Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

RFA PHỎNG VẤN NGUYỄN XUÂN DIỆN VỀ CUỐN SÁCH CỦA BỘ NGOẠI GIAO

Sai lầm của cuốn sách từ Bộ Ngoại giao

Mặc Lâm - RFA thực hiện

TS Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện vừa gửi một thư yêu cầu Bộ Ngoại Giao Việt Nam ngưng phát hành cuốn sách mang tên “Tuyển tập các Châu bản triều Nguyễn về thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” vì những sai sót nghiêm trọng của nội dung cuốn sách có thể phản lại những cố gắng mà Bộ Ngoại Giao mong đạt tới. Mặc Lâm có cuộc phỏng vấn TS Nguyễn Xuân Diện về vấn đề này. 

Mặc Lâm: Mới đây chính TS đã đích thân đến Bộ Ngoại Giao để chuyển thư yêu cầu ngưng phát hành cuốn sách mà Bộ này đã phát hành. Xin TS cho biết nội dung phản đối này là gì?

TS Nguyễn Xuân Diện: Sáng hôm nay tôi có đến trụ sở của Bộ Ngoại giao Việt Nam ở số 1 Tôn Thất Đàm , Ba Đình. Mục đích của chúng tôi là chuyển đến ông Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao văn thư đề nghị thu hồi toàn bộ số sách đã phát hành và không cho lưu hành cũng như lưu trữ cuốn “Tuyển tập các Châu bản triều Nguyễn về thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” vì những sai sót nghiêm trọng của cuốn sách về mặt kiến thức.

Như mọi người đã biết, cuốn sách này in bằng 4 thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp, Hoa và bản gốc chữ Hán Nôm nữa. Sách được in 2.000 bản tại nhà xuất bản Tri Thức, phát hành quí II năm 2013 và ghi rõ là sách không bán. Cuốn sách này do Ủy ban Biên giới Quốc gia chủ trì biên soạn mà  người đứng ra chủ trì là ông Trần Duy Hải, phó chủ nhiệm của Ủy ban này. Đây là cuốn sách quan trọng liên quan đến các văn bản Châu bản về thực thi quyền chủ quyền của Việt nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà những người làm cuốn sách này không hiểu thế nào là Châu bản, họ đã đưa một văn bản không phải là Châu bản vào trong cuốn sách này. Đó là tờ lệnh Lý Sơn, một văn bản không phải là Châu bản.

Mặc Lâm: Xin TS vui lòng giải nghĩa Châu bản là gì để quý thính giả tiện theo dõi.

TS Nguyễn Xuân Diện: Châu bản là những văn bản mà trên đó phải có châu phê, tức là những lời phê của nhà vua, mà những lời phê này phải là những lời phê bằng mực son (mực đỏ)[châu = chu = son đỏ; phê = lời phê]. Chúng ta cũng biết là trên các văn bản, tấu biểu ngày xưa đều được viết bằng bút lông với màu mực đen trên giấy bản; Các tờ tấu, biểu của các nơi gởi về thì nhà vua sẽ phê duyệt vào các bản tấu và lời phê của nhà vua bao giờ cũng ngắn gọn và bao giờ cũng viết bằng mực son. Những bản đó chỉ là độc bản có nghĩa là chỉ có một bản duy nhất, không có thêm một bản thứ hai nào nữa.
Trong cuốn sách có đưa vào văn bản tờ lệnh Lý Sơn đã được phát hiện ở Lý Sơn năm 2009 và tôi cũng đã có bản dịch cùng bản khảo cứu công bố rộng rãi trên báo chí, nhưng văn bản đấy không phải là Châu bản. - TS Nguyễn Xuân Diện
Giá trị của những bản này vô cùng quí báu vì đây là văn bản thể hiện quan điểm, ý kiến hoặc là ý chí chính thức từ triều đình, từ các cấp nhà nước đối với các vấn đề được nêu lên trong các bản tấu chương đó.

Mặc Lâm: Như vậy thì Châu bản mà cuốn sách xác định đã không đúng với tinh thần mà TS vừa nói có nghĩa là nó bị gán ghép hai chữ Châu bản vào nội dung tờ lệnh Lý Sơn?
.
 Một trang Châu bản, trên có châu phê của Vua Thiệu Trị

Ngay cả lời phê bằng chữ Quốc ngữ của Vua Bảo Đại cũng màu đỏ (châu phê)

TS Nguyễn Xuân Diện: Trong cuốn sách có đưa vào văn bản tờ lệnh Lý Sơn đã được phát hiện ở Lý Sơn năm 2009 và tôi cũng đã có bản dịch cùng bản khảo cứu công bố rộng rãi trên báo chí, nhưng văn bản đấy không phải là Châu bản. Vậy mà vẫn được đưa vào trong cuốn sách này, không biết vì sao.

Mặc Lâm: Còn những cái sai khác về triều Nguyễn mà cuốn sách đã viết ra TS thấy có nghiêm trọng lắm hay không?

TS Nguyễn Xuân Diện: Có một điều vô cùng nghiêm trọng ở ngay trang thứ hai trong lời giới thiệu của ban biên tập: “Vua Gia Long tạ thế năm 1819, cháu nội là Nguyễn Phúc Đảm lên ngôi năm 1820 lấy hiệu là Minh Mạng”. 

Ở đây có 3 cái sai:

Cái sai thứ nhất là Vua Gia Long không tạ thế năm 1819 mà là 1820; 1819 là năm dương lịch, mà ở bên đây phải là năm âm lịch [Sử chép Gia Long mất ngày ngày 19 tháng Chạp năm Kỷ Mão (tức ngày 3 tháng 2 năm 1820) hưởng thọ 59 tuổi, ở ngôi 18 năm, Chứ không phải mất năm 1819 tháng Chạp lịch âm thì vẫn là kỷ mão, nhưng Tây lịch đã là tháng 2 rồi]

Cái sai nữa cũng rất nghiêm trọng đó là ai cũng biết vua Minh Mạng là con của Vua Gia Long thế mà ở đây là Vua Minh Mạng được viết là cháu nội của Vua Gia Long. 

Cái sai thứ ba là “lấy hiệu là Minh Mệnh” mà đúng ra thì phải là lấy “niên hiệu là Minh Mệnh” vì hiệu là tên hiệu, ai cũng có thể có tên hiệu, còn niên hiệu thì chỉ có nhà vua mới có niên hiệu vì đó là niên hiệu cho triều đại trong thời gian trị vì của mình. 

Đây là một sai lầm không thể tưởng tượng được và không thể đổ cho lỗi đánh máy được. 

Hình thức  

Mặc Lâm: Đó là nội dung còn hình thức có gì đáng nói không thưa TS? 

TS Nguyễn Xuân Diện: Ngay cả tờ bìa của cuốn sách này thì phần tiếng Anh bị dịch sai, phần tiếng Trung quốc thì đã bỏ sót 2 chữ “triều Nguyễn”. Như vậy người ta chỉ biết đây là những Châu bản chứ không biết Châu bản của triều nào. Bên cạnh đó là đầy dẫy những lỗi cơ bản về dịch thuật, về văn phạm cũng như là các lỗi về in ấn nữa. Vì vậy chúng tôi thấy rằng cuốn sách này không nên để cho lưu hành.

Cuốn sách được in bằng 4 thứ tiếng, ghi là sách không bán và đây là sách do nhà nước bỏ tiền để biên soạn, in ấn và chủ yếu là để biếu tặng trong các hoạt động đối ngoại, các sứ quán hoặc các đoàn ngoại giao. Những lỗi như thế này là không thể chấp nhận được nhất là chúng ta đang đấu tranh chủ quyền và đặc biệt là về vấn đề này với nhà cầm quyền Trung quốc.

Trong khi đó nhà cầm quyền Trung quốc sử dụng những chuyên gia và những học giả lão luyện về công tác văn bản học với một truyền thống rất lâu đời mà nếu chúng ta hớ hênh như thế này thì khi mình đưa ra thì họ sẽ cười chê vào trình độ học thuật của những nhà khảo cứu người Việt Nam với những vấn đề như thế này.
Bên cạnh đó là đầy dẫy những lỗi cơ bản về dịch thuật, về văn phạm cũng như là các lỗi về in ấn nữa. Vì vậy chúng tôi tin rằng cuốn sách này không nên để cho lưu hành. - TS Nguyễn Xuân Diện
Mặc Lâm: Xin được quay lại với những Châu bản triều Nguyễn, theo TS thì sự quan trọng của Châu bản ảnh hưởng thế nào đến tài liệu lịch sử để có thể lấy chúng để chứng minh chủ quyền của Việt Nam?

TS Nguyễn Xuân Diện: Những Châu bản liên quan đến việc Việt Nam đưa ra để thực thi chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa rất quan trọng. Thứ nhất nó là độc bản, đó là bản duy nhất không có bản thứ hai. Thứ hai nó là những bản có lời phê của nhà vua, là người đứng đầu nhà nước phong kiến ngày xưa và họ chịu trách nhiệm toàn bộ về những vấn đề đó, những lời phê đó trước lịch sử, toàn thể đất nước cũng như toàn thể quốc gia. Châu bản, bên cạnh những giá trị nghiên cứu quí giá như vậy nó còn thể hiện ý chí của nhà vua cũng như về mặt thư pháp, tức là về mặt văn hóa còn thể hiện được di bút của nhà vua mà chúng ta chỉ có thể nhìn thấy trên Châu bản mà thôi.

Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.

Nguồn: RFA.

16 nhận xét :

  1. Đọc hết bài trả lời phỏng vấn của TS Nguyễn Xuân Diện bây giờ tôi mới hiểu thế nào là Châu bản, châu phê. Nếu là hàng xóm của TS Diện thì tôi sẽ chăm trà nước với ông để học hỏi đôi điều.
    Kính chúc GS ( do tôi phong) Diện mạnh khỏe !

    Trả lờiXóa
  2. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, CHHV, Nguyễn Quang A và rất nhiều các nhân sĩ trí thức khác luôn đau đáu với quê hương, đất nước vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Thế mà luôn bị coi là "thế lực thù địch. Vậy thì xin hỏi các nhà lãnh đạo: Ai là "ta" và "ta" vì cái gì ?

    Trả lờiXóa
  3. Thế thì sách biếu tặng này nên gọi là Sâu bản,chỉ cần chữa ngay ở bìa khỏi cần đính chính như"cái lá tre"nữa

    Trả lờiXóa
  4. Là bạn đọc tôi có nhận định như sau: " Nhà nước ta đặc biệt là Bộ ngoại giao cũng nên xem lại có đúng như TS đã nói không? nếu đúng thì ta nên thu hồi gấp. Còn nếu sai thì đem TS ra trách móc, thậm chí kỷ luật TS hán nôm này."
    Tôi thì không am hiểu bản Châu, bản chấu gì nhưng đang đúng trong giai đoạn đất nước hiện nay thì nhân tài không có đất dụng võ..!??

    Trả lờiXóa
  5. Tước tiên xin cám ơn Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện đã bổ giúp cho độc giả hiểu những khái niệm và kiến thức về lịch sử. Bàn về cuốn sách của bộ ngoại giao phát hành tôi rất ngạc nhiên khi thấy những tác phẩm mang tính học thuật cao - hơn nữa còn là những minh chứng lịch sử về chủ quyền... quan trọng - mà lại không được đánh giá toàn diện rồi hẵng xuất bản, khi sai sót lại chỉ đính chính bằng vài dòng sơ sài cho có lệ chứng tỏ sự luộm thuộm thiếu tôn trọng độc giả...Ôi dịch ra những mấy thứ tiếng, mang chuông đi đánh xứ người thế mà lại tệ hại như vậy...Không tưởng tượng được....!

    Trả lờiXóa
  6. Tôi không dám lạm bàn về phần tiếng Việt, tiếng Pháp, và tiếng Hoa. Nhưng riêng về phần tiếng Anh, tôi xin có ý kiến như sau, với một thí dụ để các bác không quen thuộc với tiếng Anh dễ hiểu.

    Ở bên Mỹ có một lớp "luận văn" gọi là Advanced Placement English Composition. Thường thì học sinh khá lấy lớp này ở lớp 11 hay lớp 12. Thằng con trai tôi lấy lớp này lúc cháu 13 tuổi. Tôi biết nếu trong lớp này mà cháu viết một bài văn với trình độ tương tự như bản dịch tiếng Anh của cuốn sách mình đang thảo luận, thì cháu sẽ không nộp bài văn đó. Xấu hổ lắm.

    Trả lờiXóa
  7. - Thật giật mình ! Nếu TS Xuân Diện đúng thì Bộ ngoại giao (nói chung thế) thật đáng trách, và fải biết ơn TS Xuân Diện. Vì đây là "bộ mặt" đất nước, "đem chuông đi đánh nước người" cơ mà.
    - Nếu TS Xuân Diện đúng thì cũng thương thay cho "công tác cán bộ"- người tài chả dùng (còn cho là thù địch), dùng những kẻ đầu luôn cúi gằm thì không sai kg lẫn mới là lạ.
    - Thế mới thấy thời Phong kiến còn chặt chẽ chính xác hơn vạn lần thời loạn, ẩu bây giờ. Tiếc thay !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ba Cầu Muối, Saigonlúc 03:57 17 tháng 10, 2013

      Trong Ban Biên Giới từ ô. Ts Trần Công Trục đến mấy ông chủ biên cuốn sách tên là gì ( quên mất ) dính đến Hoàng Trường Sa, sao bộc lộ nhiều cái có thể nói là ngu dốt đến thế . Hèn chi bị TQ xỏ mũi cho, làm Đất Nước ta bị thiệt thòi quá lớn . Công việc đọc sách mà không xong, viết tiếng nước ngoài còn tệ hơn con nít mà làm ở BNG, làm ở Ban BGCP . Thật không thể hiểu nổi ? những kẻ ABC mà vẫn được phong là tiến sĩ thì còn gì là quốc thể ? Chỉ là quốc nhục mà thôi !
      Cho nên giở lại tàng thư những lời tuyên bố của cựu PTT Nguyễn mạnh Cầm đến nguyên TBT Nông Đức Mạnh , tuyên bố những câu ngớ ngẩn về Hoàng Sa, Trường Sa, thấy mà nhục cho Đất Nước !

      Xóa
  8. Cái sai này tôi cho là bình thường ở xứ sở 'thiên đường' này, đây do người có tâm huyết đích thực như TS Nguyễn Xuân Diện vì lòng tự trọng dân tộc cao chịu khó đọc và yêu cầu BNG thu hồi,
    Theo tôi phần đa nói và làm của đầy tớ dân này đều không thể chấp nhận,' Thiên đường' hoang tưởng mà - đúng mới là lạ!.

    DÂN NGHỆ

    Trả lờiXóa
  9. Thật là kinh khủng nhỉ, chả lẽ Bộ Ngoại giao, lại ko có người thẩm định?

    Trả lờiXóa
  10. nguoi khong khoanh taylúc 00:14 17 tháng 10, 2013

    Đến "hiến pháp" mà còn đầy rẫy báo chính thống in thành "hiếp pháp", thì hỏi còn còn cái gì mà không sai ạ?

    Trả lờiXóa
  11. Kính bác Diện (hay bác nào biết thì trả lời giúp em),

    Trong cuốn sách của bộ Ngoại Giao, có nói đến Đại Nam Thực Lục Chính Biên, dịch sang tiếng Anh là The Truthful Accounts of Dai Nam Present Dynasties. Bác làm ơn cho em biết nghĩa của chữ "Thực" và chữ "Chính" ở đây.

    Nhà em hỏi vì thấy cái tựa bằng tiếng Anh có vẻ... kỳ kỳ, nhất là ở hai chữ "Truthful" và "Present", nhưng không biết "kỳ kỳ" ở chỗ nào.

    Cám ơn bác.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhà em thấy tự trả lời cái post của mình thì hơi... kỳ kỳ, nhưng nhà em nghĩ ra rồi. Đại Nam Thực Lục Chính Biên phải dịch là The Royal Chronicles of Dai Nam.

      "Royal" vì sách này viết theo lệnh của nhà vua, chủ yếu ghi lại những công việc của nhà vua hay hoàng gia. Đây là cuốn sách "chính thức" ("chính biên").

      "Chronicle" là cuốn sách ghi lại mọi việc xảy ra theo thứ tự thời gian, không thêm bớt, không bình luận ("thực lục").

      Bác nào có cách dịch hay hơn làm ơn góp ý.

      Xóa
  12. Ủa giặc dốt ngày xưa Bác Hồ triệt để lắm mà, sao đến giờ còn sót nhiều thế, mà khổ nỗi dốt mà làm việc đòi hỏi kiến thức nữa chứ, thôi cho về làm khuân vác, phụ nhà hàng, quán cơm cho hợp.

    Trả lờiXóa
  13. Trời ơi là Trời ! "Đại Nam Thực Lục Chính Biên" được dịch thành "The Truthful Accounts of Dai Nam Present Dynasties" (!) trên 1 tài liệu của Bộ Ngoại Giao quốc gia !

    Hết ý kiến !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. CHẲNG NHẼ HỌC TẠI CHỨC CẢ SAO?

      Xóa