Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2016

ĐƯỜNG TRƯỜNG SA SỤT LÚN - LẠI DO NHÀ THẦU TRUNG QUỐC


Đường Trường Sa sụt lún nghiêm trọng: Lại nhà thầu Trung Quốc 
Thứ Bảy, 06/08/2016 07:18

Nguyên nhân không phải do chất lượng thiết kế, thi công nền đường, mà do hệ thống kè của nhà thầu Trung Quốc xây dựng quá kém. 

Ngày 4/8, người dân phát hiện vỉa hè và một phần đường Trường Sa (đoạn qua cầu số 5, phường 14, quận Phú Nhuận, TPHCM) xuất hiện tình trạng sụt lún nghiêm trọng. Khu vực sụt lún lan rộng là vỉa hè bờ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đến hết làn đường dành cho ô tô và dài khoảng 7-8 m, có điểm lún sâu đến nửa mét.

Trao đổi với Đất Việt, trước thực trạng trên, ngày 5/8, ông Lê Văn Thịnh - nguyên trưởng phòng quản lý chất lượng công trình xây dựng 1 Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: "Dự án kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là một dự án lớn với nhiều hạng mục công trình trải rộng trên diện tích 3.300 ha. 

Dự án do Sở Giao thông Công chính TPHCM làm chủ đầu tư, Công ty tư vấn quốc tế của Mỹ - CDM Smith Inc làm tư vấn thiết kế và giám sát thi công.

Theo kế hoạch , dự án được thực hiện trong giai đoạn 2003-2007. Do tính chất phức tạp của công trình, dự án được chia làm nhiều gói thầu. Mặc dù dự án được khởi động từ năm 2003, nhưng cho đến nay mới chỉ có năm gói thầu được thi công nhưng tiến độ rất chậm.

Duong Truong Sa sut lun nghiem trong: Lai nha thau Trung Quoc
Ông Lê Văn Thịnh
Còn khu vực đang xảy ra sụt lún thuộc gói thầu số 10, của nhà thầu China State Construction Engineering Corporation (CSCEC) - Trung Quốc.

Bản thân nhà thầu này khi thực hiện gói thầu cũng đã gặp rất nhiều tai tiếng, thi công chậm tiến độ. Khi thi công thì công việc chủ yếu của nhà thầu là nạo vét kênh, sản xuất, đóng cừ bê tông".

Bên cạnh đó, theo ông Thịnh, vấn đề của công trình này là khi làm hai bên tường cừ của kè Nhiêu Lộc - Thị Nghè không tốt, cho nên xảy ra hiện tượng giữa khe cừ bị hở, tạo điều kiện cho đất bên trong bờ kênh theo đường khe hở đó, đi ra ngoài.

Cùng với đó là hệ thống triều cường, nước lên, nước xuống, tạo nên áp lực thủy động rất lớn, tạo dòng nước ngầm kéo đất cát chảy ra kênh, dẫn đến hiện tượng sụt lún như hiện nay.

Chắc chắn không phải do chất lượng thiết kế và chất lượng thi công nền đường kém, điểm quan trọng nhất là chất lượng thi công hệ thống kè lại kém, đến sụt lún.

Khó khắc phục triệt để

Về biện pháp khắc phục, theo ông Thịnh, phía Ban quản lý dự án vệ sinh môi trường TPHCM (chủ đầu tư) đã có một gói thầu 10D do Tổng công ty Xây dựng số 1 TNHH Một thành viên (CC1) - thi công xử lý khe hở tường cừ, gia cố mố cầu của dự án vệ sinh môi trường thành phố lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Đây là công tác khắc phục lại những khiếm khuyết nhà thầu Trung Quốc để lại.

Tất nhiên CC1 làm rất cẩn thận nhưng không thể kiểm soát được hết, bởi cả một bờ kênh như vậy, xử lý kiểm tra rất khó, bình thường nếu đi nhìn bằng mắt, xem dưới kênh cũng không biết chỗ nào rò rỉ. Cho nên, việc khắc phục của CC1 không thể triệt để, dù bài bản.

Cho nên, theo ông Thịnh, tình trạng này sẽ tiếp tục xảy ra, chứ không chỉ lần này, dù trước đó đã nhiều lần xảy ra sự cố. 

Duong Truong Sa sut lun nghiem trong: Lai nha thau Trung Quoc
Điểm sụt lún "ăn" hết nửa đường Trường Sa

"Chúng ta có rất nhiều biện pháp để có thể khắc phục, nhưng vừa mất công lại vô cùng tốn kém. Ở đây, phải có cách để cho đất không trôi ra được. Biện pháp tích cực nhất CC1 đã làm, đó là phát hiện chỗ nào bị hở thì bơm vữa xi măng xuống, đây là biện pháp hay và tích cực nhất, hiện đã làm rồi.

Họ bơm từ trên xuống, bên dưới dùng hệ thống ghe thuyền, ghép cốt pha tại chỗ, rồi bơm, bao giờ đông cứng lại thì thôi", ông Thịnh chỉ rõ.

Về trách nhiệm, theo vị chuyên gia trên, việc sụt lún trên là do nhà thầu thi công Trung Quốc, chất lượng thi công kém, không đảm bảo chất lượng. Nhưng do đã hết thời hạn bảo hành, bảo trì nên không thể yêu cầu họ chi tiền sửa chữa.

Cho nên, chủ đầu tư phải đảm nhận việc bảo trì, nhưng hiện nay Ban quản lý dự án vệ sinh môi trường TPHCM đã bàn giao lại Khu quản lý giao thông đô thị số 1, nên thực tế họ đã hết trách nhiệm. Và bây giờ trách nhiệm bảo trì thuộc về chủ quản lý sử dụng công trình.

Vì vậy, ông Thịnh khẳng định: "Biện pháp tốt nhất hiện nay, đó là tiếp tục bảo trì, thuê CC1 đứng ra làm, với biện pháp kiểm tra thường xuyên, chỗ nào tường cừ hai bên bờ kênh bị hở thì họ ghép cốt pha rồi bơm vữa xi măng vào.

Công trình nào cũng phải bảo trì, không có gì lạ, ngay cả một ngôi nhà bình thường nếu không có sự duy tu, bảo trì thì cũng dễ bị hư hỏng. 

Đối với toàn bộ hai bên tường rào của tuyến đường Trường Sa - Hoàng Sa, dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè phải có chế độ bảo trì. Bởi vì hiện tượng sụt lún sẽ còn xảy ra, nếu bảo trì thì sẽ giảm bớt đi. 

Khu quản lý giao thông đô thị số 1 có trách nhiệm thực hiện việc này theo quy chuẩn bảo trì mà nhà thầu thiết kế Mỹ đã đưa ra".

"Trái đắng" của nhà thầu Trung Quốc

Nhìn nhận vấn đề ở góc độ tổng quát, theo ông Thịnh, nói chung các công trình hạ tầng kỹ thuật TPHCM, đặc biệt giai đoạn 2 của kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nếu để nhà thầu Trung Quốc vào làm thì đó là vấn đề đáng quan ngại. 

"Tôi e ngại chất lượng các nhà thầu Trung Quốc, họ vào đấu thầu bằng bất kỳ giá nào, giá rất rẻ đến khi họ làm họ thực thi lại không tốt, vì giá thành quá rẻ.

Mà công tác quản lý chất lượng nó phụ thuộc vào 5 chữ M, Men là con người, nghĩa là năng lực của nhà thầu. Money là tiền, tiền nào của ấy. Materials - vật tư, vật liệu. Machine - thiết bị máy móc, thi công đảm bảo chất lượng. Method - phương pháp quản lý.

Nhà thầu Trung Quốc quản lý theo kiểu du kích, chộp giật thì không thể nào tốt được, cho nên, nếu còn lựa chọn nhà thầu Trung Quốc thì không riêng TPHCM, mà các nơi khác cũng sẽ gặp "trái đắng".  Riêng với công trình hạ tầng phải nói hai từ "Never".

Ngay cả dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 2, hay nhà máy xử lý nước thải mà nhà thầu Trung Quốc trúng thầu thì đó là điều đáng quan ngại", ông Thịnh nhấn mạnh.

Một vấn đề khác trong lựa chọn nhà thầu, được ông Thịnh chỉ ra, đó là cách ra đầu bài, tiêu chí lựa chọn phải có tầm và có tâm thì mới lựa chọn thích đáng.

Trong hồ sơ mời thầu phần chỉ dẫn kỹ thuật rất quan trọng, nếu chỉ dẫn tốt sẽ lựa chọn được nhà thầu tốt, loại bỏ các nhà thầu không đáp ứng được, còn nếu không sẽ đem lại kết quả ngược với những gì mong muốn.

Châu An

2 nhận xét :

  1. làm gì có chuyện ấy. Các bác cứ đùa Em còn nhớ ông thơ Việt Phương viết: " Ta mường tượng rằng đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sỹ.Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ" cơ mà

    Trả lờiXóa
  2. Mẹ kiếp lại mời mọc kẻ thù truyền kiếp vô nhà để làm sao mà kg thiệt hại được????

    Trả lờiXóa