Thứ Năm, 2 tháng 6, 2016

Bắc Giang: SÔNG CẦU Ô NHIỄM NẶNG, CÁ TÔM CHẾT SẠCH

Tôm cá chết sạch, làng chài trên sông Cầu
nhà nhà xếp lưới bỏ nghề 

Nông nghiệp Việt Nam

08:01, Thứ 5, 02/06/2016 

Nước chảy đến đâu cá tôm nhảy lao xao đến đấy. Những con cá ăn nổi gặp nước độc thì vọt chạy xa, những con cá ăn đáy như vền, ngạnh, nheo, chép… thì chết lịm dưới đáy sông vài hôm sau nổi trắng, thối tanh cả một vùng...

Mẹ con chị Hạnh đi cào hến
Mẹ con chị Hạnh đi cào hến

Hến cào về dân buôn từ chối mua vì con sống lẫn con chết. Câm như hến nhưng cũng biết há mồm ra như muốn tố cáo tội ác môi trường... 

Tuyệt chủng loài giải khổng lồ 

Vạn Nguyệt Đức trên sông Cầu (xã Vân Hà, huyện Việt Yên, Bắc Giang) vốn sầm uất đến mức mua được mảnh đất dựng nhà thờ rồi lại mua được một cái đồi để lập nghĩa địa - những chuyện chưa từng có trong lịch sử các làng chài. Năm 1963, làng còn thành lập hẳn một tổ đánh cá chuyên bán cho nhà nước.

Cá hồi ấy nhiều đặc sông. Dịp nước trong có thể nhìn thấy từng đàn cá chày to bằng bắp chân, từng đàn cá măng to như những quả thủy lôi và nhất là những con giải trọng lượng lên tới 3-5 tạ. Giải giống ba ba nhưng lớn hơn nhiều, lưng to như cái nong, có hai mép màu vàng.

Bố ông Nguyễn Văn Hải - Trưởng thôn Nguyệt Đức từng cùng bạn câu được một con giải khổng lồ. Chục lưỡi câu đóng sâu, ghim chặt vào da thịt chỉ càng làm cho con vật thêm hung tợn. Nó kéo chiếc thuyền có mấy ngư phủ bên trên lướt nhanh như một chiếc ca nô đi xa tới 5-6 km rồi vùi mình xuống cát trốn.

13-45-07_dsc_4776
13-45-07_dsc_4770
Cảnh tiêu điều ở Nguyệt Đức

Người trên thuyền thấy vậy bèn lấy sào chọc khiến con vật đau đớn trồi lên. Thừa cơ dăm bảy lực điền liền hè nhau lôi con giải lên bãi nổi giữa sông, vật ngửa nó ra, lấy cọc thép xiên vào bốn bàn chân rồi dùng dây mây buộc túm lại. Con vật vẫn không chịu thúc thủ. Cái đầu to hơn cả cái ấm tích của nó liên tục quay trái, quặt phải hòng cắn người...

Sông Cầu đâu chỉ có tôm, có cá mà còn là một dòng chảy thao thiết của miền văn hóa quan họ. Quên sao được những đêm trăng giãi vàng trên bờ sông, bến nước. Những cái bến bằng đá xanh, bằng gạch mộc đẹp như cổ tích của làng Thổ Hà hay làng Quả Cảm. Quên làm sao được cứ mỗi độ vào hè từ chợ Bầu (Hiệp Hòa) về đến Vân Hà (Việt Yên) là rợp trời diều chao liệng. Sông no tiếng sáo, người no con mắt.

Quên làm sao được cảnh đôi bờ trai thanh, gái lịch đứng chen nhau đò đưa hát ví. Bên này anh cả, anh hai ơi, bên kia chị cả, chị hai ời. Giọng hò vượt sông. Lúc khoan lúc nhặt. Lúc vui lúc buồn. Nhiều đôi trai gái nên duyên nhờ có câu hò bắt mối. Giờ bến nước, câu hò và một trời diều sáo năm xưa đã chôn vùi dưới những lớp bùn đen nhớp nhúa.

Bà Phạm Thị Hải Chuyền khi ấy còn là Chủ tịch tỉnh Bắc Giang đã phát động chiến dịch làm sạch môi trường lưu vực sông Cầu. Không biết tốn kém mất bao tiền của nhưng suốt từ bấy đến giờ sông càng thêm ô nhiễm đặc biệt khi Khu công nghiệp Phong Khê (Bắc Ninh) rồi Nhà máy cồn ở Vạn An (Bắc Ninh) xả thải. Mầm chết chóc đen ngòm lặng lẽ chảy từ Ngũ Huyện Khê sang sông Cầu.

Nước chảy đến đâu cá tôm nhảy lao xao đến đấy. Những con cá ăn nổi gặp nước độc thì vọt chạy xa, những con cá ăn đáy như vền, ngạnh, nheo, chép… thì chết lịm dưới đáy sông vài hôm sau nổi trắng, thối tanh cả một vùng. Cà ra, cá bơn, cá ghim, cá vỉ ruồi mất tích đã đành đến những loại cá thông thường vốn có sẵn trên sông Cầu cũng không còn vết dấu. Chỉ còn những con trai, con hến là sống sót. 

Nhà nhà xếp lưới bỏ nghề 

173 hộ, 700 nhân khẩu mà giờ làng chỉ còn 20-30 hộ chuyển sang nghề cào hến. Ấy vậy mà khi Ngũ Huyện Khê tiếp tục xả nước thải qua cống Đặng hến cào về dân buôn còn từ chối mua vì con sống lẫn con chết. Câm như hến nhưng cũng biết há mồm ra như muốn tố cáo một tội ác môi trường. Phải 10-15 ngày sau khi đóng cống, dân cào lại mới thấy có hến sống. 

Buổi hôm ấy, tôi theo thuyền của mẹ con chị Nguyễn Thị Hạnh đi cào hến. Một ngày cật lực họ có thể kiếm được 30-50 kg hến. Với giá bán 5.000đ/kg, trừ tiền dầu, tiền mỡ còn lại chẳng bao lăm trong khi bộ đồ nghề và cái thuyền nho nhỏ cũng phải đầu tư khoảng 30 triệu. Mồ hôi trán rơi xuống cũng chỉ đủ đổ mồm.

Một vài hộ khá hơn dìu dắt nhau lên bờ mua đất, số còn lại giấc mơ có đất chỉ trở thành hiện thực khi họ rời thế gian. Một suất đất chôn người trong nghĩa địa Hòa Long hiện đang có giá 5 triệu đồng - món tiền không hề nhỏ đối với người nghèo xóm vạn. Trong khi ấy, hến mỗi ngày một nhỏ hơn vì chưa kịp sinh sản đã phải cào, vì dòng nước đang bị nhiễm độc. Hến ấy dân quanh vùng không bao giờ dám mua mà phải mang đi đến những chỗ thật xa để giấu nhẹm cái lý lịch ô nhiễm.

Mẹ con chị Hạnh cả ngày cả buổi chẳng nói một câu nào. Họ câm lặng như những con hến. Những con hến mang hình dáng con người. Trong những buổi cào hến như thế anh Thống chồng chị Oanh bị cảm ngã xuống sông. Anh nổi tiếng là người bơi giỏi nên không ai nhảy xuống theo chỉ đến khi chìm xuống đáy một lúc, vớt lên xác đã lạnh tựa vỏ hến.

Bà Nguyễn Thị Minh cùng 4 người con trai, con dâu sinh sống trên mấy cái thuyền tạm bợ. Từ hồi cá tôm hết, cả nhà bà phải chuyển sang đóng than tổ ong. Ngặt nỗi giờ vào hè nóng quá chẳng mấy ai còn đun bếp than nên cứ ế sưng. 62 tuổi nhưng bà vẫn ngày ngày phải đẩy xe than nặng vài ba tạ đi vào các xóm bán rong. Hỏi tại sao, bà bảo: “Bốn đứa con trai sông nước thì một chết, một tàn tật, tôi không muốn trở thành một gánh nặng cho những đứa còn lại”. Trầy trật cả ngày cũng khó kiếm nổi 100.000 đồng.

Bí bách quá, sáng vừa rồi đứa con dâu bà lần mò vào mấy cái vựa phế thải xin làm công nhưng vẫn không đắt. Thằng câm Nguyễn Văn Lâm cháu bà trốn mọi người lại nhảy xuống sông Cầu mò trai. Xót cháu tai đã kém lại phải ngâm trong nước bẩn không khéo thối bà bực quá mắng xơi xơi khiến thằng bé cứ ú ớ thanh minh, ra hiệu là thương mẹ, muốn giúp mẹ.

13-45-07_dsc_4772
Thằng câm chấp nhận đánh đổi đôi tai sắp điếc lấy rổ trai 20.000 đồng nhằm giúp mẹ

Lâm năm nay vừa tròn 20 tuổi nhưng nặng chỉ độ ngoài 30 kg, đầu óc hệt như một đứa trẻ. Nó mạo hiểm đánh đổi đôi tai sắp điếc để lấy một xô trai trị giá chừng 20.000đ. Nước đen, tôm dạt vào vệ bờ, ốc bươu vàng, cá dọn bể nổi tiếng khỏe cũng chết hết chỉ còn trai với hến trụ lại được. Giống vật này cũng khôn, những hôm nước bẩn tràn về, thằng câm hụp lặn mãi cũng không mò nổi một con vì chúng rúc sâu xuống bùn.

Mỗi đợt nước đen về, dân vạn cuống cuồng nhốt gà, xích chó. Đàn gà 11 con nhà anh Nguyễn Văn Truyền không kịp nhốt uống nhầm phải nước sông giãy đành đạch như dính phải bả chuột. Gà mẹ chết, đám trứng trong ổ không được ấp sau đó cũng ung theo. Ba ngày nay anh Truyền đã phải nghỉ cào hến vì có vớt lên cũng chẳng thể bán nổi cho ai.

Trong những ngày nước đen, dân vạn còn biết làm gì ngoài đóng kín cửa ngồi trong thuyền cho đỡ thối. Sống ở trên sông nhưng họ phải mua nước với giá 50.000đ/m3. Thứ mà bà con gọi là nước sạch ấy lại được hút lên từ chính dòng sông Cầu, cách chỗ xả thải của cống Đặng non một cây số, lọc qua cát, than rồi xử lý bằng hóa chất. Đám thuyền xi măng nằm gối bãi, không có sóng nước tưới ẩm nên vỡ bục ra từng mảng. Dân vạn bảo nhau cố bóp bụng ăn dè cho con học hết cấp 2, cấp 3 để đi làm công nhân, thoát ly làng chứ còn hi vọng gì ở một dòng sông đang chết?

Dương Đình Tường

1 nhận xét :

  1. Việt Nam thời hiện đại: Biển chết, Sông chết, Đất chết.

    Bao giờ thì Trời chết?

    Một ĐV nhưng mà tốt.

    Trả lờiXóa