Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2016

Lê Công Định: AI CÓ QUYỀN XÁC ĐỊNH THIỆT HẠI VÀ ẤN ĐỊNH GIÁ ?


Lê Công Định

AI CÓ QUYỀN XÁC ĐỊNH THIỆT HẠI VÀ ẤN ĐỊNH 
MỨC GIÁ BỒI THƯỜNG?

Khi xảy ra một hành vi có dấu hiệu phạm pháp, việc điều tra xác minh thuộc về một cơ quan chuyên trách thuộc ngành hành pháp.

Trong thảm hoạ môi trường do Formosa gây ra, Chính phủ - cơ quan hành pháp - đã uỷ quyền cho hai bộ phận trực thuộc mình là Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Công an tiến hành điều tra nguyên nhân và xác minh thủ phạm.

Do tính chất nghiêm trọng của thảm hoạ này, chắc chắn thủ tục điều tra không chỉ dừng ở cấp độ xem xét xử phạt vi phạm hành chính đơn thuần, mà xa hơn phải khởi tố vụ án theo thủ tục tố tụng hình sự.

Tất nhiên, theo Bộ Luật Hình Sự hiện hành, pháp nhân thương mại như Formosa không phải chịu trách nhiệm hình sự để bị khởi tố bị can, nhưng hành vi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải bị khởi tố vụ án để Toà án xác định thiệt hại và ấn định mức giá bồi thường.

Không hiểu vì sao nhà cầm quyền lại bỏ qua thủ tục tố tụng hình sự lẽ ra phải được khởi động một cách đương nhiên này? Đây là nghi vấn thứ nhất.

Kế tiếp, nếu tuân thủ đúng thủ tục tố tụng hình sự luật định tại Việt Nam, sau khi có kết quả điều tra ban đầu, Cơ quan điều tra phải chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát xem cần thiết hay không truy tố hành vi phạm pháp ra trước Toà án.

Dựa vào kết luận điều tra của Cơ quan điều tra, cáo trạng của Viện Kiểm sát và yêu cầu của các nạn nhân về bồi thường thiệt hại, chỉ Toà án - cơ quan tư pháp - mới có quyền xác định thiệt hại và ấn định mức giá bồi thường.

Tuy nhiên, những gì đã diễn ra trong 84 ngày kể từ khi xảy ra thảm hoạ cho thấy Chính phủ đã bỏ qua tất cả trình tự luật định cần thiết để tự mình điều tra và kết luận điều tra, qua đó tự mình xác định thiệt hại mà hoàn toàn không tạo điều kiện cho các nạn nhân thảm hoạ chính thức yêu cầu đòi bồi thường, rồi cũng tự mình làm việc riêng với thủ phạm và dễ dàng chấp nhận mức giá bồi thường 500 triệu USD mà thủ phạm đề xuất.

Điều gì đã khiến Chính phủ ngang nhiên vi phạm luật pháp và tự trao cho mình quyền của cơ quan tư pháp là Toà án trong việc xác định thiệt hại và ấn định mức giá bồi thường 500 triệu USD vừa vội vã, vừa đơn giản, đồng thời bất chấp mọi cơ sở pháp lý và khoa học như vậy? Mặt khác, Chính phủ đã được nhân dân uỷ quyền đại diện thương lượng về việc bồi thường thiệt hại với Formosa hay chưa? Đây là nghi vấn thứ hai.

Bởi lẽ nhà cầm quyền vi phạm luật pháp nghiêm trọng như nêu trên, các nạn nhân của thảm hoạ môi trường vẫn bảo lưu quyền luật định yêu cầu Toà án xét xử vụ án gây ô nhiễm môi trường này để tuyên những bản án công minh ấn định mức giá bồi thường thực tế và thoả đáng, ngõ hầu thực thi công lý.

Chúng tôi vẫn cố tin Việt Nam là nước tôn trọng luật pháp, nên bất kể nhà cầm quyền tuân thủ pháp luật hay không và bất kể Chính phủ đang nài xin người dân độ lượng đối với hành vi phạm pháp của Formosa, các nạn nhân hãy hành xử quyền khởi kiện đòi bồi thường của mình ra trước cơ quan tư pháp.
 
 

6 nhận xét :

  1. Luật là tao và pháp cũng là tao.
    Vụ Sơn Sắt tên thật là Nguyền Trường Sơn (Phó GĐ công ty TNHH Hoàng Sơn Thanh Hóa) bị bắt quả tang buôn lậu 2600 tấn dầu, là 1 trong 10 đại án năm 2014 đã được tại ngoại, không hề bị xét xử. Nay nó đang ung dung sống ngoài vòng pháp luật, đang xây dựng 1 khu du lịch ẩm thực ngay cạch khu du lịch FLC Sầm Sơn!
    Hỏi luật pháp đâu rồi

    Trả lờiXóa
  2. A Settlement Agreement

    A settlement agreement is an agreement between you and the plaintiff that resolves the court case without a trial or a judgment. In most cases, the settlement agreement will include a payment plan.
    Sự thoả thuận dàn xếp là sự thoả thuận giữa các bên nguyên đơn và bị cáo nhằm giải quyết một vụ án mà không cần ra toà hoặc xét xử. Trong hầu hết trường hợp thoả thuận sẽ bao gồm một chương trình chi trả.

    bởi vì sự thiệt hại thuộc về môi trường và sinh thái của một quốc gia nên trên nguyên tắc nguyên đơn phải là nhà nước VN (địa phương, thành phố, quận hạt) và bị cáo là nhà máy Formosa. Nhưng nhà nước VN chưa bao giờ thưa kiện Formosa. Như vậy, ở đây đã có một sự giàn xếp và đồng ý đưa đến kết quả là Formosa bồi thường cho VN số tiền 500 triệu USD.

    Vấn đề cần đặt ra là mức thiệt hại tầm cở lãnh thổ QG rất lớn, tại sao VN lại đồng ý một vụ giàn xếp cho Formosa tránh khỏi phải ra toà để phán xử công khai giống như một việc thu hồi nợ giữa các cá nhân hay công ty thương mại thôi ???

    Trả lờiXóa
  3. Không hiểu vì sao nhà cầm quyền lại bỏ qua thủ tục tố tụng hình sự lẽ ra phải được khởi động một cách đương nhiên này? Đây là nghi vấn thứ nhất.
    (luật sư Lê Công Định)

    Vì chính phủ nó không chịu tiến hành thủ tục tố tụng hình sự thì nên chăng người dân đòi hỏi quốc hội phải thành lập một ủy ban điều tra và đưa ra tòa? Hoặc như giáo sư Mạc Vân Trang yêu cầu trưng cầu dân ý? Đành rằng những nghị gật sẽ chẳng làm gì, nhưng tiền thuế đóng để cho nó ăn thì buộc nó phải há mồm!

    Trả lờiXóa
  4. Luật sư Định dư biết là tòa án Việt Nam khi xử lý không căn cứ vào luật pháp , chỉ căn cứ vào chỉ đạo của đảng.Việc đảng vi phạm pháp luật như luật sư trình bày thì đã quá rõ ràng . Vấn đề ở đây là người dân phải kiện như thế nào? ai xử? Bây giờ nếu làm theo thủ tục tố tụng bài bản như luật sư trình bày, tòa án Việt Nam cũng sẽ phán quyết y chang , đúng như bản sao ,những việc mà đảng đang làm. Vậy tại sao phải đi đường vòng? Sao luật sư không nghĩ có cách nào khác kiện chính phủ Việt Nam và Formosa ra tòa án quốc tế nào đó có được không? ( Tôi thật sự không tin tưởng gì ở tòa án Việt Nam )

    Trả lờiXóa
  5. Biểu tình yêu cầu chính phủ chỉ đạo cơ quan điều tra khởi tố vụ án gây ô nhiễm môi trường này. Nếu không thì cứ mang cá biển tặng cho chúng nó.!

    Trả lờiXóa
  6. Tôi ủng hộ nhân dân khởi kiện Formosa. Cho dù chính phủ "khoan hồng", "độ lượng" và "đánh kẻ chạy đi, không đánh kẻ chạy lại"!

    Trả lờiXóa