BÀI HỌC LỊCH SỬ VÀ SỰ CẦN THIẾT CỦA DÂN CHỦ
Tô Văn Trường
Lịch sử Việt Nam, các triều đại đều khởi đầu rất huy hoàng nhưng vì cơ chế chọn người kế vị bó hẹp trong dòng tộc, con trưởng mà càng ngày người kế vị càng kém tài, bạc đức, không giữ nổi cơ đồ. Trong khoa sinh học (biology) có một thực tế về thế hệ F1 là thượng thặng, các F càng về sau … càng tồi mà quy luật này không chỉ riêng ở lịch sử Việt Nam mà là lịch sử nhân loại.
Các triều đại, dù khởi đầu có công với nước thế nào mà về sau không được lòng dân thì cũng sụp, cũng làm mồi cho giặc ngoại xâm. Chỉ có dân chủ mới chọn được người tài. Có người tài, đất nước mới phát triển và như vậy mới bảo vệ được chủ quyền, lãnh thổ.
Nhìn lại lịch sử nước nhà
Thời Lý thịnh vượng, trước hết là nhờ dời đô để cắt đứt với quá khứ loạn sứ quân và tàn dư các triều trước giành ăn, giết nhau. Đất Hoa Lư hẹp là tất nhiên nhưng rất phù hợp cho phòng thủ mà một Vua mới lúc đầu đăng quang rất cần. Phải thấy tầm của Lý Công Uẩn dám vượt lên chính mình để qua mặt các triều trước ở tầm nhìn này. Thời Lý thịnh còn vì khách quan là nhà Tống luôn dòm ngó, Vua tôi sợ bị yếu mà không dám bất hòa tranh ăn (chủ quan). Cái chủ quan nữa là các hoàng tử không được vào ở trong cung mà ở ngoài trại lính.
Ta thấy cái công thức: Vua+tôi+thần dân = Quốc gia và dân tộc, mà sau này Trần Quốc Tuấn và Nguyễn Trãi đã vận dụng để dạy Vua, dạy quan.
Thời Trần thịnh trị cũng là do khách quan là Tàu rất mạnh, hung hăng và liên tục (3 lần) giặc Nguyên - Mông xâm lăng, các hoàng thân quốc thích đều phải cầm quân (các liệt sĩ có danh tiếng, phần lớn đều là họ Trần). Hịch tướng sĩ và di chúc của Trần Hưng Đạo là tinh hoa Đại Việt, là lời Thánh nhân dạy trị quốc. Lại thêm Thượng Hoàng Nhân Tông có những lời vàng ngọc như đấng từ bi dạy các vua con, vua cháu phải thương dân mà tích đức chớ không tích chức, tích của.
Cái tệ của nhà Trần là do Trần Thủ Độ sợ hậu họa, cho phép dòng họ lấy nhau, thành ra đồng huyết, đây mới đúng là quả báo! Thủ Độ tiệt dòng nhà Lý mấy trăm nhân mạng dưới hầm có ngụy trang thì Hồ Quý Ly sau đó cũng thiêu chết từng ấy nhân mạng họ Trần trong hang đá. Về điểm "nhân quả" như vậy, lịch sử thế giới có nhiều minh họa từ một chế độ đến một nhóm và nhất là cá nhân cụ thể: “Gieo gì gặt nấy” không ai thoát! Không phải duy tâm mà là biện chứng!
Cái dở của nhà Lê là do hoàn cảnh nhà Minh suy, họa xâm lăng giảm thì vua, quan lại tranh nhau hưởng thụ và vì tranh nhau mà tàn sát nhau. Cái máu của "văn minh lúa nước" có thời phát huy cái mặt tiêu cực của nó: “Kinh tế tiểu nông, trí nông, dạ thâm” là nguyên nhân của sự suy đồi ở triều Lê là một điển hình, cho dù Lê Thánh Tôn là bậc minh quân nhưng vẫn không cứu nổi cơ đồ nhà Lê thoát cái họa trầm luân là tranh ăn, tham nhũng kéo dài nhất trong lịch sử.
Nhà Lý và nhà Trần tồn tại khoảng 400 năm với nền độc lập Đại Việt, riêng nhà Lê tồn tại tương đương hai triều trước cộng lại (1428 - 1788) nhưng chỉ có 101 năm (từ 1428 - 1527) và chỉ có 2/10 Vua là khai quốc, minh quân: Thái Tổ và Thánh Tông khá ổn định trong 43 năm. Thời gian còn lại thì Lê triều nhưng các Vua Mạc và các Chúa: Trịnh-Nguyễn đánh nhau tơi bời, dân tình khổ sở, lầm than suốt 200 năm! Thời gian ấy quốc gia không được chấn hưng, biên cương bờ cõi cũng không mở ra. Đó là do nhà Minh suy yếu, còn về chủ quan là cơ hội phát triển các chứng bệnh có chung cái căn bệnh truyền đời là cá nhân ích kỷ và thiển cận trong bộ phận tinh hoa đất nước (Vua, quan và sĩ phu - Trí thức) dưới triều Lê. Phải nhờ sự bất hòa trong gia đình Nguyễn - Trịnh mà khơi nguồn cảm hứng cho cuộc "hành phương Nam" 1588 - 1802 khi Gia Long thống nhất đất nước lên ngôi.
Nhà Nguyễn và các Chúa Nguyễn như ta đã biết, lãnh thổ rộng gấp đôi, vươn ra tận Bãi Cát Vàng (Hoàng Sa) và Vạn Lý Trường Sa (Trường Sa) mà nay Trung Quốc tham lam bành chướng đang dùng bản đồ đường lưỡi bò liếm lấy hầu hết biển Đông.
Dân chủ phải bắt nguồn từ đâu?
Có 2 luồng ý kiến, thứ nhất dân chủ phải bắt nguồn từ trong đảng. Luồng ý kiến thứ hai, trước hết là đảng phải dân chủ với xã hội vì đảng đang nắm quyền, và là độc quyền.
Trong phạm vi bài viết này, tôi muốn phân tích cụ thể Quy chế bầu cử trong Đảng theo quyết định 244-QĐ-TW ngày 09/6/2014 do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký, trong đó có quy định cụ thể:
Điều 13. Việc ứng cử, đề cử của cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư.
1- Cấp ủy viên cấp triệu tập đại hội không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do cấp ủy đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của cấp ủy.
2- Ở các hội nghị của ban chấp hành, ủy viên ban thường vụ không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do ban thường vụ cấp ủy đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của ban thường vụ cấp ủy.
3- Ở các hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do Bộ Chính trị đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của Bộ Chính trị.
Nhiều đảng viên mong muốn thực hành dân chủ trong Đảng, đặc biệt là trong việc lựa chọn nhân sự trong Đại hội 12, tránh tiếp tục đi theo đường mòn của nhiều đại hội trước, không có dân chủ thực chất, trên thực tế chỉ là sự sắp đặt của khóa trước cho nhân sự khóa sau với sự chi phối của một số ít người có quyền. Vì thế các kỳ Đại hội không nâng cao được chất lượng cán bộ lãnh đạo mà ngược lại thường dẫn tới tình trạng nhân sự lãnh đạo khóa sau kém hơn khóa trước.
Quy chế bầu cử số 244-QĐ-TW ngày 09/6/2014 có những bất cập, vi phạm Điều lệ Đảng như quyền bảo lưu ý kiến của đảng viên theo quy định trong Điều lệ Đảng đã bị tước bỏ trong Quy chế bầu cử và nguyên tắc dân chủ, bình đẳng trong bầu cử. Quy chế nói trên cũng mâu thuẫn với Điều lệ hiện hành nêu rõ ở khoản 2 Điều 9: “Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc. Cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp là đại hội đại biểu hoặc đại hội đảng viên” và ở khoản 3 Điều 12: “Danh sách bầu cử do đại hội thảo luận và biểu quyết thông qua” v.v...
Ngay từ năm 2005, khi bàn về quy chế bầu cử chuẩn bị cho Đại hội X của Đảng, ông Võ Văn Kiệt đã gửi thư đến Bộ Chính trị nêu rõ quan điểm:
“Bầu cử phải được tiến hành theo nguyên tắc tự do ứng cử, nguyên tắc tự do đề cử, nguyên tắc bỏ phiếu kín, để thực sự bảo đảm dân chủ và lựa chọn được những đảng viên có phẩm chất và năng lực xứng đáng nhất cho việc đảm đương các nhiệm vụ của Đảng. Bầu cử theo nguyên tắc đa số, không nên vì e ngại số phiếu bầu có thể phân tán mà giới hạn số lượng ứng cử và đề cử so với số người quy định được bầu. Để thưc sự phát huy dân chủ ở mức cao nhất, động viên ý chí và nâng cao tính Đảng của từng Đảng viên tham gia gánh vác công việc Đảng, nên khuyến khích tự do ứng cử, chấp nhận việc đề cử cả đảng viên không phải là đại biểu của Đại hội. Đồng thời khuyến khích người đề cử hay người ứng cử trình bầy những ý kiến, suy nghĩ, dự kiến chương trình hành động của mình nếu trúng cử để Đại hội có cơ sở cân nhắc”.
Nhiều vị lãnh đạo ở Việt Nam đã học ở Nga, chắc phải biết khái niệm "tập trung dân chủ" mà V.I. Lenin dùng trong các công trình của mình bằng tiếng Nga là "Демократический Центранлизм" cần phải được dịch/hiểu là sự tập trung có dân chủ, tức "dân chủ" là tính từ,"tập trung" là danh từ, có nghĩa phải dân chủ trước và tập trung sau. Cái gọi là nguyên tắc "tập trung dân chủ" hay thường được một số người dùng là "dân chủ có tập trung” thì nếu dịch sang tiếng mẹ đẻ của V.I. Lenin là "Централизированная Демократия" tức "tập trung" là tính từ, còn "dân chủ" là danh từ (tập trung trước, dân chủ sau) thì khái niệm này không hề có trong các tuyển tập của V.I. Lenin.
Rất tiếc, chúng ta cứ nói như vẹt là "học trò của Lenin", nhưng, "trò" lại không hiểu "thày", cứ cố ý làm sai học thuyết của thày mấy chục năm rồi. Có lẽ Học viện chính trị Nguyễn Ái Quốc nên cho hội thảo về việc dịch từ tiếng Nga sang tiếng Việt khái niệm này để hiểu và làm cho đúng ý của V.I. Lenin, tránh việc “cưỡng từ, đoạt ý” ngược chiều với xu hướng dân chủ trên thế giới hiện nay là quyền đề cử và ứng cử của công dân.
Ngày nay, chúng ta càng cần phải hiểu đúng phạm trù "tập trung dân chủ". Nó là 1 chứ không phải 2. Dân chủ là phương thức phải làm để đi đến quyết định tập trung. Hồ Chí Minh trong thời kỳ khó khăn cũng tranh thủ mọi nơi, mọi lúc thu lượm ý kiến một cách dân chủ (cả trong và ngoài Đảng) để có quyết định đúng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được giao "Tướng quân tại ngoại", một mình ông có quyền như vậy mà trước khi đưa ra quyết định rất khó khăn là kéo pháo ra ở Điện Biên phủ, ông cũng tham khảo rất dân chủ, nên các tướng tá khác mới nói ra sự thật, làm căn cứ cho Võ Đại tướng ra một quyết định lịch sử.
Nhiều đảng viên tâm huyết với vận nước vẫn tin rằng quyền cao nhất là Đại hội Đảng các cấp, đặc biệt ở Đại hội Đảng khóa 12, các đại biểu có tâm và tầm sẽ thể hiện chính kiến của mình.
Thay cho lời kết
Nguy cơ đáng sợ đối với Việt Nam là trước đây, phong kiến Trung Quốc mưu thôn tính nước ta bằng vó ngựa, lưỡi gươm cắm xuống đất. Nay họ xâm lăng bằng kinh tế, thể chế, tư tưởng và văn hóa, hậu họa càng khó lường.
Một gia tài ông Washington và các thế hệ lãnh đạo kế tiếp để lại cho nước Mỹ mà người đời cho là vô giá, đó là thể chế dân chủ mà người dân Hoa kỳ còn giữ vững đến ngày nay. Người ta nói nước Mỹ có hoàn cảnh lập quốc đặc biệt, cho nên nhà nước phải là pháp quyền mới có thể là Hợp chủng quốc. Nước Mỹ tuy không phải là thiên đường, nhưng chắc chắn ngày càng xa địa ngục, vì thể chế của họ đã đặt được tiền đề thuận lợi rồi. Hiện tượng không phải là lẻ tẻ của những người dân Mỹ phản đối chiến tranh Việt Nam, sự kiện động trời của anh Morrison tự thiêu trước Nhà Trắng, và gần đây nhất, vụ phanh phui CIA xử dụng các biện pháp "nâng cao kết quả tra khảo phạm nhân bị coi là nguy cơ của an ninh Hoa Kỳ", trước đó không lâu là Snowden tố cáo NSA nghe trộm điện thoại và xem trộm các mail của công dân Mỹ và một số đồng minh, nhìn theo khía cạnh nhân quyền, thuần túy nhân quyền, đó chính là nền dân chủ Hoa kỳ, nước khác khó theo được.
Việt Nam không có hoàn cảnh đó, nhưng Việt Nam phải trở thành một nhà nước pháp quyền, dân chủ, biết được lịch sử, biết được dân trí dân Việt Nam là những điều kiện cần thiết để biết được cách phù hợp đưa dân ta tiến lên xứng đáng với chế độ pháp quyền. Nhưng đó chỉ mới là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là bối cảnh trong và ngoài nước thuận lợi, mà người thức thời phải biết.
T.V.T.
Tác giả gửi BVN
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét