Thứ Hai, 23 tháng 5, 2016

THỜI ĐÀM: VỀ CHUYẾN CÔNG DU VIỆT NAM CỦA TỔNG THỐNG HOA KỲ


VỀ CHUYẾN CÔNG DU VIỆT NAM
CỦA TỔNG THỐNG HOA KỲ BARACK OBAMA

Nguyễn Đăng Hưng


Đã hơn 20 năm từ ngày Tổng Thống Bill Clinton quyết định bình thường hoá bang giao Mỹ-Việt Nam, quan hệ song phương hai nước đã có những bước tiến ngoạn mục.

Những bước đi đáng kể nhất chính là trong giai đoạn nhiệm kỳ của Tổng Thống Barack Obama. Tháng 7/2013, Chủ Tịch Trương Tấn Sang trong chuyến thăm Hoa kỳ đã cùng Tổng thống Obama, quyết định xác lập quan hệ “Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ”. Và gần đây mới năm ngoái hợp tác quốc phòng về việc sản xuất vũ khí đã được ký kết. Quốc Hội Việt Nam cũng đã phể chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)


Các chuyên gia quốc tế (GS Ngô Vĩnh Long, GS Carlyle A. Thayer…) cho rằng trong chuyến công du này, Việt Nam và Mỹ có thể giải quyết một số vấn đề tồn đọng liên quan đến việc gỡ bỏ toàn bộ cấm vận vũ khí sát thương, thực thi Hiệp định TPP và cải tiến các chính sách, các biện pháp liên quan đến nhân quyền tại Việt Nam.

Việt Nam chưa có điều kiện mua làng loạt vũ khí tiên tiến của Mỹ, Mỹ cũng biết rõ sự giới hạn của tư duy nhà cầm quyền Việt Nam về thực thi các chế độ dân quyền và nhân quyền, nhưng sự cải tiến cụ thể bằng hành động là cần thiết để củng cố niềm tin cho tương lai, vì lợi ích của hai nước vốn là cựu thù.

Sau chuyến đi của TBT Nguyễn Phú Trọng năm ngoái, phía Mỹ đã tỏ rõ sự tôn trọng chế độ độc đảng hiện nay tại Việt Nam và trong bang giao hai nước Mỹ chỉ mong mỏi thấy được một nước Việt Nam hòa bình, phát triển, cường thịnh.

Phía Việt Nam cũng đã thấy rõ lợi ích thiết thực của Việt Nam trong bang giao toàn diện với Mỹ và mong mỏi bang giao này sẽ dần dần trở thành hợp tác chiến lược.

Hợp tác với Mỹ nào có mất đảng đâu mà sợ?


Hợp tác chiến lược và toàn diện với Hoa Kỳ chính là quốc sách khẩn thiết vá cấp bách để bảo vệ lợi ích trước mắt của Việt Nam, duy trì toàn vẹn lãnh thổ và lãnh hải. Và bảo vệ tự do giao thông ở biển Đông Nam Á, duy trì hòa bình, ổn định chính là chống lại manh tâm bá quyền xâm lược, bảo vệ độc lập, chủ quyền của dân tộc Việt Nam.



Lợi ích của Việt Nam ở biển Đông Nam Á là sự sống còn của dân tộc, lợi ích của Mỹ ở đây duy trì thông thương mại các vùng biển quốc tế, là sự tôn trọng luật quốc tế, là việc duy trì trật tự thế giới hình thành sau thế chiến thứ hai: Luật lãnh thổ, lãnh hải, luật biển, quyền con người, quyền tự do dân chủ…


Lợi ích của Việt Nam trong bang giao với Mỹ là rất lớn, có tính quyết định, chẳng những cho sự ổn định địa lý chính trị mà còn là sự phát triển kinh tế, thương mại, khoa học công nghệ, văn hóa, bảo vệ môi trường, chống đỡ biến đổi khí hậu…

Để xây dựng lòng tin, theo tôi, Hoa Kỳ đã không đòi hỏi nhiều, không đòi hỏi những gì ra ngoài khả năng của chính quyền Việt Nam:

Bằng hành động cụ thể thể, cải tiến nhanh việc thực thi các quyền công dân, quyền con người cho chính nhân dân mình.

Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp Định TPP có ghi rõ cho phép ra đời Công Đoàn độc lập.

Việt Nam đã ký khá lâu rồi Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền do Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc long trọng công bố ngày 10 tháng 12 năm 1948.


Xin ghi lại hai điều quan trọng mà Việt Nam có thể lãng quên:

Ðiều 19:
Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm. Quyền này bao gồm sự tự do quan điểm mà không bị xen vào quấy rầy và được tự do tìm kiếm, thu nhận và quảng bá tin tức và tư tưởng qua mọi phương tiện truyền thông bất kể biên giới.

Ðiều 20:
Mọi người đều có quyền tự do hội họp và lập hội, một cách ôn hòa.

Những điều trên có ghi rõ trong Hiếp Pháp Việt Nam qua các thời kỳ.

Xây dựng lòng tin Mỹ-Việt chính là tôn trọng HIẾN PHÁP các QUI ƯỚC QUỐC TẾ đã ký!

Xây dựng lòng tin Mỹ-Việt chỉ có thế có lợi cho chính quyền hiện hành và dân tộc Việt Nam vậy.

Sài Gòn ngày 22/5/2016
Nguyễn Đăng Hưng


1 nhận xét :

  1. GS Hưng có chỗ viết không chính xác. Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền do Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua (bằng giơ tay biểu quyết) tháng 12 năm 1948. Bản Tuyên ngôn này lan tỏa và được thừa nhận chung. Không có nước nào ký vào Bản Tuyên ngôn này. Chỉ có các Công ước mới có thủ tục ký kết, gia nhập và phê chuẩn. Chẳng hạn, Công ước về các quyền dân sự và chính trị, Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa được ký kết và có hiệu lực năm 1966 và Việt Nam chính thức gia nhập năm 1982.

    Trả lờiXóa