Thứ Hai, 16 tháng 5, 2016

THƯ NGỎ GỬI THỦ TƯỚNG VỀ VIỆC XỬ LÝ THẢM HỌA VÀ BIỂU TÌNH


THƯ NGỎ GỬI THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC
VỀ VIỆC XỬ LÝ THẢM HỌA VÀ BIỂU TÌNH

Hà Nội ngày 15 tháng 5 năm 2016

Kính gửi Ngài Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Trước hết xin bày tỏ sự cảm thông của tôi tới ngài Thủ tướng: Ngài vừa nhậm chức mà đã phải đương đầu với hàng loạt khó khăn của đất nước, trong đó có cả sự kiện bất thường và nghiêm trọng. Tôi cũng hoan nghênh một số việc làm tích cực của ngài Thủ tướng trong thời gian gần đây, chẳng hạn chỉ đạo xử lý nghiêm vụ khởi tố trái pháp luật đối với chủ quán cà phê “Xin chào”, tổ chức đối thoại với công nhân 8 tỉnh phía Nam nhân ngày Quốc tế Lao động,…

Tuy nhiên, đối với thảm họa biển miền Trung – một sự kiện nghiêm trọng không những đối với 4 tỉnh đang gặp thảm họa mà nó còn là vấn đề sống còn của quốc gia – thì Chính phủ do Ngài đứng đầu đã tỏ ra lúng túng và có nhiều việc làm không minh bạch, phản cảm, phản tác dụng. Ở đây tôi chỉ nêu ba việc chính:

1. Các cơ quan chức năng vào cuộc quá muộn. Sự kiện cá chết đã được báo chí nêu từ ngày 6-4-2016 nhưng suốt khoảng 20 ngày, các cơ quan chức năng vẫn không có một động thái tích cực nào. Trong khi đó nhiều dấu hiệu cho thấy nguyên nhân là do khu công nghiệp Formosa xả thải chất độc. Cho mãi đến 27-4-2016 mới có thông cáo chính thức của Bộ Tài nguyên – Môi trường. Nhưng thông cáo của ông Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã làm cho nhân dân thất vọng và nghi ngờ.

2. Sự việc trên là nguyên nhân nổ ra các cuộc biểu tình ở một số địa phương xảy ra thảm họa, tiếp theo là cuộc biểu tình của nhân dân Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh ngày 1-5 và 8-5-2016. Các cuộc biểu tình này không những hợp pháp, chính đáng mà còn có tác dụng thúc đẩy Chính phủ giải quyết thảm họa sao cho nhanh chóng và có hiệu quả. Đáng tiếc, chính quyền hai thành phố lớn nói trên đã không hoan nghênh nhân dân lại còn tung ra một lực lượng khổng lồ để ngăn cản, bắt bớ, đánh đập, giam cầm những người biểu tình.

3. Cho đến tận hôm nay (15-5-2016), các cơ quan chức năng vẫn không có được bước tiến nào trong việc tìm ra nguyên nhân thảm họa. Điều này thể hiện rất rõ trong trả lời phỏng vấn VTV1 ngày 14-5-2016 của ông Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc. Ông Thứ trưởng vẫn chỉ nêu được hai nhóm nguyên nhân chính là “độc tố học và tảo độc” – nghĩa là hoàn toàn không có gì mới so với thông cáo báo chí ngày 27-4-2016, tức là 17 ngày trước đó của ông Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân (Bộ Tài Nguyên – Môi trường). Đó là một sự chậm trễ và thiếu trách nhiệm đến khó hiểu.

Trong bối cảnh bế tắc đó, quan chức hai thành phố nói trên vẫn tiếp tục huy động hệ thống chính trị vào việc đàn áp biểu tình. Đặc biệt, trong mấy ngày vừa qua và hôm nay (15-5), ngoài các biện pháp ngăn chặn bất hợp pháp và vô văn hóa, một số quan chức và cơ quan báo chí (kể cả trung ương) đã tập trung vào việc vu cáo những người biểu tình. Họ tạo ra cái gọi là “tổ chức khủng bố Việt Tân kêu gọi tụ tập gây rối” để bôi nhọ người biểu tình và khủng bố tinh thần nhân dân. Việc làm này tuy rằng nhất thời cản phá được biểu tình nhưng hậu quả tai hại của nó lại trút lên đầu Chính phủ, vì đó là cách Chính phủ tự làm xấu mình đồng thời vô tình quảng cáo cho Việt Tân. Xin nói thêm: Giả sử Việt Tân hay bất cứ tổ chức, cá nhân nào lợi dụng biểu tình để gây rối, thì nhiệm vụ tìm ra và xử lý là của các lực lượng giữ gìn an ninh trật tự, chứ người biểu tình khó có thể biết và không phải chịu trách nhiệm.

Thưa ngài Thủ tướng

Nếu vì một sự quan ngại nào đó, Chính phủ do Ngài đứng đầu không muốn nhân dân biểu tình, vẫn có thể có cách làm khả dĩ hơn. Tôi nghĩ Ngài hãy lấy tinh thần của Thủ tướng tiền nhiệm Nguyễn Tấn Dũng làm kinh nghiệm. Hồi tháng 5-2014, khi nhân dân căm phẫn trước hành động gây hấn của Trung Cộng, ngoài một số cuộc biểu tình do các trí thức là linh hồn diễn ra ôn hòa, đúng pháp luật, có tác dụng tốt, còn có hàng loạt cuộc biểu tình bạo động của công nhân ở một số khu công nghiệp (mà tôi ngờ do chính Trung Cộng đứng đằng sau để phá ta từ bên trong) gây hậu quả nghiêm trọng. Trước tình hình nguy hiểm đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn có cách hành xử tốt hơn hiện nay: Trong Công điện 15-5-2014, trước hết ông Nguyễn Tấn Dũng khẳng định “những ngày qua nhân dân cả nước đã biểu thị lòng yêu nước, phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép tại vùng biển Việt Nam là việc làm chính đáng”, sau đó ông mới đề cập một số địa phương có “một số người có hành vi vi phạm pháp luật, manh động, phá hoại cơ sở sản xuất…” và ông chỉ yêu cầu xử lý những đối tượng này. Trong Chỉ thị ngày 17-7-2014, Thủ tướng cũng chỉ yêu cầu “xử lý nghiêm khắc những người có hành vi tuyên truyền kích động”, yêu cầu “tuyên truyền vận động nhân dân không tham gia biểu tình trái pháp luật”, chứ không phải biểu tình nói chung. Rõ ràng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phân biệt người biểu tình yêu nước với những phần tử quá khích, phá hoại mà thực tế đã xảy ra rất nghiêm trọng lúc đó (chứ không phải như bây giờ, hoàn toàn không có). Chính bản thân tôi lúc đó vì cảm thông những khó khăn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nên mặc dù biết biểu tình là quyền hiến định, mặc dù rất căm phẫn nhà cầm quyền Trung Cộng, đã không đi biểu tình. Còn lần này tôi và những người đã tham gia hai cuộc biểu tình 1-5 và 8-5 rất bức xúc, cảm thấy mình bị vu cáo, bị xúc phạm trắng trợn. Sự bức xúc đối với Chính phủ có lẽ còn hơn cả đối với thủ phạm đã gây nên thảm họa biển miền Trung. Lòng yêu nước, yêu đồng bào, ý thức trách nhiệm của người công dân, của người trí thức đã bị tổn thương rất nặng nề.

Vì vậy tôi yêu cầu Ngài (xin nhắc lại, “yêu cầu” chứ không phải “đề nghị”, vì nhân dân là người làm chủ đất nước, các quan chức Chính phủ là công bộc của nhân dân), với cương vị đứng đầu Chính phủ, song song với việc chỉ đạo ráo riết để xử lý thảm họa, phải chỉ đạo các quan chức trong bộ máy của mình chấm dứt ngay các hành động trên và lệnh cho những quan chức nào đã hành xử sai phải xin lỗi nhân dân, đặc biệt, xin lỗi những người đã tham gia biểu tình.

Vì tình hình khẩn cấp, tôi phải gửi nhanh thư này đến Ngài thông qua một số trang mạng; tôi sẽ gửi trực tiếp cho Ngài bằng đường bưu điện sau.

Trân trọng cảm ơn và hy vọng sự sáng suốt của ngài Thủ tướng.

Kính thư
Đào Tiến Thi
Phòng 409, Nhà CT7E, Chung cư Dương Nội,
Hà Đông, Hà Nội

Nơi gửi:
- Nhân dân điện tử, Vietnamnet, Dân trí, Dân Việt
- Một số trang mạng của trí thức Việt Nam

11 nhận xét :

  1. Nói thật, tôi không tin ông Phúc có khả năng giải quyết khủng hoảng hiện nay. Có thể chính phủ khoá 12 thời ông Phúc này sẽ bị ông TBT Nguyễn Phú Trọng lấn lướt trở nên nhu nhược và do vậy Việtnam sẽ dấn sâu vào khủng hoảng. Thôi, đằng nào chế độ này nó cũng đi tới sụp đổ thôi thì đổ trước còn đỡ đau đớn hơn đổ sau.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhất trí đồng tình với nhận xét này,cũng như yêu cầu của anh Đào Trọng Thi

      Xóa
  2. Cảm ơn ông Đào Tiến Thi, ông đã nói thẳng nói thật và nói rất đúng với ông thủ tướng lâm thời Nguyễn Xuân Phúc.

    Trả lờiXóa
  3. Các bác đừng làm khó trung ương,chính phủ mà tội nghiệp. Ai cũng biết Formoso là thủ phạm gây ra tội ác huỷ diệt môi trường, tai hoạ nghiêm trọng và lâu dài, nhưng không thể bắt bò nó được. Bởi nó nắm trong tay một bửu bối. Nói ra chết liền... Cho nên cứ phải loanh quanh, loanh quanh và loanh quanh. Nếu biết đặt tổ quốc trên hết, thì đau đớn một lần cho xong. Mà rồi trước sau hay sớm muộn cũng phải làm thế

    Trả lờiXóa
  4. NGƯ DÂN HÃY TỰ CỨU LẤY MÌNH. NGƯỜI DÂN HÃY TỰ CỨU LẤY MÌNH. ĐỪNG HÃO HUYỀN NỮA.

    Trả lờiXóa
  5. CÔNG ĐIỆN 15/5/2016 CUA TT DŨNG NHƯ ANH VIẾT LÀ NHẦM RỒI ANH THI ƠI.

    Trả lờiXóa
  6. Vẫn còn tin đ/c X thì chết rồi! Như nhau thôi!

    Trả lờiXóa
  7. Có nhầm không, sao lại có bức công điện ngày 15-5-2016 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được như bài viết dẫn. Phải sửa.

    Trả lờiXóa
  8. Chưa giải thích rõ chính đảng ds việt nam xúi giục chhuws không ai vào đây

    Trả lờiXóa
  9. Nếu chính phủ, không nhìn nhận biểu tình là một phản ứng tích cực của người dân, thì khó có thể giải quyết tình trạng khủng khoảng thảm họa hiện nay. Biểu tình là tiếng nói chung của mọi tầng lớp xã hội, nếu biết tận dụng nó chính là một nguồn lực vô giá, nếu phủ nhận nó bằng các thủ đoạn đàn áp vi hiến, càng làm giảm lòng tin của xã hội với chính phủ, càng kích hoạt ra đời các hình thức biểu tình linh hoạt. Biểu tình phải hiểu rằng quyền nói của số đông, mà nói chỉ là phản ánh sự chất chứa trong lòng của mọi người, về mặt tâm lý biểu tình chính là hình thức giải tỏa về tình cảm, tinh thần, nên càng cấm sự chất chứa, sự bất mãn càng tăng. Thái độ của chính quyền với biểu tình, chính là thước đo để đánh giá chính quyền đó là chính quyền nhân dân hay chính thể độc tài.

    Trả lờiXóa
  10. Qua việc vừa rồi báo chí lề phải nêu về Việt Tân, không khác nào thừa nhận tại VN có một chính đảng khác, nếu bỏ phiểu trên mạng không biết tỷ lệ sẽ như thế nào, trong khi Việt Tân báo chí nhà nước nói là có tham gia biểu tình, ngược lại nhà nước lại chống biểu tình bằng mọi thủ đoạn bỉ ổi, ngồi xổm pháp luật.

    Trả lờiXóa