Thứ Hai, 5 tháng 8, 2013

Đào Tiến Thi: NHỚ LẠI NGÀY LÂM QUỐC SỰ NẠN CỦA CON TÔI

Đào Lê Tiến Sỹ trong cuộc biểu tình ngày 8.7.2012

NHỚ LẠI NGÀY LÂM QUỐC SỰ NẠN CỦA CON TÔI
(Kỷ niệm một năm cuộc biểu tình ngày 5-8-2012)

Đào Tiến Thi

“Quốc thổ trầm luân dân tộc tụy
Nam nhi hà sự phạ Côn Lôn”[i]
(Đất nước trầm luân, dân tộc đau khổ;
Làm trai nào sợ đến Côn Lôn)

“Nam nhi” tôi không “phạ Côn Lôn”, “nam nhi” tôi thẳng tiến vào trại Lộc Hà”
(Nhật ký “Tôi đi biểu tình ngày 5-8-2012” của Đào Lê Tiến Sỹ)
Sát cánh với con trai ngày 5-8-2012
Trước cuộc biểu tình lần thứ ba (22-7-2012), tôi đã có tuyên bố không đi.
Tôi vẫn chủ trương không đi cho đến khi có một sự thay đổi đáng kể (ví dụ nhà cầm quyền chấm dứt đàn áp hay Trung Quốc gây hấn đến mức không thể ngồi yên được nữa). Tuy không biểu tình nhưng tôi vẫn định đi chụp ảnh và tường thuật. Ác thay, đến sát ngày thì bị sốt viêm họng. Cũng sơ sài thôi, vì đây là bệnh quen thuộc của tôi, nhưng tôi biết nếu đi dãi nắng và hô hét thì về thế nào cũng ốm nặng hơn. 

Tôi không đi nhưng con trai tôi vẫn kiên quyết đi và tôi đã đồng ý để cháu đi, mặc dù trong lòng đã dự đoán điều chẳng lành.
7g30 cháu đã ba lô, nai nịt tề chỉnh, chào bố mẹ bước ra cửa, nhưng chúng tôi bảo đừng ra sớm quá. Nếu họ chủ trương đàn áp triệt để, mình ra sớm quá có thể sẽ bị hốt ngay chưa biết chừng. Vậy nên cố giữ nó đúng 8g00 mới cho đi. Mẹ nó phấp phỏng chạy theo ra tận chỗ xe bus đỗ để tiễn chân và dặn dò thêm.

8g41, cháu nhắn về: “Mọi người đang tập trung lại nhưng có lẽ không hình thành được đoàn biểu tình. Nghe nói chú Lê Dũng bị bắt rồi”. Vậy là họ kiên quyết dẹp biểu tình. Tôi nhắc cháu: “Thôi tùy cơ ứng biến”.
8g56, tin nhắn về: “Con bị hốt lên xe bus rồi”. Tin ấy làm mẹ cháu rụng rời nhưng rồi cũng trấn tĩnh lại được ngay vì tôi vẫn tỏ ra bình thản (tuy trong lòng cũng ít nhiều bối rối). Một điều làm tôi yên tâm là cùng bị bắt lên xe có anh Nguyễn Tường Thụy, cô Phương Bích, những người từng bị bắt nhiều lần, rất can đảm và giàu kinh nghiệm. Tôi điện luôn cho hai “biểu tình viên” dày dạn này, nhờ trông nom giúp đỡ cháu.
Con tôi tỏ rất bình tĩnh. Cháu luôn nhắn về: “Bố động viên mẹ giúp con nhé”. Lúc cháu nhắn về xe đang qua cầu Chương Dương thì ông Takahashi, phóng viên hãng Jiji Press, người Nhật mà tôi quen trong cuộc biểu tình hôm 8-7-2012, gọi điện hỏi về cuộc biểu tình hôm nay. Chả là ông nghe tin có biểu tình mà sao ra Bờ Hồ lại không thấy gì. Tiếng Anh của tôi vốn đã ít ỏi lại thêm gần hai chục năm nay không nghe, không nói nên bây giờ gần như đã điếc trở lại, cộng thêm tâm trạng bối rối, thành ra nói mãi mới ra được cái đại ý: Hôm nay tôi ở nhà, chỉ có con trai tôi. Cháu vừa ra đến nơi đã bị bắt lên xe bus. Xe đang qua cầu Chương Dương, không biết họ đưa đi đâu. Ông không thấy gì ở Bờ Hồ vì cuộc biểu tình đã dẹp trước đó chừng 15 phút rồi.
Xe chạy vào Trung tâm Lưu trú Lộc Hà. Cháu nhắn tin về: “Con và mọi người vẫn vui vẻ”. 10g15: “Mọi người vẫn tụ tập nói chuyện bố ạ”.
Lúc mới đến trại Lộc Hà (sáng 5.8.2012)
11g20, bắt đầu công an gọi “làm việc”. Cháu bảo: “Họ quát mắng, dọa dẫm nhưng con vẫn bình tĩnh”.
11g45, tôi hỏi: “Liệu được về trưa nay không con?”. “Chắc là không bố ạ. Vì thấy họ mua cơm cho người bị giam rồi”. Như thế là tình hình bất bình thường. Chắc chắn vất vả hơn cuộc tôi vào đồn Mỹ Đình 17-7 năm ngoái, tôi nghĩ vậy. Cháu vẫn rất bình tĩnh và nhắn về: “Bố không cần sang đâu”, nhưng tôi bảo: “Bố sẽ sang ngay với con bây giờ”. Tôi chuẩn bị gấp mấy thứ cần thiết, đem cả quần áo của cháu và tôi, để đề phòng bị giữ đến mai. Và mặc dù nhà đang có khách ở quê xuống chơi, tôi ăn vội cơm trưa trước rồi ra bắt taxi.
Cháu vẫn liên tiếp nhắn tin về bảo bố không cần sang. Nó còn bảo: “Sang thì biết chờ đến bao giờ. Mà hôm nay nắng nóng lắm”. (Hôm ấy nóng 370 C).  Tôi thấy lòng đau nhói. Vừa thương vừa cảm phục con trai tôi, hãy còn mặt bấm ra sữa, lần đầu tiên lâm nạn quốc sự mà vẫn bình tĩnh, vẫn thương bố lắm bệnh tật, hôm nay lại đang ốm, không chịu nổi nắng nóng. Nhưng lần này căng thẳng khác thường lắm, tôi ngồi yên ở nhà sao được.
12g30, khi tôi đang trên đường sang Lộc hà, cháu báo tin về vẫn chưa được ăn cơm. Tinh thần cháu vẫn tốt. Vẫn bảo: “Bố chưa cần sang ngay”.
Trước cổng trại Lộc Hà, 4 công an đứng gác, bất cứ xe nào chạy lại gần, có ý muốn đỗ, họ cũng chạy ra xua tay, bắt chạy cách xa mới được dừng. Đối diện cổng trại có một cái quán bỏ không, khoảng gần chục người đứng ngồi mệt mỏi. Sau này mới biết quán bị công an cấm bán. Như thế cũng may là có chỗ trú chân cho người đợi, mặc dù quán lợp tôn, khá nóng. Tôi nhận ra mẹ con cô Nga, chị Hiền Giang, chú Trương Ba Không, cô Lan giáo viên Toán,... toàn những “biểu tình viên” quen thuộc. Cô Lan đi đón con gái cũng bị bắt. Con cô mới 15 tuổi nên họ gọi gia đình đến nhận “bảo lãnh” rồi cho ra. Cháu khoe ngay với tôi: “Anh Sỹ nhà bác giỏi lắm. Đấu lý với công an vanh vách, họ phải nể đấy”. Cả hai mẹ con cô Lan không về mà ở lại chờ những người chung nạn nước còn bị giam trong kia.
Không khí buổi chiều khá căng thẳng. Tôi dặn con không ký vào giấy tờ gì hết vì họ bắt trái phép. Còn nếu bị ép quá thì có thể ký “biên bản làm việc” (chứ không phải “biên bản vi phạm”), phải ghi lại trung thực những gì xẩy ra và mỗi bên giữ một bản. Cần đọc kĩ kẻo họ gài vào đó những nội dung mà sau này có thể buộc tội mình. Thực ra có lúc tôi cũng bối rối, không biết nên khuyên cháu phải thế nào. Bảo “nhu” thì hoá ra mình nhận tội, mà cứ “cương” thì vất cho nó quá.
15g00, con tôi thông báo vừa “làm việc” xong. “Buổi chiều mới là chính thức, căng thẳng bố ạ. Con không ký vào “lời khai”. Tôi bảo: “Giỏi lắm”. Nhưng nó bảo: “Chưa hết đâu. Hình như sắp sửa chụp ảnh hay lăn tay, hay là cái gì đó nữa”. Tôi bảo cháu: “Con không ký là tốt rồi; còn những việc khác, con kịch liệt phản đối, nhưng nếu họ cố cưỡng bức thì cũng không nên chống lại quá sức, có thể nguy hiểm cho mình”.
15g39: Cháu nhắn ra: “Con bị ép phải lăn tay bố ạ. Khoảng chục người bị ép lăn tay, chủ yếu là thanh niên”. Ngay sau đó cháu rất ân hận, vì có người kiên quyết chống lại thì họ cũng không làm gì được. Tôi an ủi: “Thôi cũng không sao cả, vì hành động này mang tính cưỡng bức. Mình không phải chịu trách nhiệm về hành động cưỡng bức của họ”. Tuy vậy, lòng tôi đau như cắt. Họ thật độc ác và đê tiện. Tôi nghĩ đến câu thơ của ông Tố Hữu làm lúc trong tù, vừa hai mươi tuổi:
Hai mươi tuổi mới qua vòng thơ bé.
Con tôi mới 19 tuổi, đến chỗ đông người còn ngại. Thế mà nay phải đối mặt với hàng chục con người đầy thủ đoạn, đầy bạo lực, và nhất là bất chấp luật pháp. Họ là  công cụ của một cỗ máy đàn áp đồ sộ và đầy “bản lĩnh”, dám chấp cả thế giới còn lại (dĩ nhiên là trừ Trung Cộng).
15g45, cháu nhắn: “Họ ép ký vào biên bản gây rối trật tự công cộng nhưng con không ký”. “Tốt lắm! Kiên quyết không ký, dù họ có giam thêm mấy ngày. Bố sẽ ở tại đây với con”.
16g26, trong trại đưa tin ra: có một ông công an ra tuyên bố giải tán, sau khi đã “cảnh cáo” về tội “gây rối trật tự công cộng”! Bị mọi người phản đối, ông ta chuồn rất nhanh. Sau đó tất cả số công an Hoàn Kiếm còn lại đều chuồn như vậy. Tôi mừng sắp được gặp con, nhưng nó nhắn ra: vẫn còn một chú Việt kiều chưa được thả nên tất cả ở lại đấu tranh”. Tôi bảo: “Phải thế chứ, bố sẵn sàng chờ ở ngoài này, qua đêm cũng được”.
Khoảng 17g30 thì anh Ngoan, Việt kiều ở Thuỵ Sỹ về thăm quê, cũng là người cuối cùng được ra. Anh vóc người cao lớn, thần thái rắn rỏi, rất đàn ông, nhưng nét mặt đầy mệt mỏi. Tôi nghe nói anh bị bắt không phải vì tham gia biểu tình. Cũng không phải bị bắt nhầm. Mà vì anh chứng kiến cảnh bắt người quá thô bạo nên có lời khuyên phải chăng, thế là bị túm luôn lên xe bus. Anh cho biết hiện còn bị giữ máy tính, điện thoại, máy ảnh. Mọi người băn khoăn: phải đấu tranh để được trả những thứ ấy ngay tại đây, chứ để trong tay công an thì họ sẵn sàng cài cắm cái gì đó vào, nếu muốn buộc tội. Tất cả mọi người tập trung quan tâm trường hợp anh Ngoan. Cụ Lê Hiền Đức gọi cho các vị lãnh đạo công an nhưng không có hồi âm gì. Lê Dũng từ lúc được thả ra liên tiếp trả lời các hãng tin nước ngoài. Bác Phi Khanh, phóng viên báo Người cao tuổi, với sự dày dạn kinh nghiệm của mình, lên tiếp tư vấn cho anh Ngoan, đưa ra nhiều cách giải quyết để anh lựa chọn. Nhưng anh không biết lựa chọn cách nào. Vì anh vô cùng bối rối trước những cảnh quái gở, vô pháp luật, vô đạo lý, không thể lường được, không thể tưởng tượng được lại xảy ra ở ngay trên chính xứ sở đất nước mình. Có người bảo anh là công dân Thụy Sỹ, chính quyền không dễ dám làm như đối với người Việt Nam đâu. Nhưng tất cả đã nhầm. Việc đã không được giải quyết đàng hoàng mà mấy hôm sau truyền thông còn có bài vu cáo, bôi nhọ anh.
Cuối cùng, trước khi chia tay, số vừa được thả lẫn số đi đón làm ngay một cuộc biểu tình tại cổng trại Lộc Hà. Rất hoành tráng. Nguyễn Xuân Diện sau một thời gian dài căng thẳng đối phó với nạn “thương binh nặng” và quyết định thanh tra của Sở 4T, hôm nay phấn khích hô to: “Đả đảo Trung Quốc xâm lược”.
Chia tay Lộc Hà (chiều tối 5.8.2012)
Hai bố con bắt xe bus, về đến nhà đã gần 8 giờ. Đang tắm thì cháu gọi: “Bố ơi, cô giáo bí thư Đoàn nhắn tin bảo mai vào trường ngay có việc; con hỏi việc gì thì cô không nói, bảo vào khắc biết. Trả lời thế nào bố?”. Tôi bảo: “Con nói ngay với cô rằng em đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, bị công an bắt giam một ngày, vừa được thả, rất mệt, hẹn cô ngày kia làm việc”.
Vừa ngồi vào mâm cơm (đã nguội tanh) thì bác công an khu vực đến. Tôi không mở cửa ngay mà bảo: “Hành chúng tôi suốt một ngày rồi, chưa đủ hay sao? Bác cần gì nói luôn đi”. Nhưng bác công an này (vốn hiền lành) vẫn ôn tồn: “Không có việc gì đâu. Nghe tin cháu bị bắt, tôi đến thăm thôi”. “Vâng nếu chỉ đến thăm thì mời bác vào”. Trong câu chuyện, có lúc tôi trút vào bác tất cả nỗi phẫn nộ đối với hành động đàn áp người biểu tình, như chính bác ta là thủ phạm, nhưng bác cũng chỉ im lặng.     
Vài chuyện hậu biểu tình 5-8-2012
Những ngày sau đó, hai bố con tôi lâm vào cảnh “tứ bề thọ địch”:
– Ban chủ nhiệm khoa Ngữ Văn mời cả hai bố con đến làm việc (sau đó công an còn tiếp tục đến làm việc với lãnh đạo khoa, về những chuyện gì không rõ).
– Hai anh an ninh xưng là ở A67 đến làm việc với tôi (vừa căng thẳng, vừa hài hước, sẽ kể khi nào có điều kiện)
– Sếp tôi gọi tôi làm việc (sau khi tôi gửi kiến nghị lên Bộ trưởng Giáo dục).
– Các anh chị, các cháu tôi (rất đông đảo) ở quê tới tấp gọi điện xuống phản đối việc làm “sai trái”,  “ngu dại” của bố con tôi.
– Một số cô giáo tôi quen biết gọi điện mắng tôi xa xả, bảo một mình tôi “điên” là quá đủ, đừng bắt con nó phải theo. 

 Hai bố con trước cổng trường ĐHSP Hà Nội
Tình hình căng thẳng vậy nhưng cháu Sỹ vẫn ngồi viết nhật ký biểu tình. Phần một hoàn thành gửi lên mạng ngay trước giờ ra “pháp trường” (làm việc với lãnh đạo khoa). Và sau đó còn tiếp tục phần hai và phần ba.
Tuy căng thẳng và chua xót như vậy nhưng chúng tôi cũng được nhiều niềm vui bởi sự chia sẻ và tiếp sức từ muôn nơi. Ngay buổi sáng hôm làm việc với lãnh đạo khoa Ngữ văn, Nguyễn Xuân Diện, chị Hiền Giang, cô Phương Bích ngồi đợi ở gần cổng trường Đại học Sư phạm, chờ xem kết quả “xử lý” và nếu cần thì kêu gọi anh em đến hỗ trợ, thậm chí có thể biểu tình ngay tại cổng trường nếu cần! Đặc biệt sau khi tôi viết Kiến nghị khẩn cấp gửi Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, cư dân mạng đã chia sẻ và hưởng ứng mạnh mẽ trên blog Nguyễn Xuân Diện, blog Nguyễn Thông,...
Một số giáo sư có uy tín lên tiếng ủng hộ chúng tôi. Có giáo sư gọi điện trực tiếp cho ban lãnh đạo khoa. GS. Ngô Đức Thọ  viết hẳn một bức thư lên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội. GS.Trần Ngọc Vương viết trên blog Nguyễn Xuân Diện những lời chia sẻ sâu sắc:
“Tôi chăm chú theo dõi cách xử sự của trường Đại học Sư phạm Hà Nội và của phụ huynh cháu Đào Lê Tiến Sỹ. Qua bức thư ngỏ này, qua lời tự thuật của cháu Đào Lê Tiến Sỹ, đã chứng tỏ một nền giáo dục gia đình mà ông bà Đào Tiến Thi duy trì là một nền giáo dục gia đình chân chính, lương thiện, cao cả và đúng đắn. Mong rằng còn nhiều những gia đình giáo dục và định hướng cho con em mình trên tinh thần này.
Tuy ông Thi coi tôi là thầy, nhưng những gì ông Thi bộc lộ gần đây đã chứng minh rằng thực sự ông đã làm được theo tinh thần của một trong những giáo huấn khó khăn nhất: “đương nhân bất nhượng ư sư” (đứng trước điều nhân nghĩa thì cứ làm không phải nhường ai, kể cả thầy). Xin coi ông là bạn”.
Thế là cuối cùng cháu cũng tạm (tạm thôi, chứ cũng chưa biết cái gì còn chờ ở phía trước), thoát vụ quốc sự nạn hè 2012. Ấy là nhờ cháu có tri thức và dũng cảm tự bảo vệ mình. Và cũng là nhờ sự hỗ trợ nói trên. Các thầy cô ở Đại học Sư phạm Hà Nội không phải là không biết lẽ phải, nhưng trên đầu họ là cả một núi quyền lực đang đè nặng. Tuy nhiên cái núi quyền lực ấy cũng không phải là vô biên. Như chúng ta thường thấy, khi công luận lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ lẽ phải thì một mặt nhà cầm quyền có vẻ phớt lờ hoặc tìm cách xuyên tạc, nhưng mặt khác, họ vẫn lo sợ. Vì đơn giản quyền lực mà không có lẽ phải thì bao giờ cũng chông chênh. Và chúng tôi vẫn tiếp tục cùng bạn bè đồng đội trong cuộc đấu tranh vì quốc quyền, dân quyền và nhân quyền.

16 nhận xét :

  1. Cũng may là cháu Đào Lê Tiến Sỹ còn có "ô dù" (là những GS, TS, những nhà trí thức nổi tiếng) kịp thời can thiệp giúp đỡ nên thoát nạn. Cháu mà là con nông dân "chân đất, mắt toét" thì . . . toi hẳn rồi!!!

    Trả lờiXóa
  2. Cam on anh Dao Tien Thi da on lai ky niem cua ngay 5/8/ 2012...
    Ngay ma toi cung co nhieu ky niem rat "cay dang".Toi cung muon ghi lai nhung suy nghi va nhung ky niem do ( nhu trong nhung dong nhat ky cua toi cach day hon 60 nam...).Nhung co khac la:Nhat ky cach day hon 60 nam cua toi la nhung ky niem that HAO HUNG,con nay lai la nhung ky niem CAY DANG.toi qua ban ron ve nhung viec cua Dan oan cac tinh dang cang thang,can suy nghi...Toi se co gang hoac ke lai hoac viet ra,hoac nho ban nao co thoi gian,co trinh do ve viet se giup toi on lai nhung ky niem cua nam 2012 (xung quanh nhung ky niem ve chuyen "Di bieu tinh chong Trung quoc xam luoc Bien Dao cua chung ta...".
    Xin gap lai cac ban trong bai moi noi ve:"Ky niem nhung ngay thang 8 lich su..." khi toi sap xep duoc thoi gian...

    Trả lờiXóa
  3. Đọc bài viết của anh tôi cảm thấy như mình đang được tham quan một khu vườn, bởi tất cả cứ từ từ hiện ra bình dị, rõ ràng, sắc nét và đặc biệt cũng qua đó tôi thấy ở anh và cháu Sỹ chứa chất một tấm lòng yêu nước, dũng cảm ngoan cường đáng khâm phục. Xin gửi tới anh, gia đình và những người biểu tình lời chúc sức khỏe, lời cảm ơn của tôi.

    Trả lờiXóa
  4. Thưa cụ Lê Hiền Đức, Ba con là chỗ bạn học với Ông Trần Xuân Bách , Thầy Giáo Tuấn, Thi Sĩ Tu An, nguời thôn Tương Nam, Nam Trực, Nam Định và cũng có dây mơ rễ má vơí Cụ Vũ Đình Huỳnh, người thôn Trung Lao, Trực Ninh Nam Định. Ba con cho biết là hai bậc lão thành CM này đã nhìn ra sự thật và bỏ Đàng và Bác từ lâu, con thắc mắc là hình như cụ chưa bỏ được cái dĩ vàng hào hùng của tuồi trè, trong đó có tí lãng mạn thời đại...nhưng hình như lạc hướng. Con mong cụ ra hải ngoại sống và tiếp xúc với những người yêu mến quê hương "cách khác" thì sẽ thấy họ cũng lo lắng lắm cho tiền đồ của tổ quốc trước nạn Hán hoá, và hiểu rõ về Đảng hơn...Trần Văn

    Trả lờiXóa
  5. Những con người này sẽ viết lại lịch sử.

    Trả lờiXóa
  6. Tôi thật sự khâm phục cách dạy và hiệu quả từ đứa con của ông
    Chúc ông Thy và gia đình luôn mạnh khỏe,hạnh phúc

    Trả lờiXóa
  7. Tôi khâm phụ gđ nhỏ bé của bác nhưng có những trái tim lớn biết yêu thương tổ quốc, dân tộc.

    Trả lờiXóa
  8. Bài viết hay, nhưng ngay cái đầu đề có cái giở là tại sao không dùng chữ Việt mà lại dùng chữ Tàu. Bạn không biết 1000 năm đô hộ giặc Tàu là nỗi nhục hay sao, mà bây giờ đến nỗi trong viết bài viết kể lại chuyện biểu tình chống giặc Tàu mà bạn cũng dùng chữ Tàu ở đây?
    Đồng ý rằng chúng ta bị giặc Tàu đô hộ quá lâu, nên nhiều cái trong cuộc sống đã bị đồng hóa, ví dụ như việc cúng tế, các câu đối, chúc thọ đầu năm ... đều dùng chữ Tàu mặc dù hầu như không ai hiểu là gì, thế nhưng nhiều người vẫn hay dùng do thói xấu sính ngoại vong bản không biết nhục.
    Vì vậy đã đến lúc phải bỏ dần cái thói xấu sính dùng từ Tàu trong sách vở trong và trong mọi sinh hoạt đời sống thường ngày.
    Rất mong nhận được câu trả lời của bạn Đào Tiến Thi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Gửi Nặc danh 16:21
      thứ nhất, chữ "quốc sự nạn" là chữ mà các bậc chí sỹ cách mạng đầu thế kỷ XX như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh và nhiều nhà văn trước Cách mạng tháng Tám thường dùng. Các cụ ấy có đầu óc dân tộc rất cao chứ chẳng phải sùng bái Tàu.
      Thứ hai, tôi dùng chữ "quốc sự nạn" để rành mạch chúng tôi đấu tranh vì quốc quyền, chứ không phải đi "gây rối trật tự công cộng" như bên chính thống vu cáo; cũng không phải dửng mỡ hay muốn "đánh bóng tên tuổi" như nhiều người hiểu lầm.
      Thứ ba, cần phân biệt văn hoá Trung Quốc với chủ nghĩa bành trướng Đại Hán. Văn hoá Trung Quốc của nhân nhân Trung Quốc làm nên chứ không phải của bọn bành trướng Đại Hán xưa cũng như nay. Ta tiếp thu những gì tích cực của văn hoá Trung Quốc là lẽ tự nhiên, cũng như văn hoá Trung Quốc từng tiếp nhận văn hoá Việt Nam không phải là ít. Văn hoá Trung Quốc là một nền văn hoá lớn của nhân loại, không cứ dân tộc mình tiếp thu mà nhiều dân tộc khác cũng tiếp thu. Cũng nên nhớ rằng các cụ xưa nhờ tiếp nhận văn hoá Trung Quốc mà cuối cùng đánh đuổi được phong kiến Trung Quốc, giải phóng đất nước và sau đó còn đánh thắng nhiều cuộc xâm lược của chúng. Sau này các cụ lại nhờ tiếp thụ văn hoá Pháp mà đánh đuổi được thực dân Pháp. Chỉ lấy một thí dụ này: Chính thế hệ trí thức tiền bối trước 1945 nhờ thấm nhuần sâu sắc lý tưởng TỰ DO - BÌNH ĐẲNG - BÁC ÁI của Cách mạng Pháp 1789 mà quyết tâm giải phóng đất nước.

      Xóa
  9. Tôi cũng thích dùng các từ thuần Việt, để tôn vinh văn hóa Việt.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hay !hiểu giặc để đánh giặc cũng hay.

      Xóa
  10. Vô cùng cảm phục cả gia đình anh Đào Tiến Thi. Tôi hèn nhát quá không làm được gì, chỉ biết ngưỡng mộ cả gia đình anh! Chúc gia đình mạnh khỏe, bình an!

    Trả lờiXóa
  11. Hổ phụ sinh hổ tử !

    Trả lờiXóa
  12. Đấu lý thì công an thua là cái chắc. Họ chỉ hay đấu võ thôi.

    Trả lờiXóa
  13. Tuổi trẽ dữ dội ! Cần nhiều con én để làm nên mùa Xuân. Người thiếu niên cần nhiều thử thách để trở thành người lớn .

    Trả lờiXóa
  14. Hôm nay 5/8, ngày này năm trước Hiền Giang đã cùng bà con tham gia biểu tình tại Bờ Hồ phản đối nhà cầm quyền TQ nhiều lần có hành động gây hấn xâm phạm chủ quyền lãnh thổ.
    Vào TỄU – BLOG đọc bài viết của anh Đào Tiến Thi đã gợi lại cho Hiền Giang những kỷ niệm về buổi biểu tình hôm đó và cả hậu biểu tình nữa: Hiền Giang được anh Đào Tiến Thi báo cho biết cháu Đào Lê Tiến Sỹ sau khi đi biểu tình về hiện đang bị trường Đại học Sư phạm gây áp lực, Hiền Giang đã cùng một số anh chị em đến cổng trường chờ xem kết quả “xử lý” của nhà trường và nếu cần thì kêu gọi anh em đến hỗ trợ, cũng may, như anh Đào Tiến Thi đã nói "Các thầy cô ở Đại học Sư phạm Hà Nội không phải là không biết lẽ phải..."

    Hiền Giang còn nhớ sau buổi biểu tình đó có mấy cháu sinh viên mới tham gia biểu tình đã về viết nhật ký biểu tình, trong đó có cháu Đào Lê Tiến Sỹ, cháu Nguyễn Thị Loan (nick fb là Hư Vô)… đã có những chùm bài viết rất hay về suy nghĩ và cảm nhận của các cháu.

    Đúng là “Quốc thổ trầm luân dân tộc tụy" tuổi trẻ nào há sợ điều gì.

    Trả lờiXóa