Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

Lê Công Định: LỜI ĐỀ NGHỊ KHIẾM NHÃ VÀO LÚC SÁNG SỚM

Ông Lê Công Định - người tự ứng cử ĐBQH năm 2007. 

Lê Công Định
CUỘC BẦU CỬ QUỐC HỘI NĂM 2007


Kỳ 3: Lời đề nghị khiếm nhã vào lúc sáng sớm

Sau thủ tục lấy ý kiến cử tri tại nơi cư trú, mà kết quả đạt 42% phiếu tín nhiệm của các cử tri tham dự hôm đó, phía chính quyền ngay lập tức tìm cách đối phó tình hình. Như tôi đã kể, dù tỷ lệ dưới 50% phiếu thuận bị xem là không đạt tín nhiệm, nhưng kết quả như thế vẫn làm choáng váng những kẻ phá đám, bởi họ muốn tôi không nhận được một phiếu tín nhiệm nào.


Hai ngày sau cuộc đấu tố tại nơi cư trú, tôi đi Long Xuyên (An Giang) vào buổi tối, để sáng hôm sau dự phiên họp hội đồng quản trị của một công ty mà tôi là thành viên. Xe của công ty đưa đến một khách sạn ở Long Xuyên gần 2 giờ sáng, tôi vùi đầu ngủ ngay. Vào lúc 7 giờ 10 phút sáng, trong khi còn chưa tỉnh giấc hẳn sau chuyến đi dài gần 5 tiếng đồng hồ, chuông điện thoại di động reo, tôi nhìn vào màn hình thì thấy một số điện thoại di động lạ gọi đến.

Đầu dây bên kia là giọng của bà Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố đương nhiệm. Trong những quan chức tôi gặp, bà Phó Chủ tịch trông khả ái, có giọng nói dịu dàng. Sau khi nghe bà xưng tên, tôi hỏi có việc gì mà bà gọi tôi sớm thế, vì theo lịch làm việc của ban tổ chức bầu cử mà bà đã thông báo cho các ứng cử viên, thì 8 giờ sáng mới bắt đầu một ngày làm việc. Đáp lại, bà hỏi tôi có ý định gì sau kết quả không đạt tỷ lệ tín nhiệm cần thiết tại hội nghị cử tri nơi cư trú.

Tôi hiểu ẩn ý của câu hỏi đó, nên trả lời ngay: “Đối với tôi, kết quả đó rất tốt và tôi sẽ tiếp tục chuẩn bị cho hội nghị cử tri nơi làm việc, mà tôi tin sẽ đạt kết quả tín nhiệm cao.” Bà Phó Chủ tịch nói: “Tất nhiên, nếu tổ chức tại công ty của anh thì anh sẽ đạt kết quả tốt thôi.” Tôi nhấn mạnh: “Tất nhiên, các đồng nghiệp của tôi không dễ dàng chịu áp lực từ ai cả.” Bà hiểu câu đối đáp của tôi nên im lặng một lúc, rồi nói tiếp: “Nếu là tôi, vì kết quả tại nơi cư trú không đạt yêu cầu, có đi tiếp cũng vậy, nên tôi sẽ tự nguyện rút lui.”

Đến đây thì đã rõ, họ tìm cách vận động tôi tự rút lui để khỏi phải dàn thêm màn kịch lố bịch khác. Tôi đáp lại: “Tôi thấy không có lý do gì để rút lui, nhất là khi tôi chưa mất hết cơ hội.” Bà Phó Chủ tịch dường như không suy nghĩ, nói thẳng: “Tôi thấy anh không còn cơ hội.” Tôi bật lại: “Tôi sẽ lưu ý câu nói này của chị. Theo luật định, tôi còn một lần lấy phiếu tín nhiệm nơi làm việc với kết quả còn ở phía trước, vậy mà chị dám nói rằng tôi đã không còn cơ hội nữa. Dựa vào đâu chị kết luận như thế?”

Bà Phó Chủ tịch chống chế: “Tôi chỉ nghĩ vậy thôi, hơn nữa cùng Đoàn Luật sư với anh còn có anh Nguyễn Đăng Trừng cũng ra ứng cử, nếu có thêm anh tham gia thì số phiếu bầu dành cho giới luật sư sẽ bị phân tán, đó là chưa nói theo phân bổ thì Đoàn luật sư thành phố mình chỉ có một luật sư tham gia quốc hội thôi. Anh nên suy nghĩ đến quyền lợi chung của giới luật sư mà quyết định tạm thời rút lui. Lần sau anh sẽ lại tham gia ứng cử.”

Tôi nghiêm giọng: “Thứ nhất, luật sư Trừng do đảng cử, còn tôi tự ứng cử. Thứ hai, đơn vị bầu cử của tôi khác ông Trừng, nên không thể có chuyện chia phiếu dành cho giới luật sư. Thứ ba, người dân còn chưa bỏ phiếu mà chị đã bảo theo phân bổ thì chỉ có một luật sư từ Đoàn luật sư thành phố được tham gia quốc hội, vậy hóa ra có sự sắp đặt trước à? Thứ tư, càng có nhiều luật sư tham gia quốc hội thì chẳng những giới luật sư vinh dự, mà quốc hội và nhân dân càng được nhờ vì hơn ai hết các luật sư sẽ đóng góp rất hữu hiệu vào công tác lập pháp của cơ quan lập pháp cao nhất này. Với bốn điều đó, tôi thấy lý do chị nêu ra không thuyết phục. Do vậy tôi từ chối lời đề nghị của chị. Lẽ ra chị không nên đề nghị như thế với tôi. Nếu tôi tiết lộ điều này cho phương tiện truyền thông chắc chắn sẽ không hay ho lắm cho chị đâu.”

Bà Phó Chủ tịch nhẹ giọng: “Đây là tôi nói riêng với anh thôi, hoàn toàn theo suy nghĩ riêng của tôi. Nếu anh thay đổi ý kiến thì báo cho tôi biết, còn không thì cũng không sao. Vậy nha anh. Cám ơn anh nói chuyện thẳng thắn.” Tôi vui vẻ đáp: “Cám ơn sự mẫn cán của chị trong công việc. Cuộc trao đổi sáng sớm này tuy bất ngờ, nhưng rất hay, vì tôi biết thêm nhiều điều từ cuộc bầu cử này.” Bà chào tôi rồi cúp máy.

Tôi nhìn đồng hồ, 7 giờ 17 phút, trong lòng bỗng thấy thú vị với lời đề nghị khiếm nhã của bà Phó Chủ tịch, rồi chợt nghĩ rằng vài hôm nữa ắt sẽ có nhiều chuyện ly kỳ xảy ra với mình. Con đường này chông gai, nhưng mang đến nhiều kinh nghiệm có một không hai. Kể ra số tôi cứ toàn gặp phải các bà, các cô Phó Chủ tịch xinh đẹp thôi, chán thật! Cũng còn may là tôi chưa bao giờ gặp các bà Phó Chủ tịch nước.


.

2 nhận xét :

  1. "Nhân danh Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
    Duyệt danh sách, đưa người ra ứng cử...
    Thế là “nguyên khí hiền tài” xứ sở
    Đảng loại bỏ đi, rất “khéo”, rất “tình”." Tướng Quân Trần Độ
    Lê Công Định là Một trong những Công Dân-chúng tôi Rất Quí Trọng, ông có cá tính...! chúc Ông và gia quyến khỏe mạnh, tiếp tục đóng góp vào việc Khai Trí trong dân! Hy vọng Ông không bỏ cuộc. Cám ơn!

    Trả lờiXóa