Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2015

Sự kiện cuối tuần: HỘI THẢO, TRIỂN LÃM VÀ TRÌNH DIỄN NGHỆ THUẬT


Thông cáo báo chí:
HỘI THẢO QUỐC TẾ "VĂN TỰ VỚI VĂN HÓA ĐÔNG Á"

do Viện Nghiên cứu Hán Nôm chủ trì

01 ngày (Thứ Bảy, 15.8.2015) 
tại Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, 1B Liễu Giai, HN

Hội thảo khoa học Quốc tế Văn tự với văn hóa Đông Á do Viện Nghiên cứu Hán Nôm (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) chủ trì, Hội Hán tự học thế giới và Viện Nghiên cứu Hán tự Hàn Quốc phối hợp tổ chức. Các phiên hội thảo diễn ra trong 01 ngày thứ Bảy, 15/08/2015 tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (toà 1B Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội). Đây là hội thảo lần thứ ba của cộng đồng các nhà nghiên cứu văn tự ở các nước Đông Á (hai lần trước tổ chức tại Trung Quốc và Nhật Bản), và là lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam. Hội thảo này cũng là một cơ hội mở rộng hợp tác khoa học một cách chặt chẽ và toàn diện trên lĩnh vực văn tự học của giới văn tự học Đông Á, từ đó góp phần thúc đẩy mối quan hệ hoà bình, hữu nghị, hợp tác giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực.


Hội thảo tập trung thảo luận các giá trị văn hóa và lịch sử của các loại văn tự ở Đông Á, xem xét mối quan hệ của văn tự với văn hiến Đông Á, văn tự với truyền thống và đương đại Đông Á, đặc biệt là vai trò của văn tự đối với việc truyền tải các thông điệp văn hóa thông qua các văn bản cổ.

Tham dự hội thảo là 46 nhà khoa học đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, và nước chủ nhà Việt Nam. Ngoài phiên khai mạc và phiên toàn thể, hội thảo được chia thành 11 phiên thảo luận để các nhà khoa học trình bày 45 bản tham luận liên quan tới các nhóm chủ đề: Giáo dục văn tự, Văn tự khai quật, Văn tự với xã hội, Văn tự với ngôn ngữ, Văn tự với hiện tại, Văn tự với văn khắc, Cấu trúc và phiên dịch văn tự, Tự thư (tức tự điển, từ điển, bách khoa thư…), Giao lưu văn tự (2 phiên), Giải đọc văn tự. Các tham luận đề cập đến nhiều vấn đề thú vị, từ quá khứ đến hiện tại, từ tài liệu thư tịch đến tư liệu hiện vật (văn bia, giáp cốt, đồ kim khí…), với nhiều lý giải mang tính liên ngành, làm nổi bật vai trò của văn tự trong văn hóa Đông Á.

Bên lề của hội thảo là giao lưu trình diễn thư pháp tại sảnh lớn và khảo sát văn hóa (dành cho các học giả nước ngoài).

Liên hệ phỏng vấn về chuyên môn:
- GS. TSKH Nguyễn Quang Hồng (ĐT: 0912561598)
- Tiến sĩ Trần Trọng Dương (ĐT: 0975297182) 


Thông tin chung: TS. Nguyễn Xuân Diện (xuandienhannom@gmail.com

Link để download Chương trình hội thảo:
https://www.dropbox.com/s/ofuuvzmw5qrj94z/2015%20Hanoi%20Conference%20Agenda%2020150810%20%28OFFICIAL%29.pdf?dl=0
--------
.
Thông cáo báo chí:
KINH NGHIỆM BẢO VỆ DI SẢN 
- từ câu chuyện chùa Thái Dương, huyện Bình Lục, Hà Nam

Diễn giả: Họa sĩ Bùi Hoài Mai

Thời gian: 9h ngày chủ nhật 16/8/2015
Địa điểm: Tầng 2-Paris Deli, tòa nhà Dolphin Plaza, 28 Trần Bình 

(cạnh bến xe Mỹ Đình) 

Không nói về những “điểm nóng” trong bảo tồn di sản, nỗ lực bảo tồn làm tổn hại di sản hay cuộc tranh cãi bất tận, diễn giả Bùi Hoài Mai sẽ dẫn dắt những người quan tâm di sản đến một câu chuyện cụ thể trong vấn đề bảo vệ di sản.Tọa đàm “Kinh nghiệm bảo vệ di sản” sẽ được diễn ra vào lúc 9 giờ sáng ngày 16/8 tại Heritage Space, 28 Trần Bình, Hà Nội.


Đối tượng cụ thể của Tọa đàm này chính là chùa Thái Dương thuộc xã Hưng Công, Bình Lục, Hà Nam. Đây là ngôi chùa có niên đại từ thế kỷ XVII – XVIII, mang trong mình đầy đủ những tinh hoa của nghệ thuật dân gian Việt Nam, lưu trữ tâm hồn và nghệ thuật cổ của cha ông. Điều đó thể hiện qua nghệ thuật điêu khắc tinh xảo, phong cách kiến trúc đặc trưng cùng với không gian hài hòa gắn liền với cuộc sống của những người dân làng Hưng Công. Ngôi chùa gần như bị bỏ quên và hiện nay đã xuống cấp do tác động của thiên nhiên, chiến tranh và cần được đưa vào danh sách di sản cần bảo vệ.

Nên trùng tu cải tạo hay phá dỡ và xây dựng một ngôi chùa mới bằng vật liệu bê tông cốt thép? Đâu là giải pháp hiệu quả, kinh tế và có sức thuyết phục cao dựa trên cơ sở tôn trọng kiến trúc cổ, đồng thời thu hút được đồng thuận của người dân?

Họa sỹ Bùi Hoài Mai với những cộng sự là các nhà kiến trúc sư có nhiều năm tâm huyết, gắn bó trong việc tôn tạo, trùng tu di tích cổ sẽ giới thiệu những cách tiếp cận trực diện, khoa học và quyết liệt trong việc gìn giữ những công trình có nhiều giá trị với văn hóa dân tộc.

Thời gian: 9h ngày chủ nhật 16/8/2015
Địa điểm: Tầng 2-Paris Deli, tòa nhà Dolphin Plaza, 28 Trần Bình 
(cạnh bến xe Mỹ Đình) 

---------
.

TỌA ĐÀM VỀ DI SẢN LÀNG VIỆT
và trình diễn Hát Cửa đình & Khúc hát đêm hội đình làng

14h00 ngày 16/8/2015.
Chương trình sẽ diễn ra trong không gian triển lãm 
"Đình làng Việt - Những điều còn mất"

Địa điểm:
Heritage Space, 28 Trần Bình, Hà Nội.

(cạnh bến xe Mỹ Đình)

Tọa đàm: Di sản làng xã còn và mất trong lòng nhân dân.

Khách mời: 
- TS. Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian VN.
- Nhà phê bình và nghiên cứu lịch sử mỹ thuật Phan Cẩm Thượng.
- KTS Nguyen Giang, làng Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội.
- Anh Trần Ngọc Đông, làng Hương Canh, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc.

Các khách mời sẽ bàn đến những vấn đề xung quanh ngôi làng người Việt sự biến đổi của nó qua các gian đoạn lịch sử, đặc biệt là sự biến đổi của làng xã trong thời kỳ công nghiệp hóa và hội nhập.

Diễn xướng: Khúc hát đêm hội đình.

Khách mời:

- TS. Trần Đoàn Lâm (Nhà xuất bản Thế giới).
- TS. Nguyễn Xuân Diện (Viện Nghiên cứu Hán Nôm).
-  Nghệ nhân dân gian Ca trù Vân Mai.
Cùng các thành viên CLB âm nhạc dân gian truyền thống VN.

Chúng ta sẽ được thưởng thức các làn điệu âm nhạc dân gian của người Việt đã có từ lâu đời như Ca trù, Hát Xẩm, Hát chầu văn...trong không gian Đình làng Việt, với thiết kế sân khấu của Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức.
___________

. 
Mời cả nhà cùng đón xem "Đêm nhạc dân gian" hết sức đặc sắc, đa dạng các loại hình nhạc truyền thống: Hát xẩm, Hát văn, Quan họ, Diễn Xướng hầu đồng.


Với sự kết hợp của các nghệ sĩ đến từ các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp (Đoàn quan họ Bắc Ninh; CLB Xẩm Hải Phòng; Đoàn Nghệ thuật Ca múa nhạc Hoa Mai; Trung tâm phát triển Âm Nhạc Việt Nam):

Đào nương Vân Mai; Ns Tịnh Hải; Ns Hát xẩm Thu Phương; Chị hai Anh Thư; Ca sĩ Nguyên Hồ; Ns Tiến Đoàn; Ns Diễn Xướng Mai Thiện; Ns Linh xẩm; Mc Như Tuyết; Nhị Vũ Tuấn ; 


Khách mời đặc biệt: Thạc sĩ Mai Văn Lạng, Trưởng phòng Dân ca Đài Tiếng Nói Việt Nam.

- Một đêm duy nhất tại: Phòng trà Đồng Vọng.
- Đ/c: 281a Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội. (đối diện KS La Thành)
- Thời gian: 20h30, Thứ 7, ngày 15/08/2015.


Ngoài ra, là Gala Mùa Thu, tối Chủ nhật 16/8/2015:



1 nhận xét :

  1. Lĩnh Nam chích quáilúc 03:28 17 tháng 8, 2015

    Nói về văn tự thì việc VN dùng mẫu tự Latin làm quốc ngữ là số 1 châu Á rồi . Từ đó suy ra VN hội nhập rất nhanh và rất tài tình . Vậy mà VN không phát triển được như Nhật , Hàn là những nước không sử dụng văn tự La tin . Nguyên do nào ? Tại chế độ chính trị hay tại dân trí VN ?

    Trả lờiXóa