Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2016

QUANH CHUYẾN THĂM TÀU, VIẾNG MAO CỦA ÔNG SINH HÙNG


Nguyễn Sinh Hùng thăm Trung Quốc

Người Buôn Gió
1-1-2016

Cuộc đấu đá để tranh giành ngôi vị Tổng Bí Thư ĐCSVN khoá 12 diễn ra cực kỳ căng thẳng giữa các phe phái trong Đảng. Giữa lúc phức tạp như vậy, một động thái chính trị nữa cực kỳ khó hiểu và gây xôn xao dư luận là trường hợp Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng sang thăm Trung Quốc.

Hành động của Nguyễn Sinh Hùng khiến mọi con mắt đều dồn về phía ông ta với câu hỏi đầy nghi hoặc. Ông Hùng sang Trung Quốc để làm gì?

Báo chí Việt Nam cho biết ông Hùng đi theo lời mời của Quốc vụ viện Trung Quốc. Trong chuyến đi này, ông Hùng có gặp Chủ tịch quốc vụ viện Trung Quốc và chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình. Cũng trong chuyến đi này, ông Hùng có đến thăm lăng Mao Trạch Đông và quê hương của Mao.


Ngay khi ông Hùng về nước, báo chí Trung Quốc loan tin Trung Quốc tính đến việc đưa quân đội sang nước khác để chống khủng bố theo ký kết giữa quốc vụ viện hai nước. Điều lạ lùng là sau bản tin này của báo chí Trung Quốc. Ngay lập tức các tướng công an, quan chức Việt Nam đăng đàn xác nhận Việt Nam vừa phát hiện nhiều khủng bố.

Những tin tức buộc người ta phải liên tưởng rằng ông Hùng trên cương vị chủ tich quốc hội (Trung Quốc gọi là quốc vụ viện) liệu có ký kết hiệp ước nào cho phép quân đội Trung Quốc thâm nhập Việt Nam để chống khủng bố hay không? Và có chăng sự mở đường cho quân đội Trung Quốc vào Việt Nam khi mà Việt Nam tự nhận trong nước phát hiện nhiều khủng bố.


Ông Nguyễn Sinh Hùng dâng hoa và viếng Mao Trạch Đông tại khu tưởng niệm Mao 
ở thành phố Thiều Sơn, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc.

Tuy nhiên, chuyện ký kết một hiệp ước quan trọng đến mức cho phép quân đội Trung Quốc thâm nhập Việt Nam không thể một mình ông Hùng quyết định được trong chuyến đi này. Việc đó buộc phải đưa ra quốc hội để bàn bạc. Nếu đưa ra hàng trăm người ở quốc hội bàn thảo lấy ý kiến, chắc chắn tin tức sẽ lọt ra ngoài. Trong bối cảnh như hôm nay, khó mà những đại biểu quốc hội đồng tình cho phép điều đó được ký kết.

Có lẽ Trung Quốc đã lợi dụng chuyến thăm của ông Nguyễn Sinh Hùng để tung hoả mù khiến cho nền cuộc đấu đá chính trường Việt Nam thêm phần rối rắm. Trung Quốc dự tính đưa quân đội vào một nước nào khác không phải Việt Nam, nhưng họ cứ mập mờ tung ra sau chuyến đi của ông Hùng. Khiến người ta nghĩ rằng chính ông Nguyễn Sinh Hùng trên cương vị chủ tịch quốc hội Việt Nam đã sang ký kết với Trung Quốc những điều khoản như vậy.

Rồi cũng chính những sĩ quan an ninh Việt Nam như phó cục trưởng A67 đại tá Hà Minh Trân và thứ trưởng bộ thông tin, truyền thông Trương Minh Tuấn cũng nhân thể đổ lên đầu nhân dân Việt Nam sự sợ hãi để nhằm mục đích khủng bố dư luận tạo điều kiện cho cơ quan mình phụ trách mở rộng hoạt động. Hoặc có thể là nhằm bôi nhọ Nguyễn Sinh Hùng để mục đích sâu xa hơn là khiến dư luận căm phẫn những lãnh đạo có yếu tố thân Trung Quốc.

Nguyễn Sinh Hùng không phải là một chính khách ngây thơ, ông ta dường như cũng biết chuyến đi thăm của mình sẽ gây ra những nghi ngại trong xã hội Việt Nam vào thời điểm này. Cho nên, ông ta đã nhấn mạnh rằng:

– Chuyến đi của tôi nhằm triển khai những thoả thuận của lãnh đạo hai nước trong thời gian qua.

Điều đó có nghĩa, không có chuyện ký kết một thoả thuận mới nào về việc hợp tác khủng bố như đưa quân đội nước này sang nước khác, trong chuyến đi này của ông Hùng.

Trong chuyến thăm và làm việc này, Nguyễn Sinh Hùng đã nhắc đến một điểm đáng chú ý với Chủ tịch Tập Cận Bình là – Cân bằng lợi ích giữa hai nước.

Đây là một điểm tiến bộ, nếu trước kia người dân thường nghe quan hệ Việt Trung với quan điểm cũ rích là – Đôi bên cùng có lợi. Thì ngày nay đã được thay thế bằng một quan điểm mới – Cân bằng lợi ích – thực sự.

Đôi bên cùng có lợi là quan điểm không rõ ràng, tính thế Trung Quốc lợi mười, Việt Nam lợi một vẫn được gọi là đôi bên cùng có lợi. Nhưng quan điểm – Cân bằng lợi ích – lại là một điều khác biệt hẳn, đó là Việt Nam nhận thấy sự bất bình đẳng trong quan điểm Đôi Bên Cùng Có Lợi và đang đòi hỏi quyền lợi của mình được công bằng.

Những vấn đề khác đề cập đến trong chuyến đi này không có gì mới, phần nào đó trong lúc nhắc đến biển Đông. Ông Hùng đã bày tỏ sự thiếu tin tưởng vào thiện chí của Trung Quốc, ông đề nghi Tập Cận Bình thực hiện những gì đã thoả thuận để giữ tình hữu nghị hai nước, tránh xung đột trên biển Đông. Hãy xem phát biểu của ông Nguyễn Sinh Hùng được báo Dân Trí đưa lại.

"Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: “Vấn đề trên biển là vấn đề hệ trọng trong quan hệ hai nước, liên quan đến quyền, lợi ích và tình cảm của nhân dân hai nước. Đây cũng là vấn đề được cử tri và đại biểu Quốc hội Việt Nam quan tâm. Vì vậy, xử lý vấn đề trên biển cần được đặt trong tầm nhìn chiến lược lâu dài, phù hợp với luật pháp quốc tế, tôn trọng đầy đủ lợi ích chính đáng của mỗi nước và tổng thể quan hệ Việt-Trung. Xử lý tốt vấn đề trên biển là tăng cường được niềm tin chính trị và tạo thuận lợi để đẩy mạnh hơn nữa hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước”.

Ông Hùng đã nhắc đến Tình Cảm Của Nhân Dân hai nước, vấn đề cử tri và đại biểu quốc hội Việt Nam quan tâm. Ai cũng rõ tình cảm của nhân dân, cử tri, đại biểu quốc hội Việt Nam bức xúc thế nào trước vấn đề biển Đông. Một khi ông Hùng đã nói điều đó, chắc chắn ông ý thức được. Cho nên nói ông Nguyễn Sinh Hùng bán nước bằng ký kết cho quân đội Trung Quốc thâm nhập Việt Nam hay các điều khác là khó có cơ sở.

Nhưng nếu ông bị oan, thì ông cũng nên tự trách mình. Ông đến Trung Quốc, làm những việc như trên lẽ ra ông phải được khen ngợi. Nhưng cũng vì chút tham vọng nào đó, hay vì chút chiều lòng người Trung Quốc, ông đã đi thăm lăng Mao, quê hương của Mao. Những việc nằm ngoài công việc, có thể đó là tình cảm riêng, một chuyến viếng thăm riêng. Tuy nhiên, chỉ điểm đó thôi đã khiến người dân Việt Nam phải đặt dấu hỏi về động cơ của ông.

7 nhận xét :

  1. Mao chính là cha đẻ của chế độ CS Việt Nam.

    Là một lãnh tụ CS hàng đầu, Mao cũng là nhà lãnh đạo tàn bạo nhất trong lịch sử loài người với "thành tích" giết nhiều đồng bào, đồng chí của mình nhất (trên 57 triệu mạng).

    Mao cũng là nhà độc tài đã xây dựng một chế độ trấn áp, kìm kẹp dã man mọi tầng lớp nhân dân TQ, bao gồm cả đảng viên.

    Lãnh đạo Việt Nam đang tỏ lòng sùng bái và thần tượng Mao đó!

    Một ĐV nhưng mà tốt.

    Trả lờiXóa
  2. Bài phân tích rất khách quan

    Trả lờiXóa
  3. Hãy cảnh giác với mọi lời nói và việc làm của ông Hùng hói khi liên hệ với câu nói của cố Thủ tướng Vỏ văn Kiệt "Nói dzậy nhưng không phải dzậy"...

    Trả lờiXóa
  4. Tôi nghĩ , chắc ông ta sách cặp sang vay tiền thôi ( trước làm tài chính mà ) Tệ có ảnh Mao thì phải viếng một cái ...
    Nhưng nợ tàu thì thôi rồi , chí nguy , chí nguy .

    Trả lờiXóa
  5. Hàng loạt vụ cháy và ngộ độc thức ăn...Chết ngạt do khí độc v v . Có phải do bọn khủng bố gây ra?.
    Dù gì đi nữa, chính quyền nên phòng ngừa ngăn chặn, bịt kín mọi sơ hở không để Tàu lấy cớ chống khủng bố để đưa quân đội vào VN để can thiệp.

    Trả lờiXóa
  6. Nếu ông Hùng ký mật ước chống khủng bố với Trung Quốc, thì sự việc còn nghiêm trọng hơn Hiệp ước thành đô trước kia.
    Đồng ý để quân đội nước ngoài vào Việt Nam chống khủng bố đồng nghĩa với việc VN mất chủ quyền quốc gia.
    Như thời Pháp đưa quân bắt vua Hàm Nghi.

    Trả lờiXóa
  7. 1 thuyết âm mưu và lật đổ sau đây liệu ai tin không!? Sẽ có ai đó cấp cao bị bắt ngay sau Đại hội bầu do những chứng cứ không thể chối cãi. Tuy nhiên thế lực bảo vệ người này quá lớn khiến có thể cần TQ phải vào cuộc mới đủ sức bảo vệ chính quyền thân TQ như thời Nga phải nhảy vào Tiệp, Đức trước đây và đó là lí do ông Hùng cầu cứu trước Tập.

    Trả lờiXóa