Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2016

GIẢI THƯỜNG VĂN VIỆT LẦN THỨ NHẤT ĐÃ ĐƯỢC TRAO HÔM NAY

Kịch tính Giải Văn Việt lần thứ nhất

Chính Vĩ
Gửi cho BBC từ Sài Gòn

 
 Nhà thơ Dương Tường (phải) đại diện gia đình nhà văn Bùi Ngọc Tấn 
nhận Giải đặc biệt từ nhà văn Nguyên Ngọc


Khởi động hơn một năm, Giải Văn Việt lần thứ nhất (2014 - 2015) đã được trao từ lúc 9h30 ngày 3/3/2016 (giờ Việt Nam) tại tư gia nhà thơ Ý Nhi ở Sài Gòn - một thành viên ban giám khảo.

Chọn tư gia của Ý Nhi là việc chẳng đặng đừng, vì phía tổ chức đã tìm kiếm nhiều địa điểm, nhưng cuối cùng đều bất thành, do áp lực từ phía chính quyền.


Thế nhưng, đây vô tình lại là việc rất hay, vì nó đúng với tinh thần dân sự mà Văn đoàn độc lập Việt Nam, cũng như cộng đồng Văn Việt đã chọn để đi.

Với lại, quan trọng nhất vẫn là chất lượng và ý nghĩa của giải thưởng, chứ không phải do địa điểm trao giải quyết định.

Nhìn vào thành phần ban giám khảo và những tác giả được chọn trao dưới đây, có thể thấy phía tổ chức đã rất nỗ lực trong việc tìm kiếm những tác phẩm giàu giá trị văn học.

Tổng giải thưởng lần thứ nhất là 7.500 USD, tương đương 165.000.000 VND. Phía tổ chức đang hi vọng những lần trao giải sau sẽ có giá trị hiện kim nhiều hơn nữa.
 
Nhà thơ Ý Nhi trao Giải thơ cho Nguyễn Hoàng Anh Thư (trái)

Dùng chữ kịch tính để gọi Giải Văn Việt lần thứ nhất, vì thời gian qua việc tuyên bố vận động thành lập Văn đoàn độc lập Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn từ chính quyền. Từ 56 thành viên đầu tiên, nhiều người đã không chịu nổi áp lực nên xin rút tên.

Trang web chính thức của Văn Việt - công cụ thể hiện của Văn đoàn độc lập Việt Nam - đã bị tường lửa nặng nề, muốn vào đọc rất khó khăn.

Ngày 12/2/2016, việc bầu chọn Giải đặc biệt đã diễn ra, kết quả văn xuôi trao cho nhà văn quá cố Bùi Ngọc Tấn (1934 - 2014), với sự nhất trí 5/5 phiếu từ 5 thành viên ban giám khảo. Hai tác phẩm được chọn trao giải là Chuyện kể năm 2000 (tiểu thuyết) và Hậu chuyện kể năm 2000 (hồi ức).
.
 
Tiến sĩ Nguyễn Quang A (đại diện những nhà tài trợ) trao giải vắng mặt 
cho nhà phê bình Thụy Khuê

Về nghiên cứu - phê bình, Giải đặc biệt trao cho nhà phê bình Thụy Khuê (Pháp), với sự nhất trí 5/5 phiếu. Loạt tác phẩm nghiên cứu Văn học miền Nam 1954-1975 và công trình biên khảo Những người Pháp với vua Gia Long được chọn xét giải.

Mỗi Giải đặc biệt gồm giấy chứng nhận và 2.000 USD.

Sau đó, ngày 15/2/2016, cuộc bầu chọn Giải chính thức đã hoàn tất theo đúng tiến độ. Kết quả như sau: Văn xuôi trao cho nhà văn Di-Hạnh Nguyên với loạt truyện ngắn Lúc nửa đêm, Cô gái ngồi bên của sổ, Giới hạn của khí trời, Người lạ, Wind shadow: OK, với sự nhất trí 4/5 phiếu.

Thơ trao cho nhà thơ Nguyễn Hoàng Anh Thư, với sự nhất trí 4/5 phiếu. Các tác phẩm được chọn trao gồm Những mảnh rời (chùm thơ), Thiêu hủy bài thơ, Huế mùa khói sương, Có những điều giả định, 12 bài thơ (chùm thơ).

Nghiên cứu - phê bình trao cho nhà thơ - nhà nghiên cứu Inrasara, với sự nhất trí 5/5 phiếu, loạt bài Hồ sơ biên bản so sánh được chọn để chấm.

Mỗi Giải chính thức gồm giấy chứng nhận và 1.000 USD.

Chủ tịch Hội đồng giám khảo là nhà văn Nguyên Ngọc cũng có giải của riêng mình. Ông đã chọn nhạc sĩ Tuấn Khanh với các bài tản văn như Quyền năng của trí tưởng tượng, Phía sau ánh pháo hoa, Đường trải thảm đến cửa địa ngục, Tổ quốc là gì? Tôi vẫn tự hỏi…

Giải này gồm giấy chứng nhận và 500 USD.
.

8 nhận xét :

  1. Hoan hô các bác.

    Trả lờiXóa
  2. thế, thế, cứ thế mà tiến. Nhân tài xứ Việt không phải hiếm đâu, mà phải có môi trường tốt để phát triển.

    Trả lờiXóa
  3. Hoan hô Nguyên Ngọc

    Trả lờiXóa
  4. Mấy năm gần đây, tôi thường quan tâm đến giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội. Mỗi mùa giải, từ Tuyên Quang, tôi đều gọi điện chúc mừng Hội và Chủ tịch Phạm Xuân Nguyên. Nay thêm giải của Văn Việt nữa, thực đáng mừng cho văn chương nước nhà. Tôi chỉ mới được đọc một số tác phẩm của bác Tấn và Thuỵ Khuê thôi, nhưng cảm thấy đáng trân trọng những giá trị nhân văn.

    Trả lờiXóa
  5. Trần Thị Thảolúc 12:24 4 tháng 3, 2016

    Có lẽ đây là giải thưởng khách quan nhất , chính xác nhất , công bằng nhất từ 1975 tới nay của giới văn học và thơ ca nước nhà . Chúc Hội Văn Việt, nhà văn lão thành Nguyên Ngọc luôn mạnh khỏe , vững vàng tiến bước .

    Trả lờiXóa
  6. Hội Văn Việt, hoạt động hoàn toàn tự do.

    Trả lờiXóa
  7. ông Nguyên Ngọc đi vào lịch sử một cách hào hùng
    ông sống mãi trong lòng dân tộc
    ....bọn văn nô sao không thấy hổ thẹn nhỉ

    Trả lờiXóa
  8. Kính chúc bác Nguyên Ngọc dồi dào sức khỏe,mong Hội Văn Việt ngày càng lớn mạnh và có nhiều tác phẩm có giá trị

    Trả lờiXóa