THƯ NGỎ GỬI QUỐC HỘI VIỆT NAM
YÊU CẦU TRƯNG CÀU DÂN Ý VỀ BA VẤN ĐỀ LIÊN QUAN
ĐẾN FORMOSA VÀ MÔI TRƯỜNG
Nguyễn Trung
Hà Nội, ngày 18 tháng 7 năm 2016
Kính gửi: Quốc hội khoá 14 của nước Cộng Hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Đồng kính gửi các quý vị:
– Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư ĐCSVN,
– Trần Đại Quang, Chủ tịch nước CHXHCNVN,
– Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCNVN,
– Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội khoá 14
I
Xin thưa,
Vì những thảm hoạ môi trường đã, đang xảy ra và những hệ luỵ đang uy hiếp sự tồn vong của đất nước, tôi là công dân Nguyễn Trung, xin trân trọng đề nghị Quốc hội khoá 14 tiến hành trưng cầu ý dân cho ba (ba) vấn đề sau đây:
1. Đóng cửa và xoá bỏ khu công nghiệp Vũng Áng Formosa đang tồn tại và hoạt động theo giấy phép hiện hành.
2. Chuyển cảng biển Sơn Dương với tính chất là một bộ phận cấu thành của khu công nghiệp Vũng Áng Formosa thành cảng biển BT (Build and Transfer – xây dựng và chuyển giao) của nước Cộng Hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, do chủ thể Khu công nghiệp Vũng Áng Formosa xây dựng và chuyển giao cho phía Việt Nam theo luật pháp của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam dành cho thể thức “xây dựng & chuyển giao (BT)”.
3. Quốc hội khoá 14 ra lời kêu gọi nhân dân đứng lên đoàn kết bảo vệ môi trường: Toàn dân dốc sức cứu môi trường bị xâm hại như cứu hoả cho đất nước, đồng thời nỗ lực bảo vệ, tôn tạo môi trường hiện còn gìn giữ được; cùng nhau hậu thuẫn, thúc đẩy và giám sát trong cả nước việc thực thi pháp luật và các chủ trương chính sách đã ban hành liên quan đến bảo vệ môi trường; tham gia sửa đổi hệ thống luật pháp và các chủ trương chính sách hiện hành liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong tình hình mới của đất nước; tranh thủ mọi sự giúp đỡ có thể của cộng đồng thế giới cho việc cứu và bảo vệ môi trường của đất nước.
II
Xin được kiến giải sau đây cho ba việc cần phải làm nêu trên:
1. Về đóng cửa khu công nghiệp Vũng Áng Formosa
Xem xét mọi mặt những sự việc đã xảy ra và các hệ luỵ trong thực tiễn nước ta từ nhiều năm nay, gần đây nhất là tình trạng bế tắc và những gánh nặng nhiều mặt ngày càng lớn đất nước đang phải chịu đựng do việc khai thác bauxite Tây Nguyên; đánh giá sự lũng đoạn nham hiểm từ bên ngoài và tình trạng yếu kém chưa từng có do tha hoá tệ hại của hệ thống chính trị và quản trị quốc gia, lại trong bối cảnh đất nước đang cùng một lúc phải đối phó với nhiều khó khăn chồng chất – từ tình trạng đất nước đang bên miệng hố chiến tranh của khu vực và nguy cơ bị xâm lược, đến biết bao nhiêu thách thức kinh tế – chính trị – văn hoá – xã hội dồn dập…, cá nhân tôi thấy phải đóng cửa ngay khu công nghiệp Vũng Áng Formosa. Đây là giải pháp vô cùng cấp bách, đỡ tổn thất nhất và bớt đau đớn nhất cho đất nước, ngõ hầu mở được lối thoát cho quốc gia ra khỏi tình thế nguy hiểm hiện nay. Thực tế đang cho thấy: Ung nhọt Vũng Áng Formosa còn tồn tại thêm một ngày, đất nước sẽ thối vỡ thêm một ngày.
Cần dứt khoát cấm việc sản xuất thép tại đây, vì các lý do: (a) công nghệ sản xuất thép Formosa đem về Vũng Áng lạc hậu và gây ô nhiễm nặng rất khó xử lý, lại thêm sự quản lý và giám sát từ phía nước ta có quá nhiều yếu kém và lỗ hổng, (b) từ hàng chục năm nay cung đã vượt cầu khiến thị trường thép trên thế giới hầu như đóng băng, mặt khác quy mô sản xuất thép của Vũng Áng Formosa quá lớn và những ưu đãi ngoại lệ đến khó hiểu nó được hưởng có thể đè bẹp công nghiệp thép hiện có trong nước ta, (c) toàn bộ khu công nghiệp Vũng Áng Formosa hiện nay hàm chứa và đang phát sinh quá nhiều hiểm hoạ mọi mặt – bao gồm cả lĩnh vực an ninh quốc phòng – vượt tầm xử lý hiện nay của nước ta, (d) đẩy nước ta lún sâu vào tình trạng là bãi thải công nghiệp cho nước ngoài, gia tăng sự lệ thuộc kinh tế – chính trị của đất nước, tạo điều kiện cho bên ngoài lũng đoạn ngày càng sâu vào nội tình nước ta…
Để giảm thiểu tổn thất cho phía nước ta cũng như cho bên đầu tư nước ngoài, sau khi quyết định đóng cửa khu công nghiệp Vũng Áng Formosa, có thể đàm phán cấp phép mới cho khu kinh tế này theo đúng pháp luật hiện hành và thuận chiều với con đường phát triển của nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại như đã ghi trong Hiến pháp 2013 – bao gồm cả những vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường, kiên quyết loại bỏ các ưu đãi vượt/phá luật hoặc xâm hại chủ quyền và an ninh quốc gia.
2. Về việc chuyển cảng Sơn Dương của khu công nghiệp Vũng Áng Formosa thành cảng biển BT của Việt Nam
Các đặc quyền khu công nghiệp Vũng Áng Formosa được hưởng, cách vận hành của nó mang tính loại trừ hoặc vô hiệu hoá sự quản lý và quyền giám sát của nước chủ nhà, cùng với thời hạn thuê đất 70 năm và những hình thức lũng đoạn khác đã xảy ra, về nhiều mặt khu công nghiệp Vũng Áng Formosa đậm nét của một vùng đất tô nhượng ngay trên vị trí chiến lược của nước ta. Thực tế địa kinh tế và địa chính trị hiện nay của nước ta và trong khu vực không cho phép nước ta chấp nhận thực trạng này, nhất là đất nước ta đang ở trong tình trạng bên miệng hố chiến tranh của khu vực và cùng một lúc đang phải đối phó với nhiều thách thức hiểm nghèo từ nhiều phía. Trong bối cảnh như vậy, không thể chấp nhận có một cảng nước sâu có tính chất chiến lược của đất nước và trong khu vực Biển Đông là cảng Sơn Dương lại nằm gọn trong tay nước ngoài – cụ thể ở đây là Khu công nghiệp Vũng Áng Formosa, với các thành phần tham gia có không ít nghi vấn. Nhất thiết cần khắc phục ngay thực trạng đất nước trên thực tế đang “bị thọc sườn” như vậy, bằng việc chuyển đổi ngay cảng Sơn Dương với tính chất là cảng riêng của khu công nghiệp Vũng Áng Formosa thành cảng Sơn Dương “BT”, do nhà nước Việt Nam trực tiếp vận hành với các thể thức “BT” của luật pháp Việt Nam dành cho nhà đầu tư nước ngoài.
3. Về việc Quốc hội khoá 14 kêu gọi nhân dân cả nước đứng lên bảo vệ môi trường
Do những nguyên nhân chủ quan của trình độ phát triển, chế độ chính trị và con người, những nguyên nhân của tự nhiên, nhìn chung tình trạng ô nhiễm và huỷ hoại môi trường ở nước ta có thể nói đang ở mức báo động. Biến đổi khí hậu như đang diễn ra càng làm cho tình hình thêm quyết liệt. Tuy nhiên cần nhấn mạnh tệ nạn tham nhũng và những hệ luỵ, các hành động ăn cắp và ăn cướp tài nguyên quốc gia, cung cách làm ăn “bóc ngắn cắn dài.., kẻ ăn ốc người đổ vỏ…”, sự bất cập của hệ thống chuyên môn và quản trị quốc gia, cùng với thực trạng chưa tạo ra được sự quan tâm đúng mức của từng người dân cho bảo vệ môi trường đang là những nguyên nhân trầm trọng nhất. Đất nước đứng trước tình hình môi trường bị ô nhiễm hay phá huỷ đang gây ra những tổn thất ngày càng khó khắc phục, thậm chí đang kìm hãm hoặc kéo lùi sự phát triển của đất nước, mang lại ngày càng nhiều khó khăn và bất hạnh cho nhân dân, an ninh và tiền đồ phát triển của quốc gia bị uy hiếp. Đặc biệt thảm hoạ Formosa trên vùng biển Miền Trung đang gây ra nhiều hậu quả rất nghiêm trọng và lâu dài chưa lường hết được về các mặt bảo vệ môi trường sống, kinh tế nói chung và kinh tế biển nói riêng, bảo vệ biển đảo quốc gia, an ninh quốc phòng; quy mô vùng biển bị huỷ hoại quá lớn chưa có lý giải thuyết phục. Cần phải công khai minh bạch cho cả nước biết rõ toàn bộ tình hình của thảm hoạ này, phương hướng và các bước đi khắc phục để huy động sự tham gia của cả nước, tranh thủ sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.
Đã đến lúc Quốc hội khoá 14 cần kêu gọi toàn thể nhân dân đứng lên cứu môi trường bị xâm hại như cứu hoả cho cả nước, chung tay bảo vệ và tôn tạo môi trường còn gìn giữ được. Quốc hội quyết định ngay việc dứt khoát nghiêm cấm mọi hành vi trấn áp tinh thần và nỗ lực của nhân dân đứng lên bảo vệ môi trường. Tình hình đã đến lúc phải coi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn và hoàn cảnh cụ thể hiện nay của đất nước bắt đầu từ cứu môi trường bị xâm hại như cứu hoả cho cả nước, kêu gọi toàn dân dốc toàn lực và ý chí cho gìn giữ và bảo vệ môi trường để đẩy mạnh đất nước phát triển. Điều này chẳng những đúng với đòi hỏi khắc phục thảm hoạ môi trường đang xảy ra trên phần lớn biển Miền Trung, đúng với đấu tranh chặn đứng nạn ăn cắp và ăn cướp tài nguyên quốc gia, đúng với tạo áp lực bảo vệ và thực thi pháp luật – kỷ cương quốc gia nói chung và nhiệm vụ bảo vệ môi trường nói riêng, đúng với những đòi hỏi bảo vệ sức khoẻ và hạnh phúc của nhân dân, xây dựng văn hoá của nếp sống văn minh, đúng với đòi hỏi thực hiện và nâng cao vai trò là chủ đất nước của nhân dân… Có một nhân dân đoàn kết và làm chủ đất nước như thế, Việt Nam là bất khả xâm phạm và sẽ có tất cả!
Tôi chỉ lo hiểu biết của mình không nói lên hết được những điều cần nói ở đây. Song tôi hoàn toàn tin rằng trong hoàn cảnh hiện nay của đất nước, vận động cả nước đứng lên cứu môi trường bị xâm hại như cứu hoả, ra sức bảo vệ và tôn tạo môi trường còn gìn giữ được sẽ là bước đi đầu tiên mở ra con đường đổi đời đất nước và từng người dân.
III
Tôi hình dung được cái giá đất nước phải trả rất lớn và cả nước phải nỗ lực rất gian khổ trên các phương diện kinh tế, chính trị, pháp lý, đối ngoại… cho thực hiện ba việc phải làm đã trình bày trên (phần I). Sẽ là vô cùng đau đớn, song tôi cả quyết đấy là con đường “rẻ nhất” (với nghĩa đỡ tổn thất nhất) và là duy nhất mở ra cho đất nước lối thoát khỏi những nguy hiểm nhiều bề hiện nay, nhờ đó nước ta giảm được tụt hậu, và đồng thời có thể tạo ra thế và lực chuyển sang một giai đoạn phát triển mới.
Ba việc cực khó và vô cùng quan trọng này đòi hỏi cả nước phải hy sinh phấn đấu rất lớn, chính vì thế cần tổ chức trưng cầu ý dân để được chấp thuận và để cả nước một lòng một chí quyết tâm thực hiện. Cả nước sẽ sát cánh cùng với Quốc hội và Chính phủ phát huy trí tuệ, nghị lực và mọi nguồn lực để tìm ra cách thực hiện – đúng với tinh thần ngàn đời nay của đất nước: Thuận mọi bề không dân đành chịu, khó triệu bề dân liệu cũng xong!
Thiết nghĩ, trong bối cảnh hiện tại của đất nước ta và khu vực, lựa chọn ba việc phải làm như trình bày trên sẽ dấy lên một tinh thần Việt Nam mới đất nước lúc này nhất thiết phải có, để có thể đứng vững trên Biển Đông đầy sóng gió, và để làm được nghĩa vụ của mình vì hoà bình, hợp tác và phát triển đối với cộng đồng khu vực và quốc tế.
Quyết định trưng cầu ý dân về tiến hành ba việc trọng đại này, Quốc hội khóa 14 hiển nhiên sẽ khai phá được cho chính mình con đường nương tựa vào nhân dân để xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân phù hợp với những đòi hỏi mới của đất nước trong bối cảnh của khu vực và thế giới hôm nay.
Thư ngỏ này tôi đồng gửi đến Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với mong mỏi các quý vị, với tính cách là những đại diện cao nhất của Đảng Cộng Sản Việt Nam trong hệ thống chính trị của đất nước, sẽ làm cho Đảng của mình trở thành động lực quyết định của cả nước trong việc thực hiện ba việc phải làm đầy thách thức và khó khăn gian khổ này.
Tôi khát khao được bộc bạch với nhân dân cả nước ba việc hệ trọng phải làm nêu trong thư ngỏ này. Vì vậy, tôi kính mong Quốc hội khoá 14 trả lời kiến nghị của tôi cũng dưới hình thức thư ngỏ để bạch hoá với cả nước ý kiến của Quốc hội.
Trân trọng
Nguyễn Trung
Nguyên trợ lý cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 18-7-16
Trời bảo họ cũng không dám xoá bỏ Formosa! Bác Trung lại làm khó cho họ rồi! Giờ họ thì họ thực hiện 3 không kiểu Tàu: không nghe, không nói ,không nhìn.
Trả lờiXóaToàn thể gia đình chúng tôi hoàn toàn tán thành ý kiến của bác Nguyễn Trung là xóa bỏ formosa và những kẻ đã rước chúng vào phải bị nhân dân trừng trị đích đáng.
Trả lờiXóaTrần Bảo, Hà Nội
Ra cụ còn sống và trí tuệ phản tĩnh vẫn minh mẩn.Cám ơn những lời chân lý này
Trả lờiXóaYÊU CẦU QUỐC HỘI TRƯNG CẦU DÂN Ý VỀ FORMOSA!
Trả lờiXóaMỌI CÔNG DÂN HÃY TỰ CỨU LẤY BẢN THÂN VÀ GIA ĐÌNH BẰNG CÁCH THẲNG THẮN YÊU CẦU CÁC ĐBQH KHÓA 14 THỰC THI TRÁCH NHIỆM HỌ HỨA TRƯỚC DÂN: ĐƯA VỤ FORMOSA RA THẢO LUẬN VỀ MỌI MẶT VÀ TỔ CHỨC TRƯNG CẦU DÂN Ý VỀ CÁC GIẢI PHÁP CẦN ÁP DỤNG ĐỐI VỚI KCN FORMOSA HÀ TĨNH!
"sẽ làm cho Đảng của mình trở thành động lực quyết định của cả nước trong việc thực hiện ba việc phải làm đầy thách thức và khó khăn gian khổ này."
Trả lờiXóa(tác giả Nguyễn Trung)
*
Ông Nguyễn Trung vẫn còn niềm tin vào đảng. Cụ Nguyễn Khắc mai thì thật minh triết, cụ đứng cao hơn đảng, cao hơn cái quốc hội, cụ chỉ nhìn xuống mà nói, vì thật lòng cụ, cụ chẳng muốn ai rơi vào bi kịch cả!.
Quả thật, văn là người, có bao giờ sai!
Formosa chỉ là cái ngọn.
Trả lờiXóaQuyền "lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối" mới là cái gốc.
Nếu cái gốc vẫn chình ình ra đó thì có chặt ngọn này nó sẽ mọc ngọn khác,thậm chí là nhiều ngọn khác.
Sao ông Trung không hỏi dân xem có muốn duy trì cái gốc đó không?
Về lý thuyết thì cần trưng cầu ý dân, nhưng thực tế thì chẳng có tác dụng, thậm chí là tác dụng ngược vì chúng ta không có dân chủ.
Trả lờiXóaĐề nghị tru7nh cầu dân ý về sự tồn tại của Formosa
Trả lờiXóa