Thứ Năm, 14 tháng 1, 2016

THẦY GÌ QUA KẾT QUẢ HỘI NGHỊ TW 14?

Hội nghị 14 của Ban chấp hành TƯ Đảng CSVN, khóa 11, vừa bế mạc hôm 13/01/2016.

Thấy gì qua kết quả Hội nghị TƯ14?
14.01.2016 

Nếu phương án đề cử nhân sự của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam ở Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 14 có liên quan tới 'giữ ổn định chính trị' và 'duy trì chế độ', thì mục tiêu này 'cũng chưa chắc là tốt', theo nhận xét của khách mời tại cuộc Tọa đàm Bàn tròn hôm 14/01/2016.

Trao đổi với Bàn tròn thứ Năm tuần này của BBC Việt ngữ với chủ đề 'Thấy gì qua kết quả của Hội nghị TƯ14?' của BCH Trung ương Đảng CSVN, PGS. TS. Jonathan London, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam từ Đại học Thành thị Hong Kong, nói:

"Giữ ổn định xã hội thì chưa chắc là tốt, tôi nghĩ là có một hiểu lầm là Việt Nam phải giữ 'ổn định xã hội'. Tôi nghĩ là chẳng có ai ở Việt Nam mà không muốn có ổn định xã hội.

"Vấn đề không phải là ổn định, vấn đề là một trật tự xã hội là như thế nào? Và tôi nghĩ là tất cả những chuyện mà chúng ta đã thấy hiện nay về quá trình chọn nhân sự thì nó không cần thiết và không cần có cái đó.

Việc sẽ có một ông mà giỏi lý luận, tôi nghĩ phải nhìn kỹ nội dung của lý luận là như thế nào, là cái gì? Có một người Hồi giáo cực đoan lý luận rất giỏi, thì có muốn ông ấy lãnh đạo đất nước không?
PGS. TS. Jonathan London
"Cũng có thể có một trật tự xã hội dân chủ hơn và đa nguyên hơn mà sẽ có sự tham gia của mọi thành phần khác nhau, từ các ngành xã hội khác nhau, điều đó tôi nghĩ thì chắc chắn rồi. Không có lý do chỗ nào để không có một Việt Nam dân chủ hơn, minh bạch hơn bây giờ.

"Và về việc sẽ có một ông mà giỏi lý luận, tôi nghĩ phải nhìn kỹ nội dung của lý luận là như thế nào, là cái gì? Có một người Hồi giáo cực đoan lý luận rất giỏi, thì có muốn ông ấy lãnh đạo đất nước không? Chắc chắn là không!

"Nên tôi nghĩ là dù Nguyễn Phú Trọng có tài giỏi và tôi cũng không trách ông đâu, có khả năng ông là một người tốt, tôi chưa gặp chưa biết, nhưng hy vọng là trong tương lai gần Việt Nam có thể bỏ qua những cái cớ hơi 'vớ vẩn' một chút là ông 'phải là miền Bắc', 'phải giỏi lý luận', phải miền Trung' v.v... Chúng ta phải đánh giá theo cái tài của từng người để những gì mà họ đã làm, về mặt trách nhiệm nữa", học giả người Mỹ nói với Tọa đàm của BBC.


Xung đột đỉnh cao
.
 
PGS. TS. Jonathan London cho rằng Tổng bí thư Đảng Cộng sản VN không nhất thiết
 phải là 'người miền Bắc' và 'giỏi lý luận'.

Từ Sài Gòn, khách mời của Bàn tròn, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà Báo độc lập Việt Nam ( IJAVN), bình luận:

"Đặc trưng của Đại hội 12 là xung đột quyền lực đỉnh cao. Người ta nói là quyền lực càng nhiều thì tha hóa càng nhiều, quyền lực tuyệt đối thì tha hóa tuyệt đối.

"Tôi cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đang tiến tới sự tha hóa tuyệt đối về mặt quyền lực. Và trở lại vấn đề Quyết định 244... vừa nêu. Tại sao lại có quyết định 244? Chúng ta nhớ là Hội nghị Trung ương 6 năm 2012, lúc đó tôi nghe nói là ông Nguyễn Tấn Dũng khi mà ông sắp bị 'kỷ luật', ông vẫn được 73% số Ủy viên Trung ương tín nhiệm. Và ông thoát án kỷ luật.

Đặc trưng của Đại hội 12 là xung đột quyền lực đỉnh cao. Người ta nói là quyền lực càng nhiều thì tha hóa càng nhiều, quyền lực tuyệt đối thì tha hóa tuyệt đối
TS. Phạm Chí Dũng
"Như vậy đến năm 2014 xuất hiện quyết định 244, là một quyết định về mặt thực chất là nó 'tước đoạt' quyền lực chính của Ban chấp hành Trung ương, mà dồn gánh, gần như toàn bộ trách nhiệm và quyền lực cho Bộ Chính trị.

"Tôi nghĩ rằng việc thay đổi quyết định 244 hoặc bỏ quyết định 244 là một điều rất dễ dàng, với điều kiện ông Nguyễn Tấn Dũng 'không còn nữa', thì ngay lập tức sau Đại hội 12 sẽ không cần phải ai nhắc tới quyết định 244...

"Trở lại vấn đề nhân sự, tôi thấy là cái khung tứ trụ của ông (Nguyễn Phú) Trọng, hay là khung tứ trụ của ông (Trương Tấn) Sang, hay là khung tứ trụ cho dù của ông (Nguyễn Tấn) Dũng là Tổng Bí thư, cũng chẳng khác nhau bao nhiêu, vẫn là sẽ ổn định chính trị và giữ điều 4 độc đảng mà thôi.

"Với một điều kiện sẽ phải thay đổi là sau Đại hội kỳ này, một trong những vấn đề đối phó lớn nhất chính là vấn đề kinh tế mà nó lý giải tại sao kỳ này Hội nghị Trung ương 14 lại bàn về vấn đề TPP," ông Phạm Chí Dũng nói với Tọa đàm.

Đề cử nhân sự

Hôm thứ Tư, Thông báo chính thức về Hội nghị 14 (được nhóm họp từ ngày 11-13/1/2016) của Đảng CSVN cho hay:

"Ban Chấp hành Trung ương tán thành, đồng ý để Chính phủ cùng chính phủ các nước ký Hiệp định TPP vào đầu tháng 2-2016; giao Bộ Chính trị chỉ đạo công tác chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn Hiệp định theo đúng quy định của pháp luật; xây dựng đề án trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết về thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có Hiệp định TPP."

Và về vấn đề chuẩn bị nhân sự lãnh đạo cao cấp của Đảng, đặc biệt là phương án đề cử nhân sự cho bốn vị trí cao cấp nhất của đảng và nhà nước, thường được gọi là 'tứ trụ', Thông báo cho hay:

" Với tinh thần dân chủ, trách nhiệm, thể hiện sự đoàn kết nhất trí cao, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận kỹ, thông qua dự thảo Báo cáo công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII trình Đại hội; thống nhất cao bằng hình thức bỏ phiếu kín đề cử nhân sự chức danh Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; đề cử chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2016 - 2021 để Ban Chấp hành Trung ương khóa XII xem xét, giới thiệu Quốc hội khóa XIV quyết định theo quy định của pháp luật. Hoàn tất công tác chuẩn bị nhân sự trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng xem xét, quyết định."

Quý vị có thể theo dõi toàn bộ nội dung cuộc Tọa đàm Bàn tròn của BBC tại đây:http://bit.ly/1ZkeNRU


.

1 nhận xét :

  1. Dân Chủ được áp dụng tuyệt đối trong chính trị tại Việt Nam, nhưng chỉ
    áp dụng cho mấy trăm đảng viên cao cấp được quyền bỏ phiếu, 90 triệu dân còn
    lại thì phải cúi đầu nghe theo. Đó là chủ thuết Dân Chủ Đểu của Việt Nam

    Trả lờiXóa