Thứ Hai, 21 tháng 3, 2016

GS Nguyễn Minh Thuyết: QUAN TRỌNG HÀNG ĐẦU LÀ ĐB PHẢI CÓ TÂM


VỀ VIỆC TỰ ỨNG CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI, GIÁO SƯ NGUYỄN MINH THUYẾT:
“Quan trọng hàng đầu là đại biểu phải có tâm”

Huyên Nguyễn
Báo Lao Động số 60
7:40 AM, 17/03/2016

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - đại biểu Quốc hội khóa XI và XII, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - trao đổi với phóng viên Báo Lao Động về vấn đề tự ứng cử và bầu cử đại biểu Quốc hội.


Nhiều người tự ứng cử đại biểu Quốc hội là một tín hiệu tốt

Thưa ông, kết thúc thời hạn nhận hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, theo đánh giá sơ bộ, số lượng hồ sơ tự ứng cử nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV tăng cao và người ứng cử rất đa dạng về ngành nghề. Ông đánh giá về việc này như thế nào?

- Việc công dân tự ứng cử đại biểu Quốc hội đã có từ nhiều kỳ bầu cử trước nhưng số lượng người tự đăng ký lần này rất đông, đó là một điểm mới. Đây là hiện tượng đáng mừng. Nó cho thấy ý thức công dân của nhiều người dân đã cao hơn trước. Từ trước đến nay, dân ta vẫn luôn nghĩ rằng việc này đã có tổ chức lo rồi, mình cũng chẳng phải lo. Bây giờ, nhiều người đã nhận thức khác, thấy mình phải có trách nhiệm, gánh vác công việc chung. Rất đáng hoan nghênh.

Điều này có cho thấy tính dân chủ được đề cao?

Việc tự ứng cử đã được quy định trong Hiến pháp và Luật Bầu cư đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; công dân chỉ thực hiện đúng quyền của mình thôi. Còn dân chủ đến mức nào thì phải xem quá trình xác nhận, kiểm tra hồ sơ, lựa chọn người ứng cử và quá trình bầu cử diễn ra như thế nào mới có thể đánh giá một cách thuyết phục được.


Thưa ông, ở các kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội trước đây, số lượng người tự ứng cử có đông không? Trong số những người tự ứng cử đó, có bao nhiêu người trúng cử và đóng góp của họ trong nhiệm kỳ như thế nào?

- Tôi mới chỉ tham gia Quốc hội 2 khóa XI, XII nên số liệu có thể chưa nắm được hết. Theo tôi biết, khóa nào cũng có một số người tự ứng cử nhưng số lượng người tự ứng cử trước đây ít hơn nhiều so với số lượng năm nay. Trong số những người tự ứng cử và trúng cử đại biểu Quốc hội, tôi biết đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (giảng viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) và đại biểu Nguyễn Minh Hồng - Giám đốc một bệnh viện tư ở Hà Nội. Ông Đào tự ứng cử ở khóa XI, được bố trí ở đơn vị bầu cử huyện Đông Anh, Hà Nội và đã trúng cử. Đến khóa XII, ông Đào lại tự ứng cử và tiếp tục trúng cử đại biểu Quốc hội. Ông Nguyễn Minh Hồng tự ứng cử ở quê nhà là tỉnh Nghệ An và đã trúng cử làm đại biểu các khóa XII, XIII. Cả hai đại biểu đều là những người hoạt động rất tích cực.

Năm nay có rất nhiều người tự ứng cử với nhiều ngành nghề, ông có suy nghĩ gì về điều này?

- Quốc hội là cơ quan đại diện của dân, vì thế cần có sự tham gia của nhiều thành phần dân cư khác nhau. Việc một số nhà báo, nghệ sĩ, nhà hoạt động xã hội được nhiều người biết đến ứng cử là một điều đáng mừng. Là người của công chúng, những ứng cử viên này nếu được bầu vào Quốc hội chắc sẽ có nhiều đóng góp, không chỉ phản ánh tâm tư nguyện vọng cử tri của giới mình, mà cũng sẽ phản ánh được tâm tư nguyện vọng của người dân nói chung, có nhiều đóng góp vào công việc của Quốc hội, nhất là lĩnh vực họ am hiểu.

Đại biểu phải có tâm, có tài

Theo ông, tố chất quan trọng nhất của một đại biểu Quốc hội là gì?

- Theo tôi, cái quan trọng hàng đầu là đại biểu phải có tâm. Có tâm thì đại biểu mới chịu khó tiếp xúc với cử tri, lấy ý kiến cử tri, tìm hiểu đời sống, nghiên cứu tài liệu để phát hiện vấn đề. Có tâm thì đại biểu mới dám mạnh dạn nói. Sau cái tâm là cái tài, tức là đại biểu phải có hiểu biết, có năng lực để xây dựng ý kiến của mình và phát biểu cho mạch lạc, góc cạnh.

Vào thời điểm chuẩn bị đến ngày bầu cử cũng là lúc đang có những ý kiến khác nhau về một số người tự ứng cử. Ông cho biết quan điểm về vấn đề này?

- Tôi không phân biệt người tự ứng cử và người được tổ chức giới thiệu ứng cử. Ai cũng được, miễn là họ có cái tâm với công việc, xác định được trách nhiệm của mình vào Quốc hội để gánh việc nước.

Qua một số phản ánh cả trên báo chí và trên mạng, tôi thấy một số cơ sở, thậm chí cả cơ quan báo chí ứng xử với các công dân tự ứng cử không đúng pháp luật. Ví dụ, có những người nộp đơn ứng cử phản ánh là bị gây khó khăn; cũng có những người tự ứng cử bị xúc phạm nặng nề trên báo. Có thể nói đây là những hành vi vi phạm pháp luật. Tôi phản đối tất cả những hành vi như vậy. Quyền lựa chọn là quyền của dân. Hãy để cho dân lựa chọn đại biểu của mình.

Sau Hội nghị Hiệp thương lần hai, những người lọt vào danh sách sơ bộ sẽ được đưa ra lấy ý kiến của cử tri nơi cư trú. Những hội nghị này cần được tổ chức nghiêm túc. Những người tham dự hội nghị có quyền đặt câu hỏi, nêu nhận xét về ứng cử viên. Các câu hỏi, nhận xét cần có lý có tình, phù hợp với quy định của pháp luật, thể hiện sự tôn trọng ứng cử viên. Ứng cử viên cần được giải trình đầy đủ. Đó là biểu hiện của dân chủ.

Khóa XIII khi có hai đại biểu tự ứng cử bị bãi nhiệm, theo ông vấn đề gì quan trọng nhất trong bầu cử, để lựa chọn người ưu tú nhất, xứng đáng nhất?

- Điều quan trọng nhất là Đảng, Nhà nước và xã hội nói chung phải thực hiện đúng chủ trương của Đảng, đúng quy định của Hiến pháp về dân chủ. Từ trước đến nay vẫn có cách ứng xử không bình đẳng giữa các đối tượng ứng cử. Điều đó là không đúng. Để tạo điều kiện cho cử tri lựa chọn ứng cử viên xứng đáng để bầu vào Quốc hội, cần tổ chức tranh cử thật sự, chứ không hình thức. Cử tri mà đi bầu một cách hình thức, chiếu lệ thì người thiệt thòi lại chính là cử tri.

- Xin cảm ơn ông!
_____________
.
Ghi chú của Tễu Blog: bài đã đăng trên Lao động điện tử. Những chỗ tô màu da cam là nhữn đoạn btòa soạn lược bđi.
 

5 nhận xét :

  1. Ý kiến của GS Nguyễn Minh Thuyết rất đúng,nhất là những dòng đánh dấu màu da cam mà tòa soạn Lao động điện tử đã "lược"đi.Việc làm này chẳng những bất nhã đ/v GS mà còn thể hiện yếu kém về "tâm" và "dũng" của tòa soạn,làm ảnh hưởng đến uy tín của Báo,vì có gì sai đâu mà phải tránh né!

    Trả lờiXóa
  2. Tôi lại cho rằng: "Quan trọng hàng đầu" là... KIỂM PHIẾU! Nếu gian lận kiểm phiếu thì toàn đại biểu "ác tâm" hoặc "vô tâm" vào Quốc hội mà thôi. Sao không mời giám sát quốc tế vào nhỉ? "Dân chủ đến thế là cùng" thì cũng cho cả thế giới biết và công nhận chứ.

    Trả lờiXóa
  3. Khổ ghê cho bác Thuyết, "quan trọng hàng đầu" đại biểu phải có tâm là đúng với dân, còn với nhà nước ??? tôi nghĩ ngay đến các ông ngồi ngáp mặt mũi đờ đẫn mụ mị, tìm đâu ra tâm ở đây!

    Trả lờiXóa
  4. Nếu thế thì các ĐB vừa ở cơ quan lập pháp và cả hành pháp tâm không trọn vẹn rồi,chỉ còn một phần hai cho mỗi bên thôi.Đau thật,được lòng thánh thì mất lòng thần,thôi chi bằng dành tất cả cho mình thôi

    Trả lờiXóa
  5. Ai cũng có tâm hết, có cả tốt lẫn xấu
    Bầu cử trung thực sẽ chọn được người xứng đáng

    Trả lờiXóa