Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2015

BBC: TƯỢNG TỶ, CHẤT LƯỢNG CHƯA TƯƠNG XỨNG

Tượng tiền tỷ, chất lượng chưa xứng

BBC Việt ngữ
5 tháng 8 2015

 
Tượng Mẹ Việt Nam Anh hùng tại tỉnh Quảng Nam bị cho là chất lượng chưa tương xứng với kinh phí 411 tỷ đồng (Ảnh: Báo Mới)

Nhân vụ ồn ào tỉnh Sơn La xây tượng đài Hồ Chí Minh với kinh phí lên đến 1.400 tỷ đồng, các báo trong nước đã đồng loạt điểm lại những công trình tượng đài đắt đỏ nhưng kém chất lượng.

Thời gian qua, công luận đã nhiều lần lên tiếng về hàng loạt tượng đài trị giá hàng trăm tỷ đồng nhưng xuống cấp mau chóng sau khi khánh thành:
tượng Lý Thái Tổ (Hà Nội), nữ tướng Lê Chân (Hải Phòng), Điện Biên Phủ (Điện Biên), Trần Hưng Đạo (Nam Định)...những tượng bằng đồng đều bị rỉ xanh cục bộ, khó khắc phục. Đặc biệt, nhiều công trình xây dựng xong mau chóng bị nứt trên thân hoặc sụt lún chân đế hay bị sét đánh.

Gần đây nhất là tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng ở Quảng Nam với kinh phí lên đến 411 tỷ đồng. Theo Vietnamnet, chỉ một tuần sau lễ khánh thành hoàng tráng vào tháng 3/2015, công trình cao 18 m, dài 120 m đã bị hỏng một phần nền gạch trước mặt tượng đài.

VnExpress dẫn lời tiến sĩ Đinh Hồng Hải, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định, trong hơn 10 năm trở lại đây, tượng đài được xây dựng ồ ạt theo phong trào, mang tính dự án, chạy theo tiến độ nhưng thiếu đi ý nghĩa biểu tượng và xã hội.

Đó là chưa kể đến những tượng đài có chất lượng cực kỳ thấp như tượng Phật ở Thái Bình, tượng đài bị sét đánh tại Quảng Ninh, thậm chí không ít tượng đài được nhà nước đầu tư cũng chỉ mang tính phong trào.

Ông Hải cũng cho rằng cơ quan chức năng đang lúng túng trong quy hoạch và thiếu quy trình xây dựng tượng đài nên ‘đẻ ra các công trình không có mục đích rõ ràng’ như tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng ở Quảng Nam.
‘Thiên về tượng lãnh tụ’

Tiến sĩ khoa học nghệ thuật Phạm Hoàng Vân, Đại học Mỹ thuật công nghiệp, cũng được dẫn lời trên VnExpress cho biết người ta đang hiểu lầm khái niệm rằng tượng đài là công trình phải to, cao.

Theo ông Vân, tượng đài có tầm vóc không thể hiện bằng kích thước lớn mà bằng tư tưởng, ý nghĩa biểu tượng. Ông Vân nêu ví dụ tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ ‘thất bại về mặt nghệ thuật vì thiếu tính biểu tượng’.

Ông Vân cũng đặt vấn đề công nghệ, kỹ thuật để sử dụng cho xây dựng tượng đài không được đánh giá đúng tầm. Theo ông, Việt Nam có nhà máy đúc chân vịt tàu ở Hải Phòng được đầu tư máy móc, công nghệ đúc đồng khá tốt, nhưng không có sự liên kết giữa lĩnh vực nghệ thuật và kỹ thuật nên không tận dụng được.

Trả lời phỏng vấn của báo Đời sống và Pháp luật, kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện, cho biết, tượng đài tại Việt Nam nói chung vẫn còn thiên về lãnh tụ, mà chưa chú trọng đề tài về văn hóa, tín ngưỡng. Thiếu những tượng đài về nghệ thuật văn hóa phục vụ cho đời sống sinh hoạt văn hóa của người dân.

Ông Luyện cũng đề nghị chính quyền nên hạn chế việc lấy ngân sách để xây tượng đài mà nên học tập các nước trong việc xã hội hóa đầu tư cho các công trình công cộng.
.

1 nhận xét :

  1. Lĩnh Nam chích quáilúc 14:46 7 tháng 8, 2015

    Trong các mục chi NS, có lẽ các tỉnh ghi hàng ưu tiên số 1 là XD tượng đài cụ Hồ ? LĐ các tỉnh , thành nghĩ rằng bản thân mình được lên tới chức vụ , địa vị này là nhờ Bác , nên bằng mọi giá phải XD tượng đài Bác để trả ơn !

    Trả lờiXóa