ cần 30% cán bộ và dân chúng lên tiếng như ông thì xã hội đổi thay tốt đẹp rồi. nói còn hơn ko.

    Trả lờiXóa
  22. Tiếc rằng ông Vũ Ngọc Hoàng nói quá trễ, khi kẻ ác đã thực hiện xong mưu đồ của mình!
    Ông Hoàng bây giờ thuộc "quân nguyên", và cái ngai vàng mà ông ám chỉ duy nhất là ghể TBT của ông đương Nguyễn Phú Trọng!
    Ông N.P. Trọng không còn nhiều đồng minh trong chiến dịch "đuổi muỗi, diệt ruồi"!

    Trả lờiXóa
  23. Giữa thời "tuấn kiệt như lá mùa thu" thì một ý tốt của bất kỳ ông NGUYÊN nào cũng tốt rồi! Thêm bạn là bớt thù , bà con ta cũng nên tỉnh táo . Tôi đồ rằng trong trang chú Tễu có khi cũng có vài tay DLV chuyên chửi xéo những ý kiến hối lỗi này , nhằm mục đích gì thì bà con tự ngẫm.

    Trả lờiXóa