Thứ Năm, 5 tháng 5, 2016

SOS: TOÀN BỘ CHÂU THỔ BẮC BỘ SẼ BỊ TRUNG QUỐC KHỐNG CHẾ

Thủy điện trên sông Hồng: 
Nếu bán dự án cho nước ngoài...

Báo Đất Việt

Thứ Năm, 05/05/2016 07:15 

Nếu chủ đầu tư tư nhân chuyển nhượng dự án cho nước ngoài mà lại đúng vào tay Trung Quốc thì coi vô cùng nguy hiểm. 

Xây đập ngăn sông Hồng: Những nguy cơ chết người...
Xây đập ngăn sông Hồng: Không thực tế, tiền đem đổ biển

Đó là cảnh báo của GS.TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT về dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện.

Trước đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, thông qua chủ trương đầu tư dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức BOO (xây dựng - sở hữu - vận hành). Dự án do Công ty TNHH Xuân Thiện thuộc Tập đoàn kinh tế Xuân Thành đề xuất.

Dự án có mục tiêu là nâng cấp tuyến vận tải đường thủy dọc sông Hồng trên cơ sở kết nối 2 tuyến vận tải thủy lớn là Hải Phòng – Việt Trì và Hà Nội – Lạch Giang; cung cấp lượng điện năng lên tới 0,91 tỷ Kwh/năm.


Hàng loạt đập thủy điện sẽ được xây dựng trên sông Hồng. Ảnh minh họa

Để thực hiện mục tiêu trên, nhà đầu tư sẽ xây dựng 6 đập dâng nước và âu tàu, nạo vét 288 km luồng sông Hồng đoạn từ Việt Trì lên Lào Cai đạt tiêu chuẩn sông cấp III; kết hợp xây dựng 6 nhà máy thủy điện nhỏ (cấp II), kiểu tuabin trục ngang cột nước thấp với tổng công suất thiết kế khoảng 228 MW; xây dựng 7 cảng dọc tuyến từ Hà Nội lên tới Lào Cai.


Tính toán sơ bộ của Xuân Thiện cho thấy, dự án này cần tới 24.510 tỷ đồng, trong đó 30% tổng mức đầu tư do nhà đầu tư góp bằng vốn chủ sở hữu; phần còn lại sẽ được huy động vốn vay thương mại.

Mất vựa lúa ĐBSH

Trao đổi về dự án, GS.TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, với tổng công suất thiết kế 228 MW các nhà máy thủy điện trên không gọi là thủy điện nhỏ được và tuổi thọ của các thủy điện này phải 100 năm. Mục tiêu đầu tiên của chủ đầu tư là kinh tế nhưng họ chưa nói đến sinh thái môi trường.

Vị chuyên gia phân tích, trước hết, dòng sông Hồng sẽ tụt xuống, không phải 1m như hiện nay mà là 2m. Hệ quả là nước biển dâng vào, đất của ĐBSH lún xuống. Khi ấy, các tỉnh ven biển như Thái Bình, Nam Định sẽ gặp hiểm họa trước tiên, cả vựa lúa ĐBSH sẽ bị mất.

Thứ hai,
hai bờ sông Hồng sẽ bị phá rộng ra vì hết bùn cát, làm cho tất cả diện mạo của ĐBSH, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội bị xâm phạm, thậm chí biến mất. Liệu ta có đủ tiền đầu tư để làm các đê chống?

Thứ ba, các nhà máy thủy điện sẽ không phục vụ gì cho nông nghiệp bởi chúng chỉ mở nước khi phát điện. Miền Tây, Tây Nguyên vừa qua bị hạn, xâm nhập mặn nặng nề, chúng ta đã yêu cầu các thủy điện xả nước nhưng họ không làm được. Ngay cả đập Cảnh Hồng của Trung Quốc cũng thông báo khi nào phát điện họ mới xả nước.

Thứ tư, mục tiêu của chúng ta hiện nay là nông nghiệp, đời sống người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, một khi mất sông Hồng chúng ta sẽ mất nông nghiệp.

"Sông Hồng là mạch máu, là tài sản quốc gia nhưng nó không chỉ có một dòng sông mà cả hệ thống sông Đuống, sông Luộc, sông Thái Bình và nhiều nhánh khác. Nếu sông Hồng bị khống chế nước thì toàn bộ các dòng sông nhánh sẽ chết. Theo nghiên cứu địa chất, khi ấy ĐBSH sẽ bị tụt xuống, cộng với nước biển dâng, Việt Nam sẽ mất hẳn ĐBSH.

Chúng ta tự hào về văn minh lúa nước sông Hồng, mất sông Hồng là mất đi nền văn mình đời Hùng Vương để lại, liệu cháu con đời đời có nhắc đến chuyện này không?", GS Hồng trăn trở.

Nguy cơ chuyển nhượng cho nước ngoài

Xét về khía cạnh kinh tế, theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, Xuân Thiện cho hay, dự án này cần tới 24.510 tỷ đồng, trong đó 30% tổng mức đầu tư do nhà đầu tư góp bằng vốn chủ sở hữu; phần còn lại sẽ được huy động vốn vay thương mại.

"Xuân Thiện muốn vay được 70% vốn thương mại thì phải có vốn điều lệ lên tới 7.300 tỷ đồng trong khi vốn pháp định của doanh nghiệp chỉ có khoảng 1.200 tỷ đồng, liệu tổ chức nào cho họ vay? Nếu phá sản, không loại trừ khả năng họ bán dự án nước ngoài. Cho nên chủ đầu tư nói sẽ vay bằng nhiều nguồn, nhưng về kinh tế, rõ ràng họ không đủ năng lực", ông Hồng nói.

Chính vì thế, một trong những nguy cơ nghiêm trọng nhất và cũng khiến GS.TS Vũ Trọng Hồng lo lắng nhất, chính là nguy cơ chủ đầu tư có thể chuyển giao dự án cho nước ngoài.

"Về an ninh chính trị, khi giao cho Công ty TNHH Xuân Thiện làm, tức là giao cho tư nhân, việc mở nước là phải do Xuân Thiện quyết định, chứ không hề dễ dàng như đập Hòa Bình. Kinh nghiệm thủy điện trên sông Vu Gia, Thu Bồn giữ nước khiến hạ du khát vẫn còn đó. Khi ấy (năm 2010 - PV), Phó Thủ tướng chỉ đạo chủ đầu tư công trình thủy điện phải mở nước 25m3/s để trả nguồn nước về sông Vu Gia nhưng họ "cãi lệnh" và cho rằng như thế thì mất phát điện, khi nào cần mới mở nước. 6 đập thủy điện trên sông Hồng sẽ không phục vụ cho nông nghiệp mà phục vụ cho GTVT để nối với Trung Quốc. Liệu các tỉnh ĐBSH ở hạ lưu có chịu được áp lực này không?

Đáng lo ngại hơn, nếu thủy điện này vào tay tư nhân và họ chuyển nhượng nó cho tập đoàn nước ngoài (họ có quyền làm việc này) mà lại đúng vào doanh nghiệp Trung Quốc thì vô cùng nguy hiểm. Khi chúng ta muốn xả nước là phải nói chuyện doanh nghiệp Trung Quốc.

Tại sao lại để tư nhân quản lý một nguồn nước lớn như sông Hồng, trong lúc đập Hòa Bình, Sơn La đều là của Nhà nước? Nguy cơ an ninh chính trị là rất lớn, trong nước sẽ mất ổn định giữa thượng lưu và hạ lưu, thượng lưu thừa nước mà hạ lưu không có nước vì họ sẽ chỉ làm thủy điện ở phía Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, mà nông nghiệp của ta là ở dưới Thái Bình, Nam Định...", GS.TS Vũ Trọng Hồng lo ngại.

Một vấn đề khác được Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam đề cập, đó là khi dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện hoàn thành, chủ đầu tư sẽ tiến hành thu phí. Điều đó có nghĩa tất cả tàu thuyền lâu nay vận chuyển hàng hóa miễn phí trên sông Hồng giờ phải đóng phí, phí ấy sẽ được tính vào giá thành sản phẩm và người tiêu dùng tự nhiên phải mua hàng với giá đắt hơn.

Vì thế, vị chuyên gia khẳng định quan điểm, không nên ủng hộ đầu tư dự án này.

Thành Luân

6 nhận xét :

  1. Dự án này kết hợp vụ đào bể than sông Hồng thì ôi thần linh ôi, cả Hà Nội sẽ sụp xuống hố tử thần. Cha ông có sống dậy cũng không hình dung nổi đám con cháu mất dạy nó phá nát Thăng Long kinh thành hoàng thành (kinh hoàng) đến thế.

    Trả lờiXóa
  2. Trần Thị Thảolúc 04:03 6 tháng 5, 2016

    Rừng hết , biển mất và chết . Còn sông Hồng bán nốt thế là hết . Ôi đảng ơi .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. VIỆC NÀY ĐÃ CÓ ĐẢNG LO,THẢO YÊN TÂM NHÉ.

      Xóa
  3. Nhũn não hết rồi chắc?!

    Trả lờiXóa
  4. Và còn nhiều vụ việc nữa nhân dân ta còn có thể chưa biết.ngần ấy sự việc là đủ thấy mất nước rồi.

    Trả lờiXóa
  5. Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn ngàn năm
    Dự án "siêu" có cái nào khốn nạn thế này chăng?
    Chưa đâu, kể cả có so cùng Vũng Áng!
    Khi đồng bằng khắp nơi khô hạn,
    Rừng không còn, biển thành bãi tha ma!

    Trả lờiXóa