Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2019

NHỮNG CHƯƠNG BỊ KIỂM DUYỆT BỎ CỦA HỒI KÝ NGUYỄN HIẾN LÊ - 2

Hồi ký Nguyễn Hiến Lê
(Giới thiệu những chương bị cắt bỏ khi in tại Việt Nam)

.
Nguyễn Hiến Lê (1912–1984) quê ở Sơn Tây, Xứ Đoài, là một nhà văn, dịch giả, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục và hoạt động văn hóa độc lập, với 120 tác phẩm sáng tác, biên soạn và dịch thuật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, văn học, ngữ học, triết học, lịch sử, du ký, gương danh nhân, chính trị, kinh tế,...

Năm 1934, ông tốt nghiệp trường Cao đẳng Công chính Hà Nội rồi vào làm việc tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ, bắt đầu quãng đời nửa thế kỷ gắn bó với Nam bộ, gắn bó với Hòn ngọc Viễn Đông.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông thôi làm ở sở, đi dạy học ở Long Xuyên. Năm 1952 chuyển lên Sài Gòn mở nhà xuất bản và biên dịch sách, sáng tác, viết báo.

Những năm trước 1975 và cả trong thời gian sau này, Nguyễn Hiến Lê luôn là một cây bút có tiếng, viết miệt mài và là một nhân cách lớn.

Sau ngày 30/4 năm 1975, ông vẫn ở lại trong nước mà không chọn cách đi ra khỏi đất Việt, mặc dù ông cũng có điều kiện thực hiện việc đó. Lúc đầu, Ông cũng có cảm tình với "quân giải phóng", với Việt cộng. Nhưng chỉ sau môt thời gian ngắn ngủi, ông đã nhận ra nhiều điều và gửi gắm ít nhiều trong cuốn Hồi Ký của ông. Cuốn Hồi ký Nguyễn Hiến Lê đã được tái bản tại Việt Nam tới ngót 30 lần. Nhưng có 6 chương và nhiều đoạn bị cắt bỏ khi in tại Việt Nam. (Một cuốn hồi ký mà có đến 6 chương bị kiểm duyệt bỏ thì biết là chế độ kiểm duyệt ở VN như thế nào).

Nhân dịp kỷ niệm 42 năm thống nhất Bắc - Nam, chúng tôi đăng tải lại 6 chương Hồi ký của Nguyễn Hiến Lê để chúng ta cùng hiểu tấm lòng, nhân cách và trí tuệ của một học giả uyên bác và có nhãn quan xa rộng, trong một cách nhìn độc lập và khách quan. (Tham khảo Wikipedia).

________________ 
.
Chương XXII - Chiến tranh Việt Mỹ (1965-1975)       

Các chính phủ quân nhân       
Mĩ đưa quân sang        
Vụ Mậu Thân 
Vừa đánh vừa đàm - Hiệp định Paris   
Những bí mật trong chiến tranh Việt Mỹ         
Mĩ rút về, quân Nam tan rã, chiến tranh chấm dứt       


Chương XXII: Chiến Tranh Việt Mĩ (1965-1975)

Về giai đoạn này tôi hoàn toàn thiếu tài liệu. Các học giả Âu Mĩ chưa viết về chiến tranh Việt-Mĩ từ 1965 (1) đến 1974; dù có viết rồi thì ở Việt nam chúng tôi cũng không sao có mà đọc được. Còn tài liệu của mình (báo hằng ngày, vài cuốn sử biên niên của Đoàn Thêm (Nam Chi tùng thư) thì sau hai lần chính quyền Cách mạng ra lệnh hủy bỏ sách vở, lần trước vào khoảng cuối 1975 hay đầu 1976; lần sau vào đầu 1978, rất ít gia đình dám giữ, phải bán cho “ve chai” (2) hoặc đun bếp, nên tôi không thể kiếm được. Tôi lại ngại tới thư viện để tra cứu vì thủ tục lúc này rất phiền phức đối với người như tôi. Vả lại những tài lỉệu đó rời rạc, có tính cách một chiều, không đáng tin lắm. Tôi đành nhớ đâu chép đấy, chắc chắn là sai - nhất là về niên đại - chỉ mong ghi lại được hướng của các biến chuyển cùng cái không khí của thời đại, tình hình của xã hội trong mười năm sau khi nhà Ngô bị lật đổ thôi.

Các chính phủ quân nhân

Một số kí giả phương Tây gọi thời đó là thời của “chính sách Diệm mà không có Diệm” (Diemisme sans Diem). Xét chung lời đó đúng; trừ chính quyền Dương văn Minh trong mấy tháng đầu, các chính quyền quân nhân thời sau đều chủ trương diệt Cộng, và lần lần hóa độc tài như họ Ngô, kiểm duyệt sách báo mỗi ngày một gắt, dân chúng vẫn khổ như trước, chỉ khác không có kì thị tôn giáo nữa. Những năm cuối của thời đó các tướng tá vơ vét cho thật mau thật nhiều bằng mọi cách: mua quan bán tuớc, chuyển ngân, buôn lậu vàng và thuốc phiện. Bọn cầm quyền sống cực kì xa xỉ: người ta tiêu không biết bao nhiêu triệu bạc trong một tiệc gả con: một chiếc bánh cưới cao mấy thước phải bắc thang lên để cắt, sâm banh chảy như suối.

Mới đầu dân chúng tin ở chính phủ Dương văn Minh (quốc trưởng), Nguyễn Ngọc Thơ (thủ tướng) nhưng chỉ một hai tháng sau người ta thất vọng: dùng người cũ, không có chính sách gì mới, không phải là một chính phủ cách mạng.

Nguyễn Ngọc Thơ muốn dùng lại lực lượng của hai giáo phái Cao đài và Hòa hảo; Mĩ cũng tin rằng chỉ giáo phái mới thực tâm chống cộng, và hi vọng dùng chính sách đó có thể rút lần cố vấn Mĩ về được.

Johnson lên thay tổng thống Kennedy bị ám sát khoảng hai mươi ngày sau khi Diệm bị giết, giữ đúng đường lối của Kennedy và có vẻ lạc quan, tăng cường viện trợ cho Nam việt, tính cuối năm 1965 sẽ diệt xong Việt cộng.

Theo W.G. Burchett trong sách đã dẫn thì Dương văn Minh tuyên bố muốn trung lập hóa miền Nam như De Gaulle đề nghị. Mĩ chống giải pháp đó, kiếm một “người hùng” - tướng Nguyễn Khánh - để thay Minh. Cuộc đảo chánh thứ nhì xảy ra không tốn một viên đạn. Dương văn Minh và các tướng Đôn, Đính, Kim đều bị Khánh bắt - sau Minh được thả. (Nguyễn Ngọc Thơ đã từ chức từ trước rồi).

Cabot Lodge (đại sứ Mĩ) chỉ muốn Khánh nắm quyền quân sự thôi nhưng Khánh lăm le nắm cả quyền dân sự, tỏ vẻ độc tài, ban hành hiến chương Vũng tàu, bị sinh viên biểu tình phản đối, và Mĩ lại phải “thay ngựa”. Khánh qua Pháp rồi, Mĩ thí nghiệm một chính quyền dân sự, đưa một kĩ sư canh nông ái quốc, khá có tiếng, Phan Khắc Sửu lên làm quốc trưởng, nhưng quân đội chống đối, đưa tướng Nguyễn văn Thiệu lên làm Chủ tịch ủy ban lãnh đạo Quốc gìa, tướng Nguyễn Cao Kỳ làm phó chủ tịch.

Năm 1967, Thiệu và Kì được bầu làm tổng thống và phó tổng thống. Thiệu làm tổng thống bảy tám nãm, lúc thì dùng tướng Trần Thiện Khiêm, lúc thì dùng Trần văn Hương, một giáo sư già về hưu, có tiếng cương quyết, làm thủ tướng.

Chỉ trong mấy năm, Mĩ thay ngựa bốn năm lần mà tình hình cứ mỗi ngày một thêm bi đát.

Mĩ đưa quân sang

Năm 1964, Mặt trận Giải phóng thừa cơ Nam việt lục đục, chiếm được mấy ngàn ấp chiến lược. Chính sách ấp chiến lược là sáng kiến của Anh ở Mã lai. Anh đã thành công vì Mã lai chỉ có 8.000 Cộng sản mà quân đội Anh-Mã tới 450.000; lại thêm số dân trong các ấp chiến lược của họ ít - chỉ bằng 6% toàn dân - họ có thể dễ bảo vệ; còn ở Nam việt: Diệm tính nhốt hơn 9 triệu người, non 2/3 nông dân vào những ấp chiến lược, xây cất vội vàng, không đủ công sự, quân lính, khí giới để bảo vệ, cho nên các ấp sụp đổ rất mau.

Năm 1965, Bắc Việt được sự giúp đỡ cả của Trung hoa lẫn Nga, do đường Hồ Chí Minh (dọc theo dãy Trường sơn trên địa phận Lào) đưa hằng chục ngàn quân vô Nam, năm sau đưa thêm vô 40.000 và số quân của Mặt trận Giải phóng tổng cộng lên tới 282.000 (Bernard Fall – sách đã dẫn) và lúc đó 2/3 Nam việt đã bị Việt cộng kiểm soát.

Để cứu vãn tình thế, Mĩ phải đưa quân vô Nam, năm 1965 khoảng 100.000 người, sau tăng lần lần lên tới trên 500.000, cộng với quân của chính phủ miền Nam thì được trên 1.000.000, như vậy cũng chỉ bằng bốn lần số quân Giải phóng, mà như một chương trên tôi đã nói, Anh ở Mã lai đã phải dùng một số quân gấp 20 lần - có lúc 40 lần - mới thắng được Mã cộng.

Năm 1964 hay 1965, khi hay tin quân Mĩ sẽ đổ bộ lên miền Trung, tôi đã có một đoạn cảnh cáo trong một bài đăng trên tạp chí Bách Khoa, sau cho in lại trong cuốn Một niềm tin, nhưng bị kiểm duyệt đục bỏ, đại ý rằng sự đổ quân Mĩ vào nước mình đó sẽ gây rất nhiều xáo trộn trong xã hội mà người Mĩ sẽ bị dân chúng ghét. Người Mĩ chỉ làm cố vấn thôi thì dân chúng chấp nhận họ được (tổng thống Diệm hiểu điều đó, nên bắt cố vấn Mĩ đi ra đường không được bận quân phục); nhưng khi họ mang vũ khí tảo thanh, diệt người Việt - dù là Việt cộng - thì trong con mắt dân chúng, họ thành quân xâm lăng rồi. Trung hoa và Nga giúp Bắc việt nhưng không đưa quân qua chiến đấu, do đó, Bắc vẫn giữ được chính nghĩa.

Có thể chính quyền Mĩ cũng hiểu vậy nhưng không thể làm khác được vì tình hình Nam việt đã sắp sụp đổ đến nơi.

Ảnh hưởng về phương diện xã hội còn tai hại hơn nhiều. Quân Mĩ vung tiền ra để mua những thú vui nhục thể. Rất nhiều chị ở, chị bếp bán thân cho họ để họ “bao” và cuối tháng lănh một số tiền bằng mười số tiền khi giúp việc cho người Việt. Chúng mướn nhà và chịu trả một số tiền thuê gấp năm gấp mười tiền thuê bình thường. Rất nhiều người Việt chịu ở chật chội trong vài phòng sau nhà, để nhà chính cho Mĩ thuê. Kẻ có tiền thì cất nhà cho Mĩ mướn.

Chúng dâm loạn, nghiện bạch phiến, ăn cắp đồ để bán chợ đen. Chúng lại ngạo mạn, tàn nhẫn: ngồi trên xe nhà binh, xả súng vào trẻ em, liệng đá vào xe qua đường mà cười hô hố, cán người rồi dông.

Mỗi tên lính Mĩ tiêu mỗi tháng không biết mấy trăm đô la ở Việt nam; nửa triệu lính Mĩ mỗi năm đổ cả tỉ đô la vào nước mình; kinh tế phồn thịnh lên một cách giả tạo và trong xã hội xuất hiện một giới biếng nhác, sa đọa mà lại có nhiều tiền, cả quyền thế nữa. Một số thanh niên hóa điếm đàng, hút sách.

Do đó ai biết suy nghĩ một chút cũng oán Mĩ, thấy miền Nam chỉ là “một sân banh cho Mĩ quần nhau với Nga và Trung hoa”; đi lính cho miền Nam không phải là để bảo vệ tự do hay tổ quốc gì cả mà chỉ để đỡ đạn cho Mĩ, cho nên bị kêu nhập ngũ thì trốn, không trốn được thì vận động để được làm ở phòng giấy, khỏi phải ra mặt trận vừa bắn vào đồng bào của mình. Tinh thần chiến đấu rất thấp. Và một số trí thức biết rằng sống dưới chế độ Cộng sản không được tự do, nhưng vẫn mong cho Bắc Việt thắng vì tin rằng xã hội ngoài đó lành mạnh hơn, con người ngoài đó có lí tưởng hơn, nhà cầm quyền ngoài đó trong sạch hơn, có nhân cách hơn bọn tướng tá chính khách trong Nam. Họ không sống ở ngoài đó nên không biết dược sự thật ra sao, và sau này họ mới vỡ mộng.

Vì tinh thần chiến đấu của miền Nam mỗi ngày một sút - nhiều bài ca phản chiến được dân chúng rất thích - cho nên Mĩ dù đổ thêm quân vô, dùng khí giới tối tân, cũng chỉ chống đỡ được thôi chứ không thắng nổi Bắc Việt.

Năm 1965, Mĩ dùng một lực lượng hủng hậu tảo thanh “tam giác sắt” (chiến khu D) cách Sài gòn năm sáu chục cây số về phía bắc để quân Giải phóng hết chỗ núp. Họ đưa rất nhiều quân, xe thiết giáp bao vây khu đó, dùng phi cơ B-52 dội bom 500 ki lô xuống, theo chiều dọc, chiều ngang, không chừa một chỗ nào, như để cầy khu đó lên; lại dùng bom Napalm, hóa chất để đốt phá rừng bụi, rồi mới cho quân vào dò những chỗ có hầm, gặp thì phá hủy, vậy mà Việt cộng vẫn thoát được. Chiến dịch đó thất bại nặng hơn chiến dịch Navarre năm 1953 ở “con đường sầu thảm” nữa.

Trong hai năm sau, có những vụ kịch chiến ờ Pleime, Tây ninh, Chu lai, Khe sanh, hai bên đều tổn thất nặng.

Vụ Mậu Thân

Kinh khủng nhất là vụ Tết Mậu thân (1968). Tối ba mươi tết, dân Sài gòn vừa mới làm lễ rước tổ tiên thì có tiếng súng nổ mỗi lúc một nhiều, và nhà nào nhà nấy vội khóa cửa, đem theo ít quần áo thức ăn, dẩt díu nhau tản cư. Việt cộng đã đột nhập miền Chợ lớn, Bình hòa (Gia định), tiến vào giữa thành phố, bao vây tòa Đại sứ Mĩ trong sáu giờ. Từ trước vẫn có lệ Tết thì hai bên ngưng chiến trong vài ba ngày. Năm đó các tướng tá của mình từ trên xuống dưới quá tin hoặc khinh địch, không đề phòng gì cả, đều rời Sài gòn, đi xa ăn Tết, nên không kịp chống đỡ.

Lần này là một cuộc tổng tấn công: cùng một lúc hoặc cách nhau độ một hai ngày, 36 đến 44 thị trấn từ Huế vào tới Bạc liêu bị Việt cộng đột nhập như vậy. Toàn dân hoảng hốt, tưởng lần này thì Việt cộng chiếm trọn miền Nam rồi, vào ăn tết ở thành, chứ không phải là tuyên truyền như mấy tết trước.

Khắp thế giới ngạc nhiên và phục Việt cộng tổ chức cách nào mà chính phủ miền Nam không hay biết gì cả. Họ đã lén chở khí giới, đưa cán bộ vào Sài gòn, Huế... từ hồi nào, chôn giấu, ẩn núp ở đâu? Chắc chắn dân chúng đã che chở họ, tiếp tay với họ, không ai tố cáo cho nhà cầm quyền miền Nam biết. Trái lại mỗi cuộc hành quân lớn nhỏ nào của miền Nam họ đều biết trước ngày và giờ để kịp thời đối phó. Nội điểm đó thôi cũng đủ cho thế giớỉ biết họ được lòng dân miền Nam ra sao và tại sao Mĩ thất bại hoài.

Phải mất một tuần hay nửa tháng, Mĩ mới đuổi được quân Việt cộng ra khỏi Sài gòn; Sài gòn thiệt hại không nặng lắm. Ở Huế, tình hình bi đát hơn nhiều. Việt cộng hoàn toàn làm chủ trong một tháng, bắt giết kẻ hợp tác với Mĩ, vùi thây ngay trong vườn hoặc bên lề đường, hoặc trong những hầm tập thể. Họ bắt dân thường tiếp tay họ. Không rõ bao nhiêu người bị giết - có sách nói ít nhất 10.000 người, riêng một hầm chôn thây tập thể cũng đã chứa 1.000 thây người. Sau có nhiều kí giả chép lại vụ đó và một nữ sĩ, Nhã ca, quê ở Huế, viết Dải khăn sô cho Huế, Tình ca cho Huế đổ nát, lời rất xúc động. (3) Hình như không có phóng viên báo ngoại quốc nào có mặt ở Huế lúc đó.

Tại các thị trấn miền nam Trung việt, dân cũng bỏ nhà, tản cư hết. Có nơi heo đói quá, ăn thịt người; gà mổ gỉòi từ các thây ma bò ra. Chưa bao giờ dân tộc mình thấy những cảnh rùng rợn như vậy.

Mọi công việc buôn bán gần như ngưng trệ trong hai tháng vì thiếu phúơng tiện giao thông. Ngay đến quân nhân muốn trở về đơn vị mà cũng phải đợi nửa tháng mới có máy bay.

Khi Việt cộng rút ra hết các thị trấn rồi thì Sài gòn bị cái nạn hỏa tiễn địa-địa Việt cộng từ xa bắn vào. Một số nhà bị hủy ở gần chợ Bến thành và nhiều nơi khác. Khu của tôi yên ổn, nhưng nhà tôi cũng sợ quýnh lên, đòi lại khu Bàn cờ ở với mấy cô em mà khu đó không yên gì hơn khu tôi. Đa số dân chúng đều như vậy, hoảng hốt thì bỏ nhà mà đi, không suy nghĩ gì cả, có khi bỏ chỗ yên lại chỗ không yên. Tôi rất bình tĩnh, cứ ngồi ở phòng viết trên lầu mà dịch Chiến tranh và Hoà bình của Tolstoi cho nhà Lá Bối. Thời đó xe cộ ít qua lại, ngoài đường ít người, khu tôi thật tĩnh mịch, rất thích hợp cho việc viết lách.

Một anh bạn lại chơi hỏi tại sao không xuống ngồi ở tầng dưới để được thêm một cái trần nữa che chở. Tôi đáp: “Các tủ sách để cả ở đây, viết ở đây tiện hơn. Tôi cứ coi như hồi còn ở căn nhà trệt, không lầu ở đường Huỳnh Tịnh Của.”

Sau biến cố Mậu thân, một số bạn tôi như gia đình Thiên Giang, giáo sư Lê văn Hảo ở Huế bỏ ra bưng rồi ra Hà nội.

Mấy năm trước đó, Thiên Giang đã hoạt động cho Cách mạng, muốn rủ tôi theo, tôi từ chối, tự xét chỉ thích hợp với việc trứ tác thôi. Như hầu hết các nhà làm chính trị, ông ta có tinh thần đảng phái (sataire). Từ đó chúng tôi lần lần xa nhau, nhưng tôi vẫn giữ niềm hòa hảo với ông.

Khoảng 1970 hay 1971, một anh bạn khác dụ tôi ra ứng cử tổng thống vì anh ta cho rằng tôi có tiếng tăm trong nước, liêm chính mà lại không bị một vết nào: không hợp tác với Pháp, với Diệm, với Thiệu, không thân với Mĩ. Tôi mỉm cười đáp: “Chịu thôi, không đủ sức khỏe và mánh khóe.” và nghĩ bụng: “Cứ làm một thư sinh độc lập thì còn được một số độc giả mến, chứ ra làm chính trị thì chẳng được việc gì mà còn bị thiên hạ khinh.”

Vừa đánh vừa đàm - Hiệp định Paris

Từ năm 1965, Mĩ đã dùng phi cơ oanh tạc Bắc việt, có ý buộc Bắc phải điều đình. Mãi đến giữa 1968, hai bên mới bắt đầu thương thuyết với nhau ở Parỉs. Mĩ buộc Bắc phải rút hết quân về. Bắc cũng đòi Mĩ phải rút hết quân về. Nam không chấp nhận Mặt trận Giải phóng. Bắc đòi phảí chấp nhận. Từ đó đến 1973 họ vừa đàm vừa đánh. Để làm áp lựp, Mĩ oanh tạc mỗi ngày một mạnh hơn, nhưng càng oanh tạc thì thái độ của Bắc càng cứng rắn, dân chúng càng sát cánh với nhà cầm quyền. Phá hủy khu kĩ nghệ Thái nguyên, Bắc cũng không núng, oanh tạc các đường sắt, đê điều họ cũng không núng; Nga và Trung hoa càng viện trợ khí giới, đại bác. hỏa tiển, phi cơ cho họ.

Cuộc oanh tạc lớn nhất xảy ra năm 1972, sau vụ Bắc việt đại tấn công thành phố Quảng trị, san phẳng thành bình địa. Liên tiếp mười hai ngày, Hà nội bị dội bom. Mĩ còn thả thủy lôi trên các sông Bắc Việt, nhất là biển Hải phòng, không cho tàu Nga ra vô. Trung hoa chỉ lên tiếng phản đối gọi là, còn Nga thì trước sau làm thinh. Một số người ở Sài gòn nguyền rủa Mĩ mà cũng nguyền rủa cả Nga lẫn Trung hoa.

Chúng ta nên để ý: năm 1972, Nixon, tổng thống Mĩ qua thăm Mao rồi thăm Nga, chắc chắn là để tìm một giải pháp cho chiến tranh Việt nam, có lẽ vì vậy mà Mĩ mới dám ngang tàng dội bom Hà nội và phong tỏa hải cảng Hải phòng.

Cả thế giới bất bình với Mĩ: một anh khổng lồ mà ăn hiếp một chú bé, dùng những đòn nặng như vậy, thật vô liêm sỉ. Chính dân chúng Mĩ cũng chê kẻ cầm đầu của họ. Một triết gia Anh, Bertrand Roussell, lập một tòa án ở Na uy (?) để xử tội Mĩ.

Dội bom Hà nội 12 ngày rồi Mĩ ngừng để thương thuyết với Bắc Việt, và ngày 27-1-73, Mĩ, miền Nam Việt nam kí với Bắc Việt và Mặt trận Giải phóng hiệp định Paris có nhiều nước chứng kiến: Nga, Trung hoa, Pháp, Anh.

Tôi không nhớ rõ nội dung hiệp định đó, đại khái là Mĩ rút hết quân về. Bắc cũng vậy; Nam và Bắc trao đổi tù binh với nhau; ở miền Nam sẽ có một chính phủ lâm thời gồm ba thành phần: người của chính phủ miền Nam, người của Mặt trận Giải phóng và một số người không đứng về phe Nam hay phe Bắc, do hai chính phủ Nam và Giải phóng đề cử, số người đó là thành phần thứ ba.

Những bí mật trong chiến tranh Việt Mĩ

Trong chiến tranh Việt Mĩ có nhiều bí mật tôi không hiểu nổi. Mĩ thay Pháp ở Đông dương để chặn làn sóng cộng sản Trung hoa tràn xuống Đông nam Á. Vậy là mới đầu Mĩ thù Trung hoa, sau tại sao lại thân thiện với Trung hoa? Chỉ vì thị trường hàng tỉ người ở Trung hoa chăng? Hay là còn vì Mĩ biết Trung hoa thù Nga từ 1960, mà Trung hoa yếu hơn Nga, cho nên đứng về phía Trung hoa để cho thế lực của Nga giảm đi?

Nga, Hoa đều phải giúp Bắc Việt để chống Mĩ, nhưng cả hai đều gờm nhau: có hồi Trung hoa không cho khí giới Nga viện trợ đi qua Trung hoa để tới Bắc Việt, còn Nga thì không muốn Bắc Việt lệ thuộc vào Trung hoa nhiều quá. Nhờ uy tín và sự khéo léo của Hồ Chí Minh mà Bắc Việt giữ được tình hòa hảo với hai nước đó.

Hình như Nga có hồi khuyên Bắc Việt nhượng bộ Mĩ. Tại sao? Và chính trong hội nghị Paris, Trung hoa cũng muốn vậy chăng? Có phải là cả ba cường quốc Mĩ, Nga, Hoa đều muốn cho miền Nam trung lập, không lệ thuộc vào nước nào chăng?

Còn nhiều bí mật nữa, các sử gia chưa thể công bố được, mà các phóng viên báo Âu Mĩ chưa hề xuất bản một cuốn nào về chiến tranh Việt Mĩ, cho nên chúng ta đành chịu, không hiểu chút gì về những âm mưu của các nước anh chị để định đoạt thân phận của chúng ta.

Ngay từ 1968. trong bài tựa cuốn Bài học Israel tôi đã viết:

“Thực dân nào, bất kì đông hay tây, cũng chỉ nghĩ tới quyền lợi của họ trước hết; còn có lợi cho họ thì họ giúp, hết lợi thì họ bỏ và đàn áp. Do thái bị Anh bỏ rồi Nga bỏ; Ai cập bị Mĩ bỏ, rồi Nga bỏ (…)

“Càng đọc lịch sử thế giới tôi càng thấy đi theo thực dân thì luôn luôn lợi bất cập hại. Phải là một dân tộc có thực lực, có bản lãnh cao, có tài chống đỡ giỏi thì mới có thể khỏi bị họ lợi dụng, nhưng nếu lỡ mà gắn bó với họ thì sớm muộn, thế nào cũng khốn đốn, điêu tàn với họ. Còn các nước nhược tiểu thì chỉ đem thân ra làm quân tốt thí cho họ trên bàn cờ quốc tế. Có lẽ chính Israel cũng hiểu như vậy nên năm 1967 họ đòi trực tiếp thương thuyết với Ả rập, không muốn Nga, Mĩ làm trung gian.

“Nội một điều này cũng đủ cho ta suy nghĩ. Từ sau thế chiến đến nay, cường quốc nào cũng đua nhau chế tạo võ khí cho thật tinh xảo, có sức mạnh tàn phá mỗi ngày một khủng khiếp. Năm nào cũng có những phát minh mới, thành thử võ khí nào tối tân nhất cũng chỉ ít năm hóa cổ lỗ. Họ có liệng xuống biển không, có phá hủy không, hay phải tìm cách “tiêu thụ” mà tiêu thụ ở đâu? Có ở trên đất họ không?”


Đoạn đó, năm 1979, đầu chiến tranh Việt Hoa, môt cán bộ Nam bảo tôi, bây giờ đọc nó mới thấm thía. Và cuốn Bài học Israel được nhiều người tìm mua ở chợ sách cũ mà không còn.

Đầu năm 1972, thấy Nixon sắp bỏ rơi miền Nam, tôi chua chát viết bài “Sau 18 năm tiếp xúc với người Mĩ” đăng trên tạp chí Bách Khoa. Xin dẫn dưới đây một đoạn:

“Họ (người Mĩ) đã tiêu hai trăm tỉ Mĩ kim, hi sinh năm chục ngàn thanh niên, trút hàng triệu tấn bom, làm cho non triệu người mình bi giết, hằng vạn hằng ức mẫu vườn ruộng, hằng ngàn làng mạc bị tàn phá, gây biết bao tang tóc, mấy trăm ngàn phế binh, cô nhi quả phụ, non mười năm rồi mà vẫn chưa giải quyết nổi chiến tranh này (…), rốt cuộc phải tìm cách thương thuyết.

Thương thuyết mấy năm không xong, bây giờ một mặt họ lo vuốt ve Trung cộng (mới mấy năm trước là kẻ thù số 1 của họ) hi vọng tìm một giải pháp cho Đông dương, một mặt họ cấp tốc Việt hóa chiến tranh để rút lui. Họ hai trăm triệu người, một dân tộc hùng cường nhất thế giới, trút hết cả gánh nặng bảo vệ “tiền đồn thế giới tự do” như họ nói, bảo vệ “tân biên cương” của họ như họ chủ trương, lên vai 17 triệu dân Việt nam, mà lại tính cắt hết viện trợ kinh tế nữa, như vậy có khác gì họ chạy làng, đánh trống bỏ dùi không? Lương tâm họ ở đâu nhỉ? Thể diện của họ ở đâu nhỉ?”


Giọng gay gắt như vậy mà sở kiểm duyệt không bỏ một chữ, chỉ vì niềm phẫn uất của tôi là tâm trạng chung của mọi người.

Thơ văn, cả nhạc phản chiến nữa xuất hiện rất nhiều, mà phản chiến tức là phản Mĩ, chính quyền mới đầu còn cấm, sau làm thinh. Ai cũng ghét bọn lính Mĩ; chúng có nhiều tiền. nhiều vật dụng, nhiều đồ xa xỉ (đồ P.X.: dầu thơm, thuốc lá thơm, quần áo. máy thu thanh, tủ lạnh...) tới đâu là mở những hộp đêm ở đó, gây cái nạn trụy lạc, mãi dâm, gái bán “bar”, trai “phi xì ke” (ma túy); chúng ăn cắp, ăn quịt, bán chợ đen… Ngay những kẻ rút rỉa tiền của chúng cũng khinh, ghét chúng. Chúng quả là một đoàn quân chiếm đóng và hành động như một đoàn quân chiếm đóng. Mĩ thất bại ở Trung hoa và Việt nam, nguyên nhân chính ở đó. Mà các thực dân da trắng không nhiều thì ít như vậy hết, tệ nhất là Mĩ. Nếu phe tư bản không thay đổi chính sách thì dần dần đệ tam thế giới sẽ theo phe Cộng hết mặc dầu dân chúng không ưa chế độ độc tài của Nga, Trung hoa.

Mĩ rút về, quân Nam tan rã. Chiến tranh chấm dứt

Đúng là Mĩ chạy làng. Họ vội vã rút hết quân về, và khi không còn một lính Mĩ nào ở Việt nam nữa thì Bắc, Nam lại choảng nhau. Chủ trương Việt nam hóa chiến tranh của Nixon đã được thực hiện.

Mới đầu Nixon cũng cho phi cơ từ Phi luật tân hay đảo Guam trợ chiến với quân đội của Thiệu; nhưng khi nửa triệu quân Mĩ còn ở trên đất miền Nam, quân đội của Thiệu đã không có tinh thần thì bây giờ làm sao có tinh thần được? Thiệu xin thêm viện trợ tiền bạc và võ khí, quốc hội Mĩ không cho, Thiệu nổi khùng, chửi Mĩ thậm tệ hơn một giờ trên đài truyền hình.

Ngày 10-3-75 Việt cộng tấn công Ban mê thuột, ngày 11-3 Ban mê thuột thất thủ.

Ngày 15-3, Thiệu họp các tướng. quyết đinh bỏ Pleiku, Kontum một cách vội vàng, để lại hàng núi chiến cụ. Hai trăm ngàn dân bị bỏ rơi, mạnh ai nấy tự tìm cách thoát thân; Cộng quân chặn đường pháo kích; hai vạn dân bỏ mạng, hằng ngàn người kiệt sức, chết dọc đường.

Ngày 19-3 Quảng trị di tản.

Hôm sau, An lộc thất thủ, sau một thờí gian bị bao vây ngày đêm bị đại bác, hỏa tiễn nã vào.

Kế đó là Huế, Quảng ngãi, Đà nẵng, Qui nhơn, Nha trang bị Cộng quân chiếm một cách rất dễ. Cũng có một vài tướng rán chống cự, nhưng quân lính không tuân lệnh thì chỉ còn cách đào tẩu để thoát thân.

Đà lạt bỏ ngỏ, Phan rang đầu hàng, Phan thiết tan rã.

Ngày 21-4 Xuân lộc thất thủ (trước đó bốn ngày, Nam vang lọt vào tay Khmer đỏ). Thiệu từ chức, Trần văn Hương lên thay. Ít bữa sau Thiệu dắt vợ con qua Đài loan, đem theo không biết mấy tấn vàng.

Ngày 26-4 Trần văn Hương yêu cầu lưỡng viện bàu người khác thay ông để thương thuyết với Mặt trận Giải Phóng.

Hôm sau đại tướng Dương văn Minh được bàu lên thay Hương.

Ngày 30-4 Dương văn Minh tuyên bố đầu hàng, kêu gọi buông súng cho đỡ chết dân. Mười hai giờ trưa, tướng Trần văn Trà ngồi xe thiết giáp tiến vào dinh Độc lập. Chiến tranh chấm dứt.

Có sách hay báo nói: trong chiến tranh Việt Mĩ này, miền Nam chết khoảng 200.000 quân, miền Bắc chết non 1.000.000 quân; thường dân cả hai miền chết trên một triệu. Trong số này chắc không kể những thường dân miền Nam chết trong khi chạy loạn tháng 3 và tháng 4-1975. Bi đát hơn cuộc chạy loạn của dân Paris tháng 6-1940 nhiều.

Từ miền thượng xuống miền đồng bằng, từ Huế vô Phan thiết, Biên hòa, trên khắp các lộ xe hơi, xe căm nhông chật đường, nhích từng thước một; dân chúng dắt díu, bồng bế nhau chạy. Vợ hay con chết ở dọc đường, đành phải vùi nông ở ngay bên đường rồi chạy... Chạy để tránh cuộc tàn sát ở Huế tết Mậu thân mà người ta không sao quên được. Tới bờ biển Qui nhơn, Nha trang, Phan thiết… người ta nhảy ùm xuống biển, cố lội ra mấy tầu của Mỹ. Người trên tầu cũng là dân tị nạn, xô đẩy, có khi chém vào tay kẻ ở dưới biển đòi leo lên. Trẻ em chết đói, chết khát, chết bệnh ở trên bãi biển, cha mẹ gạt nước mắt, vủi thây chúng xuống cát.

Ở các phi trường, cảnh còn hỗn độn hơn nữa. Người ta bỏ lại hết các va li quần áo, tiền của, vàng bạc để cố leo lên phi cơ, mà cũng bị hất xuống, thế là của cải mất hết mà vẫn không thoát thân. Phi trường Tourane như vậy, phi trường Nha trang, Biên hòa đều như vậy, mà ngay phi trường Tân sơn nhất cũng vậy. Nghe nói có người bám lấy đuôi một chiếc xc Jeep để vào phi trường, bị xe kéo lết cả câv số.

Không có trận Điện Biên Phủ ở miền Nam - tướng Mĩ hứa từ trước như vậy và họ giữ đúng - nhưng còn nhục nhã gấp chục lần Điện Biên Phủ nữa vì họ chịu thua trước rồi, có chống cự tới cùng đâu. Thà như quân Pháp ở Điện Biên Phủ mà còn được tiếng anh dũng. Chính người Mĩ cũng nhận chưa bao giờ nước Mĩ thất bại lớn như vây. Nguyên nhân thất bại cũng như Pháp mà lại mang tiếng phản bạn.

Vậy là hiệp định Paris kí ngày 27-1-73, chưa ráo nét mực đã bị xé. Ai xé trước? Lỗi tại ai? Không biết. Chỉ biết trong mười hai tháng đầu sau hiệp định, trung bình ở Việt nam chết thêm 1.000 người mỗi tuần nữa.

Năm 1976 có thuyết cho rằng tướng Võ Nguyên Giáp không cho quân Bắc tiến vô quá Đà nẵng, nhưng rồi không cản được. Có thực vậy không? Cũng không biết. Vận mạng của bốn năm chục triệu dân Việt do cái gì quyết định? Không ai biết được.

*

Chiển tranh Việt-Mĩ chấm dứt sau 15 năm nếu kể từ ngày Mặt trận Giải phóng chính thức thành lập (1960), dài gần gấp hai chiến tranh Việt-Pháp.

Theo P. Singh trong Le jeu des puissances en Asie (Marabout 1974) thì chiến tranh đó làm thiệt hai triệu mạng người (chắc cho cả hai bên) và ở Việt nam cả Nam lẫn Bắc, Mĩ đã liệng trung bình nửa tấn bom xuống mỗi héc-ta đất.

Mĩ đã đổ vào chiến tranh đó trên 200 tỉ đô la.
____________


Chú thích

[1] Mĩ thay Pháp ở Việt nam từ 1954, nhưng chỉ thực sự đưa quân vào miền Nam từ 1965.

[2] Danh tử này như danh từ “đồng nát” ở Bắc, chỉ những người đi từng nhà mua đồ phế thải.

[3] Sau ngày 30-4, Nhã Ca phải đi trại cải tạo, mới được về năm 1979.


  

4 nhận xét :

  1. Ít bữa sau Thiệu dắt vợ con qua Đài loan, đem theo không biết mấy tấn vàng.

    Không ngờ 1 nhà văn được cho là lớn như nhà văn Nguyễn Hiến Lê cũng bị Việt cộng cho 1 quả lừa to tổ bố. Xin mọi người hãy tham khảo thêm từ blog Nguyễn Tường Thụy:

    http://ntuongthuy.blogspot.com/2015/04/chinh-quyen-moi-lam-gi-voi-16-tan-vang.html

    Theo thiển ý của tôi thì cách gọi các nhân vật lịch sử của tác giả không phản ánh đúng nhân cách của một "nhà văn lớn." Ông gọi phía miền Nam là "Diệm, Thiệu" trống lốc 1 cách khinh khi trong khi gọi người của phía bắc là "tướng Võ Nguyên Giáp" 1 cách trân trọng cho thấy rõ ràng chính kiến của tác giả rồi. Cách viết như vậy không xứng đáng để được gọi là 1 nhà văn đâu, nhưng là 1 tuyên truyền viên thì đúng hơn, ít nhất là trong những chương của hồi ký này.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trong Nam, và ngay cả trước 1975 tại Sài Gòn, trừ những người Công giáo gọi ông Diệm là "cố Tổng thống" và một số ông nhà binh gọi ông Thiệu là "Tướng Thiệu", đa số người dân đều gọi hai ông nầy là "Diệm" hoặc "Thiệu" trống không! Đó là một cách phản đối thầm lặng 2 chế độ nầy của đa số quần chúng. Ông Nguyễn Hiến Lê có gọi như thế là vì, tôi đoán, ông ấy muốn lấy tư cách là một người dân hơn là một "nhà văn lớn" khi kể chuyện thời thế nước ta.

      Xóa
    2. Tôi đồng ý với nhận xét của ban Nặc danh. Cụ bắt chước Khổng Tử viết Kinh Xuân Thu, nghía là, chê ai thì gọi tên trống không còn khen ai thì viết tước hoặc chức vụ,.. trước tên

      Xóa
  2. Ông Nguyễn Hiến Lê hoạt động văn hóa độc lập, trong bối canh ông đang sống, ông nhận xet như vậy là đúng. Hãy đặt mình vào hoàn cảnh tác giả đã sống và hoạt động, Tìm ở Vn trong 100 năm lại nay, người đạt nhân cách như ông Nguyễn Hiến Lê có lẽ là : không có. Hãy đọc kỹ nhẽng điều ông viết.....

    Trả lờiXóa