Thứ Năm, 14 tháng 1, 2016

ĐẠI HỘI XII: NHỮNG ĐIỀU CẤM KHI BẦU TỔNG BÍ THƯ


Những điều cấm khi bầu Tổng Bí thư
14.01.2016

Hội nghị 14 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra phương án nhân sự 'tái cử' ở cấp cao nhất để trình Đại hội Đảng 12 theo nguyên tắc ‘tập trung dân chủ’ đã được quy định từ giữa 2014.


Đó là các chức vụ trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư của Trung ương Đảng thuộc khóa 11 hiện nay được Ban chấp hành trung ương đề cử bổ sung cho khóa 12.

Một nhà bình luận với BBC rằng đề cử 'tứ trụ' của Bộ Chính trị khóa 11 cho Đại hội khóa phản ánh đường lối chính của Đảng Cộng sản sẽ thiên về 'giữ ổn định' chính trị hay là đổi mới, phát triển.

Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp từ Singapore nói với BBC hôm 13/1 rằng những tin đồn ông nghe từ Hà Nội nói rằng GS Nguyễn Phú Trọng ‘được đề cử’ ở lại thêm một năm và cùng ông là ba vị khác.

Nhưng chuyện sau đó, Tổng Bí thư ở lại thêm sẽ bàn giao cho ai thì còn là câu hỏi chưa có trả lời, ông Hà Hoàng Hợp nói.

Theo điều lệ thì như thế là phương án này “đã đi được 50%” nhưng tất cả còn tùy vào Đại hội 12 quyết định, ông Hợp bình luận.
Những điều cấm và được phép

Thể thức bầu cử tại kỳ đại hội 20-28/1 này sẽ căn cứ vào Quyết định 244 từ tháng 6/2014 do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký nhằm quy định lại thể thức bầu những chức vụ cao nhất trong Đảng.

Quyết định này được ông Hà Hoàng Hợp bình luận là nhằm ‘đề cao nguyên tắc dân chủ tập trung’.

Văn bản này quy định nhiều điều cấm khi nêu ra thủ tục ứng cử, đề cử nhân sự cấp cao.

Cụ thể, điều 13 của Quyết định 244 trao quyền tuyệt đối cho cấp ủy và Bộ Chính trị khi nói về việc ứng cử, đề cử của cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư:

“Cấp ủy viên cấp triệu tập đại hội không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do cấp ủy đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của cấp ủy.”

“Ở các hội nghị của ban chấp hành, ủy viên ban thường vụ không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do ban thường vụ cấp ủy đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của ban thường vụ cấp ủy.”

“Ở các hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do Bộ Chính trị đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của Bộ Chính trị.”
 
TBT Nguyễn Phú Trọng nhắc tới trường hợp 'đặc biệt' tái cử trong diễn văn 
bế mạc Hội nghị Trung ương 14

Ngược lại, trong điều 25 về bầu chọn Bộ Chính trị lại có những điều cấm khác là nếu ai được đề cử rồi cũng có thể không được rút khỏi danh sách bầu cử:

“7. Đoàn Chủ tịch tổng hợp danh sách những người từ ứng cử, được đề cử; đề xuất những trường hợp được rút và không được rút khỏi danh sách bầu cử, báo cáo hội nghị xem xét, quyết định.”

Điều 25 cũng để Tổng Bí thư khóa cũ điều hành, triệu tập cuộc họp bầu Bộ Chính trị:

Nhưng chuyện sau đó, Tổng Bí thư ở lại thêm sẽ bàn giao cho ai thì còn là câu hỏi chưa có trả lời
Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp
“1. Phiên họp thứ nhất của Ban Chấp hành Trung ương do đồng chí Tổng Bí thư khóa trước (tái cử hoặc không tái cử) làm triệu tập viên khai mạc và chủ trì cho đến khi bầu xong Đoàn Chủ tịch hội nghị.”

Quá trình bầu chức Tổng Bí thư được đặt riêng ra trong điều 26 có nội dung như sau:

“Điều 26. Bầu Tổng Bí thư

1- Đoàn chủ tịch báo cáo về yêu cầu, tiêu chuẩn Tổng Bí thư và dự kiến nhân sự Tổng Bí thư được Ban Chấp hành Trung ương khóa trước giới thiệu, ý kiến giới thiệu của Bộ Chính trị khóa mới, kết quả giới thiệu nhân sự Tổng Bí thư của Đại hội để hội nghị tham khảo.

2- Họp tổ để thảo luận và tiến hành ứng cử, đề cử.

3- Đoàn Chủ tịch tổng hợp danh sách những người tự ứng cử, được đề cử; đề xuất những trường hợp được rút và không được rút khỏi danh sách bầu cử, báo cáo hội nghị xem xét, quyết định.

Lấy phiếu xin ý kiến của hội nghị đối với những người ứng cử, được đề cử tại hội nghị (nếu cần).
4- Lập danh sách bầu cử, hội nghị biểu quyết thông qua số lượng và danh sách bầu cử.

5- Bầu cử, kiểm phiếu, công bố kết quả bầu cử.”

Như thế, vị trí này chỉ được bầu lên sau khi có một Bộ Chính trị khóa mới, và có để ngỏ khả năng tự ứng cử, được đề cử cũng như phương án có cần hay không việc lấy phiếu tín nhiệm tại hội nghị về danh sách ứng viên cho chức vụ cao nhất trong Đảng.

Vẫn trong cuộc trả lời phỏng vấn BBC hôm 13/1, ông Hà Hoàng Hợp tin rằng chính cách lãnh đạo tập thể cho thấy khó có gì thay đổi lớn sau Đại hội 12.

1 nhận xét :

  1. Thế nhỡ ông Trọng sau lại bàn giao chức vụ TBT cho ...Tập Cạn Bình thì có đc không? Hoặc, ông Trọng chây ỳ không chịu bàn giao cho ai khi hết 2,5 năm thì có đc không?

    Trả lờiXóa