Ý Kiến Của Giáo Sư Carl Thayer:
Việt Nam Sau Đại Hội Thứ 12 Của Đảng Cộng Sản
Việt Nam Sau Đại Hội Thứ 12 Của Đảng Cộng Sản
Việt Báo
Trần Bình Nam phóng dịch
13-1-2016
Chỉ còn hơn một tuần lễ nữa là đến ngày họp đại hội đảng Cộng sản Việt Nam (20/1 – 28/1/2016). Một cơ sở (có thể là một chính phủ, một cơ sở nghiên cứu hay một cơ quan tình báo …) yêu cầu giáo sư Carlyle Thayer cho biết ông nghĩ gì về tình hình chính trị Việt Nam sau đại hội. Giáo sư Thayer làm việc cho bộ quốc phòng Úc là nhà theo dõi tình hình Việt Nam một cách có hệ thống và lâu dài nhất nên những nhận định của ông về những diễn biến chính trị tại Việt Nam thường sát với thực tế và giúp ích nhiều cho những nhà quan sát khác ít có điều kiện tiếp cận thông tin về nội bộ Việt Nam.
Đọc ý kiến ông trả lời 3 câu hỏi then chốt:
(1) Ban lãnh đạo đảng CSVN sau đại hội 12 có nghiêng về khuynh hướng xích gần hơn với Hoa Kỳ để chống áp lực của Trung quốc không?
(2) Nhiều người tin rằng thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ là người lãnh đạo đảng sau đại hội. Gíáo sư nhận định về ông ta như thế nào và giáo sư có dự phóng gì không?
(3) Hiệp ước Thương mãi Xuyên Thái bình dương (Trans-Pacific Partnership – TPP) có giúp Việt Nam bình thường hóa nhanh chóng quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam gồm cả việc Hoa Kỳ sẵn sàng bán mọi thứ vũ khí cho Việt Nam?
Độc giả không khỏi ngạc nhiên về những nhận định không úp mở của ông, nhất là trong không khí sờ voi đoán mò đang rất thịnh hành trong giới quan sát hải ngoại (TBN: Người ta không loại bỏ tình trạng đoán mò để phá bĩnh này xuất phát từ Bắc Kinh và tay sai với sự tiếp tay của một số nhà bình luận dõm trong và ngòai nước). Người ta có cảm tưởng giáo sư Carl Thayer tin rằng ông đã nắm được tình hình.
Trả lời câu hỏi số 1, giáo sư Thayer nói:
Rất có thể vị Tổng bí thư đảng tới là một nhân vật thâm niên trong Bộ chính trị đã đến tuổi 65 nghỉ hưu. Nguyên tắc hiện nay ai trên 65 tuổi và đã giữ chức vụ lãnh đạo hai nhiệm kỳ thì thôi, nhưng nếu cần thì có thể miễn giảm. Trong quá khứ đã có một lần miễn giảm như vậy cho nhân vật được bầu làm Tổng bí thư.
Nhưng dù ai lên làm Tổng bí thư, ban lãnh đạo đảng cũng sẽ tiếp tục chính sách đối ngoại đa phương và hội nhập quốc tế. Việt Nam sẽ giữ quan hệ cân đối với các nước Trung quốc, Hoa Kỳ, Nhật bản, Ấn độ, Liên bang Nga và Cộng đồng Âu châu. Tuy nhiên Việt Nam sẽ xích lại gần Hoa Kỳ và các nước trong TPP để giảm thiểu áp lực kinh tế của Trung quốc, nhất là cán cân mậu dịch bất lợi cho Việt Nam. Việt Nam cũng sẽ hợp tác an ninh với Hoa kỳ để tăng khả năng chống áp lực quân sụ của Trung quốc trên Biển Đông. Hoa Kỳ đang giúp Việt Nam cải tiến hạm đội phòng duyên.
Mới đây Hoa kỳ nói sẽ hủy bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương (xét từng thứ vũ khí một) cho Việt Nam nhưng Việt Nam chưa trả lời có đồng ý hay không. Trong năm 2016 Việt Nam muốn Hoa Kỳ xét bán đồng loạt cho Việt Nam dụng cụ truyền tin và chuyển nhượng kỹ thuật giúp tăng cường khả năng kiểm soát Biển Đông. Cũng có nguồn tin nói Việt Nam mong muốn mua loại máy bay P3 Orion là loại máy bay chuyên tuần tra mặt biển. Tuy nhiên để tránh bề ngoài quá thân cận Hoa Kỳ, Việt Nam sẽ tiếp tục mua dụng cụ quốc phòng của Liên bang Nga. Đồng thời cố gắng giữ sự tranh chấp quyền lợi trên Biển Đông với Trung quốc trong giới hạn giữa hai nước không để Hoa Kỳ hay các quốc gia khác dính líu vào.
Trả lời câu hỏi số 2 giáo sư Thayer nói: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang làm thủ tướng nhiệm kỳ hai và đã trên 65 tuổi. Có nhiều hy vọng ông ta sẽ được bầu làm Tổng bí thư. Và nếu vậy đây là một trường hợp hy hữu. Từ trước đến nay chưa có một viên chức cao cấp nào trong Bộ chính trị đã đến tuổi nghỉ hưu được bầu chọn giữ một chức vụ cao cấp khác. Nói cách khác ở Việt Nam chưa có trường hợp giống ông Vladimir Putin, thôi làm Thủ tướng thì làm Chủ tịch nước.
Ông Dũng (nếu được bầu làm Tổng bí thư) sẽ là vị Tổng bí thư có nhiều kinh nghiệm ngoại giao và nắm vững sự vận hành của nền kinh tế thế giới đồng thời được nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới biết đến. Dũng sẽ thừa hưởng kinh nghiệm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người từng thăm viếng các quốc gia dân chủ Tây phương tại u châu, Úc châu, Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Ông Dũng là người chủ trương biến Việt Nam thành một quốc gia kỹ nghệ hoàn toàn phát triển vào năm 2020 và cũng là người chủ trương xây dựng các đại công ty có khả năng chế tạo sản phẩm riêng biệt của nó. Dũng cũng có thể là người đẩy mạnh các cải cách như TPP đòi hỏi và sẽ chia quyền hành với những ai chống ông trong hay ngoài đảng. Nhân vật được chọn làm thủ tướng thay Dũng sẽ cho chúng ta thấy khuynh hướng chia quyền hành sẽ được thể hiện ra sao.
Trả lời câu hỏi thứ 3 về việc nếu Việt Nam thực hiện những cải tổ khi thi hành đứng đắn thỏa ước Thương mãi xuyên Thái bình dương (TPP) có giúp đẩy mạnh quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa Hoa kỳ và Việt Nam, trong đó có việc Hoa kỳ hủy bỏ mọi giới hạn trong việc bán vũ khí cho Việt Nam không, giáo sư Thayer nói: Trên nguyên tắc Việt Nam muốn Hoa Kỳ không giới hạn việc bán vũ khí cho mình vì nhu cầu, nhưng nội bộ có sự khác biệt ý kiến. Thành phần bảo thủ thường nhắc nhỡ thành phần muốn đẩy mạnh quan hệ với Hoa Kỳ đừng quên Hoa Kỳ đã làm gì cho Việt Nam trong các lĩnh vực phong tỏa vũ khí, chất độc màu da cam và đạn mìn còn lại sau chiến tranh. Mặc dù Hoa Kỳ đã giúpViệt Nam giải quyết vụ chất độc hóa học và đạn mìn, nhưng các thành phần bảo thủ cho là chưa đủ.
Hoa Kỳ còn do dự trong việc chuyển nhượng vũ khí vì tình trạng nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam. Hai lĩnh vực này không nằm trong việc thi hành thỏa ước TPP. TPP chỉ đòi hỏi Việt Nam cho phép công nhân thành lập nghiệp đoàn độc lập và Việt Nam hứa sẽ thi hành đúng đắn. Việt Nam là nước ít phát triển nhất trong các thành viên TPP nên Việt Nam được cho phép kéo dài thời gian thi hành các điều khỏan của thỏa ước. TPP là chìa khóa của nền kinh tế Việt Nam, nên nếu Thượng Viện Hoa Kỳ (TV) phê chuẩn TPP (TBN: có phần chắc là được phê chuẩn vì Hoa Kỳ ký TPP với điều kiện “fast track” của quốc hội, nghĩa là TV hoặc phê chuẩn hay bác bỏ toàn bản văn nhưng không có quyền tu chính từng điều khoản),Việt Nam có thể nhờ Hoa Kỳ giúp thi hành thỏa ước và điều này có nghĩa các thương gia và các nhà đầu tư Hoa Kỳ có nhiều điều kiện làm việc đẩy mạnh quan hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trơ nên mật thiết hơn.
Gần đây Hoa Kỳ ghi nhận Việt Nam có tiến bộ về nhân quyền và tự do tôn giáo tuy rằng đây là một vân đề rất tế nhị. Thành phần bảo thủ nghi ngờ Hoa Kỳ chỉ đặt vấn đề nhân quyền và tôn giáo như một cái cớ để nhẹ nhàng lật đổ đảng Cộng sản Việt Nam qua diễn biến hòa bình. Nhưng sự lo ngại này đã được giải quyết qua chuyến công du năm ngoái của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ông Trọng và tổng thống Obama tuyên bố tôn trọng thể chế chính trị của nhau. Và từ ngày Trung quốc kéo dàn khoan dầu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (từ tháng 5 đến tháng 7 – 2014) đã có 8 trong 14 ủy viên Bộ chính trị đến viếng thăm Hoa Kỳ, trong đó có nhiều thành phần bảo thủ.
Khi Việt Nam muốn một sự nhượng bộ nào từ phía Hoa Kỳ, Việt Nam thường nới lỏng về nhân quyền và tự do tôn giáo (như khi vận động để Hoa Kỳ chấp thuận quy chế Thành viên mậu dịch thường trực – Permanent Normal Trade Relations – và sau đó gia nhập Tổ chức Mậu dịch Thế giới – World Trade Organization – nên chúng ta có thể hy vọng rằng sau đại hội 12 tình trạng nhân quyền và tôn giáo tại Việt Nam sẽ được cởi mở hơn. (TBN: với xu hướng này chúng ta có thể hy vọng rằng luật sư Nguyễn Văn Đài sẽ được trả tự do sau đại hội).
Nguồn: Ba Sàm.
.
.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét