Thứ Năm, 6 tháng 11, 2014

Huy Đức: QUỐC HỘI & SỨC KHỎE TÂM THẦN

Quốc Hội & Sức Khỏe Tâm Thần
Huy Đức 

Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch

Rất chia sẻ với Đoàn đại biểu quốc hội Sài Gòn, đặc biệt là với đại biểu Trần Du Lịch, người thường phải xuất hiện trước công chúng bên cạnh "đồng nghiệp" Hoàng Hữu Phước. Nhưng, các vị đã đi quá xa khi đòi ứng cử viên đại biểu quốc hội phải có giấy kiểm tra sức khỏe tâm thần. 

Đang nắm trong tay cái thế nhận quyền lực từ cử tri các vị đã mắc một sai lầm khi định trao quyền định đoạt sinh mệnh chính trị của mình cho các cơ quan hành chính.

Trao quyền lực vào tay những kẻ tâm thần là cực kỳ nguy hiểm. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân tâm thần nào cũng có thể cho các bác sĩ những triệu chứng rõ ràng, đặc biệt là tâm thần ở dạng vĩ cuồng. Cho nên, để tránh đưa vào các cơ quan quyền lực những kẻ mắc bệnh tâm thần, cách tốt nhất là phải có những thiết chế để dân lựa chọn.

Nếu như Hà Nội là một nền cộng hòa đại nghị như Chế độ tự xưng, chắc chắn năm 1988, các đại biểu sẽ đưa lý lịch sức khỏe của ông Đỗ Mười ra. Chính phủ sẽ khó rơi vào tay một người đã từng lang thang, gặm lá, leo cây. Và, đổi mới của Việt Nam sẽ không ở trong tình trạng trớ trêu: Quyền lãnh đạo giai đoạn phát triển kinh tế nhiều thành phần bị đặt trong tay một kẻ đã từng hai lần cầm búa lệnh, tiêu diệt các thành phần kinh tế.

Trong Quốc hội khóa XIII hiện có 4 người là đại biểu tự ứng cử (trong số 22 ứng cử viên tự ứng cử được đưa vào danh sách). Họ là "những bông hoa trong vườn Bác". Tuy có rất ít người tự ứng cử, nhưng hầu hết cũng đã bị các quy trình chính trị loại ra ngoài. Đảng đang kiểm soát từ tổ dân phố, bệnh viện tâm thần cho đến Mặt trận - nơi hiệp thương đưa người ứng cử vào danhsách. Không được Đảng hậu thuẫn mà tự ra ứng cử thì rất dễ đi theo Lê Quốc Quân và Lê Công Định.

Nếu cơ quan dân cử không bao gồm nghị gật, từ chính sách cho đến nhân sự, chính phủ sẽ bớt sai lầm. Nếu muốn các ông nghị không chỉ gật ở Ba Đình bọn họ phải được dân sàng lọc qua lá phiếu.

Trong bài Một đảng và Hiến pháp (đăng trên FB tháng 9-2011) tôi có đề nghị phân biệt hai loại ứng cử viên: Tự ứng cử và do một đảng chính trị giới thiệu. Người đã được một đảng chính trị giới thiệu thì đương nhiên được đưa vào danh sách bầu (sàng lọc trong nội bộ thế nào là tùy Đảng). Người độc lập tự ứng cử thì chỉ cần thu thập đủ chữ ký của một tỉ lệ cử tri thích ứng - ví dụ: 1% cử tri ở đơn vị người đó ra ứng cử. Khi đã hội đủ điều kiện này, các định chế do đảng kiểm soát như Mặt trận, tổ dân phố, báo Đảng... đều không có quyền can thiệp.

Trong quá trình tranh cử, các bên sẽ xuất hiện trước cử tri. Tiến sĩ Trần Du Lịch, luật sư Trương Trọng Nghĩa sẽ tranh luận "tay bo" với thạc sĩ Hoàng Hữu Phước. Không cần giám định, chỉ cần cho in những bài viết trong blog của nhau ra, cử tri ắt biết tình trạng sức khỏe tâm thần của từng đại biểu. Chính trị là một khoa học, mỗi nhánh quyền lực đều vận hành theo những nguyên tắc khác nhau, đưa ra sáng kiến mới không phải lúc nào cũng đúng.

Hồi cuối tháng 9-2014, báo chí ca ngợi sáng kiến thi tuyển Giám đốc sở Thông tin - Truyền thông của Bí thư Quảng Ninh. Tướng Phạm Minh Chính khi chuyển sang làm chính trị chắc cũng muốn gây tiếng vang. Trong vòng thăm dò mới nhất nghe có tên ông trong danh sách quy hoạch BCT khóa sau. Sáng kiến này không hiểu đã đóng góp bao nhiêu phần trăm cho thành tích kể trên. Tuy nhiên, nếu hiểu chức năng của hệ thống chính trị địa phương, tôi tin tướng Chính sẽ không làm như thế.

Giám đốc sở là một viên chức chính trị, được Chủ tịch tỉnh bổ nhiệm và hội đồng nhân dân phê chuẩn. Thay vì tổ chức một hội đồng thi, ông Chính chỉ cần sử dụng hội đồng nhân dân sát hạch người mà chủ tịch ủy ban lựa chọn. Thay vì tự tay làm hết, ông nên lãnh đạo hội đồng nhân dân, yêu cầu vị giám đốc sở được bổ nhiệm đó điều trần trước ban văn hóa - xã hội.

Buổi điều trần được truyền hình trực tiếp, các đại biểu sẽ chất vấn về khả năng hoàn thành nhiệm vụ của ứng cử viên; các bác sĩ ở bệnh viện tâm thần, bồ nhí, cho đến những người đưa hối lộ... sẽ lần lượt gửi hồ sơ tới hội đồng nhân dân. Nếu không giải trình được thì hội đồng sẽ không phê chuẩn.

Tôi không nghĩ, yêu cầu giám định sức khỏe của các đại biểu Sài Gòn là chỉ vì hiềm khích cá nhân; có lẽ các vị ấy đang nghĩ tới cơ quan quyền lực của dân với tinh thần trách nhiệm. Tuy nhiên, mọi cỗ máy vận hành đều có nguyên tắc của nó. Thay vì kiến nghị tạo thêm công cụ cho Chế độ hiện hành, các vị nên đòi trao đủ quyền lực cho lá phiếu của dân.

Tôi chỉ lưu ý, coi chừng cây gậy của quý vị đập phải lưng mình, nếu giữ cơ chế bầu cử hiện nay và bổ sung thủ tục các vị vừa đề nghị, khóa sau, nếu Thành ủy không giới thiệu mà quý vị vẫn ứng cử thì người nhận được tờ chứng nhận sức khỏe tâm thần có khi không phải Hoàng Hữu Phước mà lại là quý vị.

 Nguồn: FB Truong Huy San.

12 nhận xét :

  1. Bài viết của Huy Đức quá tuyệt. Quyền lực của dân phải thực giao về nhân dân quyết định.
    Tòa án còn không có quyền độc lập xét xử thì nói chi đến hội đồng giám định sức khỏe tâm thần !! Không một ai được đảng giao việc mà dám chống lại ý đồ của của đảng .

    Trả lờiXóa
  2. Người đi học lái xe từ moto 2 bánh đến các loại xe ôtô. Người xin làm CN , CNVC đều phải qua khám SK dù là hình thức . UCV QH lại không phải khám sức khỏe . Lái xe mà thiếu sức khỏe, tinh thần không vững là một nguyên nhân gây tai nạn, CNVC không đủ SK không làm việc được . ĐBQH, hay ĐB HĐND các cấp, nói chung là các chức vị trong công quyền đều phải đòi hỏi SK tốt, tâm thần không có VĐ, nếu không thì đó là những mầm họa cho Đất Nước .

    Trả lờiXóa
  3. Ơ thế Quốc hội đang họp à? Lại họp cả về khám tâm thần cho ứng viên đại biểu Quốc hội nữa à? Vậy ra, chắc có nhiều đại biểu bị tâm thần quá nên bây giờ phải khám nhỉ.

    Trả lờiXóa
  4. trình độ các nghị như vậy đúng thôi , nếu các nghi thực sự do dân bầu thì không có chuyện đó đâu , khỏi phải giám định tâm thần cho mất thì giờ

    Trả lờiXóa
  5. Huy Đức thật sáng suốt.
    Chúng ta còn nhớ anh Lê Anh Hùng đã bị vu cho là bị bệnh tâm thần như thế nào.
    Xin qua đây bầy tỏ lòng ngưỡng mộ với anh Huy Đức.

    Trả lờiXóa
  6. Tâm thần hoang tưởng, tâm thần phân liệt là hai dạng tâm thần chủ yếu được diễn giải trong y văn, thường được các bác sĩ y pháp tâm thần ghi vào kết luận giám định y pháp. Nhưng có một loại tâm thần mà y văn chưa cập nhật. Đó là thể tâm thần tin tưởng. Trong các buổi họp kiểm điểm cuối năm, hầu như 100% cb đv đều ghi "tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của đảng". Mọi người cứ nghĩ đảng là cái gì nằm ngoài con người họ, họ quên mất mình là một thành viên vủa đảng cs. Viết như vậy cũng có nghĩa là mình tin chính mình, mặc dù họ không nhận đảng là mình, mà là cái nằm ngoài ý thức của họ. Đấy, siêu hình như thế, duy tâm như vậy mà vẫn cứ nói duy vật biện chứng. Như thế rõ là TÂM THẦN TIN TƯỞNG rồi.

    Trả lờiXóa
  7. Theo tôi, chả có tâm thần tâm thiết gì ở Hoàng Hữu Phước cả. Hắn ta chính là "dư luận viên" chính hiệu. Hắn chỉ đả phá, sỉ nhục những người lên tiếng chất vấn, phản biện mạnh mẽ những chủ trương, chính sách của Đảng và Chính Phủ.

    Trả lờiXóa
  8. Vậy ra HHP mới là con cưng của Đ . Sự chọn lựa của MTTQ là đúng đấy chứ !

    Trả lờiXóa
  9. Nói Nghị Phước tâm thần thì hơi quá .Nên lịch sự chút,gọi là IC bị chập,hay bị ẩm thế thôi.
    Nghị Phước mà làm chân bưng bê ở nhà hàng của tôi,chỉ ba bữa là cho" cuốn gói".Vậy mà QH tin dùng lâu phết.
    Chấn Phong

    Trả lờiXóa
  10. Có vẻ như đây là Viện Tâm Thần mới được xây xong.

    Trả lờiXóa
  11. "nếu giữ cơ chế bầu cử hiện nay và bổ sung thủ tục các vị vừa đề nghị, khóa sau, nếu Thành ủy không giới thiệu mà quý vị vẫn ứng cử thì người nhận được tờ chứng nhận sức khỏe tâm thần có khi không phải Hoàng Hữu Phước mà lại là quý vị." Câu này quá chuẩn với tình hình hiện nay, Đảng muốn thế nào nó nên thế đó, dân đi bầu chỉ là màn kịch.

    Trả lờiXóa
  12. Trần Kiến Quốclúc 10:26 7 tháng 11, 2014

    Tri thức về chính trị học và kiến trúc thể chế của tác giả đã chỉ ra được cái nhìn rất mạch lạc về bản chất quyền lực của dân mới có ý nghĩa quyết định ai là kẻ được dân ủy quyền. Cái bệnh tâm thần hay tâm thần vĩ cuồng như tay nghị gật "trưởng giả" sáo rỗng HHP ở Sài Gòn cũng rất dễ để được dân cấp giấy chứng nhận nếu thực thi dân chủ trong bầu cử. Đúng, những trải nghiệm, trăn trở và dồn nén thời cuộc tác động vào hòan cảnh cuộc sống bản thân đã khiến ông Huy Đức tiếp cận và càng thấm thêm những giá trị phổ quát của nhân lọai nhưng lại rất mới lạ với Việt Nam đang "tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc" lên CNXH (là cái gì?!)!

    Trả lờiXóa