Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2016

VÌ SAO SÁCH VỀ GẠC MA CHƯA ĐƯỢC CẤP PHÉP?


Vì sao sách về Gạc Ma chưa được cấp phép? 

Người lao động
06/03/2016 21:31 
Hơn 2 năm chuyển qua hàng chục NXB nhưng nơi nào cũng từ chối cấp phép xuất bản cuốn sách về 64 liệt sĩ hy sinh ở Gạc Ma mà không nói rõ lý do

“Gạc Ma - Vòng tròn bất tử” là cuốn sách do nhiều tác giả viết về sự kiện xảy ra trên đảo Gạc Ma và sự hy sinh anh dũng của 64 chiến sĩ đã ngã xuống nơi đầu sóng ngọn gió, dâng hiến thân mình cho Tổ quốc. Cuốn sách được chủ biên bởi Thiếu tướng - Anh hùng Lực lượng vũ trang Quân đội Nhân dân Việt Nam Lê Mã Lương, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, hiện là ủy viên Đoàn Chủ tịch MTTQ Việt Nam. Trong sách chứa đựng nhiều câu chuyện xúc động, hình ảnh và tư liệu quý giá về những người anh hùng liệt sĩ đã hy sinh ở Gạc Ma. 


 Bìa cuốn sách đã được First News Trí Việt chuyển đi xin cấp phép xuất bản

“Sự kiện đẫm máu ngày 14-3-1988 mãi mãi đi vào lịch sử bi hùng trong cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt, 64 người anh hùng - liệt sĩ đã anh dũng hy sinh, nhưng nơi các anh ngã xuống đã hoá thành cột mốc chủ quyền trên đảo Gạc Ma của đất mẹ Việt Nam...” - ông Đào Văn Lừng, Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thường trực phía Nam Ban Tuyên giáo trung ương, đã viết trong lời giới thiệu cho cuốn sách “Gạc Ma - Vòng tròn bất tử”.

Thiếu tướng Lê Mã Lương xác nhận: “Tôi nhận lời thẩm định, hiệu đính tác phẩm “Gạc Ma - Vòng tròn bất tử” bởi bản thảo đã cuốn hút và gây hết sức xúc động cho tôi. Hy vọng cuốn sách được in ấn, góp phần vào việc tri ân những người con anh hùng đã hy sinh ở đảo đá Gạc Ma năm 1988”.

Còn trong lời bạt viết cho cuốn sách, nhà sử học Dương Trung Quốc viết: “Nhắc lại sự kiện Gạc Ma cũng là cách bày tỏ sự tri ân với các thế hệ đi trước, dù ở thời đại lịch sử nào, chế độ chính trị nào cũng nêu cao ý thức của con dân đất Việt, đã thực hiện cái sứ mệnh như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã viết ra từ hơn nửa thiên niên kỷ trước: Biển Đông vạn dặm giang tay giữ”.

“Vòng tròn bất tử với những người lính tay không chống lại mũi súng và lưỡi lê. Thiếu úy Trần Văn Phương, trước lúc ngã xuống đã muốn máu của mình tô thắm lá cờ. Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh, người thay thế giữ lá cờ, bị đạn xuyên qua bả vai. Tàu vận tải 505 với AK, B40 và DKZ chiến đấu cảm tử với những chiến hạm của quân Trung Quốc xâm lược được gắn pháo 100 ly. Và 64 người lính đã ngã xuống trong ngày 14-3 năm đó. Ngay đêm 14-3, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ đã điện về sở chỉ huy, nội dung ngắn gọn, đanh thép: Tàu còn, đảo còn và quyết tâm ở lại giữ đảo “dù phải hy sinh đến người cuối cùng…” (Trích đoạn trong cuốn sách Gạc Ma - Vòng tròn bất tử).

Những câu chuyện được kể lại trong sách không chỉ là sự hy sinh lớn lao của cá nhân các liệt sĩ. Đằng sau các anh không chỉ có 64 bà mẹ đong đầy nhớ thương, 64 người vợ khắc khoải mong chờ, hay những đứa con mơ ước nhưng chưa một lần được thấy mặt cha, mà là tình yêu thương cao cả đã ở lại trong những nét đẹp dung dị, đời thường, được khắc họa mang dáng hình Tổ quốc.

Một cuốn sách xúc động như vậy nhưng đã qua hơn 2 năm đi xin cấp phép xuất bản, chạy tới chạy lui vào Nam ra Bắc, qua hàng chục NXB mà vẫn chưa có giấy phép xuất bản.

Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty Văn hóa sáng tạo First News - Trí Việt, đơn vị sản xuất cuốn sách trên, cho biết: “Đầu tiên, bản thảo được chuyển tới NXB Trẻ. Sau đó, chúng tôi tự rút về, chuyển sang NXB Công an Nhân dân nhưng được biết là cơ quan chủ quản không đồng ý nên chúng tôi lại chuyển cuốn sách tới NXB Tổng hợp TP HCM, NXB Hồng Đức, NXB Thế Giới, NXB Thông Tấn Xã, NXB Thuận Hóa, NXB Đại học Quốc gia, NXB Thanh Niên và NXB Quân đội Nhân dân”.

Qua trao đổi với các NXB, câu trả lời nhận được giống nhau là NXB là đơn vị có quyền cấp phép nhưng quyền cho phép lại ở cơ quan chủ quản, vậy nên cơ quan chủ quản đã không đồng ý thì ai dám cấp phép cho cuốn sách.

Thiếu tướng Lê Mã Lương nói ông cũng không hiểu tại sao cuốn sách lại không được cấp phép: “Tôi đã làm văn bản gửi Bộ Tư lệnh Hải quân và cơ quan này cũng đã gửi tới tôi danh sách xác nhận 64 liệt sĩ đã hy sinh, cũng như tính chính xác của sự kiện. Năm 2015, chúng tôi đã đứng ra tổ chức đấu giá bức tranh “Vòng tròn bất tử” thu được hơn 1,2 tỉ đồng ủng hộ cho các gia đình của 64 liệt sĩ”.

“Theo chỉ đạo của ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, như công văn gửi tới chúng tôi, cuốn sách không phù hợp với NXB Thuận Hóa và NXB Đại học Quốc gia mà cần được đăng ký xuất bản tại NXB Quân đội Nhân dân” - ông Nguyễn Văn Phước cho biết. “Thế nhưng hiện tại, bản thảo cuốn sách đang nằm lại đó hơn một năm nay, chờ Quân ủy trung ương trả lời nhưng không biết đến bao giờ chúng tôi mới nhận được hồi đáp, vì từ khi chuyển tới NXB Quân đội Nhân dân tới nay đã hơn một năm trôi qua trong im lặng” - ông Nguyễn Văn Phước thất vọng nói.
.
Rất mong cuốn sách ra đời
Trao đổi về cuốn sách “Gạc Ma - Vòng tròn bất tử”, ông Chu Văn Hòa khẳng định: “Cá nhân tôi cũng rất mong muốn một cuốn sách có nội dung tốt như thế được ra đời. Nhưng vì có những sự thật lịch sử quan trọng nên cần được sự xác nhận của các cơ quan chức năng. Theo chúng tôi, rất cần Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Hải quân phối hợp với nhau cùng cho ý kiến về việc nên đưa ra những nội dung nào cho phù hợp”.

Hòa Bình

 

2 nhận xét :

  1. Ca ngợi Đặng Tiểu Bình và Hứa Thế Hữu thì dễ, còn ca ngợi 64 chiến sỹ hy sinh tại Gạc Ma lại khó đế thế sao?

    Trả lờiXóa
  2. Việc ém nhẹm không cho cuốn sách về sự thật Gạc Ma được xuất bản là chủ trương của ai? Nếu những người thuộc lãnh vực xuất bản không trả lời được thì câu hỏi này phải chuyển đến cấp lớn nhất nước là ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để trả lời cho gia đình những liệt sĩ Gạc Ma và cho nhân dân. Thưa ông tổng bí thư người dân chúng tôi đang chờ câu trả lời và muốn biết phản ứng của ông đối với việc lấp liếm lịch sử này.

    Trả lờiXóa