Thứ Ba, 8 tháng 3, 2016

Nguyễn Đình Cống: ĐÃ CÓ NHỮNG LẦN BẦU CỬ DÂN CHỦ NHƯ THẾ

ĐÃ CÓ NHỮNG LẦN BẦU CỬ DÂN CHỦ NHƯ THẾ

Nguyễn Đình Cống
7-3-2016
Sắp tới ở Việt Nam sẽ có cuộc ĐẠI BẦU CỬ.

Nhân dân đã nhiều lần bầu cử theo kiểu áp đặt “Đảng cử dân bầu”. Thế mà đã vài lần có các cuộc bầu cử thật sự dân chủ. Đó là ở các trường Đại học vào thời gian 1989-1993. Xin kể vài cuộc như thế mà tôi biết.

1-Bầu Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội năm 1989

Cuộc bầu này xẩy ra lúc tôi còn làm chuyên gia tại Châu Phi, khi về nước mới tìm hiểu. Trước Đại học Bách khoa đã có vài trường đại học dân chủ bầu Hiệu trưởng, nhưng tôi không biết rõ. Tại ĐHBK bầu 2 lần. Lần 1 có 5 ứng cử viên. Mỗi người phải tranh cử bằng cách làm và trình bày một bản đề cương ứng cử (hoặc kế hoạch công tác), phải dự buổi chất vấn, trả lời các câu hỏi của cử tri toàn trường. Lần bầu thứ nhất không có ai đạt quá 50% số phiếu nên chọn ra 2 người có số phiếu cao nhất để bầu vòng 2. Lúc này 2 ứng viên tiến hành vận động tranh cử. Đó là một dịp sinh hoạt dân chủ có thực chất. Kết quả Giáo sư Hoàng Trọng Yêm thắng cử và trở thành Hiệu trưởng. Việc bầu cử Hiệu trưởng ở các Trường đại học vào thời ký ấy là một mẫu mực cho bầu cử dân chủ.

2- Bầu Chủ tịch BCH Công đoàn trường ĐH Xây dựng năm 1988


Đại hội Đảng bộ trước đó đã bầu Phó giáo sư Phùng vào Đảng ủy với cơ cấu sẽ làm Chủ tịch BCH Công đoàn. Điều đó nhiều cán bộ trong trường đã biết. Trong đại hội Công đoàn, đại diện Đảng ủy công khai giới thiệu PGS Phùng. Thế nhưng khi bầu Chủ tịch BCH, có đại biểu đề cử thêm PGS Trần. Kết quả bầu, PGS Trần thắng cử, làm Chủ tich BCH CĐ trong một nhiệm kỳ. Việc này gây nên một tiếng vang trong toàn trường. Đoàn viên công đoàn ĐHXD đã trả lời cho Đảng ủy biết rằng dân chủ không đồng nhất với sự áp đặt. Đảng cử nhưng dân không bầu. PGS Trần sau đó được phong lên thành Giáo sư. Trong nhiệm kỳ do GS Trần làm Chủ tich BCH, Công đoàn trường ĐHXD vẫn hoạt động dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, nhưng thỉnh thoảng Công đoàn cũng có những hoạt động độc lập.

3-Bầu Hiệu trưởng Đại học Xây dựng năm 1990

Bắt đầu bằng một cuộc ứng cử và đề cử rộng rãi với danh sách trên 20 người, sau đó nhiều người xin rút, còn lại 5 , tôi là 1 trong số đó. Cả 5 người đều gần như là tự ứng cử, không có ai do Đảng cử. Cũng giống như ở ĐH BK, mỗi ứng viên phải làm và trình bày 1 bản đề cương, vận động bầu cử, trả lời các câu hỏi của cử tri trong cuộc họp 1 ngày. Tôi đã bỏ nhiều công sức để làm bản đề cương. Tôi thu thập trên chục bản của các ứng viên Hiệu trưởng của các trường bạn về tham khảo và chỉ học được từ đó rất ít. Các bản đề cương đều tập trung trả lời câu hỏi: Nếu được bầu làm Hiệu trưởng sẽ làm những việc gì. Trong đề cương của tôi cũng có nói đến sẽ làm việc gì, nhưng chú trọng nhiều hơn đến vấn đề sẽ làm như thế nào để phát huy dân chủ và tiềm năng của mọi người.Theo dư luận của bạn bè thì đó là bản đề cương được đánh giá là hay nhất. Tôi gặp GS Hoàng Trọng Yêm để hỏi kinh nghiệm, anh Yêm là bạn học cũ, vừa thắng cử tại ĐHBK. Kết quả bầu vòng 1 GS Nguyễn Văn Chọn thắng cử với 51% số phiếu. Trong 5 ứng viên thì tôi được xếp thấp nhất về học hàm, học vị, tuổi đảng và chức vụ chính quyền (lúc này tôi vừa đi làm chuyên gia ở Châu Phi về, đã thôi chức trưởng bộ môn, chỉ đang là một thầy giáo bình thường), thế mà tôi đạt số phiếu cao thứ 2, chỉ sau anh Chọn. Cuộc bầu cử ở ĐHXD thực sự dân chủ. Trong quá trình vận động tôi và nhiều bạn bè dự đoán là anh Chọn và tôi sẽ có phiếu cao trong lần 1 để vào tranh cử lần 2 như ở ĐHBK, nhưng anh Chọn đã thắng ngay trong vòng đầu.

4-Bầu Chủ nhiệm khoa Xây dựng năm 1991

Chủ nhiệm khoa đương nhiệm lúc đó là PGS Đoàn. Chi bộ Đảng nhất trí giới thiệu anh Đoàn tái cử. Dư luận rộng rãi cho rằng anh Đoàn làm tiếp cũng được và không cần đề cử thêm người khác, để danh sách 1 người cho dễ bầu. Thế nhưng khi đưa ra tập thể tôi đã tự ứng cử. Tôi với anh Đoàn tương đương nhau về tuổi đời, tuổi Đảng, học vị, học hàm và quá trình công tác. Anh Đoàn có ưu thế hơn là đương chức chủ nhiệm và được Đảng cử. Tôi tuy đã từng là trưởng bộ môn nhưng hiện tại chỉ là thầy giáo bình thường. Việc ứng cử trượt chức hiệu trưởng mà không được cử làm phó, không biết là một yếu thế hay lợi thế, chỉ biết rằng trong cả 2 trường hợp tôi không được Đảng cử.

Cũng giống như lần bầu hiệu trưởng, lần này 2 người cũng phải tranh cử bằng cách trình bày bản đề cương và trả lời các câu hỏi. Kết quả bầu, tôi thẳng cử với 65% số phiếu. Một lần nữa nhiều người được chứng kiến cảnh Đảng cử nhưng dân không bầu.

Lời kết

Việc bầu cử dân chủ như thế ở các trường đại học chỉ xẩy ra trong vài năm. Từ 1994 trở về sau, việc bổ nhiệm hiệu trưởng và chủ nhiệm khoa được tiến hành bằng cách “lấy phiếu tín nhiệm”. Cách lấy phiếu như vậy giúp Đảng tránh được hiện tượng Đảng cử nhưng dân không bầu, tuy vậy dân chủ được đến đâu thì cũng khó mà biết được vì theo quy trình do tổ chức đưa ra thì việc kiểm phiếu được thực hiện khá bí mật. Những người đã từng tham dự bầu cử dân chủ thỉnh thoảng lại tiếc cho một một thời đã qua, chưa biết đến bao giờ mới trở lại.
Nguồn: Ba Sàm.

3 nhận xét :

  1. Ở trong Nam có 2 lần bầu Hiệu trưởng ở 2 trường ĐH một cách tự do dân chủ hoàn toàn làm thí điểm, và kết quả là không theo ý đảng mong muốn.
    - Trường ĐH Cần Thơ nhiệm kỳ 1989-1993 và nhiệm kỳ 1994-1997. HT là Ông Trần Phước Đường, học Trường Đại học Michigan Stase University từ năm 1968 - 1972, lấy bằng Tiến sĩ. Một người không là đảng viên CS nhưng trúng cử HT, lúc đó dư luận ồn ào về việc này.
    - Trường ĐH Kinh tế TPHCM nhiệm kỳ 1990-1995. HT là Ông Đào Công Tiến, khi ấy ông chỉ là học vị cử nhân nhưng trúng cử HT. Sau đó ông được đặc cách phong PGS (không có TS), ông người miền Nam đi tập kết, là đảng viên CS. Hiện nay ông tích cực đấu tranh đòi bỏ CNXH, xây dựng chủ nghĩa DÂN TỘC, gắn với DÂN CHỦ và NHÂN QUYỀN.
    Từ đó về sau bỏ không cho bầu cử tự do dân chủ nữa.

    Trả lờiXóa
  2. Nếu thực sự như đảng cộng sản vẫn nói, phải tin dân, phải trọng dân, hãy tiến hành bỏ phiếu bầu lãnh đạo bắt đầu từ các các trường đại học, các học viện, các cơ quan khoa học, các thị trưởng các thành phố, các tỉnh trưởng....hãy thử nghiệm trên toàn quốc.

    Trả lờiXóa
  3. http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/tong-bi-thu-khong-de-lot-cac-phan-tu-the-nay-the-khac-vao-qh-20160308150116019.htm

    Trả lờiXóa