Thứ Ba, 9 tháng 6, 2015

G7 MẠNH MẼ PHẢN ĐỐI TRUNG QUỐC CẢI TẠO Ở BIỂN ĐÔNG

Trúc Quỳnh tổng hợp
Báo Tiền phong
06:18 ngày 09 tháng 06 năm 2015

TP - Lãnh đạo nhóm các quốc gia công nghiệp G7 hôm qua khẳng định, họ mạnh mẽ phản đối việc thay đổi hiện trạng các vùng biển trên thế giới, trong đó có biển Đông, nơi Trung Quốc đang cải tạo hàng loạt bãi đá.

 
Ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang đẩy mạnh cải tạo trái phép đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: IHS

Các nhà lãnh đạo G7 đã thảo luận các vấn đề khu vực và chính sách ngoại giao trong hội nghị thượng đỉnh từ ngày 7 đến 8/6 tại khu nghỉ dưỡng Schloss Elmau miền nam nước Đức. Về các hoạt động cải tạo của Trung Quốc, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói rằng, những hành động này làm gia tăng căng thẳng ở biển Đông và biển Hoa Đông.

Ông Abe kêu gọi các nhà lãnh đạo G7 không được bỏ qua những nỗ lực đơn phương hòng thay đổi hiện trạng trên biển. Lãnh đạo các nền kinh tế phát triển nhất thế giới đã bày tỏ phản đối mạnh mẽ hoạt động cải tạo ồ ạt trên vùng biển tranh chấp thuộc biển Đông nhằm thay đổi hiện trạng, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đi lại tự do trên biển, hãng thông tấn Nhật Bản Kyodo đưa tin ngày 8/6. Các nhà lãnh đạo nhất trí rằng, Trung Quốc phải làm rõ những tuyên bố chủ quyền của họ dựa trên luật pháp quốc tế, chứ không phải bằng việc đe dọa hay sử dụng vũ lực và ép buộc.

Thủ tướng Abe nói rằng, các lãnh đạo G7 “không được để yên cho những hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng như vậy”. Phát biểu với báo giới trước khi dự hội nghị, ông Abe cho biết sẽ nhấn mạnh vai trò của Nhật Bản với tư cách “thành viên G7 duy nhất từ châu Á” và thúc đẩy “thảo luận đáng kể về các vấn đề châu Á”, tạp chí Nhật Bản The Diplomat thông tin.

Truyền hình Nhật Bản NHK hôm qua dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng nước này nói rằng, Hải quân Philippines và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ tập trận chung về cứu hộ thảm họa ở vùng biển ngoài khơi Philippines trong tháng này.

Hồi tháng 5, các tàu của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và một chiến hạm của Hải quân Philippines đã tập thực hiện các kỹ năng liên lạc trên biển Đông. Tuần trước, Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Philippines Benigno Aquino đồng ý hai nước sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh, trong đó có việc mở rộng tập trận chung giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và quân đội Philippines.

Hôm qua, chính phủ Philippines thông báo sẽ trình tấm bản đồ gần 300 tuổi lên Tòa án Liên Hợp Quốc về Luật Biển tại La Hay (Hà Lan) trong tuần này để chứng minh bãi Scarborough (Hoàng Nham) thuộc lãnh thổ Philippines từ 3 thế kỷ trước.

Ứng phó ngân hàng do Bắc Kinh khởi xướng

Về các vấn đề kinh tế, các nhà lãnh đạo G7 đồng ý phối hợp chặt chẽ trong việc ứng phó Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng và sẽ ra đời vào cuối năm nay, BBC đưa tin. Thủ tướng Nhật Bản kêu gọi minh bạch trong quản lý và các tiêu chuẩn cho vay của AIIB, rằng “đầu tư hạ tầng phải đi kèm với nền quản trị đúng đắn, quan tâm đến môi trường và xã hội cũng như tính bền vững nợ của các quốc gia vay phải được giám sát chặt chẽ”.

Các thành viên G7 có quan điểm khác biệt về AIIB. Anh, Pháp, Đức và Ý đã đăng ký tham gia sáng kiến của Trung Quốc, còn Canada, Mỹ và Nhật Bản vẫn đứng ngoài.

Lãnh đạo G7 cũng đồng ý duy trì các biện pháp trừng phạt Nga đến khi thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine được thực hiện đầy đủ. Ngoài ra, G7 lên án việc CHDCND Triều Tiên tiếp tục phát triển tên lửa và hạt nhân.
.
Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long ngày 8/6 rời Bắc Kinh sang thăm Mỹ theo lời mời của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, China Daily đưa tin. Tuần trước, tin tặc Trung Quốc bị cáo buộc đã đột nhập nhiều mạng máy tính Mỹ, đánh cắp dữ liệu cá nhân của 4 triệu nhân viên liên bang Mỹ, NHK đưa tin. Mỹ cũng đang chỉ trích các hành động gây hấn của Trung Quốc trên biển Đông.

2 nhận xét :

  1. Xin nhiệt liệt hoan nghênh và cám ơn các nhà lãnh đạo G7 đã quan tâm đến vấn đề Biển Đông, nơi TQ đang không ngừng lấn tới bằng các hành động ăn cướp.
    Phải thừa nhận rằng, việc G7 có nội dung về Biển Đông trong tuyên bố của mình, có công đóng góp lớn của TT Nhật Abe, với sự ủng hộ của HK. Tất cả các sự kiện, hội nghị quốc tế nào mà có Nhật tham gia (G7, Shangri-La...), hoặc qua các chuyến thăm các nước, họ đều tìm cách lên án TQ xâm lấn Biển Đông và nhận được sự đồng thuận của các đối tác. Trong khi đó thì lãnh đạo VN lại cứ lờ tịt, điển hình là thái độ im lặng của VN, thông qua ông Nguyễn Chí Vịnh, trong HN Shangri-La vừa qua tại Singapore.

    Trả lờiXóa
  2. Bước tới các nước G 7 phải xét lại việc đầu tư và giao thương với BK, không thể để cho BK muốn áp đặt trật tự kiểu TQ ở BĐ và thế giới .

    Trả lờiXóa