Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2016

BBC: NHIỀU NGƯỜI BỊ NGĂN CHẶN ĐI BIỂU TÌNH


Bạn đọc nói với BBC lực lượng an ninh tập trung đông đảo

Nhiều người 'bị ngăn chặn' đi biểu tình 
15.05.2016
Sau đó, những thanh niên này được cho là đã "bị bắt lên xe bus" và được trả tự do khoảng 13 giờ 30 cùng ngày.Nhiều người nói họ bị "tạm giữ" và "ngăn cản" ngay tại nhà, không thể tham gia xuống đường biểu tình trong tuần thứ ba liên tiếp vì sự kiện cá chết ở miền Trung Việt Nam.

Tại Tp HCM, Huỳnh Thành Phát, một người trẻ từng tham gia xuống đường về vụ cá chết nói anh "bị canh trước cửa nhà".

Ông Trần Bang cho BBC biết ông bị "săn, bị chặn, đang chơi trốn tìm với rất đông an ninh". Ngày 14/5, gia đình ông bất ngờ bị kiểm tra nơi cư trú.

Cũng trong đêm 14/5, luật sư Lê Công Định và một số nhà hoạt động cũng nói họ bị kiểm tra nơi cư trú vào đêm khuya.

Ông Định viết trên trang Facebook cá nhân: "Đúng 11 giờ khuya hai anh công an phường đến bấm chuông cửa, đề nghị kiểm tra hành chính.

"Tôi mở cửa bước ra, nhưng không mời hai anh công an vào nhà, nói thẳng rằng tôi không chấp nhận và chấp hành việc kiểm tra hành chính như vậy. Hai anh hỏi lý do nào tôi từ chối, vì họ làm theo luật định. Tôi đáp rằng tôi có quyền từ chối việc kiểm tra nơi tôi ở," ông Định viết.
'Tước đoạt quyền đi lại'
Hàng rào thép gai được đưa đến nhiều nơi tại Thành phố Hồ Chí Minh

Tại Hà Nội, nghệ sĩ Nguyễn Kim Chi nói bà bị "tước đoạt quyền đi lại".

Trên trang Facebook cá nhân, bà miêu tả "Thêm mấy người nũa từ đầu ngách tiến vào, mặt mũi lạnh lùng dễ ghét. Họ xúm lại ấn tôi vào cổng. Sức tôi yếu. Làm sao chống đỡ được sự cản ngăn của hàng chục người.Vậy là họ đã tước quyền đi lại của tôi."

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho biết ít nhất năm “bạn trẻ” đã ngăn không cho ông rời nhà để tới thuyết trình tại một buổi về “tài năng trẻ của đất Việt”.

Video đưa lên Facebook cá nhân của nhà hoạt động xã hội này cho thấy một số người mặc thường phục nói “bác đừng đi đâu cả, cứ ở nhà đi cho nó khỏe….bác thông cảm cho chúng cháu.”

Ông Quang A nói “Các cậu cản trở mình đi là các cậu vi phạm nhân quyền, vi phạm luật, các cậu giở một cái trò không thể chấp nhận được”.

Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh, Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Quang A tại Hà Nội cũng đều nói họ bị "ngăn cản".

Bà Nguyễn Thúy Hạnh đăng ảnh tọa kháng tại nhà với một số người khác. Trong ảnh, bà Hạnh và những phụ nữ khác cầm biểu ngữ: "Yêu cầu chính phủ minh bạch thông tin nguyên nhân cá chết", "Ai đầu độc biểu miền Trung?"

Bà Hạnh cũng là ứng viên tự do tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội tại Hà Nội.
Xuống đường

Những hình ảnh trên mạng Xã hội tại Việt Nam cho thấy người dân ở Song Ngọc- Quỳnh Ngọc - Quỳnh Lưu - Nghệ An đã xuống đường yêu cầu đưa ra thông tin về thảm họa cá chết diễn ra tại khu vực gần nơi họ sinh sống.

Các tấm bảng thể hiện ý kiến nêu: "Cá cần nước sạch - Dân cần minh bạch", "Không cho phép những ai lạm dụng quyền lực, phá hoại đất nước", "Tội lỗi chống lại tự nhiên, cũng là tội lỗi chống lại chúng ta và là tội lỗi chống lại chính Thiên Chúa".
 Người dân tại Nghệ An xuống đường biểu tình vì cá chết ngày 15/5

Người dân xã này đã tập trung về Ủy ban Xã để yêu cầu có giải pháp với vấn đề cá chết.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, một bạn đọc của BBC nói thấy lực lượng an ninh chạy vào khách sạn New World "bắt 2,3 người quăng lên xe trước mặt khách nước ngoài và nhân viên khách sạn".

"Họ bắt người ngay trong khách sạn, rượt đuổi và kẹp cổ, kéo lê và khiêng quăng lên xe" - Cô nói.

Cô cho biết lực lượng này "đeo khẩu trang và mặc thường phục". 
Lực lượng an ninh tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ - Sài Gòn

Cô nói trên đường Cống Quỳnh (gần khu vực phố Tây Bùi Viện, Quận 1) rất nhiều công an và hàng rào kẽm gai.

Tại Công viên 23/9, một địa điểm được cho là sẽ diễn ra biểu tình ôn hòa chiều ngày 15/5 cũng "rất đông" các lực lượng an ninh. 
Nhóm người biểu tình tại Sài Gòn

Một nguồn tin từ nhóm các nhà hoạt động nói trong số những người bị bắt khách sạn New World có Blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, và một số nhà hoạt động khác.

Lúc 16 giờ 30, có một số người đã biểu tình thành nhóm đơn lẻ tại khu vực Chợ Lớn, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. 
Cuộc xuống đường tại Hà Nội kết thúc vào buổi sáng 15/5 
khi những người tham dự bị "bắt lên xe bus"

Tại Hà Nội, lúc 10 giờ sáng 15/5, một số người trẻ biểu tình ở bờ Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Hình ảnh cho thấy người tham gia đi bộ dọc con đường, cầm theo những biểu ngữ nói về môi trường, nước sạch.

Sau đó, những thanh niên này được cho là đã "bị bắt lên xe bus" và được trả tự do khoảng 13 giờ 30 cùng ngày.
.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét