"Long Thành lão nhân" Nguyễn Văn Bách
"Long Thành lão nhân" Nguyễn Văn Bách
Phạm Đình Khanh
Với hàng trăm tác phẩm viết trên giấy dó, giấy xuyến chỉ, lụa Hàng Châu…, khi là một câu văn, một bài thơ cổ, đến những tác phẩm triết học, văn chương nổi tiếng của nước ta, ông là thư pháp gia danh tiếng. Người ta còn biết ông là lương y nổi tiếng một thời, một bậc túc Nho của kinh kỳ Thăng Long nhưng dường như còn ít ai biết ông là một tấm gương tự học không ngừng với một trí tuệ sắc sảo, tinh tế và một trái tim nhân hậu.
Học không biết chán
Ông sinh năm 1924, ở xã Nghĩa Hưng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hưng Yên, trong gia đình hàn nho. Ông học chữ Hán và học nghề thuốc từ thân phụ ông là một nhà Nho và là lương y danh tiếng. Lớn lên, ông nối nghiệp thân phụ, trở thành lương y bốc thuốc chữa bệnh cho con người. Một thời gian, ông và gia đình từng sống ở Hải Phòng cho đến năm 1959, ông dự thi và trúng tuyển cùng 28 vị lương y khác vào làm giảng viên lớp Đông y đầu tiên của Viện y học cổ truyền trung ương (Nay gọi là Bệnh viện y học cổ truyền trung ương) .
Thuở thiếu thời, ông được thân phụ dạy chữ của thánh hiền. Ông học chữ nghĩa trong mọi lúc, ở mọi nơi: lấy gạch non viết xuống mặt đất; lấy hòn sành, khúc tre nhỏ viết lên mặt đất, cát; lấy cuống tàu chuối viết lên mặt sàn nhà, thềm nhà…cho đến lúc thân phụ bảo tạm được, bấy giờ mới được cầm bút lông chấm mực tập viết. Ông vui vẻ thừa nhận rằng thuở ấu thơ đôi khi mải chơi cùng chúng bạn, quên chữ, quên bài hoặc viết chưa đạt yêu cầu nên “bị cha véo đến tím tai”… Những năm giảng dạy ở Viện Y học cổ truyền trung ương, ông vẫn học tập trau dồi kiến thức Hán Nôm để tìm hiểu cặn kẽ, sâu sắc thêm về thuốc Nam, thuốc Bắc, về cái lẽ ở đời. Ông học miệt mài trên sách vở, ở ngoài đời, ở những bậc trí thức danh tiếng lớp đàn anh, học ở những người bạn đồng niên, đồng nghiệp và học ở bạn vong niên. Hơn ba chục năm công tác ở Viện y học cổ truyền trung ương, ông đã tham gia giảng dạy và biên soạn một số sách thuốc Nam; từng trong Ban dịch duyệt bộ sách đồ sộ “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” 4 tập, mỗi tập trên 1.200 trang khổ 19 x 27cm (Ông và Lương y bác sĩ Phó Đức Thảo chịu trách nhiệm khảo lại lần cuối) đồng thời tham gia dịch thơ của Ngô Quang Bích, Nguyễn Xuân Ôn, Ngô Thời Nhậm, Cao Bá Quát… cho Nhà xuất bản Văn học. Năm 1991, ông xin nghỉ hưu với mức lương Chuyên viên 6, về nhà bốc thuốc chữa bệnh cho người và viết thư pháp.Ông bảo, việc học tập là việc suốt đời, học ở sách của Thánh hiền, của cha ông, ở cuộc đời, ở bạn hữu. Ông thường nhắc câu nói nổi tiếng của Khổng Tử về sự học: “Bác học nhi đốc chí, thiết vấn nhi cận tư, nhân tại kỳ trung hỹ” (Dốc chí ra mà học tập, học tập suốt đời không biết chán và biết vận dụng những điều thiết thực, gần gụi, đó là chất Người vậy). Đối với ông, sách quý như vàng và trăng bạc là gương.
Là nhà Nho từng trải nghiệm và trọng tri thức, trọng khả năng tự học, Long thành lão nhân ít bàn đến thế sự trong các buổi trò chuyện dù người đối thoại đôi khi cũng muốn biết ý kiến của ông. Tuy nhiên, đọc thơ ông, ta vẫn bắt gặp một tư duy sắc sảo đến độ mẫn tiệp về một trong những vấn đề nóng bỏng của thế sự. Ông tâm tình với bạn tri âm vài nét về mình: “Tham ô mừng chưa mang tiếng/ Ngon ăn ngon ngủ đêm ngày/ Há phải vì mình trong sạch/Bởi không quyền lực trong tay”. Với bốn câu thơ trong bài thơ lục ngôn, ông đã chỉ ra bản chất của tham nhũng là quyền lực vô độ, quyền lực không bị giám sát và điều này nhắc tôi nhớ đến câu phương ngôn cổ: “Quyền lực dễ nảy sinh tham nhũng. Quyền lực tuyệt đối thì tham nhũng tuyệt đối”. Phải là một trí tuệ sắc sảo mới khái quát một cách chuẩn xác, từ 37 năm trước, về bản chất của tham nhũng, chính xác đến như vậy. Và, phải là một trí tuệ mẫn tiệp mới viết được câu thơ mô tả một cách xót xa sự nghèo khó của mình thời bao cấp không thể mua nổi bánh kẹo cho con ngắm trăng Thu, với năng lực chơi chữ điêu luyện giống Nguyễn Khuyến, Tú Xương:“Những muốn vào mua, mua chẳng muốn/ Tìm xu, sờ túi, túi không xu” (Trung thu nhắn con). Phải là một trí tuệ mẫn tiệp mới viết đôi câu đối như một tuyên ngôn về lẽ sống của mình với năng lực chơi chữ độc đáo như thế này: “Nhà hẹp chứa quyển vàng chật gác/ Cửa thưa treo trăng bạc làm gương.
Phạm Đình Khanh
Với hàng trăm tác phẩm viết trên giấy dó, giấy xuyến chỉ, lụa Hàng Châu…, khi là một câu văn, một bài thơ cổ, đến những tác phẩm triết học, văn chương nổi tiếng của nước ta, ông là thư pháp gia danh tiếng. Người ta còn biết ông là lương y nổi tiếng một thời, một bậc túc Nho của kinh kỳ Thăng Long nhưng dường như còn ít ai biết ông là một tấm gương tự học không ngừng với một trí tuệ sắc sảo, tinh tế và một trái tim nhân hậu.
Học không biết chán
Ông sinh năm 1924, ở xã Nghĩa Hưng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hưng Yên, trong gia đình hàn nho. Ông học chữ Hán và học nghề thuốc từ thân phụ ông là một nhà Nho và là lương y danh tiếng. Lớn lên, ông nối nghiệp thân phụ, trở thành lương y bốc thuốc chữa bệnh cho con người. Một thời gian, ông và gia đình từng sống ở Hải Phòng cho đến năm 1959, ông dự thi và trúng tuyển cùng 28 vị lương y khác vào làm giảng viên lớp Đông y đầu tiên của Viện y học cổ truyền trung ương (Nay gọi là Bệnh viện y học cổ truyền trung ương) .
Thuở thiếu thời, ông được thân phụ dạy chữ của thánh hiền. Ông học chữ nghĩa trong mọi lúc, ở mọi nơi: lấy gạch non viết xuống mặt đất; lấy hòn sành, khúc tre nhỏ viết lên mặt đất, cát; lấy cuống tàu chuối viết lên mặt sàn nhà, thềm nhà…cho đến lúc thân phụ bảo tạm được, bấy giờ mới được cầm bút lông chấm mực tập viết. Ông vui vẻ thừa nhận rằng thuở ấu thơ đôi khi mải chơi cùng chúng bạn, quên chữ, quên bài hoặc viết chưa đạt yêu cầu nên “bị cha véo đến tím tai”… Những năm giảng dạy ở Viện Y học cổ truyền trung ương, ông vẫn học tập trau dồi kiến thức Hán Nôm để tìm hiểu cặn kẽ, sâu sắc thêm về thuốc Nam, thuốc Bắc, về cái lẽ ở đời. Ông học miệt mài trên sách vở, ở ngoài đời, ở những bậc trí thức danh tiếng lớp đàn anh, học ở những người bạn đồng niên, đồng nghiệp và học ở bạn vong niên. Hơn ba chục năm công tác ở Viện y học cổ truyền trung ương, ông đã tham gia giảng dạy và biên soạn một số sách thuốc Nam; từng trong Ban dịch duyệt bộ sách đồ sộ “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” 4 tập, mỗi tập trên 1.200 trang khổ 19 x 27cm (Ông và Lương y bác sĩ Phó Đức Thảo chịu trách nhiệm khảo lại lần cuối) đồng thời tham gia dịch thơ của Ngô Quang Bích, Nguyễn Xuân Ôn, Ngô Thời Nhậm, Cao Bá Quát… cho Nhà xuất bản Văn học. Năm 1991, ông xin nghỉ hưu với mức lương Chuyên viên 6, về nhà bốc thuốc chữa bệnh cho người và viết thư pháp.Ông bảo, việc học tập là việc suốt đời, học ở sách của Thánh hiền, của cha ông, ở cuộc đời, ở bạn hữu. Ông thường nhắc câu nói nổi tiếng của Khổng Tử về sự học: “Bác học nhi đốc chí, thiết vấn nhi cận tư, nhân tại kỳ trung hỹ” (Dốc chí ra mà học tập, học tập suốt đời không biết chán và biết vận dụng những điều thiết thực, gần gụi, đó là chất Người vậy). Đối với ông, sách quý như vàng và trăng bạc là gương.
Hai ảnh trên: Các tác phẩm thư pháp. Ảnh: Phạm Ngọc Thành
Long thành lão nhân quan tâm và am hiểu sâu sắc một số vấn đề lịch sử, chẳng hạn về cuộc tranh luận chiếc nỏ thần của An Dương Vương, về nghi án Hồ Dâm Đàm năm Bính Tý 1096, thời Lý…. Riêng vụ nghi án Hồ Dâm Đàm, ông bảo: “Cụ Lý Nhân Tông dường như đã nhìn nhầm, sau đó chữa thẹn mới xử lý như vậy”. Có lần tôi khoe đi thắp hương ở lăng mộ Thái sư Lê Văn Thịnh tại huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, có nhớ được đối câu đối, thấy hay nhưng còn băn khoăn đôi chút, ông bảo: “Bác viết ra đây để tôi xem”; rằng “Tôi có được đọc chữ ở đình, đền thờ cụ Lê Văn Thịnh đưa trên đó về, chữ nghĩa đều tốt đẹp lắm”. Và, ít lâu sau, ông lão không quên nói rõ quan điểm của mình. Với thế sự hiện thời, ông bảo nên theo dõi nắm bắt thông tin thật cẩn trọng. Có mấy dạo, một số chính khách hạng trung mới lên, được giới truyền thông tán tụng, xu phụ khiến người ta khen ngợi khắp nơi và tỏ ra kỳ vọng nhiều nhưng riêng ông thì nhìn nhận khác. Ông bảo “Biết thế đã, mà cũng chưa chắc đã là như thế và phải chờ xem người ta sẽ sống và làm việc như thế nào rồi mới bàn luận được”.
Long thành lão đọc khá nhiều, chủ yếu sách chữ Hán, sách cổ. Tủ sách của ông có hàng trăm cuốn sách chữ Hán do thân phụ để lại và do ông tìm mua được trong những năm tháng trước đây. Dường như lần nào tôi đến thăm cũng thấy ông đang đọc sách. Ông đọc Toàn tập Nguyễn Hiến Lê và tác phẩm của các học giả Đào Duy Anh, Cao Xuân Huy…Đôi khi, ông cũng quan tâm đọc sách chuyên khảo của một vài tác giả đương thời đặc biệt xuất sắc. Một lần thấy tôi, ông lão khoe luôn: “Có một cuốn sách mới ra, viết tốt lắm bác ạ, in đến 100 ngàn cuốn, nghe nói bên Nhật Bản mua bản quyền, nhuận bút thì tác giả làm từ thiện, tặng Quỹ trái tim cho em”. Rồi ông đi lại bên giá sách, lấy ra một cuốn, đưa cho tôi: “Bác cầm về mà đọc, xong trả lại tôi, riêng cái đĩa DVD đính kèm theo trong đó thì bác có thể cầm lấy mà dùng”. Đó là cuốn “Hiểu về trái tim” của Thiền sư Minh Niệm – Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2003. Tôi về đọc một cách hào hứng, tràn ngập xúc cảm và thầm nghĩ ông lão tinh tế thật. Hai tuần sau, tôi đem sách trả, chưa kịp phát biểu cảm tưởng thì ông hỏi: “Sách hay đấy chứ bác?”. Tôi vội đáp: “Dạ, lâu lắm con mới được đọc một cuốn sách hay đến thế! Các nhà Tâm lý, giáo dục của ta chưa ai viết được một cuốn sách như vậy”. Ông bảo “Ừ! Thế mới gọi là viết sách chứ!”.
Tặng chữ cho đời
Nếu định nghĩa Thư pháp là cách viết, hay phép viết, hoặc nghệ thuật viết chữ thì ông là một nhà thư pháp thực thụ, mặc dù ông chưa bao giờ nhận mình là nhà thư pháp. Nhiều tác phẩm văn chương nổi tiếng của tiền nhân đã được ông viết lại thực sự là những tác phẩm thư pháp để đời. Trước đây ông viết “Hịch tướng sĩ” của Trần Hưng Đạo, Bài thơ thần của Lý Thường Kiệt, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu …Đặc biệt, dịp kỷ niệm ngàn năm Thăng Long năm 2010, ông viết “Thiên đô chiếu” của Lý Thái Tổ, và bản này được chọn, gò đúc trên đồng đen, mạ vàng, lưu giữ ngàn năm cho dân tộc. Nhiều nhà Nho của Hà Nội và ở các tỉnh khác vẫn lui tới thăm và đàm đạo cùng ông. Nhiều nhà văn, nhà sử học, nhà nghiên cứu văn hóa từng đến đàm đạo, học hỏi và xin chữ của ông, khi là một câu văn nổi tiếng của thánh nhân, khi là một bài thơ hay một đoạn văn cổ nổi tiếng. Có nhà sử học mua mấy mét lụa Hàng Châu về xin ông viết cho một tác phẩm văn chương nổi tiếng của tiền nhân.
Riêng tôi, từng được ông viết tặng nhiều chục tác phẩm thư pháp để thưởng thức và làm quà tặng người thân. Khi là một câu văn, câu thơ chất chứa đầy tâm trạng: “Cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân” của thi hào Nguyễn Du; khi là một bài thơ Đường đầy tình cảm “Du đô thành Nam Trang” của Thôi Hộ; khi là câu thành ngữ cổ “Bất ngộ tri âm bất đàn” … Có mấy lần, ông lão cũng vui lòng chọn chữ, chọn câu trong sách để viết cho tôi làm quà tặng bạn tri âm phù hợp tính cách từng người: “Đan tâm hàng bạch hổ/ Xích thủ bộ xương long”- viết về hành động anh hùng của Thiếu tá công an Trần Ngọc Giao, tay không bắt sống tên tướng cướp với khẩu AK và hàng trăm viên đạn; “Nhược ẩm thuần giao bất giác túy”- viết về tình bạn của tôi và anh Nguyễn Thanh Bình, một người bạn tri âm tri kỷ của tôi; “Chính tâm thành ý”- viết về nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Minh Đức, một người anh đáng kính của tôi; “Khứ thực khứ binh tín bất khả khứ”- viết cho nhà doanh nghiệp thành đạt và có uy tín là bạn tôi... Ở tác phẩm nào, ông lão cũng giải thích nội dung, ngữ nghĩa, xuất xứ, tiểu sử tác giả, hoàn cảnh ra đời tác phẩm một cách chu đáo, cẩn trọng. Đặc biệt năm 2005, tôi xin ông cho câu đối để tặng quê tôi (Xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình), nhân dịp quê tôi đón nhận danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ông viết: “Thái Bình chân đổ thăng bình nhật/ An Mỹ danh tri Mỹ Thiện hương”, thật cô đọng, hàm súc và sâu sắc với lối chơi chữ độc đáo và phần lạc khoản thì thật phong phú: “Ất Dậu niên đông nhật; An Mỹ xã đặc phong anh hùng danh hiệu chí khánh; Thăng Long thành lão nhân thư; Bản xã Phạm Đình Khanh trang hạ”. Đó là một trong những tác phẩm thư pháp hoàn hảo tôi có được và dâng tặng quê hương mình.
Long thành lão nhân tặng chữ cho người với một thái độ nghiêm cẩn, đã hứa là làm nhưng làm cẩn trọng và đã hẹn thì đúng hẹn . Một lần, tôi đang ngồi chơi với ông lão thì thấy một anh tuổi chừng trên năm chục, đến. Qua giao tiếp thì thấy anh này có vẻ như đang dự họp Quốc hội (Mà cũng không biết có phải như vậy không), mấy hôm trước đã từng đến xin ông cho chữ, nay đến nhận. Anh ta nói: “Con bận quá, đang họp Quốc hội, tranh thủ lại xin ông ngay hôm nay để kịp tặng cho anh ấy”. (Anh ta nhấn mạnh chữ “Anh ấy”, chắc là một ông lớn nào đó). Ông lão nhẹ nhàng bảo: “Cái việc anh tặng ông bà nào đó là việc của anh, không liên quan gì đến tôi. Tôi đã hẹn anh chủ nhật này kia mà. Anh không đúng hẹn nên không đáp ứng được. Anh có thể về được rồi đấy”. Anh này xấu hổ quá vội vàng: “Vâng, con xin lỗi ông! Vậy ngày kia con quay lại ạ”.
Khiêm cung, hóm hỉnh, chân thành
Tinh thông Hán học, tinh tế trong phán đoán về nhân tình thế thái và có năng lực chơi chữ độc đáo trong thơ, trong câu đối nhưng Long thành lão nhân rất khiêm cung, hóm hỉnh và rất chân thành. Về đức Khiêm cung thì ta có thể nhận thấy ở ngay bút hiệu của ông: “Thăng long thành lão nhân lỗ công Nguyễn Văn Bách” (Từ “lỗ công” trong chữ Hán nghĩa là “đần độn”). Ông tự nhận là “ông già đần” là một sự khiêm nhường của một bậc túc Nho, có cái gì đó giống như cụ Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác tự nhận mình là ông già lười vậy. Theo tôi biết thì mười năm về trước, ông lão vẫn dùng bút hiệu này, sau ông bỏ hai chữ “Lỗ công”, còn lại là “Long thành lão nhân ” (Ông già thành Thăng Long) như lâu nay.
Cách nay 10 năm, tôi xin ông viết cho câu đối chữ Hán về Tri thức và Đạo, của học giả Nguyễn Hiến Lê, ông nhận lời ngay. Hôm tôi đến nhận, ông vui lắm vì đó là một trong những bản ông viết đẹp nhất. (Trị ái Thư, loạn ái Thư, Thư trung hữu hữu/ Phú dĩ Đạo, bần dĩ Đạo, Đạo ngoại vô vô). Ông bảo: “Ông Nguyễn Hiến Lê là thầy tôi. Ông ấy học Pháp văn, giỏi Pháp văn đã đành nhưng ông ấy đã tự học chữ Hán bắt đầu bằng Từ điển mà rồi đến mức tinh thông. Nếu ông ấy còn chưa chắc đã nhận tôi là học trò đâu nhưng tôi thì tự nhận như vậy”. Khi tôi tò mò muốn biết việc học chữ Hán của ông như thế nào, ông cười đôn hậu, bảo: “Mới được một nhúm thôi bác à!” và nhấn mạnh cho rõ ý: “Nói hình ảnh thì bằng lớp 3 bây giờ thôi!”.
Đức Khiêm cung của ông thể hiện khá rõ trong bài thơ “Tự trào”, dạo ông 53 tuổi. Ông lão viết: “Hỏi sách - Đọc chưa thông sách/ Hỏi cày - Chẳng biết chi cày/ Hỏi thuốc - Thuốc làm chẳng giỏi/ Hỏi thơ – Thơ vịnh không hay”. Và “Lúc túng, dịch thuê viết mướn/ Gà què ăn quẩn cối xay”. Một con người tinh thông Đông y, tinh thông Hán học, đã từng dịch sách Đông y, dịch thơ Đường cho Nhà xuất bản Văn học mà chỉ tự nhận mình như vậy.
Thời bao cấp đầy khó khăn, cũng có những lúc ông nghĩ về thế sự mà giật mình, mà xót xa nhưng là cái giật mình, xót xa của một nhà Nho trân quý cuộc đời, biết rõ nhân tình thế thái, biết rõ cái lẽ đời nên ông chỉ nói về sự gian khổ ấy với một sự trào lộng nhưng cũng vô cùng sâu sắc. “Tự trào” là chân dung tự họa bằng thơ, với giọng thơ đầy trào lộng, còn ở hai bài thơ đều có nhan đề là “Trung thu nhắn con”, sự trào lộng càng trở nên độc đáo bởi lối chơi chữ thuần thục:“Những muốn vào mua, mua chẳng muốn/ Tìm xu, sờ túi, túi không xu;…“Cơm ngô đôi bữa lèn chưa chặt/ Áo đụp khươm niên ngửi khét mù”. Cả hai bài thơ ấy đều nói đến một chữ “Không”, hay nói khác đi, đều muốn nói đến sự chẳng có gì cho con. Thật hóm hỉnh, thật tinh tế!
Sự chân thành thể hiện rất rõ trong một số bài thơ mà tôi được nghe ông đọc. (Ông làm thơ khá nhiều nhưng không ghi ra giấy mà “chỉ để trong đầu”, thi thoảng đọc chia sẻ với bạn tri âm). Ở hai bài đều có nhan đề là “Trung thu nhắn con”, ông làm dạo năm 1961- 1962, bao trùm lên là tình cảm dạt dào của người cha nghèo, trong dịp Trung thu, trước đô thị la liệt bánh kẹo bày bán, chạnh lòng nhớ các con nơi quê nhà, muốn vào mua chút bánh kẹo cho con mà không đủ tiền, đành dặn con hãy trông trăng tạm bằng bánh khoai, hẹn sang năm sẽ bù cho, nhưng rồi đến Trung thu sang năm, người cha ấy vẫn chẳng thể mua nổi bánh kẹo cho con ngắm trăng, đành nhắn con cố chờ một năm khác vậy. Thật cảm động là tình cảm dạt dào, nồng nàn của người cha nhân hậu! Cái hình ảnh người cha tần ngần trước cửa hàng bánh kẹo nơi đô thị khiến tôi nhớ đến hình ảnh người phụ nữ tần ngần giữa chợ của nữ nhà văn Nam Bộ Nguyễn Ngọc Tư, tinh tế và nhân hậu, đã từng viết tản văn xuất sắc “Tần ngần giữa chợ”. Một đằng là sự tần ngần của của người cha, là lời tự bạch của người cha, một đằng là sự tần ngần của người phụ nữ nghèo giữa chợ, (mà cũng có thể là của bà, của mẹ, của cô, của dì hoặc của em gái nhà văn) mà cô đã “chớp” được, cảm được, thấu hiểu được, lại cũng có thể là tâm trạng của chính cô. Cái giây phút tần ngần ấy là một hình ảnh đẹp lung linh trong văn chương đa tầng, đa nghĩa, có tính phổ quát và có thể xem là sự tần ngần đến mức thánh thiện!
Ông lão đối xử với tôi chân thành, tình cảm. Có lần tôi phàn nàn về việc bị thoái hóa đột sống cổ nên sinh ra đau nhức tê bì, liền được ông chia sẻ rằng gần đây ông cũng bị như thế: “Nhưng tôi tập ghê lắm đấy, như thế này này”. Ông lão đứng lên rồi trong giây lát, đưa cánh tay phải từ ngang hông hất mạnh lên vai trái, vỗ mạnh vào bả vai trái gần sống lưng rồi buông nhanh tay phải đồng thời đưa cánh tay trái hất mạnh lên vai phải, giống như đã làm với tay phải, độ mươi lần rồi bảo: “Mỗi ngày bác làm như vậy chừng một trăm cái trong một lần tập. Bác cứ làm thế mà xem, hiệu qủa lắm đấy”. Tôi về làm theo, hàng ngày vào lúc tập và cái tê bì, đau nhức đỡ hẳn.
Mỗi lần đến thăm ông, dù lúc đó ông đang đọc sách, đang làm việc hay đang nghỉ ngơi, tôi cũng được ông lão đón tiếp ân cần. Sau cái bắt tay nồng ấm và nụ cười thân thương, ông lão lại đi pha trà. Tôi xin phép pha trà nhưng ông gạt đi: “Bác ngồi đấy”. Và khi hai ông con đã an tọa, ông lão rót trà mời: “Bác uống đi”, thật ân cần như người cha chăm sóc cho con mình vậy. Ông lão chân thành như thế nên tôi không ngần ngại, thi thoảng dẫn bạn thân đến thăm ông và ai cũng được ông tiếp đón nồng hậu. Những lúc như thế, chúng tôi đều được ông truyền cho cảm hứng về lòng ham hiểu biết, về việc tự học, về cái lẽ ở đời và những câu chuyện thú vị, tinh tế và sâu xa về tình người, về triết lý nhân sinh.
Độc thiện kỳ thân
Đó là một phẩm hạnh tiêu biểu của các Kẻ sĩ, Sĩ phu và nhà Nho xưa. Học giả Nguyễn Hiến Lê, trong một công trình nghiên cứu về Khổng Tử, đã phát hiện ra điều này và cho rằng công lao vĩ đại của Khổng Tử là đã đào tạo cho đời những con người như thế. Đó là những nhà Nho biết tự gây uy tín cho mình trong dân gian bằng chính tài năng, đức độ của mình, gặp thời thì chung tay giúp nước; tận trung và liêm khiết; không gặp thời thì lui về độc thiện kỳ thân, chỉ làm việc Thiện để tiếp tục hoàn thiện nhân cách. Tôi nghĩ, Long thành lão nhân cũng là một nhà Nho như vậy. Mấy chục năm bốc thuốc chữa bệnh cứu người, giảng dạy, truyền bá tri thức đông y cho người, từng chủ biên công trình dịch đồ sộ “Hải Thượng Lãn Ông y tông tâm lĩnh” và viết tặng chữ cho nước, cho đời, cho người, ông đã hoàn thành bổn phận và thực sự giúp nước trong phạm vi trách nhiệm của mình.Ước mơ của ông thật giản dị: “Những ước có ao rau muống/ Những mong có chum tương đầy/ Vui cùng bà con bạn lứa/ Trong bầu non nước trời mây” (Tự trào). Như vậy đấy, ở tuổi 53 ông đã “Lạc thiên tri mệnh cổ bất ưu ” (Kinh Dịch), vui với trời đất, biết rõ mệnh nên không lo lắng phiền muộn gì. Ông sống ung dung, tự tại:“Nhà hẹp chứa quyển vàng chật gác/ Cửa thưa treo trăng bạc làm gương”. Câu đối tuyệt vời này của ông khiến tôi liên tưởng đến lời vàng của Ức Trai tiên sinh “Kết ốc hoa biên độc phụ thư” (Có được căn nhà, ngồi bên vườn tược cây cỏ, đọc sách của ông cha để lại, đó là vui thú lớn nhất ở đời) và câu nói nổi tiếng của Pascal: “ Nếu bạn đã có một tủ sách trông ra vườn thì bạn còn thiếu gì nữa đâu”. Năm nay tròn chín mươi tuổi, ông viết: “Tuổi vừa chín chục thân chưa lõi/ Trái đã già rồi, hạt vẫn non/ Mừng được chút nào hay chút ấy/ Chẳng tàn, chẳng tán, chẳng chen bon”. Và ông vẫn lặng lẽ đọc sách của các bậc tiên hiền, vẫn lặng lẽ tặng chữ cho đời, cho người, lặng lẽ chuyển tải những tư tưởng, tình cảm và phẩm hạnh của Thánh nhân, của tiền nhân đến mọi người. Bất giác tôi nhớ đến câu văn nổi tiếng của Mạnh Tử “Cùng tắc độc thiện kỳ thân độc tắc kiêm thiện thiên hạ” - Hết mực lo hoàn thiện mình, đạt thì lo hoàn thiện cho mình lẫn mọi người. Long thành lão nhân là một người như vậy./.
Phạm Đình Khanh
___________
.
.
cụ đã đưa tôi bài này và nói: Anh đưa lên mạng giúp tôi:
Hỡi hồn thảo mộc thủ đô ơi !
Đương tốt đương xanh hóa rụng rời
Bởi tại thân bay ngày mạt vận
Phải đâu kế hoạch, chủ trương tồi.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét