Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2015

TP.HCM: GĐ BỆNH VIỆN LẬP KHỐNG 13.000 BỆNH ÁN RÚT 28 TỶ ĐỒNG


 Ông Trương Anh Kiệt 
.
Giám đốc bệnh viện lập khống hơn 13.000 bệnh án rút 28 tỷ đồng 

14/04/2015 06:23

Ông Trương Anh Kiệt (56 tuổi, nguyên giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bưu điện TP. HCM) cùng hai cựu trưởng phòng bị cáo buộc lập khống hơn 13.000 hồ sơ bệnh án nhằm rút gần 28 tỷ đồng của VNPT.

Ngày 10/4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an kết thúc điều tra vụ án “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ” xảy ra tại Bệnh viện ĐK Bưu Điện TP. HCM thuộc Tập đoàn bưu chính viễn thông VN (VNPT), đề nghị truy tố 3 bị can gồm: Trương Anh Kiệt (56 tuổi, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bưu điện) cùng Trương Bích Nguyệt (52 tuổi, nguyên Trưởng phòng Tổng hợp), Phạm Văn Sửu (50 tuổi, nguyên Kế toán trưởng) về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.


Trước đó, ngày 13/6/2014, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét nơi ở và nơi làm việc của ông Trương Anh Kiệt, Giám đốc Bệnh viện ĐK Bưu điện TP.HCM, về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Bệnh viện Bưu điện là đơn vị tự chủ về tài chính, nguồn thu chủ yếu từ viện phí, bảo hiểm y tế và kinh phí cấp hỗ trợ của VNPT. Trong quá trình quản lý, điều hành bệnh viện, từ năm 2009 - 2011, bị can Kiệt cùng các đồng phạm và một số cán bộ liên quan lợi dụng các đoàn cán bộ của các đơn vị thuộc VNPT đến BV khám rồi về trong ngày để lập khống hồ sơ, bệnh án, kê khống ngày điều dưỡng, điều trị nội trú. Từ đó, các bị can lập báo cáo thực hiện chi tiêu chuyên môn và báo cáo tài chính để quyết toán khống của VNPT tổng số tiền khoảng 28 tỉ đồng, trong đó hơn 22 tỉ đồng kinh phí hỗ trợ tiền giường và trên 5,7 tỉ đồng kinh phí hỗ trợ tiền ăn tại cơ sở 2 của Bệnh viện. 

Quá trình điều tra xác định, việc lập khống hồ sơ bệnh án, nâng khống ngày điều dưỡng, điều trị nội trú để rút tiền của VNPT là chủ trương do ông Kiệt chỉ đạo, được thống nhất thực hiện trong toàn bệnh viện. Hình thức chỉ đạo thể hiện tại các quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch chuyên môn từng năm do ông Kiệt ký, ban hành. 

Do đó, các khoa sử dụng tên của cán bộ các đơn vị đến khám để lập khống hồ sơ, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch. Trong 3 năm (từ 2009 - 2011), Bệnh viện Đk Bưu điện TP. HCM đã lập khống 13.077 hồ sơ bệnh án điều dưỡng, điều trị nội trú tương ứng 131.960 ngày khống.

Cơ quan điều tra cũng cho hay, ông Kiệt thừa nhận sai phạm khi lập khống tổng cộng hơn 13.000 hồ sơ bệnh án điều dưỡng, điều trị nội trú với mục đích rút tiền hỗ trợ của VNPT sử dụng vào các hoạt động chung của bệnh viện, chi lương, tăng thu nhập cho cán bộ (số tiền 11 tỷ đồng). Bị can này khai toàn bộ số hồ sơ quyết toán khống gần 28 tỷ đồng (hơn 22 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ tiền giường và gần 6 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ tiền ăn) đều do ông ta ký, trình VNPT phê duyệt.

Cơ quan điều tra xác định bị can Trương Anh Kiệt được chia hơn 112 triệu đồng, Phạm Văn Sửu gần 73 triệu đồng và Trương Bích Nguyệt gần 73,5 triệu đồng. Các cá nhân khác như ông Phạm Tuấn Khoa (Phó Giám đốc bệnh viện) cũng được hưởng lợi qua chênh lệch lương hơn 80 triệu đồng, bà Phạm Thị Kim Hoa (Phó Giám đốc) gần 80 triệu đồng, ông Ngô Xuân Bình (Trưởng phòng Hành chính) hơn 77 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Thảo (kế toán) gần 40 triệu đồng...

Liên quan tới vụ án, có một số cán bộ khác thuộc Bệnh viện Đa khoa Bưu điện, VNPT và các đơn vị địa phương có hành vi liên quan, nhưng chưa đến mức xử lý hình sự nên CQĐT đã kiến nghị xử lý hành chính đối với những cá nhân này.

Thu Hà
(tổng hợp)

8 nhận xét :

  1. Chắc ông này bị "chơi" rồi,3 năm mà chỉ có 112 triệu mà bị khởi tố,bắt giam thì 99% là nội bộ đấu đá nhau

    Trả lờiXóa
  2. Mỗi bệnh án thật cho 1 bệnh nhân điều trị tại bệnh viện thật được thanh toán với Bảo hiểm Y tế từ 40 - 50 triệu đồng cho một đợt điều trị từ 7 đến 10 ngày.
    Nhưng thực tế thuốc và các vật tư y tế người nhà bệnh nhân phải mua ngoài ở các nhà thuốc tư nhân, từ lọ nước muối sinh lý, sợi dây truyền dịch cho tới những viên thuốc có giá vài chục nghìn đồng....Tiền BHYT cho người bệnh nhưng người bệnh không hề được hưởng.
    Thế còn chưa đủ họ còn lập Bệnh án khống để thanh toán BHYT. Thật không thể chấp nhận được.

    Trả lờiXóa
  3. cứ làm như thế, nên tiền bảo hiểm y tế (của người dân nộp)đã không được rút để chữa bệnh cho người bệnh, mà bị rút ra để làm giàu cho quan chức ngành y tế, vì thế, nên bảo hiểm y tế bị hụt quỹ là tất nhiên.
    Sự lãnh đạo một mình một chợ "muôn năm"! tài tình thật !!!

    Trả lờiXóa
  4. Không còn gì để nói về cái thiên đường xã hội chủ nghĩa này nữa. Người ta ăn của người dân "không chừa một thứ gì". Lạ là người dân vẫn câm nín chịu đựng! Nói sao bây giờ!!!

    Trả lờiXóa
  5. Bác sỹ chi mà vô lương tâm, vô đạo đức rứa hè

    Trả lờiXóa
  6. Tổng cộng chúng chỉ mới chia nhau chưa đầy năm trăm triệu thế còn hơn 27 tỷ nữa chạy đi đâu?

    Trả lờiXóa
  7. Mang danh BS GĐ BV mà nghèo đói thế ? Rút ruột đến 28 tỉ mà chưa no . GĐ này cũng phải đảng viên chứ đâu phải thường dân ?

    Trả lờiXóa
  8. Muốn cho luật pháp đuợc công minh thứ nhất là không đuợc dùng anh em họ hàng, thứ hai là người cùng phe Đảng,thứ ba là phải tam quyền phân lập. Néu ba điều này không đuợc tuân thủ thì sẽ loạn, và chế độ sẽ suy vong. V

    Trả lờiXóa