Thứ Tư, 13 tháng 7, 2016

Vụ án Phi kiện Tàu: NHỮNG PHÁN QUYẾT XUYÊN THẾ KỶ

Phái đoàn hùng hậu của Philippines tại trụ sở PCA. Ảnh PCA.
.
Vụ án Manila kiện Bắc Kinh về Biển Đông (22/1/2013—12/7/2016):

NHỮNG PHÁN QUYẾT XUYÊN THẾ KỶ

Phán quyết chiều 12/7/2016 của Tòa trọng tài (PCA) tại La Haye (Hà Lan) đã đáp ứng hầu hết mọi yêu cầu của Philippines. Liệu bản án này sẽ đánh gục chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời là phép thử đối với sức mạnh của luật pháp quốc tế? Quyết định cuối cùng, mang tính bước ngoặt này ảnh hưởng thế nào tới quyền lợi của Việt Nam? Bản án thế kỷ này sẽ vạch ra “đường phân thủy mới” giữa một ASEAN sẽ tan đàn xẻ nghé với bên kia là thế giới văn minh ngày càng kết nối hơn, chống lại chính sách của Trung Quốc độc chiếm Biển Đông?

HẢI ĐĂNG

16h hôm nay theo giờ Hà Nội, tức 11h ở Den Haag (La Haye, The Hague), Tòa trọng tài thường trực (PCA) tuyên bố Philippines thắng kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. PCA khẳng định yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý. Và tuyên bố Trung Quốc không có “quyền lịch sử” với các vùng biển trên Biển Đông. Theo báo Rappler của Phillippines, PCA sẽ không tổ chức bất kỳ buổi lễ nào để công bố kết quả phán quyết. PCA cho biết Tòa sẽ chuyển kết quả phán quyết cho các bên liên quan trước khi công bố rộng rãi cho công chúng. Reuters dẫn thông báo từ PCA ở The Hague cho biết, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong “đường lưỡi bò”. Tuyên bố đòi quyền lịch sử dựa trên “đường lưỡi bò” của Trung Quốc đi ngược lại với Công ước của Liên Hiệp Quốc. Đối chiếu với 7/15 vấn đề được thụ lý, thì hầu hết mọi yêu cầu của Manila đều được PCA kết luận. 

Thứ nhất, Toà phủ nhận giá trị pháp lý của đường lưỡi bò 9 đoạn của Trung Quốc.
 
Thứ hai, Tòa đã làm rõ quy chế pháp lý của các cấu trúc Trung Quốc thường xuyên có hành động sách nhiễu lâu nay.

Thứ ba,
Tòa kết luận không có thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể mang lại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cho Trung Quốc. Theo phán quyết, Trung Quốc đã gây ra những thiệt hại không thể khắc phục đối với hệ san hô ở quần đảo Trường Sa.

Manila, Bắc Kinh, Hà Nội

Thẩm phán Tòa Thượng thẩm Antonio Carpio từng nghiên cứu kỹ về vụ kiện này đã nhận xét: “Sự hung hăng của Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất từ bên ngoài đối với Philippines kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay”. PCA phân xử về vụ kiện do Philippines khởi xướng được thành lập vào ngày 21/6/2013 theo các thủ tục đề ra tại Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS1982). Với “chính sách ba không”, Trung Quốc đã tố ngược Phi không tuân thủ luật pháp, cho rằng PCA không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp và tuyên bố phán quyết của CPA không hề có hiệu lực đối với Trung Quốc. Dù bên ngoài tỏ ra bất cần, thực chất bên trong, Trung Quốc tỏ ra hoang mang. Chủ trương thì mâu thuẫn, nói không chấp nhận Tòa nhưng lại chạy đôn chạy đáo đi vận động dư luận. Tuy nhiên, việc Bắc Kinh gọi phán quyết của Tòa là “hồ đồ” cho thấy, bản án vừa tuyên chưa thể đánh gục ngay chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc trên Biển Đông. Theo nguồn tin từ phía quân đội Bắc Kinh, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình đã phát đi mệnh lệnh “chuẩn bị tác chiến”, yêu cầu quân đội “sẵn sàng cho cuộc chiến” để bảo vệ sự toàn vẹn chủ quyền và lãnh thổ Nam Hải (tức là Biển Đông). Chiến khu Miền Nam đã ở vào trạng thái cảnh giới cấp 1, Hạm đội Nam Hải, bộ đội tên lửa và không quân đã ở vào trạng thái trước chiến trận.


Quang cảnh phiên tranh tụng của Tòa trọn ... Philippines, tổ chức tại trụ sở PCA.

Trở lại với phán quyết chiều 12/7, thiết tưởng nên nhắc tới cựu ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario, người chỉ đạo hồ sơ vụ kiện Trung Quốc. Ông Del Rosario từng phân tích rằng, một phán quyết thuận lợi đối với các vấn đề mà Philippines nêu ra, đặc biệt là yêu cầu tuyên bố yêu sách của Trung Quốc là bất hợp lệ chiếu theo UNCLOS, có thể là một đòn nặng đối với Bắc Kinh và là thắng lợi tinh thần mang lại lợi thế cho Manila. Nhà ngoại giao Philippines này nhận xét, Manila có thể cùng với Washington và các quốc gia khác yêu cầu Bắc Kinh phải tuân thủ, trong các diễn đàn ngoại giao trên toàn cầu, kể cả trước Liên Hiệp Quốc. Nếu không chịu tuân theo, Trung Quốc có nguy cơ bị coi là một nhà nước bất hảo, vào lúc đang cố gắng mở rộng ảnh hưởng kinh tế và chính trị trên trường quốc tế. Có nhiều lý do để tin “Bắc Kinh đang lo lắng và cay cú, bởi vì họ hiểu rằng nếu một mình Trung Quốc chơi theo luật riêng của mình thì sẽ phải lãnh tổn thất lớn cả về ngoại giao, kinh tế và thậm chí là quân sự”. TS. Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển đã nhận xét như vậy với truyền thông trong nước trước giờ G, thời khắc PCA ra phán quyết về vụ kiện.

Trong khi Trung Quốc tuyên bố không chấp nhận vụ kiện, thì Việt Nam, ngay từ đầu đã gửi tuyên bố về chủ quyền của mình và yêu cầu tòa cân nhắc lợi ích và quyền lợi pháp lý của Việt Nam. Đó là mặt chủ động! Ngoài ra, phản ứng nhanh chóng của Bộ Ngoại giao ngay tối 12/7 cho thấy, Việt Nam hoan nghênh việc Tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng. Một lần nữa, Việt Nam khẳng định lập trường nhất quán của mình về vụ kiện này như đã được thể hiện đầy đủ trong Tuyên bố ngày 5/12/2014 của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Tòa trọng tài. Dư luận hẳn rất quan tâm đến việc Việt Nam sẽ có tuyên bố như thế nào về nội dung phán quyết của CPA. Tuy nhiên, cũng như trong tuyến bố trước đây vào ngày ngày 1/7/2016, người phát ngôn Bộ Ngoại giao lần này cũng không hề nói một lời nào để yêu cầu cả bên nguyên lẫn bên bị, phải tôn trọng và tuân thủ phán quyết của Tòa. Trong khi mọi phán quyết của PCA đều là quyết định cuối cùng, chung thẩm và mang tính bắt buộc đối với cả Trung Quốc lẫn Philippines. Chưa rõ tuyên bố sắp tới về quyết định của CPA sẽ ra sao, nhưng sau khi hoan nghênh phán quyết, Việt Nam không thể để các bên liên quan hiểu nhầm là nghi ngờ CPA thiên vị, vì trước đó, Việt Nam có kêu gọi PCA hãy đưa ra phán quyết “công bình và khách quan”!

Bản chất của vụ kiện ba năm rưỡi qua không phải là vụ kiện về các vấn đề chủ quyền. Vì thế, vấn đề tranh chấp chủ quyền đối với Trường Sa vẫn chưa được giải tỏa sau quyết định này. Tuy nhiên, phán quyết chiều 12/7 có thể có tác động thuận lợi đối với Việt Nam. Vì đây là phán quyết trực tiếp về đường lưỡi bò, bác bỏ hoàn toàn cơ sở pháp lý của nó. Đương nhiên, như thế là Việt Nam được hưởng lợi. Tòa trọng tài thuộc PCA cũng kết luận không có cấu trúc nào ở quần đảo Trường Sa có thể mang lại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cho Trung Quốc. Theo tòa, Trung Quốc đã gây ra những thiệt hại không thể khắc phục đối với hệ san hô ở quần đảo Trường Sa. Trung Quốc ngang nhiên vạch ra “đường lưỡi bò” hay còn gọi là “đường 9 đoạn”, đòi chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế. Một vấn đề khác được dư luận quan tâm là quy chế pháp lý của các thực thể ở vùng biển. Nếu coi phán quyết vừa tuyên bao gồm đảo, đá hoặc là bãi lúc chìm lúc nổi, thì có phần sẽ thuận lợi cho Việt Nam, đồng thời có khả năng thu hẹp những tranh chấp. Với một phán quyết như thế này, Trung Quốc không thể căn cứ vào việc chiếm một cấu trúc rồi tuyên bố chủ quyền hoặc những quyền được sinh ra ở vùng biển theo Công ước Luật biển được.

Đường phân thủy mới?

Tiên liệu được sức nóng của phán quyết chiều 12/7, từ khi diễn ra vụ án, đặc biệt trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã/đang ra sức phát động và thúc một đẩy chiến dịch toàn diện nhằm triệt hạ uy tín của Tòa trọng tài. Sử dụng các buổi họp báo, hội thảo chuyên môn, giới chức và học giả Trung Quốc cố gắng hết sức để biện hộ cho việc Trung Quốc không tuân thủ kết quả của vụ xử. Những lý do được viện dẫn là Tòa không có thẩm quyền, động cơ chính trị của Philippines có vấn đề. Thái độ đó của Trung Quốc dẫn đến những câu hỏi quan trọng về vai trò của các toà án quốc tế. Giá trị của phán quyết sẽ là gì khi mà ai cũng thấy rõ là Trung Quốc sẽ không chịu tuân theo? Thông thường thì hiệu lực của Tòa án quốc tế được đo lường qua việc quyết định của tòa có được tuân thủ hay không. Ngay trong giới chuyên giá quốc tế cũng có những lo ngại, danh tiếng và uy tín của UNCLOS sẽ bị đe dọa. Cơ quan trọng tài phải đối mặt với nguy cơ bị chối bỏ bởi các cường quốc muốn đứng ngoài vòng pháp luật. Do đó việc tuân thủ phán quyết trở thành trọng tâm của giới học giả theo chủ nghĩa lý tưởng trong quan hệ quốc tế, để phản biện lại lập trường của phái hiện thực cho rằng công pháp quốc tế chẳng có ý nghĩa lắm đối với các nền chính trị cường quyền.

Trái ngược với lập luận nói trên, nhiều ý kiến cũng từ chính các chuyên gia lại cho rằng, giá trị của phán quyết của Tòa trọng tài không nên chỉ đo lường bằng sự tuân thủ hay không. Tòa án trọng tài có nhiều chức năng phức tạp trong hệ thống quốc tế, đồng hóa giá trị của tòa với sự tuân thủ là hiểu sai lệch vai trò của họ. Giá trị của vụ kiện này đi xa hơn việc tuân thủ hay không của Trung Quốc và điều quan trọng là phán quyết 12/7 đã nêu rõ giá trị của công pháp quốc tế đối với những ai nghi ngờ về tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp quốc tế đối với an ninh và hoà bình toàn cầu. Tuy Trung Quốc một mực không công nhận, không tham gia vụ án, nhưng không thể không sợ hãi, vì sự phán xét của PCA có ảnh hưởng đến uy tín, vị thế quốc tế của Trung Quốc. Hơn nữa, Trung Quốc là nước lớn, là thành viên P5, không thể không quan tâm đến danh dự quốc gia, nên không thể chỉ tuyên bố không công nhận vụ án là xong. Tập Cận Bình là người rất quan tâm đến vị trí cường quốc của Trung Quốc đang trỗi dậy với “Giấc mộng Trung Hoa”, cho nên bị tố cáo là quốc gia vi phạm luật quốc tế, có hành vi bành trướng phi pháp là một điều không dễ chịu chút nào.

Phải khẳng định một thực tế là, với phán quyết 12/7, rồi đây cả Washington lẫn Bắc Kinh sẽ tiếp tục kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ các quan điểm của mình. Nhìn chung, lập trường của các nước khác nhau về vụ kiện trước PCA tùy thuộc việc họ là đồng minh của Hoa Kỳ hay Trung Quốc. Cuộc chiến ngoại giao dữ dội sẽ đẩy các nước nhỏ hơn và các khối quốc gia khu vực vào thế lưỡng nan, kể cả ASEAN, trong đó có các thành viên đòi hỏi chủ quyền Biển Đông. Nỗ lực của Philippines nhằm thúc đẩy khối ASEAN ra tuyên bố chung kêu gọi Trung Quốc tôn trọng phán quyết của tòa trọng tài đã bị ngăn trở bởi Lào và Campuchia, hai nước thực sự được hưởng nhiều bổng lộc từ Bắc Kinh. Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Singapore, kể cả Philippines là nước đã dám khởi kiện, cũng đều quan ngại trước các động thái tới đây của Trung Quốc. ASEAN hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận, có nghĩa là chỉ cần một nước thành viên cũng đủ để phá hoại nỗ lực của toàn khối. Tháng 2/2016, tại Mỹ, ASEAN đã nhất trí “tôn trọng triệt để mọi quy trình pháp lý và ngoại giao phù hợp với UNCLOS”. Tuy nhiên, đến tháng 6/2016, Thủ tướng Hun Sen lại lên tiếng phản đối bất cứ tuyên bố nào của ASEAN nhằm ủng hộ các phán quyết của PCA.

Với phán quyết như đã biết, chúng ta hiểu thêm thái độ rất “co giãn” của bên nguyên, tức việc tân Tổng thống Duterte có những tuyên bố khá mập mờ khiến nhiều nước lo ngại Philippines sẽ từ bỏ lập trường đấu tranh với Trung Quốc. Đừng vội phê phán ông Duterte theo chủ nghĩa dân túy! Chính khách nào thì cũng có những triết lý cầm quyền của mình. Đơn giản, ông Duterte không muốn để Trung Quốc hiểu là Philippines sẽ “thừa thắng xông lên”. Nhưng ông sẽ dùng phán quyết hôm nay như một công cụ mới trong cuộc đấu tranh lâu dài chống lại âm mưu bành trướng của Trung Quốc, dẫu là qua kênh song phương hay đa phương. Tương tự, quan hệ Mỹ—Trung cũng khó có thể bùng nổ ngoài tầm kiểm soát sau phán quyết chiều nay. Chưa ai quên cuộc Hội thảo tại Mỹ tập trung hơn 50 chuyên gia hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc do Viện nghiên cứu tài chính Sùng Dương chủ trì ngày 5/7. Các chuyên gia thảo luận quanh đề tài “Ưu tiên cản trở sự rạn nứt trong quan hệ Mỹ—Trung và khuyến khích sự điều phối, hợp tác giữa hai nước”. Ông Đới Bỉnh Quốc, cựu Ủy viên Quốc vụ viện, nhấn mạnh tại Hội thảo: “Phán quyết cuối cùng của PCA… không có giá trị gì, ngoài việc đó chỉ là một tờ giấy!” Theo thành viên cấp cao của Viện quốc tế hòa bình Carnegie Michael Swaine, Mỹ và Trung Quốc cần kiềm chế những tuyên bố nóng nảy và hãy xây dựng nền tảng để tháo ngòi nổ trong khu vực.

*

Như vậy, “đường phân thủy” không chỉ xuất hiện trong việc đánh giá vị trí và vai trò của luật pháp quốc tế, “giải phân cách” còn được thể hiện ngay trong giờ phút sự thật vừa được tuyên. Ai chính, ai tà? Thế giới văn minh phản ứng khá nhanh nhậy. Trong một thông cáo ngay tối 12/7, Nhật Bản đã khẳng định phán quyết của Tòa án ở The Hague là mang tính chung cuộc, ràng buộc pháp l‎ý, yêu cầu các bên liên quan tới vụ kiện thực hiện theo quyết định này. Ngoại trưởng Fumio Kishida tuyên bố rằng Nhật Bản đã luôn ủng hộ tầm quan trọng của luật pháp và việc sử dụng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hay cưỡng chế trong giải quyết tranh chấp hàng hải. Báo chí Châu Á tiết lộ Tokyo đang ráo riết vận động các đối tác trong nhóm G7 để cùng có một tiếng nói chung sau khi Tòa trọng tài Công ước Luật Biển ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố khẳng định phán quyết của PCA là "đóng góp quan trọng đối với mục đích chung của giải pháp hòa bình" cho các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông. Trong tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby bày tỏ hy vọng và mong muốn các bên sẽ tuân thủ những nghĩa vụ đối với phán quyết có tính ràng buộc pháp lý về Biển Đông nói trên. Washington đồng thời hối thúc “tất cả các bên có tuyên bố chủ quyền tránh những tuyên bố hoặc hành động khiêu khích” sau khi PCA ra phán quyết này./. 


.

1 nhận xét :

  1. Hoan hô Philippine, đội hình rất đẹp! nhìn mà xấu hổ cho cq ăn hại VN, chỉ giỏi ức hiếp dân nghèo, khốn nạn!

    Trả lờiXóa