Thứ Hai, 22 tháng 12, 2014

BI KỊCH CỦA DÂN TỘC VÌ KHÔNG CÓ NGÔN NGỮ CHUNG

Tô Văn Trường

 

Ngoài Kiến nghị chung của rất nhiều người dân, trí thức đã gửi lãnh đạo nhà nước, tôi mới đọc Thư ngỏ rất ngắn gọn của ba nhà khoa học nổi tiếng của Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài: Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn và Vũ Hà Văn gửi ông Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công An, ông Nguyễn Hoà Bình, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và ông Trương Hoà Bình, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đề nghị cho nhà văn Nguyễn Quang Lập được tại ngoại trong quá trình điều tra.

Lý do của Thư ngỏ rất rõ ràng, minh bạch vì ông Nguyễn Quang Lập là người có tâm với đất nước, sức khoẻ yếu, bị liệt nửa người từ hơn 10 năm nay. Việc tạm giam ông Lập không phản ánh đúng tính nhân đạo của hệ thống pháp luật và xã hội Việt Nam, tạo ra một hình ảnh xấu về Việt Nam trên trường quốc tế và các cơ quan điều tra có đầy đủ các biện pháp ngăn chặn khác để việc ông Nguyễn Quang Lập tại ngoại không làm ảnh hưởng đến công tác điều tra.

Chia sẻ với Thư ngỏ, và bức xúc việc bắt giữ ông Nguyễn Quang Lập, ông Hồng Lê Thọ có vị trưởng thượng bình luận đây là những con người cùng nguồn gốc Việt Nam nhưng có quan điểm khác nhau hoàn toàn, nói với nhau nhưng không thể hiểu nhau được. Hay nói theo cách khác: ”Bi kịch của dân tộc Việt là hiện nay không có ngôn ngữ chung”!

Chúng ta đang sống trong chế độ được mệnh danh là “của dân, do dân và vì dân” nhưng thực tế diễn ra lại trái ngược với quan điểm của Hồ Chí Minh là mong muốn cho người dân được sống tự do và có quyền được mở miệng, nhất là với các vấn đề liên quan đến quốc kế dân sinh.

Nguy cơ tồn vong của chế độ ta hiện nay về nội xâm là tham nhũng, lòng dân bất an, về ngoại xâm là hành động ngang ngược lấn chiếm biển Đông của Trung Quốc và thò bàn tay “lông lá” vào đời sống xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta không phải cực đoan, "dị ứng" bất cứ cái gì của Tàu cũng xổ toẹt tuốt tuồn tuột! Với tinh thần thực sự cầu thị, gạn đục khơi trong, cái gì hay là phải học. Những di sản văn hóa Trung Hoa và Pháp ở nước ta là cái phước chứ không phải họa.

Viết đến đây, tôi lại chợt nhớ trong Hán tự, có từ DÂN CHỦ 民主, chữ CHỦ ở dưới là chữ vương (vua) mà lại còn được chắp nối thêm cái chỏm trên đầu vua - tức là cao hơn cả vua! Còn gì bằng!

Mong rằng những người có trách nhiệm quản lý điều hành đất nước thấu hiểu ý nghĩa và vai trò của Dân ở bất kỳ thời đại nào, dù đất nước có thăng trầm, họ vẫn là người chủ của đất nước, đúng như cụ Nguyễn Trãi đã cảnh báo!

T.V.T.
Tác giả gửi BVN



1 nhận xét :

  1. Tôi thì lại hiểu khác. Sự khác nhau của ngôn ngữ là một điều bình thường, nếu không muốn nói là dấu hiệu của sự phát triển. Cái bi không ở chỗ đó, thưa anh Trường, mà ở chỗ không có sự tôn trọng trong sự khác biết đó. Chỉ có Chúa mới có chân lí. Bi kịch chính là ở chỗ đó.

    Trả lờiXóa