Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2016

CƠ QUAN ĐIỀU TRA CÓ THỂ BIẾN BẠN VÀ TÔI TỰ NHẬN GIẾT NGƯỜI


CƠ QUAN ĐIỀU TRA CÓ THỂ BIẾN BẠN 
VÀ TÔI TỰ NHẬN GIẾT NGƯỜI!
Lời dẫn của Mac Văn Trang: Sau vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, nay đến vụ Hàn Đức Long – ba người đàn ông khỏe mạnh, lương thiện, vô tội, mà khi bị cơ quan điều tra tội phạm bắt về, chỉ ít lâu là tự khai nhận mình đã hiếp dâm, rồi giết người – đối diện án tử hình với tội danh ô nhục… Thật sự là nỗi kinh hãi tột cùng đối với mỗi công dân! Bạn hãy xem 2 vụ ở Bắc Giang.

Chúng ta cùng xem lại bài viết:

8 điểm chung giống nhau giữa vụ Nguyễn Thanh Chấn và Hàn Đức Long

1. Cả hai đều có gia đình ổn định, có vợ và con cái đầy đủ. Đều là những nông dân, ít học hành và ít giao lưu rộng rãi bên ngoài xã hội, hay nói cách khác là “quanh quẩn sau lũy tre làng”. Nhưng sau khi vướng vòng lao lý, họ đều được xây dựng thành hình ảnh xấu, tha hóa... Cả hai đều bị mô tả là đã từng trêu ghẹo phụ nữ ở địa phương, có biểu hiện của hành vi dâm ô hoặc lệch lạc về nhận thức tình dục.

2. Cả hai vụ đều được mô tả gây án tình cờ. Khi gây án ông Chấn được kết luận điều tra mô tả đi lấy nước qua nhà nạn nhân, thấy nạn nhân ở nhà một mình thì nảy ra ý định gạ gẫm giao cấu rồi giết hại. Vụ ông Long được mô tả là trong lúc chờ đợi xay xát thóc đã đi lang thang qua nhà cháu bé, khi thấy cháu ở nhà một mình thì Long cũng tự nhiên nảy sinh ý định bắt cóc cháu và hãm hiếp.

3. Ông Chấn bị triệu tập lên cơ quan công an sau 15 ngày kể từ ngày xảy ra án mạng, ông Long bị triệu tập lên cơ quan công an sau 4 tháng kể từ ngày xảy ra án mạng.

Sau khi bị giam giữ thì cả hai đều có đơn thú nhận hành vi phạm tội. Cả hai đều được cho viết thư về gia đình và đều thừa nhận hành vi phạm tội trong thư.

4. Cả hai vụ đều không có nhân chứng, vật chứng. Vật chứng căn bản nhất của vụ án hiếp dâm thường là dấu vết tinh dịch, lông, tóc, lời khai của nhân chứng... tất cả đều không có.

Căn cứ kết tội dựa chính đều dựa vào lời khai nhận của bị cáo và các cơ quan tố tụng đánh giá là lời khai nhận tội phù hợp với các tài liệu dấu vết thu được ở hiện trường.

5. Cả hai đều được cơ quan điều tra cho “tự vẽ” lại sơ đồ đường đi gây án, cho thực hiện lại thao tác hành vi phạm tội và cả hai đều được cơ quan điều tra mô tả là thực hiện “thuần thục”.

6. Khi ra tòa, cả 2 đều kêu oan và khai báo việc bị bức cung, nhục hình, bị ép buộc phải khai nhận như những gì điều tra viên yêu cầu. Lời của cả hai đều không được Hội đồng xét xử lưu tâm, đánh giá.

7. Vụ ông Chấn và ông Long cùng cơ quan điều tra là Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Bắc Giang.

Điều tra viên vụ ông Chấn và ông Long cùng là Đào Văn Biên và những người khác. Vụ ông Chấn và ông Long cùng Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang là ông Đặng Thế Vinh. Cùng Thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang là ông Nguyễn Minh Năng.

Cả hai cùng bị giam giữ tại trại giam Kế tỉnh Bắc Giang.

8. Mặc dù gia đình đều nhận được thư từ trại giam thú nhận hành vi phạm tội nhưng đều không tin đó là thật. Gia đình 2 bị cáo đều không từ bỏ và nhiều năm theo đuổi, tìm cách minh oan cho người thân của mình. 
(Ảnh: Ông Hàn Đức Long trước LLCA đằng đằng sát khí)
Nguồn: Luật Công chính.

 

3 nhận xét :

  1. Trời cao có thấu

    Đất dày có hay

    Nỗi oan đầy rẫy

    Trên dải đất này?

    Ai người cứu vớt

    Dân lành ngậm oan

    Xin hãy ra tay?!

    Một ĐV nhưng mà tốt.

    Trả lờiXóa
  2. Với quyền lực không có kiểm soát ấy, tôi cũng có thể biến những người trong cơ quan điều tra ấy phải nhận tội giết người.

    Đỗ Chí Việt

    Trả lờiXóa
  3. tâm lý của người bị tra tấn dã man lúc ấy là nhận bừa để đỡ bị đánh rôi tính sau

    Trả lờiXóa