Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2013

TỐNG VĂN CÔNG: TRUNG QUỐC ĐANG LỰA THỜI CƠ ĐỂ CHIẾM TRƯỜNG SA

TRUNG QUỐC ĐANG LỰA THỜI CƠ ĐỂ CHIẾM TRƯỜNG SA
Tống Văn Công

Chiếc tàu cá QNg 90917 (Quảng Ngãi) vừa bị tàu sắt Trung Quốc đâm tới 3 lần liên tiếp, trên đường từ vùng biển Hoàng Sa của chúng ta về đất liền! 

Từ ngày 8.5, tờ Văn Hối xuất bản tại Hồng Kông đã ngang nhiên nói rằng: “Năm 2013 sẽ là năm quan trọng của trận giao tranh giữa Trung Quốc với Philippines và Việt Nam trên Biển Đông… Trung Quốc đã bắt đầu những nước cờ lớn với thế tiến công liên tục, không ngừng” và “Trên bàn cờ Biển Đông năm 2013, Trung Quốc có thể giành được nhiều thành quả”.
 
Trước đó, ngày 26.4 , chưa từng có tiền lệ, Hoa Xuân Oánh - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - nêu tên 8 đảo, bãi đá, rặng san hô trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam là của họ. Chúng ta phải biết rằng, việc chiếm Trường Sa là mục tiêu của họ, vấn đề chỉ còn là tìm thời cơ, so sánh lực lượng, tính toán lợi - hại trước mỗi bước vào cuộc phiêu lưu bá quyền. Từ đó mà có đủ bình tĩnh, sáng suốt thực hiện một sách lược thích hợp để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Chúng ta có một thuận lợi rất lớn là mọi người Việt Nam dù ở trong hay ngoài nước đều dễ dàng gác qua mọi khác biệt để chung lưng đấu cật, cùng một ý chí khi nhìn về biển đảo, quyết chống mọi mưu toan xâm lược. Ở đây cần ôn lại và vận dụng bài học của cụ Hồ, tôn trọng những cách yêu nước khác nhau.

Trung Quốc không có chính nghĩa, vì trong lịch sử biển Đông chưa bao giờ thuộc về Trung Quốc, vậy mà họ vẫn tìm cách dựng chuyện đổ cho Việt Nam chiếm đảo của họ, kích động chủ nghĩa dân tộc ích kỷ hòng thực hiện mộng bá quyền xâm lược. Chúng ta có sự thực lịch sử về chủ quyền biển đảo, có truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, vì vậy phải khai thác tối đa ưu thế tuyệt đối đang thuộc về mình!
 
Mấy năm nay, chúng ta đã tích cực nâng cao năng lực quốc phòng một cách toàn diện. Tuy nhiên, trong tình thế hiện nay, để kịp thời đối phó với những hoạt động vụng trộm của Trung Quốc, các lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư, bộ đội biên phòng và cả hải quân, cần tăng cường cảnh giác và đẩy mạnh các hoạt động hơn nữa, không để xảy ra chuyện bất ngờ. Bài học kinh nghiệm trong các cuộc chiến tranh giải phóng trước đây cho ta thấy vai trò quan trọng của nhân dân; ngày nay trên các vùng biển đảo là vai trò của bốn triệu ngư dân.
 
Phải có nhiều hình thức tổ chức, chăm sóc, tháo gỡ khó khăn, trợ giúp vốn liếng để ngư dân thường xuyên có mặt trên ngư trường, đóng vai trò “cột mốc sống” chủ quyền, làm tai mắt trinh sát kịp thời phát hiện động thái của kẻ thù. Đây là một công việc vô cùng quan trọng, không thể chỉ do các địa phương có bờ biển lo toan, không phải chỉ để cho Nghiệp đoàn Nghề cá xoay xở bảo trợ, mà cần đặt vấn đề này trên tầm quản lý, điều phối của Nhà nước và cần vận động sức đóng góp tiền tài, trí tuệ của toàn dân.
 
Ngày 24.1 năm nay, trả lời câu hỏi phản ứng của Việt Nam trước việc Philippines chính thức khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế, Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Chiến nêu rõ: “Lập trường nhất quán của Việt Nam là các vấn đề liên quan đến biển Đông cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982”.
 
Chúng ta chủ trương kiên trì thảo luận với Trung Quốc những vấn đề quan hệ giữa hai nước, chúng ta chủ trương hợp tác, bình đẳng, cùng có lợi với Trung Quốc. Nhưng chủ quyền quốc gia là điều không thể nhân nhượng. Nếu họ cứ khư khư không chịu từ bỏ đòi hỏi phi lý, phi lịch sử, thậm chí ngang ngược mưu toan dùng vũ lực bành trướng, thì chúng ta cũng nên chuẩn bị đến phương án giải quyết tranh chấp cũng bằng phương pháp hòa bình, nhưng ở Tòa án quốc tế. 

Tống Văn Công 
(theo báo Lao Động ngày 25.5.2013)
Ghi chú: Tít bài do chủ trang đặt.

8 nhận xét :

  1. Chỉ cần mất thêm một đảo nhỏ , dù là đảo chìm thì tình hình quốc nội sẽ có chuyện lớn ngay lập tức . Khi đó ai sẽ thắng ai biết liền và uy tín của nhà cầm quyền hiện nay có còn để mà cố thủ quyền lực được nữa hay không ? Bất chiến tự nhiên thành . tình hình đất nước hiện nay đã khác xa năm 1988 khi mất một số đảo vào tay trung quốc mà dư luận không làm gì được và họ vẫn bình an vô sự .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác tổng kết đúng đó - Lòng dân đang sôi sục hơn bao giờ hết

      Xóa
  2. Mục đích của TQ là thu gọn BĐ về một mối là TQ . Đối với TQ điều đó không thể khác được . Không biết bên trong bang giao biển đảo giữa VN với TQ còn bí mật gì không, chứ cứ như những bề mặt từ trước tới nay thì TQ không thể buông miếng mồi BĐ và họ phải nuốt trọn Trường Sa . Họ cố lách không đụng Mỹ về vđ này, còn đối với VN thì TQ vẫn theo chiến thuật lấy thịt đè người, cả vú lấp miệng em .

    Trả lờiXóa
  3. Tôi khuyên các vị là nếu muốn nói đến hòa hợp hòa giải với người Việt ở hải ngoại - Về Bất Cứ Vấn Đề Gì - thì đùng bao giờ làm cho họ nghe hoặc thấy bất cứ ngôn từ hay biểu hiện gì nhắc đến ông Hồ Chí Minh.

    Lời chân thành gởi đến đồng bào trong nước. Có nghe và chấp nhận hay không là tùy quý vị.

    Trân trọng kính chào

    Trả lờiXóa
  4. Mọi sự cam kết giữa VN và TQ đều bí mật, tất cả các thỏa thuận giữa hai nước Dân VN đều không biết. Cách đây 2 tuần ông Nguyễn Thiện Nhân sang TQ hai bên vân nhất trí quan hệ 2 nước phát triển toàn diện. Qúa nguy hiểm cho VN khi không có được sự ổn định khi phải nằm ngay cạnh thằng Tàu khốn nạn.

    Trả lờiXóa
  5. Đảng và NN không sớm nhận ra những sai lầm trong đánh giá và khai thác tài nguyên thiên nhiên để dành các ngân khoản đầu tư cho đúng thì hậu quả càng ngày càng tai hại .
    Lẽ ra phải sớm nhận ra rằng việc khai thác bauxite là không có lợi bằng khai thác biển nên bây giờ mắc kẹt cả hai . Bauxite bế tắc, nghề cá xa bờ thô sơ, hải quân không theo kịp các nước chung quanh để cho TQ lấn ép đủ bề . Chỉ việc bãi bỏ Bộ Thủy sản đã là một sai lầm tai hại.
    Nhưng đối với VN biển vô cùng phong phú và thế của biển mạnh hơn thế đất liền rất nhiều lần. Đầu tư vào biển ít tốn kém hơn vì riêng đối với nghề cá gần và xa bờ, VN có rất nhiều ngư phủ tài ba qua nhiều thế hệ , rất can trường và mưu trí. Việc đào tạo những ngư phủ này không tốn kém nhiều . Không phải xây dựng nhà máy, cũng không phải mở đường sắt, đường bộ , mà chỉ cần những con tầu lớn với những trang thiết bị hiện đại . Tại sao lại để cho Hàn , Nhật, Đài Loan sử dụng các thủy thủ VN đi khai thác nghề cá đại dương mà trong nước không biết sử dụng họ ? Các nhà lãnh đạo và các người có trách nhiệm về khai thác biển đừng ngủ mơ nữa . Thời điểm này cũng chưa phải là quá trễ, nhưng không thể chần chừ .

    Trả lờiXóa
  6. Không hiểu tại sao đến nước này mà nhà nước vẫn im lặng , không hề có một phản ứng nào đáng kể và đủ mạnh khiến TQ phải chùn tay . Tôi không hiểu nổi thái độ lập lờ này có ẩn ý gì ?.

    Trả lờiXóa
  7. Đến hôm nay 27/5/2013, âm mưu, thủ đoạn và hành động từng bước bao vây, khiêu khích, lấn chiếm toàn diện HS-TS của nhà cầm quyền T.Q đã phơi bày quá rõ ràng . Lãnh đạo Đảng và Nhà nước khẩn cấp triển khai các kế hoạch trên mặt chính trị, ngoại giao,kinh tế và quân sự để phát động toàn dân tộc kết hợp sự ủng hộ của quốc tế sẵn sàng chống trả T.Q. Hiện nay, chống tham nhũng và khôi phục kinh tế là cấp thiết nhưng bảo vệ chủ quyền Tổ quốc còn hệ trọng hơn. Nước mất thì nhà tan và đảng và nhà nước mất, nếu có còn cũng chỉ mang ô danh muôn đời , con cháu oán hận, thế giới lên án. Nhân cuộc họp QH, đề nghị đại biểu QH lên tiếng mạnh mẽ về việc trọng đại này của Đất nước. Không hiểu các vị lãnh đạo đảng và nhà nước đã có mưu cao kế sâu gì để đối phó với họa mất nước này hay không, đến giờ này mà vẫn im hơi lặng tiếng, án binh bất động, vì sao?

    Trả lờiXóa