Thứ Năm, 10 tháng 3, 2016

"THAM NHŨNG CHỈ CÓ CÁN BỘ ĐẢNG VIÊN THÔI..."

Phó Ban nội chính TƯ: 
"Tham nhũng chỉ có cán bộ đảng viên thôi..."
Infonet
09.03..2016

Trên đây là nhận định của ông Lê Minh Trí – Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương trong buổi tổng kết công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí 2015 được tổ chức tại TP.HCM ngày 8/3.

Ông Lê Minh Trí - Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương.

“Việc lớn nhất là lòng tin của dân đối với chúng ta”

Trong phần phát biểu của mình ông Lê Minh Trí – Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương cho rằng công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) là một nhiệm vụ không chỉ có Đảng mà cả xã hội và nhân dân đều quan tâm.


“PCTN là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, bởi vì tham nhũng chỉ có cán bộ đảng viên thôi chứ còn dân thường không có tham nhũng. Nếu chúng ta xây dựng đảng trong sạch vững mạnh, gương mẫu trách nhiệm thì cơ bản cũng là cái nền cho PCTN” – ông Trí nói.

“Việc lớn nhất là lòng tin của dân đối với chúng ta, chúng ta phải làm tốt điều này thì dân còn tin Đảng, đi theo Đảng và chúng ta mới còn. Về mặt lý thuyết thì nói đi nói lại như thế nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng” – ông Trí nhấn mạnh.

Phó trưởng Ban Nội chính cho rằng để PCTN tốt thì không thể chỉ một cơ quan tham gia mà đòi hỏi phải có sự đồng bộ.

“Trước hết là đồng bộ hệ thống thể chế, pháp luật đặc biệt là những ngành liên quan đến lợi ích nhóm. Bây giờ các bộ luật liên quan đến quản lý chuyên ngành phải ngày càng hoàn thiện và đảm bảo quản lý ngày càng chặt thì mấy cái lỗ hổng bớt đi, khi đó chúng ta mới tăng cường được PCTN, chứ còn một chống mà một bên luật lệ cứ lỏng lẻo, hở chỗ này chỗ kia thì xin thưa các đồng chí, về nguyên tắc quản lý xã hội cái gì sơ hở mà không quản chặt thì người ta làm” – ông Trí nhận định.

Cũng theo ông Trí thì trong nhiệm kỳ của Quốc hội khóa 13 đã ban hành một hệ thống rất lớn các bộ luật và có thể coi đây là những chuyển biến góp phần vào PCTN. Tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh đến yếu tố con người và việc tiếp cận, cập nhật và phải nắm vững luật để vận dụng cho có hiệu quả.

“Vô nhà thấy chủ nhà sao thì hình dung cái nhà, gia đình như thế"

Đề cập đến vai trò của người đứng đầu, ông Trí cho biết qua sơ kết ở nhiều ngành, nhiều địa phương đã thấy rằng, nếu người đứng đầu có quyết tâm chính trị gương mẫu thì nó sẽ lan tỏa cả cái địa phương, ngành, lĩnh vực đó.

“Vô nhà thấy chủ nhà sao thì hình dung cái nhà, gia đình như thế. Đến một cơ quan, địa phương nhìn thủ trưởng sẽ hình dung ra cấp dưới, tất nhiên không phải hoàn toàn nhưng vẫn có màu sắc nào đó” – ông Trí cho hay.

Do vậy theo ông Trí trong công tác cán bộ phải tính toán kỹ để chọn ra người đứng đầu ở những ngành, lĩnh vực "nhạy cảm". Ngoài ra còn cần thực hiện đúng các quy định phòng ngừa, điều chuyển cán bộ, không để ở lâu những lĩnh vực phức tạp.

Ông Trí cũng chỉ ra “bệnh” trong những cuộc thanh tra nội bộ là “kiểm chỗ khác thì thấy nhưng chỗ của mình thì tâm lý”.

Tuy nhiên theo ông Trí trong quá trình xử lý cũng cần tránh tình trạng lấy những sai sót nhỏ để quy trách nhiệm cho cả một quá trình công tác của người lãnh đạo, vì nếu trong phạm vi quản lý lớn mà chỉ lấy ra một điểm để tính cho “lãnh đạo để xảy ra này kia” thì không khuyến khích người đứng đầu thấy được trách nhiệm của mình và chấn chỉnh, xử lý ở phạm vi của mình.

“Hiện nay có những việc khi phát hiện ra mà thái độ của thủ trưởng không bao che, xử lý nghiêm thì chúng ta phải thấy đó là cái để khuyến khích (…) Sắp tới phải kiến nghị để hoàn thiện quy định sao cho phát huy được trách nhiệm nhưng cũng khuyến khích được anh em... Nếu công tác này người đứng đầu không chịu làm thì sẽ không ai làm thay được đâu!” – ông Trí khẳng định.

Nói đến việc PCTN của TP.HCM, ông Trí cho rằng thời gian qua TP không phát hiện ra những vụ việc tiêu cực, tham nhũng lớn là điều mừng trước mắt, nhưng cũng không được chủ quan bởi vì tham nhũng rất khó phát hiện và ngay cả phát hiện rồi xử lý cũng rất khó.

“Có thể do chúng ta phòng ngừa tốt nên nó chưa xảy ra, nhưng cũng có thể do chúng ta chưa phát hiện do các biện pháp, công tác chỉ đạo chưa phù hợp” – ông Lê Minh Trí nói.

Nguyễn Cường


2 nhận xét :

  1. Xin hỏi: Vạy ông Lê Minh Trí có tham nhũng không?

    Trả lờiXóa
  2. Ngày trước khi nhà nước tổ chức toàn dân học tập Nghị quyết 228 về việc chống tham ô móc ngoặc.Mình đứng lên phát biểu đại ý là:đề nghị CQ tổ chức cho cán bộ,đảng viên học tập thôi,chứ không nên bắt toàn thể nhân dân học tập làm gì cho lãng phí thời gian của dân.Việc tham ô móc ngoặc chỉ có thể xẩy ra ở đảng viên có chức có quyền chứ ai móc ngoặc với dân đen làm gì và dân đen thì lấy gì để tham nhũng? Sau đó mình bị địa phương gửi thông báo tới cơ quan mình làm việc và mình bị treo không được kết nạp vào đảng,từ đó mình thôi luôn chuyện phấn đấu trở thanh quần chúng cho tới lúc về hưu.Bây giờ ông Phó ban NC cũng phát biểu tương tự ý mình ngày ấy không biết liệu ông có bị xử lý gì không? Nếu có thì cũng tội ông ấy vì đã nói lên sự thật mà sự thật thì đảng lại luôn tránh xa,đảng chỉ muốn dân luôn sống trong ảo mộng và chờ đợi mà thôi

    Trả lờiXóa