Thứ Bảy, 1 tháng 11, 2014

HẾT TIỀN! VIỆT NAM SẮP PHÁT HÀNH 1 TỶ ĐÔ LA TRÁI PHIẾU

VN sắp phát hành 1 tỷ đôla trái phiếu 

BBC tiếng Việt
 
 Việt Nam đang cần nguồn vốn lớn từ nước ngoài để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 

Việt Nam sắp phát hành 1 tỷ đôla trái phiếu quốc tế lần đầu tiên trong bốn năm trở lại đây, hãng thông tấn Reuters đưa tin.

Bắt đầu từ ngày 29/10, ba ngân hàng nước ngoài cũng sẽ được ủy quyền giới thiệu chương trình phát hành trái phiếu với các nhà đầu tư quốc tế, Reuters cho biết thêm.

Các cuộc họp với các nhà đầu tư tiềm năng sẽ diễn ra trong thời gian tới tại Singapore, Hong Kong, London và ba thành phố khác của Hoa Kỳ, theo tờ Thanh Niên.

Theo thông cáo trên trang web của Bộ Tài chính Việt Nam, ba ngân hàng Deutsch Bank, HSBC và Standard Chartered Bank đã được ủy quyền để giới thiệu chương trình phát hành trái phiếu với các nhà đầu tư trái phiếu nước ngoài.

Đây sẽ là lần thứ ba chính phủ Việt Nam thực hiện huy động vốn từ thị trường tài chính quốc tế.

Trước đó, Hà Nội từng huy động 750 triệu đôla thông qua phát hành trái phiếu chính phủ vào năm 2005.
Số trái phiếu này sẽ đáo hạn vào năm 2016. Tuy nhiên, do Vinashin được cho vay lại toàn bộ số trái phiếu nói trên và khoản vay đã không được sử dụng hiệu quả, nên hầu như không có khả năng trả nợ cho chính phủ.

Trong năm 2010, Hà Nội tiếp tục phát hành 1 tỷ đôla trái phiếu kỳ hạn 10 năm với lãi suất 6,75%/năm.
Số tiền này sau đó được cho một số tập đoàn kinh tế lớn như Dầu khí, Điện lực, Vinalines vay lại.

Quốc gia Đông Nam Á này đang cần nguồn vốn lớn để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, vốn được dự đoán là sẽ đạt mức 5,8% trong năm nay và 6,2% trong năm 2015.

Tổ chức đánh giá tín dụng Moody's gần đây mới nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam lên một bậc, từ B2 lên B1. Trong khi đó mức đánh giá tín nhiệm đối với Việt Nam hiện nay của Standard & Poor là BB.

Cả hai tổ chức trên đều đánh giá mức xếp hạng hiện nay có triển vọng 'ổn định'.

Các nhà đầu tư sẽ có cuộc họp đầu tiên vào ngày 12/11. Phương thức giao dịch quốc tế theo chuẩn Rule 144A hay Regulation S của Mỹ có thể sẽ được áp dụng sau đó.

"Tôi nghĩ điều này sẽ nhận được nhiều sự quan tâm ... Nền kinh tế đã ổn định một cách đáng kể trên nhiều lĩnh vực", ông Rajeev De Mello, một quản lý của quỹ đầu tư Schroders tại Singapore được Reuters dẫn lời nhận định.

Nợ công tiếp tục tăng

Quyết định phát hành trái phiếu được đưa ra giữa lúc nợ công của Việt Nam vẫn đang tiếp tục tăng.

Hôm 29/10, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng được dẫn lời trong một thông cáo trên trang web chính phủ cho biết 98% khoản nợ này đang được sử dụng cho mục đích đầu tư phát triển.

Trước đó, trong một báo cáo trước Quốc hội hôm 20/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết nợ công sẽ tăng đến 60,3% đến cuối năm 2014, cao hơn mức 54,2% hồi năm ngoái.

Nợ nước ngoài được dự đoán là sẽ tăng lên 39.9% so với GDP vào cuối năm 2014, cao hơn so với mức 37,3% năm ngoái, theo một báo cáo của chính phủ.

Mức này được dự đoán là sẽ tăng đến 64,9% vào năm 2016 trước khi giảm xuống còn 60,2% vào năm 2020.
  

 

2 nhận xét :

  1. Tôi có nghe nói (không nhớ rõ tên quan nào) dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang ở mức 30 tỷ USD, vậy sao không đem ra dùng mà phải chịu đi vay với lãi suất khủng 6,75 %/ năm để rồi mà chết sao?

    Trả lờiXóa
  2. Nghe 1 tỉ đô ( hơn 20 ngàn tỉ VNĐ ) có vẻ lớn, nhưng có lẽ không đủ chi trả lương cho CN các dự án lớn trong 1 tháng ! Kho bạc rỗng tuếch rồi sao ? Nào là dự trữ ngoại tệ tăng, ngân hàng dư tiền không có khách vay, lãi suất giảm, thuế thu được nhiều hơn năm trước . Thế mà NN phải phát hành trái phiếu 1 tỉ đô !

    Trả lờiXóa