Nghìn người cầu siêu tưởng niệm
64 chiến sĩ Gạc Ma
64 chiến sĩ Gạc Ma
VNExpress
Thứ tư, 22/7/2015 | 23:30 GMT+7
Trong khói hương trầm mặc, cả nghìn người chắp tay hướng về lễ đài, cầu nguyện tưởng nhớ 64 liệt sĩ hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma và các anh hùng liệt sĩ khác.
Cựu binh Gạc Ma tưởng nhớ đồng đội
Lễ tưởng niệm, cầu siêu cho anh linh các liệt sĩ diễn ra tại chùa Vĩnh Nghiêm (TP HCM) tối 22/7 với sự tham gia của cả nghìn tăng ni phật tử, cựu chiến sĩ Gạc Ma và thân nhân gia đình các liệt sĩ. Buổi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm, đầy hào hùng.
Thiếu tướng Lê Mã Lương đại diện Bộ tư lệnh Hải quân phát biểu trong buổi lễ. Ảnh: H. D.
27 năm trước, vào buổi sáng giữa tháng 3, quân Trung Quốc trên những con tàu lớn đã nã pháo tấn công lên đảo Gạc Ma. Trung úy Trần Văn Phương vẫn giữ chặt lá cờ tổ quốc khi trên mình đầy máu và vết thương, phía dưới là 73 chiến sĩ kết thành vòng tròn bảo vệ không cho quân địch chiếm đảo. Cuộc chiến không cân sức đã cướp đi 64 người con của đất Việt. Những đồng đội còn lại cũng bị thương tích giữa bão đạn và sóng biển. Họ sống sót trở về là những nhân chứng sống tố cáo tội ác của kẻ xâm lược... Thời khắc lịch sử này một lần nữa được các sư thầy nhắc lại trước khi bước vào thực hiện nghi thức buổi lễ khiến nhiều rơi nước mắt.
"Trong sâu thẳm trái tim người dân Việt, sự ra đi của các anh là nỗi đau, nhưng cũng là niềm tự hào để cán bộ chiến sĩ càng chắc tay súng bảo vệ từng hòn đảo, tấc biển và vùng trời tổ quốc. Những ai đã từng ra Trường Sa đều có thể cảm nhận được. Giữa sóng gió ngàn khơi, tên các anh đã khắc vào lịch sử… Tổ quốc vẫn nhắc tên các anh – những liệt sĩ Gạc Ma”, Hoà thượng Thích Thuận Nhơn - Chủ tịch Hội đồng trị sự giáo hội phật giáo Việt Nam - bày tỏ trong bài diễn văn khai mạc.
Ông cũng cho biết, buổi lễ hôm nay còn để tưởng nhớ, tri ân những anh hùng liệt sĩ, đồng bào… đã hy sinh qua các thời kỳ của chiến tranh. Đặc biệt, là những người lính, chiến sĩ đã hy sinh giữ gìn biển đảo thiêng liêng của tổ quốc. "Với lòng biết ơn sâu sắc, một ném tâm hương kính cẩn nghiêng mình tưởng niệm các anh linh liệt sĩ, những người yêu nước vì dân quên mình. Nguyện cầu anh linh các liệt sĩ được an lạc", Hoà thượng Thích Thuận Nhơn nói.
Các chư tăng, phật tử cầu nguyện cho anh linh các liệt sĩ. Ảnh: H. D.
Có mặt trong buổi lễ, Thiếu tướng Lê Mã Lương thay mặt Bộ tư lệnh Hải quân bày tỏ xúc động khi nhắc đến sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, trong đó có cả những người đồng đội của ông. Thiếu tướng Lương cho rằng, tinh thần luôn hướng về tổ quốc, sẵn sàng đoàn kết, chiến đấu hy sinh của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc cũng là hồng phúc cho đất nước.
"Sự có mặt của những nhân chứng lịch sử, thân nhân liệt sĩ, cựu chiến binh trận chiến Gạc Ma ngày hôm nay là dịp để chúng ta thể hiện lòng biết ơn họ - những người đã cống hiến đời mình, máu thịt cho tổ quốc", ông nói, mắt ngấn nước.
Những thước phim tư liệu tái hiện hình ảnh hung bạo của quân Trung Quốc khi nã pháo tấn công các chiến sĩ hải quân Việt Nam được trình chiếu trên hai màn hình lớn. Thời khắc bi thương này đã chạm vào nỗi đau của thân nhân các liệt sĩ và những người lính may mắn sống sót. Nhiều gương mặt đàn ông đầy vẻ rắn rỏi bỗng nhạt nhoà nước mắt.
Dù nhiều lần xem đoạn phim này, song thiếu úy Hải quân Trần Thị Thủy – con liệt sĩ Trần Văn Phương, người quyết giữ lá cờ tổ quốc đến phút cuối - vẫn nghẹn ngào. "Những lúc này lòng tôi lại sôi sục căm thù kẻ xâm lược. Nhưng tôi cũng rất tự hào về bố. Đó cũng là lý do tôi quyết tâm đi theo con đường của bố và trở thành người lính hải quân", chị Thủy cho biết.
Là một trong số những người may mắn sống sót sau vụ thảm sát, chiến sĩ Lê Hữu Thảo nói rằng rất cảm kích trước tấm lòng của nhân dân luôn tưởng nhớ đến các chiến sĩ Gạc Ma. "Nếu một ngày nào đó, kẻ thù tiếp tục xâm lấn bờ cõi Việt Nam thì chúng tôi vẫn sẵn sàng cầm súng lên đường chiến đấu bảo vệ tổ quốc", ông nói trong khi những đồng đội của mình mắt ngấn đỏ.
Con gái và vợ liệt sĩ Trần Văn Phương khi xem đoạn tư liệu về trận chiếc Gạc Ma.
Ảnh: Hồng Phúc
Buổi lễ kết thúc với nghi thức dâng hương tưởng niệm. Thắp nén tâm hương hướng về lễ đài, cả nghìn người chắp tay cầu nguyện cho anh linh các liệt sĩ.
Trước đó, bức tranh Gạc Ma - vòng tròn bất tử do họa sĩ Bùi Lệ Trang phác họa lại cảnh liệt sĩ Trần Văn Phương cùng đồng đội bảo vệ đảo đến phút cuối đã đấu giá được hơn 1,2 tỷ đồng. Số tiền này được dùng để giúp đỡ gia đình thân nhân các liệt sĩ, chiến sĩ Gạc Ma.
Ngày 14/3/1988, khi các tàu vận tải cùng bộ đội Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đảo Cô Lin, Gạc Ma và Len Đao thì nhiều tàu chiến Trung Quốc ngang ngược lao đến dùng pháo lớn bắn vào các tàu HQ-604 (đảo Gạc Ma), HQ-605 (đảo Len Đao) và HQ-505 (đảo Cô Lin). Quân Trung Quốc sau đó đổ bộ lên đảo Gạc Ma nhổ cờ Việt Nam, nổ súng vào bộ đội.
Dù bị trúng đạn nhưng thiếu úy Trần Văn Phương vẫn hiên ngang giữ cờ Tổ quốc và hô vang: "Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu mình tô thắm lá cờ truyền thống của hải quân Việt Nam anh hùng".
Hải Duyên
HỌ LÀ CHIẾN HỮU CỦA DÂN TỘC
Trả lờiXóa64 Chiến hữu của Dân tộc Việt là một chương dài bất tận của lịch sử Đất nước mà chưa biết bao giờ mơi được viết xong
Những cái đầu lãnh đạo cấp cao bắt đầu có những chuyển động tích cực. Hoan hô.
Trả lờiXóaÔng Lê Đức Anh và LSQ TQ có gửi vòng hoa đến viếng không nhỉ?
Trả lờiXóa64 chiến sỹ Gạc Ma năm 1988 và cả 74 chiến sỹ Hoàng Sa năm 1974...nữa chứ!
Trả lờiXóaKhông thấy bóng lũ dư luận viên các bác nhỉ.
Trả lờiXóaXin nghiêng mình trước anh linh các anh, mong rằng dưới đáy biển đông các anh phù hộ độ trị cho nước Việt ngày càng hùng mạnh, kẻ cướp nước và bán nước sẽ bị trừng trị.
Trả lờiXóađảng đã quên họ mấy chục năm - cầu xin các linh hồn liệt sĩ chứng giám
Trả lờiXóaRất xúc động,dù có muộn mằn ,nhưng có còn hơn không
Trả lờiXóaĐã đến lúc sám hối chăng.
Trả lờiXóaMuộn cũng còn là có.
Năm nào cũng tổ chức cầu siêu cho cac CS Vị Xuyên , Gạc Ma như thế này thì tốt quá . Cò như năm có năm không , các vong hồn lịch sĩ khi đói khi no thì thật chẳng vui gì !
Trả lờiXóaNên tổ chức cầu siêu cho cả những liệt sỹ VNCH bảo vệ Hoàng Sa năm 1974 nữa.
Trả lờiXóa