Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2016

Quảng Trị: THUYỀN VEN BỜ NẰM IM, TÀU XA KHƠI VƯỚNG NỢ

Quảng Trị sau vụ cá chết:
Thuyền ven bờ “nằm im”, tàu xa khơi vướng nợ

Dân trí
Thứ Năm, 12/05/2016 - 07:11

Trở về đất liền sau mấy ngày đánh bắt, nhiều ngư dân thở dài ngao ngán, thất thểu chia nhau từng cân cá nục tươi mang về nhà sử dụng hoặc bán tháo với giá rẻ để gỡ vốn. Những người không bán được cá đành đưa về hấp rồi phơi khô, chờ cơ hội tiêu thụ.

Những chuyến biển chát mặn mồ hôi…

Nhiều ngư dân mà chúng tôi có dịp tiếp xúc đều mang nỗi trăn trở khi biển cả mênh mông - nơi mà họ đã gắn bó bao đời nay - giờ “không lành” như trước, dù không hề có thiên tai hay bão tố. Đang là mùa “cao điểm” đánh bắt nhưng đời sống của họ rất bấp bênh, khó khăn.


Các thuyền viên thu gom số hải sản sau mấy ngày đánh bắt

Tiếp xúc với các ngư dân này, chúng tôi nghe thấy nhiều cụm từ “biển độc”, “biển chết” đầy xót xa. Tuy vậy, để đảm bảo cuộc sống, những ngư dân làm nghề đánh bắt xa bờ không còn cách nào khác là vẫn quyết tâm bám lấy biển. Cho dù thành quả mang lại chưa được như ý muốn khi giá thành thu mua hải sản thời gian này đã bị đẩy xuống quá thấp, mức thậm chí tiêu thụ cũng rất chậm.


Trở về sau 2 ngày đánh bắt trên biển, ngư dân Lương Văn Mọi (khu phố 1, thị trấn Cửa Việt), chủ tàu QT 92279 TS cho biết, tàu của anh đánh bắt cách xa bờ hơn 40 hải lý, đi 2 ngày đánh được hơn 1 tấn cá nục suôn và gai. Tuy nhiên, tiêu thụ rất khó khăn, giá cả quá thấp không đủ chi phí xăng dầu. Bây giờ giá mỗi kg cá nục suôn chỉ được 6.000 – 8.000 đồng, còn cá nục gai thì thấp hơn.

Nhìn xuống số cá vừa đánh bắt được, anh Mọi chua chát nói: “Thời gian này việc khai thác thủy, hải sản của ngư dân chúng tôi gặp không ít khó khăn. Thuyền đánh bắt gần lâm vào cảnh “nằm im” trên bờ đã đành nhưng thuyền xa bờ như chúng tôi cũng lao đao. Sản phẩm đánh bắt được không bù nổi chi phí, thành ra tiền công anh em cùng đi trên thuyền cũng không có. Không đi biển thì không biết lấy gì để sống, mà đi thì bị lỗ nặng”.

Cùng chung tình cảnh như tàu của anh Mọi, anh Nguyễn Văn Bình (40 tuổi, trú tại Khu phố 1, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh) chủ tàu QT-93127 TS làm nghề lưới vây cập bến sau 3 ngày tham gia đánh bắt. Sau khi bán một phần số hải sản đã đánh bắt được, mọi người chia nhau vài kg cá nục để mang về sử dụng.

Các thuyền viên tàu anh Bình chia từng kg cá nục về nhà sử dụng

“Mong Nhà nước, Chính phủ tạo điều kiện quan tâm đến ngư dân, có những chính sách, giải pháp để ổn định tình hình chứ với tình trạng như hiện nay thì e rằng người dân sẽ khó lòng để yên tâm mà tiếp tục bám biển được” – một ngư dân trình bày.

Đời sống bấp bênh vì lỗ nặng

Tàu vừa cập bến, trong khi mọi người trở về nhà sau mấy ngày lênh đênh trên biển thì anh Bình nán lại kiểm tra thuyền, xem lại các mấu neo cho chắc chắn. Anh Bình cho hay, chuyến này thuyền của anh đánh được gần hơn 1 tấn cá nục. Tuy nhiên, do giá quá thấp nên không bán được bao nhiêu, một phần nhỏ anh em trên thuyền chia nhau mang về nhà ăn. Anh Bình nói, với số cá này chỉ bán được cho các lò hấp với khoảng 8.000 đồng/kg, thu được khoảng hơn 13 triệu đồng. Tính hết chi phí cho chuyến đi mỗi thuyền viên trên tàu được chia... 100.000 đồng.



Chuyến đi biển không thành công của anh Lạng khi chỉ thu về 400 kg cá

Cập cảng sau chuyến biển không mấy thành công, anh Hồ Văn Lạng (37 tuổi, trú tại thôn 4, xã Gio Hải, huyện Gio Linh) và các thuyền viên chỉ biết ngậm ngùi vì bị lỗ nặng. Tàu của anh Lạng vỏ gỗ, có công suất 410 CV được gia đình đóng mới vào năm 2015. Thời điểm ấy, giá cả các loại cá và ngư trường ổn định, nên tháng nào đi biển, tàu của anh Lạng cũng có đồng ra đồng vào. Nhưng từ khi bắt đầu xuất hiện cá chết trắng dọc bờ biển miền Trung, những tàu xa bờ như anh Lạng đều lâm vào cảnh khốn khó.

Sau 2 ngày đánh bắt, thuyền của anh Lạng chỉ thu được khoảng 400 kg cá, tính ra tiền chuyến này tàu anh Lạng chỉ thu được 3 triệu đồng. Trong khi đó, chỉ tính riêng chi phí ra khơi đánh bắt, anh Lạng phải bỏ ra 10 triệu đồng. “Người dân thì không dám ăn cá, dù cá nục đánh bắt ở ngoài khơi. Thương lái thì không thu mua, nên chúng tôi bán cá này cho các lò hấp, giá rất rẻ. Trước đây giá từ 15 - 30 nghìn đồng/kg, nay bán 8.000 đồng/kg” - chị Nguyễn Thị Tuyền (vợ anh Lạng) ngao ngán.


Đưa cá vào bán cho các lò hấp với giá rẻ.

Dù biết là khó khăn và khả năng vướng nợ rất lớn, nhưng khoản nợ ngân hàng hơn 1,5 tỉ đầu năm 2016 anh Lạng vay để nâng cấp máy khiến anh phải tiếp tục ra khơi để gom góp tìm cơ hội mà trả lãi vay. “Người ta thường nói “rừng vàng, biển bạc”, nhưng bây giờ ngư dân làm nghề lộng không thể ra khơi để kiếm sống. Còn ngư dân đánh bắt xa bờ thì vướng nợ do quá trình đầu tư, nâng cấp tàu cá và giờ việc tiêu thụ hải sản gặp khó khăn do tâm lý lo sợ của mọi người từ việc hải sản chết vừa qua. Trong khi đó, nợ ngân hàng thì chồng chất, biết lấy gì mà trả lãi vay bây giờ” – anh Lạng băn khoăn.


Việc tiêu thụ hải sản chậm khiến đời sống của không ít hộ ngư dân bấp bênh

Bao đời gắn bó với biển, ngư dân chỉ cầu mong cho sóng lặng, biển yên lành để chú tâm làm ăn. Nhưng với thực tế hải sản tiêu thụ chậm như hiện nay khiến đời sống của nhiều hộ gia đình ngư dân bỗng trở nên bấp bênh. Trăn trở của anh Lạng, anh Bình cũng là tâm lý chung của hàng chục hộ ngư dân đánh bắt xa bờ hiện nay.

Rời tàu cá của ngư dân, chúng tôi tìm đến các chợ địa phương lẫn các chợ lớn ở thành phố để tìm hiểu tình hình. Dù tiểu thương bắt đầu bày bán trở lại sản phẩm cá biển, song người dân dường như vẫn “né” cá biển mà chỉ sử dụng thực phẩm cá nước ngọt.

Không biết khi nào sản phẩm của ngư dân miền biển mới được đón nhận bình thường trở lại? Dù mới đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã công bố kết quả xét nghiệm các mẫu hải sản tại các khu vực có hiện tượng cá chết bất thường ở các tỉnh miền Trung. Theo đó, kết quả xét nghiệm cho thấy trong 139 mẫu hải sản tươi sống, mẫu nước sử dụng và rau ăn tại khu vực xuất hiện hiện tượng cá chết, có 97 mẫu hải sản tươi sống đạt chỉ số an toàn. Còn lại là các mẫu rau và nước sử dụng cũng đều nằm trong ngưỡng cho phép. Bên cạnh đó, các địa phương cũng tích cực kiểm tra các sản phẩm đánh bắt của ngư dân để tạo điều kiện thuận lợi cho họ trong khâu tiêu thụ. Sản phẩm đánh bắt ở vùng biển cách bờ 20 hải lý trở lên đều được các ngành chức năng cấp giấy chứng nhận và được đánh giá là an toàn.

Đăng Đức

4 nhận xét :

  1. trước sau gì cũng chết,nhưng tại sao dân hà tỉnh sợ ở tù ko dám đứng lên đấu tranh cho con cháu đời sau nhỉ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đấu Tranh cho đời Mình chớ không phải cho đời nào đâu bạn ạ.

      Xóa
  2. Có tin được không các chứng nhận an toàn?

    Trả lờiXóa
  3. Dân không biết đâu mà lần, khổ.

    Trả lờiXóa