Trương Duy Nhất
VIẾT CHO HẢI ĐIẾU CÀY, TRẦN HUỲNH DUY THỨC,
VIẾT CHO HẢI ĐIẾU CÀY, TRẦN HUỲNH DUY THỨC,
VÀ CÁC BẠN TÙ CỦA TÔI
Cảm phục, trước tin Trần Huỳnh Duy Thức từ chối đi Mỹ và quyết định tuyệt thực. Trại 6, nhà tù khét tiếng giữa mùa nóng hất xác trà ra sân, mươi phút sau thành tro xém đen. Cái trại giam khét tiếng, chuyên dành trị những tù chính trị cứng đầu.
Cảm phục, trước tin Trần Huỳnh Duy Thức từ chối đi Mỹ và quyết định tuyệt thực. Trại 6, nhà tù khét tiếng giữa mùa nóng hất xác trà ra sân, mươi phút sau thành tro xém đen. Cái trại giam khét tiếng, chuyên dành trị những tù chính trị cứng đầu.
Gốc xoài trước khoảnh sân chuồng cọp buồng giam số 1 ấy, giờ cao ngút tường chưa? Trái xoài của Dũng con Hải Điếu Cày gửi vào. Chia nhau gặm xong, lấy hạt trồng. Tôi và anh Hải chăm nó từng ngày. Để cho cái sân tù kia thấy chút sự sống.
Khi anh Hải đi, nó mới ngang đầu gối. Lúc tôi ra tù, đã cao quá đầu người. Tôi dặn anh em ở lại không được nhổ. Một gốc hường nữa. Nhờ thằng Phương hình sự ra ngoài khu lao động nhổ về, từ khi bé tẹo, chưa quá gang tay. Đến khi tôi ra tù, nó đã thành một khóm xum xuê, mùa hoa rộ đến mấy chục bông. Kịp ép được mấy bông, đem về tặng con gái.
Cả khu tù chính trị, mỗi phòng số 1 ấy có hoa. Quản giáo mấy lần đòi nhổ, bị tôi mắng: tù cũng có nhiều loại, có tù thối có tù thơm. Phòng này là phòng tù thơm, phải có hoa!
Khóm hường ấy, không biết có còn để đón Thức?
Tuyệt thực. Thức sẽ bị tống vào phòng số 5. Buồng biệt giam có gắn camera từng nhốt Hải Điếu Cày. Kín mít, không được ra ngoài. Không được tiếp xúc, chuyện trò với anh em.
Có lẽ giờ, Thức chỉ còn được động viên bằng tiếng đàn ghi ta của Ka- Nu vọng qua từ buồng số 3. Ka- Nu người Ê Đê, một trong những thủ lĩnh của nhóm Đề Ga Tây Nguyên. Nhiều đêm buồn, sững người suýt khóc khi nghe tiếng đàn và giọng hát Ka- Nu.
Ly cà phê Ban Mê, Đôi chân trần, Đi tìm lời ru mặt trời... Nhiều hôm buồn quá, tôi hét lên gọi: Đàn đi, hát to lên, vang lên cho vỡ vụn mấy bức tường này đi Ka- Nu ơi!
Suốt đêm qua, không ngủ được. Tôi tưởng tượng ra cảnh này. Như thể vẫn đang nằm chỗ đó, nơi chắc chắn giờ Trần Huỳnh Duy Thức đang nằm thay tôi, đúng chỗ tôi nằm, và nghe tiếng đàn Ka- Nu.
Lặng người, khi đọc tin Thức từ biệt gia đình bằng cuộc tuyệt thực vô thời hạn.
Khi chuyển tôi từ Hoà Sơn, Đà Nẵng ra Trại 6, hai tay cũng bị còng. Quốc lộ 1 nham nhở (khi đó đang đào xới nâng cấp). Suốt một ngày, văng bên này, hất bên kia thành xe, nhồi xốc như chở lợn.
Mấy ngày sau, ngồi đánh cờ với lão Tiến gián điệp Tàu (án chung thân), vẫn thấy người lắc lư.
Từ Đà Nẵng ra Nghệ An còn vậy. Trần Huỳnh Duy Thức còn bị bịt miệng, nhồi xốc như vậy suốt chặng đường hơn nghìn km từ Xuyên Mộc.
Trong tù, tôi không chọn phương cách tuyệt thực. Nhưng cảm được cái giá của phương cách này qua hình ảnh Điếu Cày. Thật sự choáng, rùng mình khi hôm đầu thấy Điếu Cày ngất nghểu trèo tường. Một thân hình tỏng teo, gầy đét như sợi dây. Cái bụng mỏng, nhăn nheo da, tép lẹp như thể sát dính tận lưng vậy.
Hình ảnh ấy, giờ đây sẽ lặp lại với Trần Huỳnh Duy Thức.
Mấy lần an ninh Bộ vào làm việc, gọi Điếu Cày ra thương thuyết việc đi hay ở, anh kể hết với tôi. Lần đại diện Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào trại gặp Điếu Cày, tôi cũng biết. Mấy tuần anh Hải không ngủ. Trằn trọc suy tính chuyện đi- ở. Cả khu chính trị, anh chỉ tham khảo ý tôi.
Tôi biết, quyết định đi, với anh Hải là một điều cực kỳ khó khăn. Chúng tôi ôm nhau mà cả hai cứ cố quay mặt dấu những dòng nước mắt.
Giờ là Trần Huỳnh Duy Thức. Tôi hiểu quyết định của anh, của các anh, dù ở hay đi, đều khó khăn và cay đắng.
Ka- Nu ơi. Đêm nay, và mãi hằng đêm, mày nhớ chịu khó thức ngồi ôm đàn hát cho Thức nghe nhé. Thức ơi, mày cũng hát đi. Kệ, hay dở gì cũng hát. Tao có để lại tuyển tập 100 bản tình ca bất hủ đấy. Cả 2 tập báo Tết Tiền Phong và 1 tập báo Tết Tuổi Trẻ nữa. Nói mấy đứa phòng bên chuyển cho đọc. Khi ra tù tao dặn rồi, không được xé, giữ lại cho các bạn tù vào sau.
Mùa này, nếu gốc hường ấy vẫn còn, sẽ lại rộ hoa. Hoa tao trồng đấy. Trồng không chỉ cho tao, cho mày đấy Thức ơi. Cho cả Hải Điếu cày, và những người bạn tù bất khuất của tao, cho dù họ đã ra tù, hoặc đang còn bít bùng ngột ngạt trong đó như mày.
Hãy tiếp tục tưới chăm gốc xoài, và khóm hường đó cho tao Thức nhé. Cả gốc sắn dây hồi ấy tao trồng bám trên vách chuồng cọp trước sân nữa. Chúng mình là tù thơm mà Thức. Trên cái ruột gối tao để lại, trên mấy lọ nhựa đựng trà và thức ăn, có khắc câu tao nói trước toà: "Có loại tù làm người ta nhục nhã, nhưng có loại tù chỉ khiến họ vinh quang!".
Câu ấy không chỉ cho tao. Cho mày đấy Thức ơi. Cho Hải Điếu Cày. Cho những bạn tù bất khuất của tao.
T.D.N
. Chuyện tù, thời các chí sĩ Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng và vài chí sĩ nổi danh khác, nghe đâu có câu chuyện này: có cụ đi tù, có cụ không.Cụ đi tù được người đời tôn vinh là người yêu nước. Các cụ không được đi tù luận rằng: các cụ cũng yêu nước, thua chăng là không được đi tù mà thôi.Kể ra đây, nếu sai xin được chỉ giáo.
Trả lờiXóaĐọc bài viết xúc động quá! Cầu cho các anh chân cứng đá mềm.
Trả lờiXóaVừa đọc vừa khóc vì thương những người đấu tranh cho tự do dân chủ bị đoạ đầy!
Trả lờiXóaBài viết của Trương Duy Nhất cảm động quá ! Đọc mà ứa nước mắt...Cảm ơn Trương Duy Nhất. Cầu chúc cho Trần Huỳnh Duy Thức bình an
Trả lờiXóaVinh quang thay những người tù chính trị
Trả lờiXóaQuyết dấn thân, không sợ phí tuổi xuân
Tâm họ sáng, tình yêu nước trong ngần
Nên bất khuất, không ngán quân tàn bạo
Mặc án tù chúng cố tình xử láo
Mặc đọa đầy vẫn khao khát tự do
Tấm thân này của cha mẹ tặng cho
Xin hiến dâng, nguyện chỉ phò nhân nghĩa
Trong lòng dân, các anh đứng cùng phía
Cho tương lai bao thế hệ vươn mình
Tôi vừa đọc vừa khóc.
Trả lờiXóaKhông biết những thế lực ra lệnh đàn áp và bọn âm binh đàn áp người yêu nước chúng có hiểu rằng.những bài như TDN viết và những con người bị đàn áp và tù đày này là tiếng thơm sẽ ghi tạc mãi mãi trong lòng dân tộc mai sau, nó sẽ đi vào lịch sử một thời kỳ đau thương của dân tộc này.chắc chúng không có óc để hiểu được điều đó.
Trả lờiXóaTrương Duy Nhất vào tù mà trông rất ngạo nghễ, đến lao tù cũng không đe dọa được người yêu nước.
Trả lờiXóaVăn phong thật hay. Không ngớ ngẩn như đám nhà báo cs.
Trả lờiXóa