Thứ Tư, 24 tháng 5, 2017

HÀ NỘI MÙA SẤU - Tạp văn của Lê Thị Minh Hà

HÀ NỘI - MÙA SẤU 
Lê Thị Minh Hà

Lê Thị Minh Hà
Hà Nội có hơn 1.400 cây sấu cổ thụ, trồng ở khắp nơi trong thành phố, từ công viên, vườn bách thảo đến những ngõ nhỏ. Nhưng nhiều nhất vẫn là ở phố Phan Đình Phùng,còn được gọi là “phố cây sấu”. Cây sấu có mặt ở Hà Nội từ bao giờ chưa có ai tìm hiểu, nhưng sấu được trồng thành hàng trên các con phố Hà Nội có lẽ từ thế kỷ 19, khi người Pháp lập quy hoạch và xây phố Tây ở Hà Nội. Chính vì vậy mà sấu có nhiều ở dọc những con đường mang dấu ấn của người Pháp như đường Phan Đình Phùng, Trần Phú, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Lý Thái Tổ, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo... và những cây sấu ấy cũng có tuổi đời hàng trăm năm, đã chứng kiến bao đổi thay, thăng trầm của mảnh đất kinh kỳ.

Các món ngon từ Quả Sấu đã trở thành một nét không thể thiếu trong ẩm thực của người Hà Nội mỗi dịp hè về.

Mùa sấu thường kéo dài khoảng 2 - 3 tháng (từ tháng 6 - 9 hàng năm), hình tròn, vị chua, khi non da màu xanh mướt. Sấu chin có màu vàng sẫm. Từ xanh đến chín vàng, đều chế biến ra những món ăn hấp dẫn . Từ làm ô mai, sấu dầm, nấu canh chua, đem ngâm mắm ớt hay ngâm đường... mỗi cách chế biến khác nhau lại đem đến cho người thưởng thức những hương vị khác nhau.


Quả sấu non sau khi gọt vỏ, rửa sạch, được cho vào một bát và đổ nước mắm nguyên chất vào, sau đó cho thêm ít ớt, chỉ 3 ngày sau là có thể ăn được. Nước mắm dùng để ngâm sấu đem chấm rau muống hoặc cho vào nấu canh rất ngon, còn quả sấu có vị mặn, cay ăn kèm với mì hoặc cơm (thay cà) cũng rất tuyệt.


Trong cái nắng hè oi bức ở Hà Nội chỉ thèm một bát nước canh rau muống dầm sấu, một bát canh sấu nấu với thịt nạc, thêm ít hành hoa, cầu kỳ hơn là một bát canh chua với đầu cá trắm thêm một chút rau sống, ...vị chua thanh, đậm, mát của quả Sấu, khiến cho người thưởng thức tan nhanh nóng nực ngày hè.

Một trong những đồ uống được du khách lựa chọn nhiều trong những ngày này là nước sấu. Cách làm thứ nước uống này cũng khá cầu kỳ. Chọn những quả sấu bánh tẻ, da xanh nhạt, cùi dày, vỏ hơi sần và không bị bầm dập. Lấy dao bổ quả sấu, tách cùi và hạt ra rồi đem ngâm với nước vôi trong hoặc nước pha phèn chua để cùi sấu trắng, giòn, nhưng vẫn giữ được vị thơm và chua của quả sấu. Sau khi ngâm, vớt sấu ra rửa sạch lại bằng nước đun sôi để nguội, để quả khô ráo rồi cho vào lọ. Nước đường và gừng đập dập cho vào nồi đun sôi, để nguội, sau đó đổ vào bình đựng sấu để khoảng 2 ngày là dùng được. Chỉ cần một vài quả sấu ngâm, vài thìa nước sấu, chút nước lọc và vài viên đá lạnh... thế là thành cốc nước sấu mát lịm, vừa ngon, vừa rẻ. Nước sấu đã trở thành đặc sản, món quà quý của người Hà Nội.

Rất nhiều người khi xa Hà Nội trong hành trang thường có một vài gói ô mai sấu làm quà. Đây vẫn được coi là món quà quý người Hà Nội gửi bạn bè, người thân ở phương xa. Và mỗi khi có việc phải đi xa, cùng với nỗi nhớ hồ Gươm, nhớ Tháp Bút, Văn Miếu, người Hà Nội còn nhớ cả vị chua dịu, vị thơm mát của quả sấu.
Nguồn: FB Lê Thị Minh Hà
(vợ anh Ba Sàm)

12 nhận xét :

  1. Ủa bà ni là vợ ông Ba Sàm hả? Đang mùa hè nóng nực, bà nên nấu món canh sấu thăm nuôi ông Ba. Ăn canh sấu chắc ổng sướng lắm! Ổng lấy bút danh Ba Sàm mà văn ông đàng hoàng, chẳng thấy có câu từ nào suồng sã. Còn mấy ông cán bộ đạo mạo mà lại hay suồng sã với nhân viên nữ, bắt phải "đưa" hối lộ tình dục mới cho lên chức lên quyền.

    Trả lờiXóa
  2. Hà Nội có hàng sấu trên đường Phan đình Phùng , Lý Thường Kiệt, Hai Ba Trưng . Ai xa Hà Nội cũng nhớ những con đường này . Saigon cũng có nhiều phố hàng me như đường Pasteur . Mùa quả sấu ở Hà Nội cũng giống như mùa me chín ở Saigon . Cả hai đều có vị chua và được chế biến thành những thức ăn có vị chua đặc biệt . Hà Nội không thể thiếu mùi vị của sấu cũng như Saigon không thể thiếu mùi vị me chua ! Cái chua của sấu Hà Nội cũng dễ thương như cái chua của me Saigon !

    Trả lờiXóa
  3. Đọc bài này của chị Minh Hà làm mình nhớ hồi còn nhỏ ở miền Nam được đọc Hà Nội 36 phố phường của nhà văn Thạch Lam, mình thích bài ông viết về bánh "Cốm" dù không biết nó ra sao. Bánh Cốm miền Nam khác miền Bắc, cốm miền Nam là nếp hay gạo gì đó nấu với đường rồi ép thành miếng bánh màu trắng. Chị Minh Hà, cho phép mình khen chị viết hay lắm, chị nên viết nhiều hơn sẽ thành công mình tin vậy. Nhân tiện cầu chúc anh một ngày về rất gần. Thân mến

    Trả lờiXóa
  4. Kts Trần Thanh Vânlúc 15:58 24 tháng 5, 2015

    Hồi nhỏ, nhà tôi ở gần ngã tư phố Chu Văn An và phố Trần Phú.
    Dạo ấy, tôi học Trường cấp 2 Việt Đức ở phố Lý Thường Kiệt.
    Xe đạp không có, hàng ngày tôi phải đi bộ từ Trần Phú, đến Cửa Nam, chéo qua Hàng Bông Nhuộm là đến trường. Đối với tuổi trẻ của chúng tôi, quãng đường 4Km ấy không có gì là xa. Đổi lại, tôi được đi bộ dưới hàng cây sấu dâm mát tuyệt vời.
    Một lần, trong bài tập làm văn lớp 7 ( năm cuối cấp 2 hệ 10 ), có một đoạn văn tôi tả trưa hè trên đường Trần Phú như sau:
    "Những giọt nắng lung linh xen qua những tán lá cây sấu cổthuj, nhẩy nhót trên hè phố, khiến em quên cả mệt "
    Sáu mươi năm qua rồi. Ngày đó chúng tôi đã gọi hàng sấu đó là cây cổ thụ.
    Đến hôm nay trông chúng vẫn như thế: Đẹp hiền hòa giản dị và SẤU nhưng không XẤU.
    Sau này trở thanh Kts thì hàng cây sấu lại cho tôi thêm một tình cảm gắn bó khác

    Xin đóng góp với bài tản văn của Lê Minh Hà một chút tình cảm của Người Hà Nội trong tôi. ,

    Trả lờiXóa
  5. Cô vẫn nhẹ nhàng, thanh lịch, yêu đời, giữa chốn nhiễu nhương và ly tán? nếu mai đây không còn cây sấu nào mà chỉ có "mỡ" thôi! khi đó chắc dân Hà nội tha hồ mà húp!? Bài viết trên của cô sẽ được đưa vào tuyển tập "truyện cổ tích Việt nam".

    Trả lờiXóa
  6. Tôi đang dự định viết một bài tuỳ bút "HÀ NỘI MÙA SÂU"
    NỘI DUNG ĐẠI LOẠI NHƯ SAU:
    Nùa này Hà Nội thật nhiều sâu. Nhung nhúc là sâu. Sâu đầu bạc, sâu đầu đen...Đủ các loại sâu. Chúng có hàm răng sắc nhon như lưỡi cưa máy.
    Trong mấy ngày chúng đã ăn hết hơn 2000 cây cổ thụ trên đường phố Hà Nội.
    Chúng còn biết lý sự là "Dự án Thay cây"
    Nay đọc Mùa Sấu Hà Nội nghĩ là "Mùa sâu Hà nội" sợ vi phạm quyền tác giả đành dừng lai chưa viết.

    Trả lờiXóa
  7. Hôm nay thì mình hoan hô công an phường Hoàn Kiếm triệu tập 2 người chủ mưu chặt trụi cây sấu trước nhà họ (hoặc họ thuê kinh doanh). Nhanh như thế là tốt. Mọi việc cũng nhanh như thế thì dân cũng từ từ tin đấy. Nhưng còn cái vụ dự án trên 6700 cây và đã đốn trên 200 cây, chưa kể trên 400 cây đường Nguyễn Trãi, dựa hơi đường tàu điện để đón hạ bán sao chậm trễ thế! Cái này không phải lỗi của Công an, nếu đưa công an điều tra chắc sẽ kết luận ...mền như thép, chứ cái kết luận của thanh tra Hà Nội về vụ chặt cây này nó ....cứng như dọc mùng thối ấy. Thế mới biết, thằng "chủ" làm bậy được điều tra nhanh hơn thằng "đầy tớ" làm thì láo, báo cáo thì hay, chạy tội thì giỏi.

    Trả lờiXóa
  8. Gớm, em Hà viết văn hay ra phết.
    he he, cùng K đây :)

    Trả lờiXóa
  9. Mắt mình kèm nhèm nhìn hàng tít ban đầu tưởng là Hà Nội-mùa sâu.Ừ Hà Nội dịp này sâu đang tập trung nhan đong đúc,đây là loại sâu đục thân đang hủy hoại cây cổ thụ với 4000 năm có mặt.Chúng nhờn thuốc rồi chả nhẽ lại phải đốn cây sao?

    Trả lờiXóa
  10. Bài viết sinh động, giàu nữ tính.

    Trả lờiXóa
  11. Hoá ra là bài của em, chúc em nhiều sức khỏe! E 200 cũ….!

    Trả lờiXóa