Chủ Nhật, 9 tháng 8, 2015

LS. TRẦN VŨ HẢI NÓI VỀ VIỆC THÔNG BÁO ĐIỂM RÌNH NẤP CỦA CSGT

Thông báo điểm ‘núp’ của cảnh sát giao thông: 
Công hay Tội?

Trà Mi-VOA
08.08.2015
 
Screenshot của trang Facebook Tránh chốt CSGT Hải Phòng. 
Hiện trang này không còn truy cập được nữa. 
.
Hai bạn trẻ ở Hải Phòng vừa bị bắt vì lập trang Facebook ‘Tránh chốt CSGT Hải Phòng’ thông báo cho người dân vị trí các chốt điểm của cảnh sát để tránh bị ‘sập bẫy phạt giao thông’.

Nguyễn Đức Hảo, 21 tuổi, là sinh viên Đại học Hàng Hải và Hoàng Anh Thư, 23 tuổi, nhân viên kỹ thuật của cửa hàng FPT tại Hải Phòng, bị cáo buộc tội ‘bôi nhọ hình ảnh lực lượng CSGT’. Công an Hải Phòng nói nội dung trang Facebook của họ vi phạm Điều 226 Bộ Luật hình sự về ‘đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet’.

Tiếp nối các trường hợp bị bắt vì bày tỏ quan điểm bất đồng hay phê phán nhà nước, vụ 2 bạn trẻ bị ‘sờ gáy’ vì đăng thông tin bất lợi cho lực lượng công quyền gây thêm chú ý và tranh cãi về chính sách của Việt Nam giới hạn các quyền tự do căn bản, trong đó có quyền tự do bày tỏ quan điểm và quyền tự do thông tin, giữa lúc các lãnh đạo hàng đầu Việt Nam đã bị liệt kê vào danh sách ‘Kẻ thù của Internet’ và ‘Đe dọa ký giả’ do tổ chức quốc tế chuyên bảo vệ các ngòi bút mang tên Phóng viên Không biên giới thực hiện.

Thông tin nào đưa lên mạng là được xem là được phép hoặc trái phép? Hành động của hai thanh niên này là ‘nói xấu’ hay ‘phản ánh thực trạng lợi dụng quyền hạn khi thi hành công vụ’ của các lực lượng công quyền? Nội dung điều luật 226 cùng những khía cạnh pháp lý của sự việc đang gây hoang mang, bức xúc trong cộng đồng mạng ra sao? 

Tạp chí Thanh Niên hôm nay trao đổi với luật sư Trần Vũ Hải từ Hà Nội để ghi nhận ý kiến từ một người chuyên môn lâu năm trong ngành luật.

LS. Hải:
Công an Hải Phòng bắt giữ 2 bạn trẻ này theo điều 226 Bộ luật Hình sự. Điều 226 cũng có định nghĩa thế nào là ‘đưa, sử dụng thông tin trái phép lên mạng’ với ba trường hợp chính. Thứ nhất là đưa thông tin ‘không được phép’ lên mạng. Thứ hai là đưa thông tin cá nhân như thông tin về đời tư. Thứ ba là các trường hợp khác mà pháp luật quy định. Tuy quy định 3 trường hợp như thế nhưng điều 226 khá rộng mở. Điều kiện được đi kèm là thông tin đưa gây hậu quả nghiêm trọng và xâm phạm trật tự an toàn xã hội hay lợi ích của cá nhân/tổ chức. Tóm lại có 3 yếu tố như vậy mới truy cứu được trách nhiệm hình sự.

Trà Mi: Về trường hợp thứ nhất: đưa thông tin ‘không được phép’ lên mạng, xin hỏi pháp luật Việt Nam quy định những thông tin nào là ‘không được phép’ đưa?

LS. Hải:
Cái này theo tôi cũng rất mơ hồ, tuy nhiên có một số luật về công nghệ, về báo chí v..v… có quy định những thông tin không được phép đưa. Có những điều khoản quy định như gây mất đoàn kết dân tộc… Nó cũng khá mơ hồ. Theo tôi, nếu thông tin đó là sự thật, không phải là tin mật mà cũng không xâm phạm đời tư ai đó thì vẫn được đưa, theo quan điểm một số luật quy định như vậy. Tuy nhiên, việc đưa này phải xâm phạm lợi ích của cá nhân, đơn vị nào và phải gây hậu quả nghiêm trọng thì mới bị xem xét xử lý hình sự.

Việc một người nhìn thấy một trạm cảnh sát giao thông rồi báo cho người khác biết, theo tôi, chẳng có luật nào cấm cả và việc này cũng không ảnh hưởng đến ai cả.
Luật sư Trần Vũ Hải.

Trà Mi: Trong vụ việc của hai bạn trẻ ở Hải Phòng, theo luật sư cần phải làm rõ những yếu tố nào?

LS. Hải: Phát biểu của công an Hải Phòng đăng trên báo Tuổi Trẻ, theo tôi, là chưa đủ sức thuyết phục để bắt giữ 2 bạn này. Thứ nhất, thông tin về các chốt cảnh sát giao thông, theo tôi, không phải là thông tin ‘trái phép’ không được đưa. Nếu họ nói ‘trái phép’, họ căn cứ vào điều luật nào? Thông tin đó xâm phạm lợi ích của ai? Bôi nhọ điểm nào? Ở đây là thông tin có thật thì không thể gọi là ‘bôi nhọ’. Có gây hậu quả nào nghiêm trọng? Nghiêm trọng là phải đo lường được. Thông tin này khiến cho người nào biết được có chốt cảnh sát đó thì không đi qua, như vậy không thể gọi là hậu quả nghiêm trọng được.

Trà Mi: Có ý kiến cho rằng những thông tin giúp người ta tránh chốt giao thông kiểu vậy vô hình chung tiếp tay cho những vi phạm giao thông, có thể gây hậu quả nghiêm trọng?

LS. Hải: Đó là suy diễn thôi. Về mặt pháp luật phải có căn cứ. Tôi cho rằng ngay cả việc lập chốt giao thông cũng cần phải công bố cho mọi người biết địa điểm của các trạm cảnh sát giao thông ấy. Không nên có kiểu ‘anh hùng núp’, núp vào lùm cây rồi xông ra phạt. Nghĩa là cái việc lập chốt trạm phải đàng hoàng, mọi người phải biết rõ. Việc một người nhìn thấy một trạm cảnh sát giao thông rồi báo cho người khác biết, theo tôi, chẳng có luật nào cấm cả và việc này cũng không ảnh hưởng đến ai cả. [Với thông tin báo về trạm cảnh sát giao thông của hai bạn trẻ bị bắt], người tham gia giao thông khi đi qua đấy còn có thể cẩn thận hơn thì việc cẩn thận hơn cũng là điều tốt thôi. Thông tin này đưa ra có thể giúp người tốt, người xấu, hoặc giúp người ta cẩn thận hơn mục đích cũng nhằm cung cấp thông tin thôi, để người ta tham khảo lựa chọn chứ không phải để bắt buộc ai phải tránh chốt đấy.

Trà Mi: Thông tin này có thể giúp người xấu, có thể hậu quả nghiêm trọng nằm ở đó chăng?

LS. Hải: Bất kỳ thông tin nào cũng có hai mặt của nó. Vậy về mặt nó giúp cho nhiều người cẩn thận hơn thì sao?

Trà Mi: Hành động của hai bạn trẻ này một bên cho là ‘nói xấu cảnh sát giao thông’, một bên cho là ‘phản ánh đúng hiện tượng lợi dụng quyền hạn khi thi hành công vụ’. Về mặt pháp lý, luật sư thấy thế nào?

LS. Hải: Công an Hải Phòng khi bắt người phải làm đúng luật, phải chứng minh có đủ bằng chứng liên quan đến hành vi này. Qua cách họ trả lời báo chí, không có đủ 3 yếu tố để định danh tội này.

Trà Mi: Ngoài những trường hợp đăng bài phản ánh tham nhũng hay chỉ trích nhà nước bị bắt, nay tới lượt những người đưa các thông tin bất lợi cho lực lượng công quyền cũng bị bắt. Luật sư có lời khuyên nào cho những người sử dụng mạng trong nước?

LS. Hải: Để tránh việc tùy tiện bắt bớ, luật cần quy định rõ hơn thế nào là sử dụng thông tin trái phép, thế nào là đưa thông tin trái phép, thông tin nào là bị cấm cũng phải liệt kê rõ. Những thông tin phản ánh sự thật tiêu cực xã hội không thể coi là thông tin bị cấm. Ai cũng hiểu là thông tin về các vấn đề công khai thì không phải là thông tin cấm đăng. Cần phải liệt kê chi tiết các thông tin không được phép đưa lên, nếu không trong Bộ luật Hình sự thì cũng phải trong một án lệ của tòa hoặc của cơ quan liên bộ. Ngoài ra, cũng phải phân biệt giữa hành chính và hình sự. Người ta chỉ đưa tin lên thôi, không chứng minh được ‘hậu quả nghiêm trọng’ xảy ra sau khi đưa thông tin đó thì không thể tùy tiện bắt. Không thể có chuyện bắt trước tìm tội sau. Phải có đầy đủ các yếu tố vừa kể mới bắt. Ngay cả trong trường hợp bắt bớ cũng cần giảm, có thể có biện pháp điều tra tại ngoại vì ở Việt Nam sau khi bắt rồi người ta sẽ tìm mọi cách để chứng minh có tội. Đó là điều rất không nên. Công an Hải Phòng cần cân nhắc việc này và có biện pháp thay đổi phương pháp ngăn chặn.

Trà Mi: Vụ này cũng khơi dậy những chỉ trích về quyền tự do thông tin ở Việt Nam giữa bối cảnh các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam như Nguyễn Phú Trọng hay Nguyễn Tấn Dũng đã lần lượt bị tổ chức Phóng viên Không biên giới liệt kê vào danh sách ‘Kẻ thù Internet’ và ‘Lãnh đạo đe dọa ký giả nhiều nhất’. Có ý kiến cho rằng vụ này chứng tỏ luật pháp Việt Nam ngày càng mạnh tay với những tiếng nói phản biện? Ý kiến luật sư ra sao?

LS. Hải: Điều này tôi chưa bình luận vội. Hiện tượng này nếu phổ biến thì chúng ta có thể nói. Trong vụ này, công an Hải Phòng nói điểm chính là ‘bôi nhọ công an’, họ không nói tới vấn đề ‘phản biện’ ở đây, cho nên theo tôi chưa nên mở rộng để kết luận về vấn đề này. Tôi cho rằng có việc lạm quyền ở đây khi bắt bớ một cách vội vã, chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Trà Mi: Từ vụ này bàn về việc sử dụng mạng xã hội để phục vụ xã hội. Làm thế nào để phát huy công dụng vừa kể trong hoàn cảnh xã hội và điều kiện luật pháp hiện nay ở Việt Nam?

LS. Hải: Người dùng mạng, nếu tin tưởng thông tin ấy là có thật và hữu ích cho xã hội thì không ngại gì không đăng, không có vấn đề gì. Tuy nhiên, vì trên mạng do họ quản lý cũng có nhiều người đưa những thông tin bình luận cực đoan nên cũng cần tích cực tháo bỏ những thông tin bình luận đó để tránh rủi ro cho bản thân. Tóm lại, admin các trang cũng cần độ cẩn trọng nhất định, xem thông tin và bình luận của những người khác đưa lên trang của mình là đúng hay không, nhất là các thông tin bị cắt ghép, photoshop và các bình luận để tránh rủi ro. Đó là một biện pháp tất nhiên.

Trà Mi:
Vừa rồi là ý kiến của một chuyên gia ngành luật. Còn quan điểm các bạn trẻ sử dụng Facebook trong nước thì sao? Hãy chia sẻ với chúng tôi trong phần Ý kiến ngay bên dưới bài đăng. Xin chân thành cảm ơn các bạn. 
.

3 nhận xét :

  1. Ở Đức đài báo liên tục cho người dân những chỗ cảnh sát chụp hình tốc độ. Tôi tin đa số các nước dân chủ ở Châu Âu hay kể các Châu khác cũng như vậy. Tôi không mong luật pháp Việt Nam lại bênh vực công an vô lý được, chưa kể nghành công an chiếm không hề nhỏ các khỏan tiền phạt từ trước tới nay.

    Trả lờiXóa
  2. "Luật" của "ta" hiểu thế nào cũng được" - cựu thẩm phán Dương.

    Trả lờiXóa
  3. Chỉ chỗ CA đứng rình để phạt làm mất nguồn thu của CA thì là gây hậu quả nghiêm trọng.Hài VL....

    Trả lờiXóa