Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2014

10 SỰ KIỆN KINH TẾ XÃ HỘI NĂM 2014 DO VNEXPRESS BÌNH CHỌN

10 sự kiện kinh tế - xã hội năm 2014

Cuộc tìm kiếm máy bay MH370 quy mô lớn chưa từng có vừa lắng xuống, bất ổn lại nổi lên do Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981, tiếp theo đó chứng khoán rơi điểm kỷ lục và giá dầu sụt giảm sâu... Cuộc giải cứu kỳ diệu 12 công nhân hầm Đạ Dâng trước thềm Giáng sinh đã phần nào làm dịu đi một năm 2014 đầy sóng gió.

Dưới đây là 10 sự kiện kinh tế - xã hội trong năm theo đánh giá của VnExpress.

1. Thềm lục địa Việt Nam bị Trung Quốc xâm phạm

Giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa Việt Nam. Ảnh: China News.

Ngày 1/5, Trung Quốc di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu thềm lục địa Việt Nam, đẩy mối quan hệ hai bên lên đỉnh điểm căng thẳng nhất 20 năm qua. Suốt hai tháng rưỡi, Trung Quốc huy động 140 tàu, trong đó có tàu quân sự mang vũ khí cùng máy bay tiêm kích hộ tống giàn khoan, dùng vòi rồng phun nước và tàu to đâm thẳng vào các tàu Việt Nam đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền hợp pháp. Ngày 26/5, tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, ngăn cản việc cứu 10 ngư dân chới với dưới biển.

Nhiều tầng lớp nhân dân Việt Nam đồng lòng phản đối hành động ngang ngược xâm phạm chủ quyền này, thông qua các cuộc biểu tình ôn hòa khắp cả nước. "Việt Nam không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định quan điểm mạnh mẽ về vấn đề này trên diễn đàn quốc tế.

Một số cuộc biểu tình bị kẻ xấu kích động biến thành gây rối, đập phá vào giữa tháng 5 tại Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM và Hà Tĩnh, ảnh hưởng tới nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư hàng chục năm qua của Việt Nam. Gần 930 doanh nghiệp bị đốt phá nhà xưởng và gián đoạn sản xuất, thiệt hại hơn 3.120 tỷ đồng và 8,88 triệu USD. FDI vào 4 tỉnh trên sụt giảm. Khách quốc tế đến Việt Nam giảm gần 10% trong tháng 5 và tiếp tục giảm 20% trong tháng 6, xuống mức thấp nhất từ đầu năm.

Đã di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 khỏi thềm lục địa Việt Nam ngày 16/7, nhưng hơn bao giờ hết Trung Quốc bị suy giảm lòng tin về trách nhiệm gìn giữ hòa bình ở Biển Đông.

2. Chứng khoán giảm mạnh nhất 13 năm


Sự hoang mang của nhà đầu tư về triển vọng kinh tế nước nhà trước diễn biến Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan là tác nhân chính dẫn tới cú rơi điểm kỷ lục trên thị trường chứng khoán. Ngày 8/5, Vn-Index giảm gần 33 điểm, 70% blue-chip giảm hết biên độ, nhiều mã dầu khí lao dốc, nhà đầu tư theo nhau tháo chạy, không ít người mất 20-30% giá trị tài khoản chỉ trong một phiên. Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Vũ Bằng phải lên tiếng trấn an. Thị trường có dấu hiệu đi lên sau đó vài phiên rồi lại rung lắc mạnh khi nổ ra các cuộc biểu tình quá khích phản đối Trung Quốc, khiến cả tháng 5 sàn TP HCM mất 90 điểm, xóa sạch những gì tích lũy từ đầu năm. 

Đà hồi phục chỉ thực sự được củng cố kể từ quý III khi dòng tiền từ các quỹ đổ về với  kỳ vọng nới room cho khối ngoại, theo sau đó là việc hạ lãi suất và các công ty chứng khoán rộng tay hơn cho dịch vụ margin. Sau khi đạt đỉnh cao mới (Vn-Index lên 640,75 điểm) vào ngày 3/9, thị trường giai đoạn cuối năm lại tiếp tục bị thử thách bởi việc nới room bị trì hoãn và những lo ngại về tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành xăng dầu khi giá giảm. Kết thúc phiên giao dịch ngày 18/12, Vn-Index đạt 528,45 điểm, chỉ còn cao hơn ngày mở cửa đầu năm 14 điểm.

3. Giá dầu giảm một nửa


Giá dầu thô giảm từ mức 110 USD đầu tháng 7 xuống sát 50 USD một thùng vào cuối năm, khiến nhiều người nghĩ tới kịch bản tương tự của năm 2008, khi giá dầu đang ở trên 140 USD rồi xuống gần 40 USD trong vòng nửa năm sau đó, dù lý do của hai chu kỳ biến động này không giống nhau.

Trong nước, giá xăng trải qua 12 lần giảm liên tiếp, từ kỷ lục 25.640 đồng một lít vào cuối tháng 7, xuống còn 17.880 đồng vào ngày 22/12, tương đương mức giảm gần 30%. Mặt bằng giá xăng hiện nay đang thấp nhất hơn 3 năm qua, giúp chỉ số giá tiêu dùng giảm đáng kể, nhờ đó, các doanh nghiệp ngoài ngành dầu khí có cơ hội hạ giá thành và mở rộng sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, Việt Nam đứng trước nguy cơ thất thu hàng chục nghìn tỷ đồng, khi mà khai thác và xuất khẩu dầu thô đang đóng góp tới 30% ngân sách. Chính phủ tính toán, ở dưới ngưỡng 100 USD, giá dầu cứ giảm 1 USD một thùng, ngân sách sẽ hụt thu khoảng 1.000 tỷ đồng. Còn theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư - Bùi Quang Vinh, nếu giá bán xuống thấp hơn giá thành khai thác, việc cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô có thể khiến GDP giảm 0,8-1,2%, trong khi ANZ đưa ra dự báo khiêm tốn hơn - khoảng 0,4%. Giá thành khai thác một thùng dầu tại Việt Nam hiện dao động 30-70 USD. Các doanh nghiệp ngành dầu khí có thể phải đổi chiến lược khai thác nếu giá xuống dưới 50 USD một thùng.

4. Hàng loạt công trình trọng yếu hoàn thành

Tòa nhà Quốc hội - công sở hiện đại nhất Việt Nam từ sau ngày giải phóng. 
Ảnh: Giang Huy.

Tòa nhà Quốc hội mới, tọa lạc trong khu chính trị lịch sử Ba Đình và Hoàng thành Thăng Long, chính thức hoạt động vào phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII cuối tháng 10. Được xây dựng trong 5 năm với kinh phí 6.800 tỷ đồng, đây là công sở đầu tiên quy mô lớn nhất từ khi thống nhất đất nước, có tính mỹ thuật, công nghệ hiện đại; cũng là công trình lớn và phức tạp nhất từ trước đến nay được các nhà thầu Việt Nam xây dựng.

Cầu Nhật Tân - cây cầu dài nhất bắc qua sông Hồng, có tổng vốn đầu tư 13.600 tỷ đồng, được hoàn thành vào tháng 10. Dài 8,3 km với 4 làn xe, cầu được nối với đường Võ Nguyên Giáp để trở thành tuyến cao tốc đô thị đẹp nhất phía Bắc. Cây cầu cũng được coi biểu tượng của tình đoàn kết hợp tác Việt Nam - Nhật Bản.

Cách cầu Nhật Tân không xa, cao tốc dài nhất Việt Nam mang tên Nội Bài - Lào Cai được thông xe ngày 21/9, giúp rút ngắn một nửa thời gian cho phương tiện di chuyển từ Hà Nội đến Lào Cai so với trước đây. Xây dựng trong 7 năm với mức đầu tư gần 1,5 tỷ USD, tuyến đường 245 km này được kỳ vọng sẽ xóa khoảng cách chênh lệch kinh tế - xã hội giữa vùng đồng bằng sông Hồng và vùng cao Tây Bắc. 

5. Một kỳ thi quốc gia chung, nhiều bộ sách giáo khoa

Đầu tháng 9, Bộ GD&ĐT công bố phương án đổi mới thi cử, trong đó quan trọng nhất là tổ chức một kỳ thi quốc gia để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời cung cấp dữ liệu để tuyển sinh đại học, thay vì tổ chức hai kỳ thi riêng rẽ như trước đây.

Từ mùa tuyển sinh năm 2015, thí sinh phải dự thi 4 môn. Kết quả của 4 môn thi được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp và đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có các môn thi phù hợp với ngành đào tạo. 

Cuối tháng 11, dự thảo nghị quyết đổi mới chương trình và sách giáo khoa được Quốc hội thông qua. Theo đó, Việt Nam sẽ thống nhất một chương trình và nhiều bộ sách giáo khoa. Thay vì Bộ Giáo dục độc quyền, Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân cùng tham gia viết sách. Bộ sách giáo khoa được lựa chọn trên cơ sở kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia độc lập. Nhà trường, phụ huynh và học sinh được tham gia lựa chọn sách giáo khoa.

Từ năm học 2018-2019, ngành giáo dục áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới.

6. Việt Nam đón làn sóng đầu tư nước ngoài mới


Trong làn sóng gia tăng đầu tư của hàng loạt tập đoàn công nghệ đa quốc gia năm qua, đáng chú ý là sự kiện Microsoft chuyển dây chuyền sản xuất điện thoại từ Trung Quốc sang Việt Nam ngay sau khi hãng này sáp nhập đại gia điện thoại Phần Lan Nokia. Samsung với tham vọng biến Việt Nam thành cứ điểm sản xuất toàn cầu, cũng mở thêm nhà máy sản xuất màn hình điện thoại quy mô một tỷ đôla ở Bắc Ninh, đầu tư 1,4 tỷ USD vào khu công nghệ cao TP HCM, đồng thời tăng 3 tỷ USD cho tổ hợp công nghệ cao Thái Nguyên. Tổng vốn rót thêm vào các dự án Samsung đóng góp một phần ba FDI của cả nước trong năm.

Thị trường hàng tiêu dùng, đặc biệt đồ ăn nhanh, cũng là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại trong năm. McDonald's sau khi khai trương cửa hàng đầu tiên tại TP HCM đã mở thêm 2 điểm kinh doanh nữa trong vòng nửa năm. Trong khi hạn chế phát triển tại Mỹ, Starbucks lại đặt chân tới TP HCM và đồng loạt mở thêm 3 cửa hàng tại Hà Nội. Sự góp mặt của các nhà đầu tư tỷ đôla đến từ Thái Lan cũng giúp lĩnh vực bán lẻ vốn là mảnh đất màu mỡ càng trở nên sôi động trong năm qua đặc biệt với các thương vụ mua lại Metro, Family Mart và rầm rộ đầu tư vào lĩnh vực bia rượu, nước giải khát.

Môi trường đầu tư ổn định và thị trường tiêu dùng với hơn 90 triệu dân trong thời kỳ dân số vàng là sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh thế giới nhiều bất ổn. Các chuyên gia cho rằng Việt Nam đang chứng kiến làn sóng đầu tư lớn thứ 3, sau hai thời kỳ đỉnh cao là 1991-1997 và 2005-2008.

7. Doanh nghiệp Nhà nước cấp tập cổ phần hóa


Mục tiêu cổ phần hóa 432 doanh nghiệp trước hạn chót 2015 của Chính phủ khiến năm 2014 trở thành giai đoạn tấp nập chuyển đổi mô hình hoạt động trong khối quốc doanh. Sau 11 tháng, cả nước có gần 80 doanh nghiệp được cổ phần hóa, vượt con số của cả năm trước.

Cùng với các cuộc chào bán cổ phần liên tiếp trong ngành giao thông, những thương vụ bán vốn đáng chú ý nhất phải kể đến Tập đoàn Dệt may (Vinatex), Đạm Cà Mau hay Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) khi đều thu về số tiền 1.100-1.500 tỷ đồng.

Sự kiện đáng chú ý trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước trong năm 2014 là việc tách Công ty Thông tin di động (Mobifone) khỏi Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT). Đây được xem là bước đầu tiên hết sức quan trọng để cổ phần hóa doanh nghiệp từng chiếm 60-70% lợi nhuận của VNPT, đồng thời giúp tăng tính cạnh tranh trên thị trường viễn thông - vấn đề đã gây nhiều tranh luận trong nhiều năm qua.

Tuy vậy, bên cạnh những tín hiệu tích cực về mặt số lượng, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp trong năm qua vẫn được đánh giá chưa đi vào thực chất, khi nhiều doanh nghiệp sau IPO vẫn hoạt động với mô hình quản trị cũ. Tỷ lệ bán vốn Nhà nước thấp cũng được coi là chưa hấp dẫn đối với nhà đầu tư.

8. MH370 - cuộc tìm kiếm chưa từng có

Một chiếc trực thăng Mi171 của trung đoàn 971 chuẩn bị bay ra biển 
tìm kiếm dấu vết máy bay MH370.

Ngày 8/3, chiếc Boeing 777-200 số hiệu MH370 của Malaysia Airlines trên hành trình từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh (Trung Quốc) đột nhiên biến mất khi chuẩn bị vào vùng thông báo bay TP HCM.

Cùng nước chủ quản Malaysia, Việt Nam huy động phương tiện, nhân lực lớn nhất từ trước đến nay cho việc tìm kiếm cứu nạn trên không, trên biển và trên bộ, tích cực nhất trong các nước tham gia tìm kiếm là Philippines, Singapore, Mỹ, Trung Quốc.

Liên tục trong 8 ngày, 11 máy bay, 10 tàu hải quân, nhiều tàu đánh cá Việt Nam đã thực hiện 55 chuyến rà quét từng mét vuông trên diện tích 100.000 km2 mặt biển. Việt Nam cũng cấp phép cho tàu các nước Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Philippines vào tìm kiếm trong lãnh hải của mình, nhưng không thấy tung tích chiếc máy bay.

Nửa tháng sau đó, Hãng Hàng không Malaysia Airlines thông báo MH370 đã rơi ở Ấn Độ Dương và không ai trong 239 người trên khoang sống sót. Tuy vậy, không một chứng cứ thuyết phục nào được đưa ra, công việc tìm kiếm tiếp diễn đến nay mà chưa có kết quả.

9. Tai nạn hàng không thảm khốc nhất 20 năm qua

Sáng 7/7, chiếc trực thăng Mi171, thuộc Trung đoàn 916, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không Không quân chở 21 chiến sĩ, sĩ quan trên đường huấn luyện nhảy dù đã rơi ở xã Bình Yên, Thạch Thất (Hà Nội). Chỉ một người trong 21 chiến sĩ qua khỏi, với thương tích nặng nề. 

Trước khi hy sinh, phi công đã điều khiển máy bay lách qua nhà dân, tránh có thêm tổn thất, Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội, cho biết tai nạn do "sự cố kỹ thuật, không phải phá hoại từ bên ngoài".

Thiếu tướng Lê Mã Lương, nguyên Giám đốc Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam đánh giá, vụ tai nạn trực thăng Mi171 là rất thảm khốc, là tổn thất lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây cũng là vụ tai nạn hàng không làm nhiều người chết nhất trong hơn 20 năm qua.

21 chiến sĩ đã được truy tặng và tặng thưởng Huân chương chiến công, truy phong quân hàm lên một bậc.

10. Cuộc giải cứu công nhân trong hầm thủy điện

Sáng 16/12, hàng trăm m3 khối đất đá tại hầm thuỷ điện Đạ Dâng bất ngờ sập xuống, cắt đôi đoạn hầm có hơn 30 công nhân đang làm việc và chặn đường thoát của 12 người. Vị trí sập cách đỉnh đồi 70 m và được bao bọc bởi ngọn đồi rộng lớn toàn đá mồ côi. Theo Bộ Xây dựng, đây là sự cố đặc biệt nghiêm trong.

Nửa ngày nỗ lực sau sự cố, lực lượng cứu hộ mới khoan thủng một lỗ rộng khoảng 3 cm qua khối đất đá để truyền oxy, cháo, sữa vào duy trì sự sống cho12 công nhân bị kẹt bên trong. 

Lực lượng công binh Quân khu 7, thợ mỏ Quảng Ninh, cảnh sát TP HCM thay phiên nhau suốt ngày đêm đào ngách hầm vào trong. Cuộc chiến giành giật sự sống cho các nạn nhân được tính bằng giây nhưng họ chỉ được đào bằng xẻng, tay vì hầm có nguy cơ sập bất cứ lúc nào.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đến hiện trường trực tiếp chỉ đạo cứu hộ. Lệnh đào thêm một ngách bên trái được cấp tập triển khai. Ngày thứ 4 sau sự cố, tại vị trí đào sau cùng này, điều kỳ diệu đã xảy ra khi các công binh phát hiện ánh sáng ở cuối đường hầm. Bỏ qua 5 mét sau cùng chưa gia cố, các chiến sĩ tiếp cận chỗ các nạn nhân và đưa toàn bộ ra ngoài an toàn trong sự vui mừng của hàng nghìn người có mặt.

VnExpress.net

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét