Thứ Ba, 7 tháng 7, 2015

KIẾN NGHỊ ĐÌNH CHỈ VỤ ÁN ÔNG NGUYỄN HỮU VINH VÀ CỘNG SỰ

Kiến nghị đình chỉ vụ án ông Nguyễn Hữu Vinh 
và bà Nguyễn Thị Minh Thúy


CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc 

Hà Nội – Tp.Hồ Chí Minh, ngày 23 tháng 06 năm 2015

 KIẾN NGHỊ ĐÌNH CHỈ VỤ ÁN 
Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy bị truy tố trước tòa án Hà Nội 
theo khoản 2 Điều 258, Bộ luật hình sự

Kính gửi:
– Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
– Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội;
– Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tp.Hà Nội.

Chúng tôi là những người bào chữa cho ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy có danh sách sau đây xin gửi tới các quý vị lời chào trân trọng và kiến nghị sau đây.

Danh sách người bào chữa kiến nghị:

1- Luật sư Trần Quốc Thuận, Văn phòng Luật sư Hà Hải & Cộng sự
Địa chỉ: 535 Nguyễn Tri Phương, F8, Quận 10, Thành phố Hồ Chí
Bào chữa cho ông Nguyễn Hữu Vinh

2- Luật sư Hà Huy Sơn, Công ty Luật TNHH Hà Sơn.
Địa chỉ: Số 156 Trần Vĩ, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội.
Bào chữa cho ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy.
 
3- Luật sư Nguyễn Tiến Dũng, Công ty Luật TNHH Hà Sơn.
Địa chỉ: Số 156 Trần Vĩ, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội.
Bào chữa cho bà Nguyễn Thị Minh Thúy.

4- Luật sư Nguyễn Hà Luân, Văn phòng Luật sư Hưng Đạo – Thăng Long.
Địa chỉ: Số 23, ngõ 139 Nguyễn Ngọc Vũ, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
Bào chữa cho ông Nguyễn Hữu Vinh.

Diễn biến vụ án:

Ngày 05/05/2014, ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy bị bắt tạm giam.

Ngày 13/05/2014, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT), Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án về “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, điều 258 Bộ luật hình sự (BLHS).

Ngày 13/05/2014, Cơ quan ANĐT, Bộ Công an ra Quyết địnhkhởi tố bị can số 18/ANĐT-P3 đối với ông Nguyễn Hữu Vinh; Quyết định khởi tố bị can số 19/ANĐT-P3 đối với bà Nguyễn Thị Minh Thúy.

Ngày 30/10/2014, Cơ quan ANĐT, Bộ Công an ra Bản kết luận điều tra số 14/ANĐT.

Ngày 26/01/2015, Cơ quan ANĐT, Bộ Công an ra Bản kết luận điều tra bổ sung số 03/KLĐTB.

Ngày 06/02/2015, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) ra Cáo trạng số 05/VKSTC-V2; quyết định truy tố ra trước Tòa án nhân dân (TAND) thành phố Hà Nội ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy theo khoản 2 điều 258, BLHS; ủy quyền cho VKSND thành phố Hà Nội thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm.

Ngày 22/05/2015, Cơ quan ANĐT, Bộ Công an ra Bản kết luận điều tra bổ sung số 11/KLĐTB.

Ngày 03/06/2015, Viện trưởng VKSND tối cao ra Văn bản số 2063/VKSTC-V2 giữ nguyên Cáo trạng số 05/VKSTC-V2 ngày 06/02/2015.

Các căn cứ kiến nghị:

Chúng tôi sau khi có mặt tại các buổi lấy lời khai, đọc hồ sơ và làm việc với ông Nguyễn Hữu Vinh, bà Nguyễn Thị Minh Thúy, nhận thấy:

I . Về thủ tục tố tụng:

1.1 Người tiến hành tố tụng không thực hiện việc “phải từ chối” hoặc “thay đổi” theo qui định tại Điều 42 Bộ luật tố tụng hình sự : “Người tiến hành tố tụng phải từ chối hoặc bị thay đổi, nếu :

Khoản 1, Họ đồng thời là người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự; người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; là người đại diện hợp pháp, người thân thích của những người đó hoặc của bị can bị cáo;”

Đây là trường hợp Ông Hoàng Công Tư là Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra – Bộ công an, đã ký các văn bản: Quyết định khởi tố vụ án hình sự; Quyết định phân công điều tra viên điều tra vụ án hình sự; Quyết định phân công Phó thủ trưởng cơ quan điều tra trong điều tra vụ án hình sự; Thông báo trả lời Đơn đề nghị thay đổi Điều tra viên. Trong khi Ông Hoàng công Tư có tên trong Danh sách 24 bài báo được gọi là chứng cứ buộc tội có bài nêu tên Ông Hoàng công Tư “Ông trời con” Hoàng công Tư và BBC đăng ngày 30/04/2014. Liệu Ông Hoàng công Tư có đảm bảo khách quan trong quá trình điều tra vụ án.

1.2. Không có Quyết định đình chỉ sinh hoạt Đảng đối với Đảng viên Nguyễn Hữu Vinh khi khởi tố, tạm giam: Ông Nguyễn Hữu Vinh được kết nạp vào Đảng cộng sản ngày 24/10/1986 – Chính thức ngày 24/10/1987. Thẻ Đảng số: 0000968 – ngày tháng 11/1988 do Đảng bộ khối I cơ quan TW, Đảng bộ Văn phòng HĐBT (nay là Văn phòng Chính phủ) cấp. Ông Vinh khi đang công tác và sinh hoạt đảng tai Ban Việt kiều TW, thì Tổng cục An ninh – Bộ Công an (TCAN-BCA), quyết định điều Nguyễn hữu Vinh về lại cơ quan mình kể cả Sinh hoạt đảng của Vinh. Cơ quan An ninh tự chuyển mà không thông qua cơ quan của Đảng tại Ban Việt kiều TW. Năm năm về TCAN-BCA, Nguyễn Hữu Vinh không được Sinh hoạt Đảng, không được lãnh lương đến khi ra khỏi ngành năm 2000. Ngày 13/05/2015, Tổng cục Chính trị Công an nhân dân có công văn số 149/XII (X16), sau khi căn cứ một số văn bản kết luận: Nguyễn Hữu Vinh tự ý bỏ sinh hoạt đảng từ năm 2000, không còn đủ tư cách là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Vậy từ năm 1995-2000 khi ở TCAN-BCA Nguyễn Hữu Vinh không được sinh hoạt Đảng, trách nhiệm thuộc về ai ? và Nguyễn Hữu Vinh, sau 5 năm không được sinh hoạt đảng Vinh có còn là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam? mà chuyển sinh hoạt Đảng của Vinh về quận Đống Đa Hà Nội. Điều quan trọng là Tổng cục Chính trị Công an nhân dân không phải là cơ quan chức năng của Đảng nên không có thẩm quyền kết luận tư cách Đảng viên đối với Đảng viên.

1.3. Không có “những đặc điểm về nhân thân” (Khoản3 Điều 63 BLTTHS) của Nguyễn Hữu Vinh: Kết luận Điều tra và Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) không ghi lịch sử nhân thân bị can để xem xét tình tiết tăng nặng – giảm nhẹ (Điều 63, Bộ luật Tố tụng Hình sự) (BLTTHS): Nguyễn Hữu Vinh nguyên là sĩ quan của Tổng cục An ninh- Bộ Công an, Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, đã từng lập công trong đấu tranh bảo vệ chế độ, là bạn học cùng khóa an ninh với một số cán bộ hiện nay đang là Lãnh đạo Ngành Công An. Bố, mẹ đều là Đảng viên ĐCS – Cách Mạng Lão Thành. Cha đẻ của Nguyễn Hữu Vinh là Ông Nguyễn Hữu Khiếu lúc sinh thời là Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Đại biểu quốc hội, Giám đốc Công an khu IV, Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô (trước đây).

1.4. Thu thập chứng cứ không hợp pháp: Khi khám xét khẩn cấp nơi ở của ông Vinh, bà Thúy ngày 05/05/2014 không thu được chứng cứ nào ngoài một số các bài viết được in ra tại nhà từ máy tính của ông Vinh, bà Thúy – (BL 331, 332). Sau này, tại Bản kết luận điều tra số 14/ANĐT ngày 30/10/2014, Cơ quan ANĐT cho rằng các bài viết in ra này được xác định là chứng cứ, bao gồm: in từ máy tính của ông Vinh 06 bài trên blog chepsuviet.wordpress.com, in từ máy tính của bà Thúy có 02 bài trên blog diendanxahoidansu.wordpress.com.

Các bài viết trên được lưu ở trên internet mà cơ quan an ninh đã biết được từ trước ngày 1/4/2014 (Công văn số 469/CV, ngày 01/04/2014 của Cục bảo vệ Chính trị 6 Tổng cục An ninh gửi Cơ quan An ninh điều tra). Khi khám xét, Cơ quan điều tra vẫn duy trì máy tính (laptop) nối với đường truyền Internet tốc độ cao. Vì vậy, cán bộ điều tra có thể lấy xuống (dawnload) từ internet và có thể in được từ bất cứ máy tính nào có nối mạng nó, các tài liệu này không xác định được là nằm ở phần cứng máy tính của ông Vinh hay bà Thúy.

Ông Vinh không ký biên bản khám xét mà chỉ có 02 người chứng kiến ký là: Ông Phạm Văn Vinh – Cảnh sát khu vực phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội và ông Ngô Sỹ Lợi – người láng giềng. Bà Thúy không ký biên bản khám xét mà chỉ có 02 người làm chứng kiến ký là: Ông Hoàng Chí Thanh – Cảnh sát khu vực phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội và bà Nguyễn Thị Khiêu – Tổ trưởng tổ dân phố.

Những người chứng kiến khám xét ngày 05/05/2014 ở nhà ông Vinh và nhà bà Thúy không có chứng minh rằng họ có kiến thức, hiểu biết về internet nên việc chứng kiến của họ là không có giá trị khách quan. Điều này đồng nghĩa Cơ quan ANĐT không có căn cứ cho rằng các bài viết được in ra từ máy tính ở nhà ông Vinh, bà Thúy hôm đó đủ yếu tố xác định là chứng cứ, hay đó là các dấu vết của tội phạm tại chỗ ở.

Như vậy ở người và tại chỗ ở của ông Vinh, bà Thúy không có chứng cứ chứng minh của tội phạm.

Ngày 13/05/2014, Cơ quan ANĐT ra quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy là không có căn cứ pháp luật, bởi các lý do sau.

Cơ quan ANĐT căn cứ vào tin báo là Công văn số 469/CV ngày 01/04/2014 của Cục Bảo vệ Chính trị 6 (Cục 6), Tổng cục An ninh I để khởi tố vụ án. Tại Công văn 469/CV ngày 01/04/2014, Cục 6 cho biết trước đó Cục đã nhận được: Văn bản số 223/CV-FPT-TEL-NOC và 283/CV-FPT-TEL-NOC, ngày 19 và 31/03/2014 của Công ty cổ phần Viễn thông FPT; văn bản số 486/VDC-CN và 495/VDC-CN, ngày 31/03 và ngày 01/04/2014 của Công ty Điện toán và Truyền số liệu VDC.

Các Văn bản này thông báo kết quả việc họ (FPT, VDC) theo yêu cầu của Cục 6 đã theo dõi và cung cấp thông tin cá nhân của khách hàng là ông Vinh, bà Thúy cho Cục 6. Hành vi này của FPT, VDC là vi phạm quy định của Điều 8 (Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân) Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 và khoản 2 Điều 26 (Được bảo vệ thông tin riêng và thông tin cá nhân theo qui định của pháp luật) của Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ, khi không có quyết định phê chuẩn của Viện kiểm sát. Việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân chỉ được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Cơ quan ANĐT đã căn cứ vào chứng cứ thu thập một cách không hợp pháp để khởi tố vụ án.

Cơ quan ANĐT khi nhận được tin báo của cơ quan, tổ chức đã không tiến hành kiểm tra, xác minh nguồn tin một cách đầy đủ theo quy định của Điều 10 BLTTHS và Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLTBCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC; không xác định được thiệt hại của tổ chức, cá nhân người bị hại và danh tính của tổ chức, danh tính cá nhân bị hại nhưng vẫn ra quyết định khởi tố vụ án.

II. Về chứng cứ:

2.1. Cơ quan ANĐT chỉ căn cứ vào các văn bản của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông (Công ty cổ phần viễn thông FPT, Công ty điện toán và truyền dẫn số liệu VDC, Công ty cổ phần viễn thông Hà Nội HTC, Công ty dịch vụ viễn thông Vinaphone) để cho rằng các thông tin được cung cấp có liên quan quan đến ông Vinh, bà Thúy mà không thực hiện các việc phải thực hiện theo qui định của BLTTHS tại Điều 63 (Những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự) Điều 64, Điều 65 ( Chứng cứ – Thu thập chứng cứ) Điều 66 (Đánh giá chứng cứ). Không tổ chức trưng cầu giám định , tổ chức thực nghiệm là vi phạm các qui định của Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Vì các văn bản do các doanh nghiệp trên cung cấp không đảm bảo tính khách quan, tính hợp pháp để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Nguyễn HữuVinh, bà Nguyễn Thị Minh Thúy.

2.2. Kết luận điều tra-Cáo trạng không có chứng cứ chứng minh được trách nhiệm của ông Vinh, bà Thúy có vai trò liên đới với việc điều hành, quản trị blog diendanxahoidansu.wordpress.com và blog chepsuviet.wordpress.com hoặc không có chứng cứ chứng minh Ông Vinh, bà Thúy có hành vi soạn thảo, đăng tải, chỉnh sửa, xóa, phê duyệt bình luận của 12 bài viết trên blog “Dân quyền” và 12 bài viết trên blog “Chép sử Việt” mà cơ quan điều tra và Viện kiểm sát làm căn cứ để truy tố.

2.3. Cáo trạng cho rằng: “Ngày 20/09/2013, Nguyễn Hữu Vinh vào trang chủ wordpress.com đăng ký lập, quản tri và sử dụng blogdiendanxahoidansu.wordpress.com (blog “Dân quyền”). Ngày 18/01/2014, Nguyễn Hữu vinh đăng ký lập, quản trị và sử dụng blogchepsuviet.wordpress.com (blog “Chép sử Việt”). Nguyễn Hữu Vinh đặt chế độ bảo mật xác thực hai lớp cho hai blog này,…” để cáo buộc ông Vinh là người chịu trách nhiệm về 12 bài viết trên blog “Dân quyền” và 12 bài viết trên blog “Chép sử Việt” là không có căn cứ khách quan, bởi các lý do sau:

2.3.1. Ngày 06/06/2015, Luật sư Hà Huy Sơn đã gửi cho TAND thành phố Hà Nội: Biên bản ghi lời khai của ông Vinh tại Trại tạm giam B14, Bộ Công an ngày 30/03/2015, giải trình về vấn đề này; Văn bản của Tiến sĩ, Giáo sư Công nghệ thông tin Nguyễn Quang A ngày 18/04/2015 trả lời Luật sư Hà Huy Sơn liên quan đến việc quản trị một blog đều dẫn đến việc phủ nhận khẳng định của Viện kiểm sát nêu ở Cáo trạng như trích dẫn ở trên.

Lời trình bày của Nguyễn Hữu Vinh phù hợp với việc sử dụng trang web WordPress (WordPress.com Support). Đây là trang web miễn phí, ai cũng có thể vào trang mạng này để tạo lập blog hoặc thuê – nhờ người khác giúp tạo ra blog rồi thực hiện chuyển giao, chia xẻ cho nhiều, kể cả hàng ngàn, hàng triệu người cùng sử dụng trang web (blog).

Khi muốn thiết lập trang web (blog), thì WordPress.com support hướng dẫn lập các chức năng như sau:

1) Quản trị viên- Quản lý (Administrator): Quản trị cao nhất có toàn quyền

2) Biên tập viên (Editor): Có quyền quản lý các bài viết, trang, nhận xét, danh mục, tag (từ khóa) và liên kết.

3) Tác giả (Author): có thể tạo, đăng ảnh, sửa, xóa, xuất bản (cho hiện ở ngoài trang chính cho mọi người xem) chỉ trên tin của chính mình.

4) Cộng tác viên (Contributor): Có thể viế bài, đăng tải hình ảnh nhưng chưa được xuất bản.

5) Site dạng công khai (Follower) – Site dạng riêng tư: có thể đọc, nhận xét bài viết, trang viết.

Với lập luận của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cho rằng Nguyễn Hữu Vinh có số điện thoại và Email có đủ điều kiện vào 2 blog “DÂN QUYỀN” và “CHÉP SỬ VIỆT”, rồi kết luận ngay Nguyễn Hữu Vinh là Quản trị viên – Quản lý (Administrator) 2 blog nêu trên, thì thật là úp bộ, qui chụp một cách thiếu căn cứ.

Cứ cho rằng Nguyễn Hữu Vinh có điều kiện vào 2 trang mạng, nhưng vào lúc nào,vào để làm gì, có để “dấu vết” gì không, thì cơ quan điều tra và Viện kiểm sát, giữ quyền công tố hoàn toàn không chứng minh được ?

Có thể có một ai đó gửi cho Nguyễn Hữu Vinh số điện thoại và Email mời Vinh vào xem, kể cả giữ một nhiệm vụ nào đó của 2 trang mạng này, nhưng Vinh không vào và không cần biết đến 2 trang mạng này, như nhiều lần Vinh đã khẳng định trước cơ quan điều tra. Vấn đề đặt ra là các cơ quan chức năng phải có nghĩa vụ chứng minh theo qui định của pháp luật Tố tụng hình sự (Điều 10).

Ở đây bỗng nhiên tôi nhớ đến vụ bắt “bà già nấu rượu lậu” đã truyền tụng rộng rãi ở vùng quê trong các năm trước đây. Hễ có “dụng cụ” “nấu rượu lậu” thì kết luận phạm tội “nấu rượu lậu” và bắt người, kết tội, nên bà già đã phản ứng… “nắm dụng cụ hiếp dâm” của người đi bắt nấu rượu lậu mà la lên “người này hiếp dâm” vì có dụng cụ hiếp dâm. Đây cũng chỉ là chuyện tiếu lâm ,trào phúng, nhưng cũng cho thấy mối quan hệ hữu cơ của dụng cụ, phương tiện với sự việc diễn ra, chứ không phải có điều kiện, phương tiện trộm cắp, giết người thì kết luận là tội phạm hay sao .

Mỗi blogger có thể có hàng vạn, hàng triệu người ra, vào, comment….nhưng vấn đề là người ra, vào họ đóng vai trò gì. Mỗi vai trò, nhiệm vụ trên blog đều để lại dấu vết. Vấn đề đặt ra là các cơ quan chức năng, cơ quan tố tụng phải có nghĩa vụ chứng minh từng người đang tham gia “giao diện” trên blog họ có trách nhiệm như thế nào đối với blog trang mạng ? Người “giao diện” là đang mở máy, xem (Viewer), comment (bình luận) , người theo dõi (follwer). Nếu họ là Quản trị viên -Quản lý (Administrator), Biên tập viên (Editor), Tác giả (Author), Cộng tác viên (Contributor), thì phải để lại dấu vết .

Có thể vì lý do này, nên Vụ 2 – Viện kiểm sát tối cao đã yêu cầu Cơ quan An ninh điều tra-Bộ Công an điều tra bổ sung và được trả lời như sau: “Theo yêu cầu điều tra bổ sung của Viện kiểm sát nhân dân tối cao số 18/QĐ-VKSTC-V2 ngày 27/01/2014. Cơ quan an ninh điều tra – Bộ Công an đã điều tra bổ sung số 03/KLĐTBS ngày 26/01/2015, như sau:

Đối với yêu cầu “Điều tra, làm rõ nguồn gốc, tác giả của 24 bài viết được đăng tải trên 2 blog “dân quyền” và “chép sử việt” có tiêu đề như kết luận điều tra đã nêu có được các bị can chỉnh sửa nội dung trước khi đăng tải không ?. Xác định rõ tính chất, mức độ hành vi, vai trò của các tác giả và có biện pháp xử lý đúng theo qui định của pháp luật”

Cơ quan điều tra đã hỏi cung các bị can Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Thị Minh Thúy trong giai đoạn điều tra và hỏi lại trong giai đoạn điều tra bổ sung, nhưng hai bị can không chịu khai báo, nên cơ quan điều tra không có điều kiện xác minh, làm rõ: Ai là tác giả của 24 bài viết được đăng tải trên 2 blog “DÂN QUYỀN” và “CHÉP SỬ VIỆT’ có tiêu đề như kết luận điều tra đã nêu; các bị can có chỉnh sửa nội dung trước khi đăng hay không”

Theo Bản kết luận điều tra của Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an số 14/ANĐT ngày 30/10/2014 và Cáo trạng Viện kiểm sát nhân dân tối cao số 05/VKSNDTC-V2 ngày 06/02/2015, thì “từ ngày 20/09/2013 (theo cơ quan điều tra là ngày Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Thị Minh Thúy lập 2 blog “DÂN QUYỀN” và “CHÉP SỬ VIỆT” đến ngày bị bắt (05/05/2014), blog “DÂN QUYỀN” đã đăng 2014 bài viết, 38.567 phản hồi và có 3.243..330 người truy cập; blog “CHÉP SỬ VIỆT” đã đăng 383 bài viết, 3.401 phản hồi và có 480.353 người truy cập”.

Với các số liệu thu thập được như trên, nhưng Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an trong quá trình điều tra, kể cả điều tra bổ sung cũng không chứng minh được là Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Thị Minh Thúy có liên quan việc “đăng bài” “chỉnh sửa nội dung” “nguồn gốc, tác giả” của các bài trên 2 blog nêu trên.

“Sau khi liệt kê 24 bài đăng trên hai blog “DÂN QUYỀN” và “CHÉP SỬ VIỆT” để làm chứng cứ xác định tội phạm, Bản kết luận điều tra của Cơ quan An ninh điều tra lý luận rằng:

“Do các bị can Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Thị Minh Thúy không chịu khai báo, nên Cơ quan điều tra không có điều kiện xác minh, làm rõ nguồn gốc, tác giả của 24 bài viết trên.”

Cách viết này vừa nhấn mạnh sự ngoan cố của hai bị can, vừa khơi gợi nghi ngờ rằng có thể bị can là tác giả của nhiều bài trong số đó.

Để hiểu rõ sự thật, ta chỉ cần lên internet điểm qua 4 bài đầu tiên trong số 12 bài mà Bản kết luận điều tra coi là chứng cứ phạm tội trên blog “DÂN QUYỀN”.

Bài 1: “Dân chủ không thể là cái bánh vẽ”. Tác giả là Đại tá Bùi Văn Bồng, nguyên Trưởng Đại diện báo Quân đội Nhân dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Bài viết được công bố trên blog của tác giả và đăng trên blog “DIỄN ĐÀN XÃ HỘI DÂN SỰ” ngày 24/11/2013.

Bài 2: “Tham nhũng, chống tham nhũng và thể chế”. Tác giả là ông Hạ Đình Nguyên, nguyên Chủ tịch Ủy ban Hành động thuộc Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (trước 1975), cựu tù chính trị Côn Đảo. Bài viết được đăng trên blog “BAUXITE VIỆT NAM“ và blog “DIỄN ĐÀN XÃ HỘI DÂN SỰ” ngày 17/01/2014.

Bài 3: “Chuyện kể năm 2000: Cuốn tiểu thuyết về thân phận con người trong cái ác cộng sản”. Tác giả là Đại tá Phạm Đình Trọng. Bài viết được đăng trên blog “DIỄN ĐÀN XÃ HỘI DÂN SỰ” ngày 17/01/2014.

Bài 4: “Mấy suy nghĩ về tình hình nhiệm vụ hiện nay”. Tác giả là ông Lê Hồng Hà, nguyên Đại tá Chánh văn phòng Bộ Công an. Bài viết được đăng trên blog “BA SÀM” ngày 28/03/2014 và đăng trên blog “BAUXITE VIỆT NAM” ngày 30/03/2014.

Quả thực, chỉ cần biết sử dụng internet sơ sơ thì ai cũng có thể dùng Google để nhanh chóng tìm ra thông tin về tác giả, nguồn gốc của 4 bài viết kể trên và của 8 bài còn lại (bị coi là chứng cứ tội phạm trên blog “DÂN QUYỀN”). Và tên tuổi của các tác giả chẳng hề xa lạ với Cơ quan An ninh điều tra. Chẳng hạn, các ông Lê Hồng Hà, Hạ Đình Nguyên, Đại tá Bùi Văn Bồng và Đại tá Phạm Đình Trọng đều đã từng ở vị trí cao trong bộ máy cầm quyền. Vậy thì tại sao Bản kết luận điều tra lại viết rằng “Cơ quan điều tra không có điều kiện xác minh, làm rõ nguồn gốc, tác giả của 24 bài viết trên”? Chỉ có hai khả năng như sau.

Thứ nhất, chúng tôi không tin nghiệp vụ của Cơ quan Điều tra yếu kém đến mức họ không biết tìm kiếm thông tin trên internet. Nếu như vậy thì tại sao lại đảm nhận nhiệm vụ điều tra tội phạm trên mạng internet, để rồi buộc tội theo kiểu qui chụp mà không dựa vào chứng cứ để chứng minh là có tội hay không có tội, một cách khoa học?

Thứ hai, Cơ quan Điều tra không có quyết tâm tìm kiếm thông tin liên quan, hoặc đã có được thông tin cần thiết nhưng vẫn tỏ ra không hề biết, nghĩa là họ chỉ giả vờ tiến hành điều tra. Nếu vậy thì những bị can oan uổng thoát sao nổi bản án phi lý mà thế lực nắm quyền sinh quyền sát đã định sẵn?

Đối với vụ án “Nguyễn Hữu Vinh cùng đồng bọn…”, khả năng thứ hai có vẻ hiện thực hơn. Bởi vì, cho dù không có khả năng hay lười tìm kiếm thông tin trên internet, thì Cơ quan Điều tra cũng không thể không biết thông tin về “nguồn gốc, tác giả” của tất cả 24 bài cần xem xét, vì nhiều thông tin cần thiết đã hiển thị rõ ràng ngay trên blog bị điều tra. Cho nên, khẳng định “Cơ quan Điều tra không có điều kiện xác minh, làm rõ nguồn gốc, tác giả của 24 bài viết trên” phải chăng là dối trá, nhằm cố tình bỏ qua chứng cứ xác định vô tội và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can.

Đừng đổ thừa là “do các bị can Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Thị Minh Thúy không chịu khai báo” nên Cơ quan điều tra đành bó tay. Bởi vì Bộ luật tố tụng hình sự đã quy định rõ:

Điều 10. Xác định sự thật của vụ án

Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.

Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến 0hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.“

Theo hướng dẫn sử dụng WordPress/Thư viện lưu trữ Silkroad Việt Nam SROVN map 90 free (Đính kèm) Sau khi đăng ký cho mình được một blog tại WordPress.com, bạn sẽ nhận được một email chứa thông tin tài khoản của mình. Bạn có thể đăng nhập với mật khẩu được ghi trong email và bắt đầu làm quen ngay với các tính năng trong Admin Panel của blog, trên cùng của Admin Panel là tên blog của bạn, kèm với một link View site để bạn có thể xem blog của mình. Ngay dưới là thanh menu, bao gồm các mục:

+ Dashboard: xem tin tức, danh sách phản hồi, số liệu người vào, người xem…
+ Write: Nơi soạn thảo bài viết sẽ đăng…
+ Manage: quản lý các bài đã đăng…nhập xuất các bài..
+ Blogroll: quản lý các link yêu thích…
+ Presentation: Danh sách các theme có thể chọn cho blog…
+ Users: Authors and Users: Danh sách các tác giả và người đăng ký account tại blog của bạn..mời bạn bè tham gia
+ Options: các tùy chọn chung nhất về blog…chọn bạn viết, đọc, thảo luận…( Đính kèm)

Như vậy chỉ cần có số điện thoại và email (Cơ quan Điều tra đã biết được số điện thoại và email của Nguyễn hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy khi vào nhà khám xét) thì vào Admin Panel của một blog thì sẽ tìm ra được tất cả dấu vết từ người quản lý – điều hành trang blog đến tất cả người đăng bài, sửa bài, bình luận…Điều này, trong quá trình điều tra, Nguyễn Hữu Vinh đã nhiều lần yêu cầu cơ quan điều tra thực hiện, thực nghiệm. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà cơ quan điều tra và cả Viện kiểm sát không thực hiện ?Nguyễn hữu Vinh cũng đã nhiều lần viết thư gửi đến Tòa án để trình bày về vấn đề này cùng nhiều việc làm có dấu hiệu vi phạm BLTTHS của cơ quan An ninh điều tra và nhiều vấn đề liên quan khác, Nhưng có thư được chuyển và nhiều thư không được chuyển đến nay chúng tôi chưa kiểm tra được.

Theo Nguyễn hữu Vinh, thì Vinh đã gửi đến Tòa Án thành phố Hà Nội các thư đề ngảy cụ thể : ngày 10/02/2015 (25 trang) gửi Tòa Án ; Một số thư Cán bộ Trại B 14 không gửi : ngày 05/03/2015; ngày 26/05/2015 ; ngày 03/06/2015…

Nếu Cơ quan Điều tra cố tình bỏ qua chứng cứ xác định vô tội và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can thì có dấu hiệu phạm vào “Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án” theo Điều 300 Bộ luật hình sự.

Còn về nội dung 24 bài viết trên blog “Dân quyền” “Chép sử Việt”, thì Thủ tướng đã phát biểu (lời phát biểu đã được đăng tải trên hầu hết các cơ quan báo đài trong nước cùng ngày) (Đính kèm)

“Ngày 15/01/2015, Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết năm 2014 triển khai nhiệm vụ 2015 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Hiện nay mạng xã hội rất phát triển, tôi biết trong nước có vài chục triệu người đang sử dụng mạng xã hội. Bật điện thoại là có thể lên Facebook. Thông tin đưa lên mạng thì không cấm được mà phải đưa đúng. Đó là nguồn thông tin chính thống từ Chính phủ. Những thông tin nào chưa đúng làm người dân phân tâm thì phải nói lại để xã hội hiểu đúng”.

Từ những phân tích nêu trên, chúng tôi:

Kiến nghị:

– Căn cứ khoản 3 điều 58, khoản 1 điều 107, khoản 1 điều 169, điều 180 Bộ luật tố tụng hình sự 2003,

1- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao rút toàn bộ quyết định truy tố đối với ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy theo khoản 2 điều 258, BLHS;

2- Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội ra quyết định đình chỉ vụ án “Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy” theo khoản 2 điều 258, BLHS;

3- Trả tự do cho ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy.

Trân trọng cám ơn,












Các tài liệu, chứng cứ kèm theo:

1)Văn bản giao chứng cứ ngày 06/06/2015 của LS Hà Huy Sơn kèm Biên bản làm việc ông Vinh ngày 30/03/2015;
2)Văn bản của Tiến sĩ Nguyễn Quang A;
3)Văn bản WordPress.com Support;
4) Văn bản “Thư viện lưu trử Silkroad Việt Nam SROVN map 90 free” .Buid a website with WordPress.com;
5) Văn bản phát biểu của Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng ngày 15/01/2015.

Nơi nhận:

– Như trên;
– Cơ quan ANĐT, Bộ CA (để biết);
– Thẩm phán
– Gđ ô.Vinh, bà Thúy;
– Các Luật sư;
– 11b.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét