Thứ Hai, 6 tháng 6, 2016

GS. Chu Hảo: BOB KERREY NÊN Ở HAY NÊN ĐI?

GS Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ KH & CN. Ảnh: Lâm Khang

BOB KERREY NÊN Ở HAY NÊN ĐI? 

Chu Hảo

Tôi chưa một lần gặp măt Bob Kerrey, chỉ tìm hiểu về ông khi theo dõi những việc xẩy ra sau Lễ công bố Quyết định thành lập ĐH Fulbright Việt Nam (FUV). Qua hồ sơ vụ thảm sát thường dân ở Bến Tre năm 1969, qua các bài phát biểu và trả lời phỏng vấn của ông về các vấn đề có liên quan, qua một vài người bạn thân hữu của ông, và những ý kiến trái chiều trên các phương tiện truyến thông trong và ngoài nước.


Sự việc không đơn giản chỉ là sự lựa chọn người thích hợp vào một chức vụ cụ thể, mà nó phản ảnh một cách sâu sắc cách chúng ta hiểu về cuộc chiến tranh đã qua, cách chúng ta nhìn nhận quá khứ và hướng tới tương lai. Nhưng đó là một câu chuyện rất dài và rất phức tạp. Phức tạp đến nỗi sau 50 năm mà ít, rất ít người có lương tri, hiểu biết và nghiêm túc ở cả hai phía, dám tự nhận là mình có thể trả lời một cách rõ ràng và đầy đủ các câu hỏi : Cuộc chiến tranh tàn khốc và đau đớn ấy thực chất là cuộc chiến tranh gì? Là “Ý thức hệ ủy nhiệm”? “ Xâm lược”? hay “ Giải phóng”? Trách nhiệm của từng người trong cuộc ( người dân, người lính đến các tướng lĩnh và các nhà lãnh đạo Quốc gia ) đến đâu? Còn hệ lụy thì nhiều, nhưng được cô đọng lại trong lời thơ bất hủ của Nguyễn Duy ghi trên tường thành Angkor Wat, vào ngày cuối cùng quân đội Việt Nam rút khổi Campuchia, tháng 8 năm 1989: “ Suy cho cùng mọi cuộc chiến tranh/ Phe nào thắng thì nhân dân cũng bại”. Đối với Việt Nam và Hoa Kỳ thì cái thất bại nhất mà nhân dân cả hai phía đều gánh chịu phải chăng là nỗi ám ảnh của cuộc chiến tranh: nó quằn quại và không rứt ra được! Xin các bạn hãy đọc lại tác phẩm để đời “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh…

Ủng hộ hay phản đối việc bổ nhiệm Bob Kerey làm Chủ tịch Hội đồng tín thác của FUV nằm trong bối cảnh kể trên. Tùy vào cách đối xử với nỗi ám ảnh ấy mà mỗi người lựa chọn thái độ của mình. Lý lẽ của bên phản đối là rất rõ ràng : Đã là đao phủ thì không bao giờ trở thành thánh thiện, “tôn vinh” một kẻ đã giết hại thường dân trong chiến tranh là xúc phạm đến anh linh của những người đã mất và tình cảm thiêng liêng của nhân dân.

Nhưng những người đã mất thì không phát biểu được nữa, còn nhân dân thì bao gồm cả những người có trách nhiệm bổ nhiệm Bob Kerey và những người ủng hộ ( có vẻ như ngày càng đông ). Họ nói rằng : Sát nhân mà biết hối cải chân thành, không chỉ bằng lời nói ( vốn đã rất đáng quý ) mà còn bằng việc làm ( trong trường hợp cụ thể của Bob Kerey là rất có sức thuyết phục ) vẫn có thể trở thành Bồ tát. Họ còn nói thêm rằng: Sự bổ nhiệm Bob Keryey vào cương vị mới không những là lựa chọn thích hợp vì tính hiệu quả mà còn mang tinh thần nhân bản giúp chúng ta vượt qua nỗi ám ảnh của chiến tranh. Lý lẽ này đã thuyết phục tôi. Nhưng điều thuyết phục tôi nhất lại là thái độ đàng hoàng, đúng đắn ( chứ không phải chỉ là đứng đắn!) của ông. Ông đã nói khá nhiều và nhất quán quan điểm của mình về vấn đề đang được thảo luận, và lời trần tình sau đây có lẽ là tiêu biểu: “Tôi đã làm những điều tồi tệ và sẽ sống với nó suốt đời mình. Nhưng tôi không sống trong quá khứ. Tôi sống ở hiện tại và đang cố gắng làm mọi việc có thể để giúp Việt Nam xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn”. Không nên đòi hỏi gì hơn ở một con người đàng hoàng, tử tế, khiêm cung và trí tuệ như vậy!

Với tinh thần cẩn trọng Bob Kerrey đã tuyên bố sẵn sang rút lui nếu sự tham gia của ông ảnh hưởng tới cơ hội thành công của FUV. Riêng tôi nghĩ rằng: ông tuyệt đối không nên rút lui vào lúc này, không phải chỉ vì lợi ích riêng của FUV mà những người quyết định lựa chọn ông đã cân nhắc, mà còn vì một điều gì đó cao cả hơn trong quan hệ giữa hai dân tộc chúng ta.

Chu Hảo
Hội An, ngày 2 tháng 6 năm 2016 

13 nhận xét :

  1. BÀI VIẾT HAY SÂU SẮC, KHÔNG LẨN THẢN KHẮT KHE HẸP HÒI VÀ NGU NGU NGƠ NGƠ THUA CẢ NGƯỜI MẪU VIỆT TRINH CỦA BÀ TÔN NỮ THỊ NINH.

    Trả lờiXóa
  2. Chủ nghĩa lý lịch và định kiến cũng còn rất nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp đến việc sử dụng nhân tài. Không dùng nhân tài thì làm sao chấn hưng đất nước

    Trả lờiXóa
  3. Tôi hoàn toàn đồng ý với GS Chu Hảo là ông Bob Kerry không nên rút lui trong lúc nầy vì tương lai quan hệ tốt đẹp của hai dân tộc.
    Riêng về phần đánh giá lại cuộc chiến , GS có nêu lên câu hỏi rất quan trọng cần được đóng góp ý kiến để làm sáng tỏ hơn vấn đề. Đó là " Cuộc chiến tranh tàn khốc và đau đớn ấy( cuộc chiến tranh Việt Nam ) thực chất là cuộc chiến tranh gì? Là “Ý thức hệ ủy nhiệm”? “ Xâm lược”? hay “ Giải phóng”? Trách nhiệm của từng người trong cuộc ".Giải đáp được câu hỏi nầy mới tìm ra hướng đi thiết thực cho đất nước ta.

    Trả lờiXóa
  4. Ủng hộ ý kiến Gs Chu Hảo :"vì một điều gì đó cao cả hơn trong quan hệ giữa hai dân tộc chúng ta"! Còn nữa: không thể vì một vài số ít ý kiến cá nhân hẹp hòi!
    CCB đánh Tàu.

    Trả lờiXóa
  5. Đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại , hơn nữa trong chiến tranh tao không giết mày thì mày sẽ giết tao . Cả làng đều là + sân không thảm sát để chúng nó giết đồng đội , chiến hữu của mình sao ?

    Trả lờiXóa
  6. Nhân dân giữa 3 lằn đạn. Rất khó cho quân đội Mỹ trong thời gian chiến tranh. Chiến tranh đã xảy ra trên khắp Miền Nam. Mặc dủ quân đội Mỹ đã được huấn luyện rất kỹ nhưng sai sót vẫn xảy ra. Bộ đội miền Bắc đánh chiến tranh chính qui có lằn ranh hẳn hòi. Nhưng khi trà trộn vào đám dân thường, thì không thể phân biệt đươc. Như nhà văn Nguyên Ngọc đã từng nói " Chúng tôi nấp vào nhân dân, đứng sau nhân dân".

    Bộ đôi Cộng Sản đã trà trộn trong đám thường dân, nhất là đám Mặt trận Giải Phóng, sẵn sàng tung lựu đạn, hay nỗ mìn. Do đó quân Mỹ hết sức cảnh giác. Giống như chiến tranh ở Iraq hiện nay.

    Trả lờiXóa
  7. " Bob Kerry " là một sự chọn lựa mang tính nhân văn cao cả, chính những cá nhân chỉ trích mới là những thành phần ích kỷ có phần xu nịnh.
    Những gì đả xảy ra trong cuộc chiến tranh ngày ấy chưa chắc là lỗi thuộc về một mình Bob Kerry gánh chịu!, nếu tất cả chúng ta đừng ích kỷ mà phân tích để thấy được sự thật của cuộc chiến này là gì?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Phải vượt qua nổi đau và sai lầm của quá khứ thì con người ta mới lớn lên được. Xin tán đồng với GS Chu Hảo và nhà văn Nguyên Ngọc

      Xóa
  8. Gs CHU HẢO là một trí thức trong nước xứng danh là một trong những tinh hoa của dân tộc. Tôi hết sức ngưỡng mộ các bài viết của GS.

    Trả lờiXóa
  9. Riêng tôi [GS Chu Hảo] nghĩ rằng: ông tuyệt đối không nên rút lui vào lúc này, không phải chỉ vì lợi ích riêng của FUV mà những người quyết định lựa chọn ông đã cân nhắc, mà còn vì một điều gì đó cao cả hơn trong quan hệ giữa hai dân tộc chúng ta.

    Trả lờiXóa
  10. Trong cuộc sống cụ thể hàng ngày giữa con người với nhau, ta thấy rất rõ rằng: từ thù thành bạn thì tình bạn đó vô cùng chân thành và sâu sắc; ngược lại một khi từ bạn thành thù thì mối thù đó sẽ là không đội trời chung vì sự phản bội của một bên nào đó.
    Trên bình diện vĩ mô, "cựu thù" HK ngày nay đã trở thành người bạn vô cùng thân thiết và đáng tin cậy của nhân dân và đất nước VN. Còn "người bạn", "người đồng chí" láng giềng Phương Bắc thì sao? Họ đã trở mặt, phản bội và trở thành kẻ thù không đội trời chung của chúng ta! Kẻ thù này (bọn lãnh đạo BK) là kẻ thù truyền kiếp của dân tộc ta!

    Trả lờiXóa
  11. Tôi ủng hộ ông, Bob Kerrey! Mong ông hãy cố gắng hơn nữa!

    Trả lờiXóa
  12. Một con người tự thấy có lỗi trong quá khứ mà từ nhiều năm nay đã giúp đỡ VN ta rất nhiều ,bây giờ tuy vẫn day dứt về những điều tồi tệ đã làm nhưng không âm thầm chịu đựng mà đã dũng cảm "sống ở hiện tại và đang cố gắng làm mọi việc có thể để giúp Việt Nam xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn ." Con người đáng quí như thế tại sao chúng ta lại từ chối? Phải cám ơn và giữ Bob Kerrey lại !

    Trả lờiXóa