Thứ Tư, 14 tháng 2, 2018

LUẬN VỀ CHIM



Luận về những loài chim

Anh Vũ

Trong hành trình của đời sống và sáng tạo nghệ thuật, từ người bình thường cho tới người nghệ sĩ đôi khi ước ao mình thành một tha nhân. Rồi lại có lúc chẳng muốn làm tha nhân mà muốn làm một loài khác hẳn con người. Chẳng hạn Nguyễn Công Trứ từng ước kiếp sau làm cây thông (bài Vịnh cây thông), Nguyễn Quang Thiều ước kiếp sau làm một con chó nhỏ (bài Bài hát về cố hương). Và còn rất nhiều thi sĩ khác đã gửi lòng mình theo những cánh chim, qua những loài chim mà bộc lộ bao tâm sự nỗi niềm, hoặc giả cũng muốn hóa thân thành một đời sống tự do vút cao cùng mây trời phiêu lãng. Bài viết này, vì thế, sẽ xin luận về những loài chim trong thi ca nghệ thuật.

1. Văn học dân gian người Việt có khá nhiều câu chuyện cổ tích về sự tích các loài chim. Trong bộ Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi, ở phần thứ nhất mang tên Nguồn gốc sự vật, có tới ít nhất 5 câu chuyện giải thích về nguồn gốc chim muông, đó là các chuyện: Sự tích chim hít cô, Sự tích chim tu hú, Sự tích chim cuốc, Sự tích chim năm trâu sáu cột và bắt cô trói cộtSự tích chim đa đa. Việc giải thích về nguồn gốc các loài chim trên cũng đồng thời đưa hình ảnh mỗi loài chim đó thành những hình tượng nghệ thuật mang tính biểu trưng, thể hiện thái độ, tình cảm, quan niệm sống và ứng xử của người xưa. Nếu như ở chim hít cô và chim đa đa, ta bắt gặp một cái nhìn thương cảm, xót xa cho những số phận không may, vì đói khổ mà chết và rồi biến thành chim; thì ở những truyện còn lại, có loài chim gắn với biểu tượng của sự trừng phạt như chim tu hú, có loài chim lại như bằng chứng về sự thủy chung tình nghĩa với bạn hiền (chim cuốc) và có những loài chim là kết quả của sự bất hòa khi cuộc tranh cãi đi vào bế tắc (chim năm trâu sáu cột và bắt cô trói cột).


2. Đi vào thi ca, định danh chim trước tiên có thể xuất hiện như một cách nói chung chung bởi không sở chỉ rõ một loài cụ thể nào. Thế những ngay cả trong cách dùng chung chung này ta vẫn thấy những tư duy ẩn dụ và liên tưởng khác hẳn nhau, tùy thuộc vào từng hoàn cảnh. Chẳng hạn cũng là chim trong lồng nhưng trong lời cô gái ở bài ca dao thì đó là một sự an bài, một nỗi ngậm ngùi buồn thương về một sự đã rồi, không thể thay đổi: Bây giờ em đã có chồng/Như chim vào lồng như cá mắc câu/Cá mắc câu biết đâu mã gỡ/Chim vào lồng biết thuở nào ra. Nhưng cũng là chim trong lồng trong bài thơ của Nguyễn Hữu Cầu (thế kỷ XVIII) thì lại là một khí thế hoàn toàn khác. Người anh hùng khi sa cơ vẫn ngẩng cao đầu kiêu hãnh, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng: Mặc bay đông ngữ tây đàm/Chờ khi phong tiện dứt dàm vân lung/Bay thẳng cánh muôn trùng Tiêu Hán/Phá vòng vây làm bạn kim ô/Giang sơn khách diệc tri hồ. Thời trung đại, có những cánh chim xuất hiện trong sự mệt mỏi cô đơn, rợn ngợp trong không gian rộng lớn và lòng người dường cũng nương theo nỗi buồn mênh mang hoặc những âu lo dự cảm: Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi (Chiều hôm nhớ nhà - Bà huyện Thanh Quan), Chử thanh sa bạch điểu phi hồi (Bến trong cát trắng lượn chim cồn) (Đăng cao – Đỗ Phủ), Chim hôm thoi thót về rừng (Truyện Kiều – Nguyễn Du), Con chim bạt gió lạc loài kêu thương (Chinh phụ ngâm – bản dịch Đoàn Thị Điểm). Những cánh chim cô đơn và rợn ngợp ấy sẽ còn gặp lại nhiều trong thời kỳ 1932 - 1945 với nỗi buồn u uẩn của nhiều nghệ sĩ lãng mạn: Chim nghe trời rộng giang thêm cánh (Thơ duyên – Xuân Diệu), Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa (Tràng giang – Huy Cận), Đôi cánh chim bâng khuâng rã rời/Cùng mây xám về ngang lưng trời (Đêm đông – Nguyễn Văn Thương) Dĩ nhiên, bên cạnh cánh chim cô đơn, mỏi mệt và u buồn, chim cũng biểu hiện một tình yêu thiên nhiên cuộc sống của người thi sĩ, chẳng hạn những câu trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi: Trì tham nguyệt hiện chăng buông cá/Rừng tiếc chim về ngại phát cây (Mạn thuật, bài 6), Núi láng giềng chim bầu bạn/Mây khách khứa nguyệt anh tam (Thuật hứng, bài 19). Sau này, trong thời hiện đại, có nhiều những cánh chim đi vào thi ca vởi những giá trị biểu cảm tích cực, thể hiện tình yêu tự do, vẻ đẹp cuộc sống hoặc khát vọng cống hiến: Tôi như con chim đang bay trên đồi cao (Đi tìm lời ru nữ thần mặt trời – Nhạc và lời: Y Phôn K’Sor), Ta làm con chim hót/Ta làm một nhành hoa (Mùa xuân nho nhỏ - Thanh Hải), Nếu là con chim chiêc lá/Thì con chim phải hót chiếc lá phải xanh (Tố Hữu), Có chú chim từ mờ sương hay hót véo von nghe véo von (Em nhớ Tây Nguyên – Nhạc và lời: Trần Quang Huy). Có những câu thơ tài hoa, xuất sắc của một đời thơ gắn với chim, điển hình nhất là trường hợp Khương Hữu Dụng trong trường ca Từ đêm mười chín: Một tiếng chim kêu sáng cả rừng.

3. Giờ đi vào trường hợp những loài chim với tên gọi cụ thể xuất hiện trong thi ca. Theo các tài liệu sinh học, trên toàn thế giới có tới hơn 10.000 loài chim còn ở Việt Nam cũng có tới 848 loài chim thuộc 88 họ. Lẽ dĩ nhiên khi đi vào thơ ca, chỉ có một số loại chim được lựa chọn. Sự lựa chọn ấy gắn với tư duy thẩm mỹ, thi pháp của từng thời kỳ cũng như những đặc điểm về văn hóa truyền thống quy định và tạo nên. Theo khảo sát của chúng tôi, những loài chim được đưa vào thi ca của người Việt nhiều nhất là cò, họa mi, sơn ca, én (nhạn), sáo và bồ câu.


Cánh cò có thể nói đã có mặt từ sớm trong những bài ca dao lâu đời, như một hình ảnh thân thuộc trên những cánh đồng của nông thôn Bắc Bộ: Con cò bay lả bay la/Bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng.Cánh cò thường được liên tưởng, ví von với thân phận người phụ nữ mảnh mai vất vả, một nắng hai sương: Con cò lặn lội bờ sông/Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non. Không chỉ là người phụ nữ, cánh cò còn gợi nên liên tưởng chung về những thân phận bé mọn, vất vả, nhiều khi không thể tự quyết định số phận của mình mà phải phó thuộc vào bàn tay kẻ khác. Bài ca dao nổi tiếng Con cò mà đi ăn đêm là một minh chứng điển hình: Con cò mà đi ăn đêm/Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao/Ông ơi ông vớt tôi nao/Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng/Có xáo thì xáo nước trong/Đừng xáo nước đục đau lòng cò con. Sang thời trung đại, con cò trong thơ Tú Xương vẫn được so sánh với hình ảnh vất vả sớm khuya của bà Tú, người “nuôi đủ năm con với một chồng”: Lặn lội thân cò khi quãng vắng/Eo sèo mặt nước buổi đò đông (Thương vợ). Nhưng đến thời kỳ hiện đại, cụ thể là từ nửa đầu thể kỷ XX, bắt đầu có những chuyển biến về tư duy – cảm quan thẩm mỹ trong việc đưa cánh cò vào thi ca. Câu thơ của Xuân Diệu trong bài Thơ duyên được Hoài Thanh ca ngợi: Từ cánh cò của Vương Bột lặng lẽ bay với ráng chiều tới cánh cò của Xuân Diệu không bay mà cánh phân vân có sự cách biệt của hơn một ngàn năm và của hai thế giới: Mây biếc về đâu bay gấp gấp/Con cò trên ruộng cánh phân vân. Cho đến bài thơ Con cò nổi tiếng của Chế Lan Viên, hình tượng này đã có bước phát triển qua nhiều cung bậc ngữ nghĩa để từ cánh cò trong giấc mơ tuổi thơ đi đến cánh cò ước mơ hoài bão và rồi cuối cùng là cánh cò của tình mẫu tử : Lên rừng xuống bể/Cò sẽ tìm con/Cò mãi yêu con/Con dù lớn vẫn là con của mẹ/Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con.


Họa mi và sơn ca đều là những loài chim có tiếng hót hay, dễ làm lòng người say đắm và xúc động. Họa mi xuất hiện sớm nhất trong thi ca thành văn  của người Việt có lẽ là từ Tản Đà với bài Chim họa mi trong lồng. Ở đây, họa mi đã bị thi sĩ gán cho ý nghĩa phản bội, lãng quên cội nguồn, ngụ ý đả kích phê phán những kẻ bán nước: Họa mi ai vẽ nên mi/Trông mi mi đẹp hót thì mi hay/Ai đưa mi đến chốn này/Nước trong gạo trắng mi ngày ăn chơi/Lồng son cửa đỏ thành thơi/Mi bay mi nhảy sướng đời nhà mi/Nghĩ cho mi cũng gặp thì/Rừng xanh mi có nhớ gì nữa không? Nhưng cho đến Họa mi hót trong mưa (nhạc và lời Dương Thụ) thì cảm quan khác hẳn, chỉ còn là sự buồn thương, gieo giắc vào lòng người những thanh âm của nỗi niềm nhớ nhung trông ngóng: Tiếng mưa rơi ngoài hiên gió mưa như lạnh thêm/Có con chim họa mi hót trong mưa buồn lắm(...) Ôi trong mưa họa mi vẫn hót thật dịu dàng dịu dàng/Trên môi em tình yêu đã mất còn nồng nàn nồng nàn...Khác với họa mi, sơn ca xuất hiện trong nhiều ca khúc viết cho thiếu nhi và luôn gợi âm hưởng vui tươi trong sáng rộn rã. Có tới ít nhất ba ca khúc nổi tiếng với sự xuất hiện của chim sơn ca, đó là các bài Như bầy sơn ca (Y Vân), Khúc hát chim sơn ca (Đỗ Hòa An) và Ước mơ hồng (Phạm Trọng Cầu): Như chim sơn ca hót trên cao xanh bao la, tiếng chim ngân nga tiếng chim bay xa tiếng chim vui vào mọi nhà (Ước mơ hồng). Còn với chim én, loài chim hiền lành này được coi là báo hiệu của mùa xuân, luôn thể hiện tình đoàn kết và đi vào vô số các tác phẩm âm nhạc nổi tiếng trong thế kỷ XX. Bắt đầu từ Mùa chim én bay (thơ Diệp Minh Tuyền, nhạc Hoàng Hiệp), Tạm biệt chim én của Trần Tiến cho đến Cánh én tuổi thơ của Phạm Tuyên, các ca khúc đã làm say đắm bao thế hệ người nghe. Một loài chim khác của mùa xuân là chiền chiện cũng đi vào thi ca và những lời thơ tiếp tục được âm nhạc chắp cánh: Ôi con chim chiền chiện/Hót chi mà vang trời/Từng giọt long lanh rơi/Tôi đưa tay hứng về (Mùa xuân nhỏ nhỏ - Thơ: Thanh Hải, Nhạc: Trần Hoàn), Bay cao bay vút/Chim biến mất rồi/Chỉ còn tiếng hót/Làm xanh da trời (Con chim chiền chiện – Huy Cận).

Một số loài chim đặc biệt khác dù chỉ xuất hiện một lần trong thi ca nhưng đã nhanh chóng tạo được những ám ảnh nghệ thuật, khắc sâu vào trí nhớ người đọc: Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản (Thôi Hiệu), Anh là chim bói cá/Em là ánh trăng ngà/Cách nhau một mặt hồ/Mà muôn trùng chia xa (Du Tử Lê).

Xin được khép lại bài viết bằng những cánh chim yêu thương trong ca khúc Cho con của cố nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu. Cánh chim xuất hiện ngay từ câu đầu của bài hát trong tình cảm của người cha và cánh chim ấy cũng kết thúc ca khúc khi gắn với hình ảnh người con khôn lớn trưởng thành vẫn mãi hướng về quê hương và cha mẹ: Ba sẽ là cánh chim cho con bay thật xa (...) Rồi mai đây khôn lớn bay đi khắp mọi miền, con đừng quên con nhé ba mẹ là quê hương...

Anh Vũ 

1 nhận xét :

  1. Cảm ơn Anh Vũ đã cho những cảm xúc đẹp, làm tôi nhớ tiếng hót vang vang nhẹ nhàng của những của những con chim chiền chiện trên ruộng đồng vùng núi trung du Nghệ-Tĩnh. Phải chi thiên nhiên, trời đất ghi âm lại được tiếng hót của loài chim đã bị tuyệt chủng này thi tôi sẽ sung sướng biết bao.

    Trả lờiXóa