Thứ Tư, 30 tháng 3, 2022

TƯỞNG NHỚ NHÀ THƠ, DỊCH GIẢ NGÔ LINH NGỌC NHÂN 100 NĂM SINH


TƯỞNG NHỚ NHÀ THƠ, DỊCH GIẢ NGÔ LINH NGỌC
MỘT TRĂM NĂM NGÀY SINH & 18 NĂM NGÀY ÔNG ĐI XA
(28.5.1922 - 1.3.2004)


Nhà thơ, Dịch giả Hán Nôm lão thành Ngô Linh Ngọc (1922 - 2004) đã vắng xa trần thế được 18 năm. Ngày
11 tháng Hai âm lịch là ngày giỗ của ông. Ngô Linh Ngọc sinh trưởng trong một gia đình Nho học, và ông lại tự trang bị cho mình một vốn liếng Pháp văn dày dặn, khiến ông trở thành một người có hiểu biết cả Đông - Tây - Kim - Cổ. Ông cũng từng làm báo Tổ Quốc (của Đảng Xã hội), cũng là một Danh thủ Cờ tướng, đồng thời ông là thành viên sáng lập Hội Tem Việt Nam. 

Ngô Linh Ngọc là một người rất am hiểu cổ văn, và đặc biệt yêu thích thơ Đường. Những Tương tiến tửu, Trường hận ca..nổi tiếng trong thi ca cổ điển Trung Hoa, đã được ông chuyển ngữ với tất cả tinh thần nguyên tác, bằng ngôn ngữ Việt uyển chuyển, lịch lãm và thuần Việt. Nhiều bài ông dịch đến nay chưa có ai vượt được. 

Nhưng Ngô Linh Ngọc không chỉ có vậy. Ông là một "quan viên" lịch duyệt, sành điệu và phóng khoáng của nghệ thuật Ca trù, là bạn tri âm của những danh ca: Quách Thị Hồ, Mộng Hoàn, Phó Thị Kim Đức.... Những Thiên Thai, Tỳ Bà, Cung bắc, Gửi thư...qua giọng ca của các đào nương, lại được roi chầu của ông điểm xuyết, phẩm bình càng làm tôn thêm vẻ đẹp của tiếng oanh vàng, càng tôn thêm vẻ đẹp của một lối chơi nho nhã của những tri âm.

Lâm Khang tôi vốn có vinh hạnh được một vài lần hầu chuyện ông. Ngô Linh Ngọc trước sau là một khách văn chương thầm lặng, cả đời âm thầm tôn thờ Cái Đẹp - như một thứ Đạo. Ông không bao giờ ồn ào, và bao giờ cũng nhỏ nhẹ, khiêm cung ngay cả đối với những bạn trẻ, nhiều lúc đến mức rụt rè. 

Tưởng nhớ 18 năm ngày ông đi xa, xin dâng một nén tâm hương trong niềm thương nhớ! Để một phút chốc nào, trên lối Thiên Thai rắc thắm những cánh hoa đào, ông đoái trông về trần gian mà chiếu cố, thoáng cười khích lệ lớp hậu sinh đang miệt mài đèn sách văn chương.... 

Xin giới thiệu bài viết 18 năm trước, đăng trên báo Thể thao & Văn hóa, số ra đúng vào buổi sáng hôm từ biệt ông, bài báo mà con cháu ông cũng đã mua nhiều số, và đem xuống tận Văn Điển, nơi ông ngơi nghỉ ít ngày trước khi đi vào thiên thu. Sau đó, giới thiệu bản dịch bài Tương Tiến tửu của ông, qua giọng ngâm của danh ca Quách Thị Hồ và tiếng đàn Đáy của danh cầm Chu Văn Du.

Và sau cùng, xin nghe ông tâm sự về chuyện dịch thơ cổ....

Bài đăng trên Thể thao & Văn hóa số 18 (2.3.2004):
Vĩnh biệt lão nghệ sĩ tài hoa Ngô Linh Ngọc 
Nguyễn Xuân Diện 

Vào lúc 9h40 ngày hôm qua (1/3), trái tim lão nghệ sĩ, nhà thơ Ngô Linh Ngọc đã ngừng đập trên giường bệnh Bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội.

Sinh ngày 28/5/1922, trải qua nhiều cương vị công tác, ông được nhiều người biết đến nhiều nhất với tư cách một dịch giả Hán Nôm có phong cách riêng. Từng tham gia bên dịch nhiều bộ sách quan trọng như: Thơ đi sứ, Thơ văn Lê Thánh Tông, Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm, Văn học Tây Sơn…Năm 1988, trên tạp chí Hán Nôm ông có bài viết bàn về các tiêu chuẩn tín, đạt, nhã trong việc dịch Hán Việt. Bài viết là lời tâm tình của một người giàu kinh nghiệm và sành điệu trong thưởng thức thi ca cổ truyền. Ông nói đến một kỷ niệm của ông khi dịch bài Tĩnh dạ tư của Lý Bạch như sau: “Năm tôi mười ba tuổi tập tọng dịch ít bài thơ Đường. Bài Tĩnh dạ tư của Lý Bạch, tôi dịch là: Trước giường đón ánh trăng trong/ Tưởng chừng mặt đất sương phong đầm đìa/ Ngẩng đầu ngắm bóng trăng khuya/ Cúi đầu lòng đã gửi về cố hương. Tôi dịch còn non nớt, nhưng cụ Cử Phạm Khải – thầy dạy chữ Hán cho là được và khen chữ đã (lòng đã gửi về…) của tôi dùng như thế là nắm được cái thần của bài nguyên tác”.

Theo ông, và là điều ông mơ ước là có được những bài thơ dịch tốt cùng sống lâu dài với nguyên tác. Và như thế, các nhà thơ chữ Hán thời xưa đã có thể được trực tiếp trò chuyện với con cháu thời nay và mai sau.

Nhớ về ông, là nhớ về một nhà nghiên cứu lão thành, tác giả của cuốn sách Tuyển tập thơ ca trù (Nxb. Văn học, Hà Nội, 1987). Cuốn sách ấy là kết quả của biết bao nhiêu lần cầm roi chầu nơi các ca quán, bao cuộc gặp gỡ với các giai nhân thanh sắc vẹn toàn của nghệ thuật ca trù. Trong làng nghệ thuật ca trù, Ngô Linh Ngọc là một tay sành điệu. Sành điệu trong cung cách cầm chiếc roi chầu bằng gỗ găng, sành điệu trong phẩm bình khen chê người đào nương. Sành điệu trong cách thưởng thức thơ cổ. Ông đã yêu với niềm yêu thật trọn vẹn một nghệ thuật ca trù, mà ở trong đó văn chương, âm nhạc hòa quyện làm một, tạo nên một vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc mà khúc chiết tinh tế, dân gian mà bác học, thực mà ảo huyền vi diệu.

Ngô Linh Ngọc là bậc tao nhân mặc khách suốt đời đi tìm và ca ngợi vẻ đẹp  của tiếng thơ, tiếng tơ, nhịp phách của ngàn xưa truyền lại. Ông đã để lại nhiều bài hát nói ca ngợi tiếng hát của các nghệ sĩ bậc thầy của ca trù như Quách Thị Hồ, Nguyễn Thị Phúc,…Nay, ông đang về đoàn tụ với các danh ca Quách Thị Hồ, Chu Thị Năm, Chu Thị Bốn, Đàm Mộng Hoàn, những danh cầm Chu Văn Du, Phó Đình Kỳ…

Kính chúc anh hồn ông siêu thoát, cùng tiếng trống chầu gọn chắc, bay bổng, tài hoa của ông nơi hoàng tuyền xa thẳm.
Báo TT &VH số 18 (2.3.2004), tr.37.
TƯƠNG TIẾN TỬU
將進酒

君不見: 黃河之水天上來, 奔流到海不復回? 又不見: 高堂明鏡悲白髮, 朝如青絲暮成雪? 人生得意須盡歡, 莫使金樽空對月。 天生我才必有用, 千金散盡還復來。 烹羊宰牛且為樂, 會須一飲三百杯。 岑夫子, 丹丘生, 將進酒, 杯莫停。 與君歌一曲, 請君為我傾耳聽。 鐘鼓饌玉何足貴, 但願長醉不願醒。 古來聖賢皆寂寞, 唯有飲者留其名。 陳王昔時宴平樂, 斗酒十千恣歡謔。 主人為何言少錢, 逕須沽取對君酌。 五花馬,千金裘, 呼兒將出換美酒, 與爾同消萬古愁。

Phiên âm:
TƯƠNG TIẾN TỬU(1) 
Lý Bạch 

Quân bất kiến Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai,
Bôn lưu đáo hải bất phục hồi.
Hựu bất kiến cao đường minh kính bi bạch phát,
Triêu như thanh ty, mộ như tuyết.
Nhân sinh đắc ý tu tận hoan,
Mạc sử kim tôn không đối nguyệt.
Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng,
Thiên kim tán tận hoàn phục lai.
Phanh dương, tễ ngưu thả vi lạc,
Hội tu nhất ẩm tam bách bôi.
Sầm phu tử(2),
Đan Khâu sinh(3).
Tương tiến tửu,
Bôi mạc đình.
Dữ quân ca nhất khúc,
Thỉnh quân vị ngã trắc nhĩ thinh.
Chung cổ soạn ngọc bất túc quý,
Đãn nguyện trường túy bất nguyện tinh!
Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch,
Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh.
Trần Vương(4) tích thời yến Bình Lạc
Đẩu tửu thập thiên tứ hoan hước.
Chủ nhân hà vị ngôn thiểu tiền,
Kính tu cô tửu đối quân chước
Ngũ hoa mã,
Thiên kim cừu.
Hô nhi tương xuất hoán mỹ tửu,
Dữ nhĩ đồng tiêu vạn cổ sầu.

Chú thích: 
(1) Tên một nhạc khúc trong Nhạc phủ (thời Hán)
(2)  (3) Sầm Trưng Quân và Nguyên Đan Khâu, hai bạn thân của Lý Bạch
(4) Tước phong của Tào Thực, con Tào Tháo, một nhà thơ nổi tiếng thời Kiến An.

Dịch thơ: 
SẮP KÈO RƯỢU
Ngô Linh Ngọc dịch 

Người chẳng thấy:
Sông Hoàng Hà tuôn nước lưng trời kia
Đổ xuôi ra biển chẳng quay về 
Lại chẳng thấy: 
Tóc bạc trước gương sầu chẳng xiết
Sớm như tơ xanh chiều như tuyết!
Đời người đắc ý nên thật vui.
Chớ để chén vàng suông dưới nguyệt.
Trời sinh thân này ắt hữu dụng
Ngàn vàng hết lại có luôn ngay.
Mổ quách trâu, dê, vui thỏa sức,
Cạn ba trăm chén cuộc vui này.
Sầm, Đan, hai bác nghe đây,
Rót đi, rót chẳng ngừng tay nữa hoài!
Vì người, ta hát một bài.
Vì ta, người hãy lắng tai nghe cùng:
Quý chi chuông trống, tiệc tùng,
Cốt sao đừng tỉnh, say đùng mới vui!
Thánh hiền xưa vắng lặng rồi,
Chỉ chàng say để muôn đời tiếng say.
Trần Vương, Bình Lạc, cỗ bày,
Mười nghìn đấu rượu mua cười một phen;
Chủ nhân đừng ngại thiếu tiền,
Rượu ngon xin cứ mua liền chuốc nhau.
Áo cừu quý, ngựa hoa lưu,
Tiểu đồng đâu? Gọi đổi mau rượu đào,
Cùng nhau giải vạn kiếp sầu!

Tương tiến tửu
Nguyên tác: Lý Bạch
Dịch thơ Việt: Ngô Linh Ngọc
Trình bày: Quách Thị H.

.
CÁI "THẦN" VÀ CÁI "NHÃ" TRONG VẤN ĐỀ DỊCH THƠ CHỮ HÁN
Ngô Linh Ngọc

Trước Cách mạng Tháng 8 khá lâu, nước ta có nhiều dịch giả thơ chữ Hán nổi tiếng để lại nhiều bản dịch rất hay như Tản Đà, Ngô Tất Tố, Trúc Khê v.v... Ngoài các vị đó còn có khá nhiều anh em trẻ thích dịch thơ và dịch cũng giỏi như Thâm Tâm, Nguyễn Bính v.v... Hai câu thơ dưới đây nay tôi không nhớ người dịch là ai nữa là do lớp anh em trẻ nói trên dịch (Tôi mang máng nhớ là của Nguyễn Bính)

Hữu ước bất lai qua dạ bán
Nhàn xao kỳ tử lạc đăng hoa.
 
Dịch thơ:

Nửa đêm cái hẹn sai rồi
Con cờ gõ nhảm cho rơi hoa đèn.

Cụ Sở Bảo Doãn Kế Thiện nghe hai câu thơ dịch đó nắc nỏm khen người dịch nắm được cái “thần” của nguyên tác, chữ “cho” dùng rất giỏi. Cụ Cử Đỗ Thúc Phách nói chuyện với tôi về thơ và dịch thơ cũng nhấn mạnh phải “nắm cái thần”. Trong một buổi về thăm cụ Trúc Khê, ngồi nói chuyện dưới chân ngọn Ngô Sơn (núi đất do cụ Trúc Khê đắp trong sân nhà cụ), tôi tỏ ý khâm phục cụ dịch bài thơ của Cao Bá Quát họa thơ Nguyễn Công Trứ làm nhân dịp cụ Trứ lên lão bảy mươi tuổi. Cụ Trúc Khê mỉm cười bảo tôi: “Cụ Trứ lên lão bảy mươi mà cụ Quát bảo: Văn đạo Hồng phong dục hồi thủ, khởi ưng lục thập cửu niên phi. Cái “thần” của cả bài là chữ phi, dịch thế nào cho đúng, tôi còn đang nghĩ tiếp”. Sau này tôi được đọc bản dịch bài đó in ra thành sách. Cụ Trúc Khê dịch hai câu thơ đó là:

Nghe nói non Hồng sắp trở lại
Lẽ nào lầm cả những năm qua!

Đúng là người dịch đã lột được cái “thần” của nguyên tác. Cụ Trứ một đời làm quan với nhà Nguyễn, 70 tuổi rồi mà 69 năm đã qua đều có thể là “lầm lỡ” cả! Và cái chữ “sắp” (nguyên tác là dục) càng khẳng định cụ Trứ nhất định phải về hưu, về ẩn cho nhẹ mình, đừng “đo đắn” ước mong gì nữa! Chữ “sắp” dùng xuất quy (lẽ ra phải “bằng” thì lại dùng “trắc”), có tác dụng như một tiếng kêu phẫn uất, càng lột tả thêm tâm trạng ông Kinh Doãn Nguyễn Công Trứ 70 tuổi chán ngấy công danh, thế lợi!

Trước thời đại chúng ta, dịch thơ chữ Hán phần lớn chỉ là hứng thú cá nhân, thích thì dịch chơi, không có gì bó buộc. Phần lớn các nhà khoa bảng, các vị biết nhiều chữ Hán khi có hứng thú thì làm thơ chữ Hán để thuật ý, thuật chí của mình, ít khi nghĩ đến dịch thơ người khác. Ví dụ như cụ Phạm Phú Tiết hiện còn để lại trên ba trăm bài thơ chữ Hán chưa có người dịch (ở nông thôn nước ta hiện nay còn rất nhiều tập thơ chữ Hán của các nhà Nho học như cụ Tiết).

Về lý luận dịch thơ, thời đó, các cụ chỉ nói một câu ngắn gọn: “nắm lấy cái thần và dịch cho hay”. Năm tôi mười ba tuổi, tập tọng dịch ít bài thơ Đường. Bài Tĩnh dạ tư của Lý Bạch (Sàng tiền khán nguyệt quang, Nghi thị địa thượng sương, Cử đầu vọng minh nguyệt, Đê đầu tư cố hương), tôi dịch là:

Trước giường đón ánh trăng trong
Tưởng chừng mặt đất sương phong đầm đìa;
Ngẩng đầu ngắm bóng trăng khuya
Cúi đầu lòng đã gửi về cố hương.

Tôi dịch còn non nớt, nhưng cụ Cử Phạm Khải - thầy dạy tôi chữ Hán - cho là được và khen chữ “đã” (lòng đã gửi về...) của tôi dùng như thế là nắm được cái “thần” của bài nguyên tác.

Cái “thần” là gì mà quan trọng đến như vậy? Các cụ bảo đó là cái dụng ý gửi tình sâu nhất, cao nhất của tác giả bài thơ, nắm được cái “thần” là hiểu được tác giả, là trung thành nhất với nguyên bài mình dịch.

Ngày nay, được nghe biết về nhiều lý thuyết dịch thuật nói chung, dịch thơ nói riêng, tôi đọc lại các bài thơ dịch chữ Hán cổ kim, vẫn thấy lý luận của các cụ ta xưa là đúng. Như trên đã nói, từ sớm, chúng ta đã có nhiều bài thơ dịch rất hay, vì vừa lột được hết tinh thần sâu đọng nhất của bài nguyên tác vừa đúng là thơ với trình độ tu từ và nghệ thuật thơ rất cao. Ví dụ như bài Hành quân cửu nhật tư Trường An cố viên của Sầm Tham (Cưỡng dục đăng cao khứ, Vô nhân tống tửu lai, Dao lân cố viên cúc, ủng bạng chiến trường khai) dịch giả K.D dịch là:

Đã toan cố gượng lên cao,
Nhưng còn hũ rượu ai nào đưa lên
Đoái thương đám cúc cố viên,
Thu này e cũng nở bên chiến trường!

Thật là tuyệt diệu! Từng chữ, từng lời thơ dịch đi sâu vào tâm tư tác giả. Chữ tửu mà dịch là hũ rượu thì tài quá, vì các loại bầu, chai, be, đối với việc cần uống thật nhiều rượu của nhà thơ lữ thứ Sầm Tham lúc này đều là bí quá! Nắm được cái “thần” của bài thơ chính là như thế. 

Người dịch nhập vào tác giả, chung vui, chung buồn với tác giả đến mức hầu như nghĩ điều tác giả nghĩ, nói cách tác giả nói, được như thế là đã thành công một nửa trong việc dịch. Tản Đà dịch Kinh Thi với nhiều chất ca dao Việt Nam. Nhiều dịch giả dịch Đỗ Phủ làm rất sống hình ảnh và tâm hồn Đỗ Phủ. Trúc Khê dịch Lý Bạch, vẽ lại phong cách hào hùng và nồng ấm tình người của nhà thơ từng là hiệp khách này:

Dĩ kiều ta đến đó,
Tưởng mến người anh hùng,
Chỉ thấy dòng nước biếc,
Nào đâu Hoàng Thạch công
Chao ôi người ấy đi
Từ, Tứ thành trống không!
(Kinh Hạ Bình, Dĩ kiều hoài Trương Tử Phòng)
 
Đến thời chúng ta, cũng không thiếu bài dịch hay, người dịch giỏi. Nhiều bài thơ dịch trong các sách đã xuất bản như Nhật ký trong tù, Thơ văn Lê Thánh Tông, Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm, Văn học Tây Sơn v.v... rất đạt về cả hai mặt “lột được cái thần” và đảm bảo được cả chất thơ. Tuy chưa có được nhiều bài dịch hay đến mức làm quên cả tác giả đi như bài Đoàn Tư Thuật dịch Tựa truyện Kiều của Chu Mạnh Trinh, nhưng nhìn chung, trình độ dịch thơ chữ Hán của thời đại chúng ta ngày nay đã tiến bộ rất nhiều, trước hết là về lý luận và phương pháp. Đã mất hẳn lối dịch quá mức tự do, không những không bám lời, bám ý của tác giả mà còn tùy tiện thêm bớt, làm giảm khí lực của bài nguyên tác đi rất nhiều. Ví dụ như Tản Đà dịch Kinh thi với ý định lộ rõ ra là ca dao hóa các bài dịch của mình. Đó là ý đồ rất đáng quý! Nhưng bắt tay vào thực hành thì có nhiều bài cụ không thành công vì thêm lời, thêm ý quá nhiều, làm mất cái “thần” của nguyên tác đi. Chẳng hạn như bài “Quan thư” (Quan quan thư cưu, Tại hà chi châu, Yểu điệu thục nữ, Quân tử hảo cầu) Cụ dịch là:

Quan quan cái con thư cưu,
Con sống, con mái cùng nhau bãi ngoài,
Dịu dàng thục nữ như ai,
Sánh cùng quân tử tốt đôi vợ chồng.

Thật rườm rà mà chất thơ cũng mất mát hẳn đi không ít! Đó là trường hợp thêm vào. Lại còn trường hợp bớt đi như N.T dịch bài Tiễn Vi Phúng của Đỗ Phủ: Vạn phương ai ngao ngao, Thập tải cung quân thực, đã bỏ mất ý ngao nga o (rên xiết) và thập tải (mười năm), chỉ dịch là:

Trăm họ khổ nheo nhóc,
Quân lương cung đốn hoài.

Rõ ràng là nắm được cái “thần” của bài nguyên tác nhưng tùy tiện quá, không bám lấy lời và ý của tác giả thì thơ dịch bị giảm sức truyền đạt rất nhiều.

Đó là không kể còn có nhiều trường hợp vì quá bị gò bó vào thể thơ, số chữ, phép nối vần, người dịch đành chịu bỏ mất cái “thần” một cách thật đáng tiếc. Ví dụ như á Nam Trần Tuấn Khải dịch bài Hữu sở tư của Lô Hồng, hai câu Hàm sầu cánh tấu Lục ỷ cầm; Diệu cao, huyền tuyệt vô tri âm, Cụ dịch:

Ôm cầm dạo khúc khuây khoa,
Điệu cao, dây đứt ai là tình thân!

Lục ỷ cầm là cây đàn của Tư Mã Tương Như gảy cho Trác Văn Quân nghe. Thơ tương tư mà nhắc đến đàn Lục ỷ là hợp lắm, chỉ dịch là “ôm cầm” thôi thì thật là bỏ mất cái “thần”. Hai chữ tri âm đành dịch là “tình thân” để bắt vần với câu dưới “Mỹ nhân này hỡi mỹ nhân”, thì thật quá gượng ép và có phần nào dung tục.

Đến đây, tôi xin mở một dấu ngoặc để trình bày một nét đặc biệt trong lịch sử dịch thuật của nước ta, vẫn xung quanh vấn đề nắm cái “thần” và phương pháp dịch thơ, dịch văn để thể hiện cái “thần” đó. Đó là cách dịch Chinh phụ ngâm khúc của bà Đoàn Thị Điểm. Ông Đặng Trần Côn còn ít tuổi đến xin gặp Hồng Hà nữ sĩ không được bà cho gặp. Ông tức khí về học thêm rồi viết bản Chinh phụ ngâm khúc bằng chữ Hán. Bà Điểm xem xong, tự ý dịch thành thơ quốc âm. Như vậy hẳn là bà phải nắm rất chắc cái “thần” của bài nguyên tác. Bà dịch rất hay đến nỗi nếu không có bản Chinh phụ ngâm khúc diễn ra thơ Việt của bà thì có lẽ ngày nay không còn ai nhớ đến Chinh phụ ngâm khúc chữ Hán của ông Côn nữa. Nhưng thật là thú vị: bản dịch của bà Điểm ngắn hơn bản nguyên tác chữ Hán hàng chục câu thơ, vì có nhiều đoạn thơ khá dài của ông, bà đã tóm gọn lại chỉ trong mấy câu gắn gọn !

Khoảng đầu thế kỷ này, cũng có một trường hợp dịch thuật có lẽ còn đặc biệt hơn thế nữa. Đó là trường hợp cụ Đầu xứ Lê Đại dịch bài Hải ngoại huyết thư viết bằng chữ Hán của cụ Phan Bội Châu từ nước ngoài gửi về. Bài nguyên tác của cụ Phan đã là cả một thiên hùng văn kiệt tác. Đông Kinh nghĩa thục đem in lên báo kèm theo cả bản dịch ra thơ Việt của cụ Lê Đại in bằng cả chữ Nôm lẫn chữ Quốc ngữ. Cụ Phan Bội Châu đánh giá rất cao bản dịch này vì nó đã rất hay về mặt nghệ thuật lại là quốc âm nên tác động rất lớn đến tâm hồn yêu nước, căm thù giặc của nhân dân ta thời ấy.

Sự thật đúng là như vậy. Nhưng nếu đem so hai bản Hải ngoại huyết thư chữ Hán và tiếng Việt thì thấy rõ là cụ Lê Đại chỉ cốt lột lấy cái thần, còn cách làm thì có đoạn chỉ tóm ý viết gọn lại, có đoạn dịch đúng theo nguyên tác nhưng cũng không hoàn toàn bám từ, nệ chữ. Xin đơn cử một ví dụ: Đoạn mở đầu phần II của Hải ngoại huyết thư chữ Hán cụ Phan Bội Châu viết:

"Quốc nhân tứ Hải ngoại huyết thư, thư hành hữu nhật hỹ. Đãn giác Âu phong. Mỹ vân, thích kích tâm não như ngô quốc hồn dã mang liễu liễu, vô thiên khả vấn, vô địa khả truy. Sơn yên hải đào, cứu mục kinh nhĩ."

Cụ Lê Đại dịch là:

Lời huyết lệ gửi về trong nước,
Kể tháng ngày chưa được bao lâu
Nhác trông phong cảnh thần châu,
Gió mây phẳng lặng dạ sầu ngẩn ngơ.
Hồn cố quốc vẩn vơ vơ vẩn,
Không tìm đường dò nhắn hỏi han;
Bâng khuâng đỉnh núi chân ngàn,
Khói tuôn khí uất, sóng cuồn trận đau.

Rõ ràng là tóm lược lời văn chữ Hán mà viết lại không phải là thơ dịch. Cứ một lối vừa dịch vừa tóm ý viết lại như thế trong suốt bản Hải ngoại huyết thư tiếng Việt dài trên năm trăm câu thơ lục bát. Thú vị nhất là hai bản Hán, Việt in liền cạnh nhau mà người đọc đều hoan nghênh cả hai. Không hề phân biệt, và cuối cùng thì đồng bào cả nước ta chỉ thuộc lòng bản tiếng Việt, coi luôn nó là thơ sáng tác của cụ Phan, ít ai nhớ đến dịch giả của nó là Từ Long Lê Đại nữa.

Tôi không dám bàn luận gì về lối dịch kể trên của bà Điểm và cụ Lê Đại vì ngày nay chúng ta không thể làm như thế và cũng không có trường hợp nào cần phải làm như thế. Xin nói sang vấn đề “nhã”, cái vế thứ hai của phép dịch thơ mà các cụ thời trước đề ra. “Nhã” là gì ? Như nhiều cuộc bàn bạc trước đây đã thống nhất định nghĩa: “nhã” là đảm bảo bài dịch có tính nghệ thuật cao, sức truyền cảm lớn, hoặc nói cho gọn hơn nữa là một bài thơ hay “Nhân đôi một công trình nghệ thuật từ góc độ bài thơ”. Giáo sư Vũ Khiêu đã nói về yêu cầu dịch thơ như vậy là rất đúng.

“Thần” và “Nhã” có mối liên quan hết sức chặt chẽ với nhau. “Thần” mà không nắm được thì “Nhã” đến mấy cũng là vô vị. Ngược lại, nắm được “Thần” mà “Nhã” kém thì bài dịch không hấp dẫn, không truyền cảm được cho người đọc. Đến đây phải quay lại một chút với vấn đề nắm vững cái “thần” và cũng xin lấy cụ Tản Đà làm ví dụ. Cụ Tản Đà là một nhà dịch thơ rất tinh tế và có độ “Nhã” rất cao. Sầu kiến chu hành phong hựu khởi, Bạch đầu lãng lý bạch đầu nhân (Bạch Cư Dị - Lâm giang tống Hạ Chiêm) mà cụ dịch là:

“Buồn trông trận gió theo thuyền nổi
Sóng bạc đầu quanh khách bạc đầu!”

thì thật là tuyệt bút: chữ “theo” giải quyết chữ “hựu” như một nghiệp chướng đuổi theo mãi kiếp người luân lạc; chữ “quanh” trùm hết đợt sóng này đến đợt sóng khác lên cái đầu bạc của con người. Nhưng cũng có trường hợp con mắt tinh tế nhìn nhận cái “thần” của cụ Tản Đà bị lầm lẫn như với bài Phong kiều dạ bạc của Trương Kế. Trước cảnh xã hội nhà Đường ngày thêm mục nát, Trương Kế cũng như nhiều trí giả, sĩ phu khác rất chán nản tìm gửi mình vào Đạo. Ông đến thăm chùa Hàn Sơn ở ngoài thành Cô Tô, một nơi ăn chơi, cờ bạc, điếm đàng nổi tiếng thời đó. Cái thần của bài thơ là cuộc đời đã chán ngắt mà người đời vẫn u mê, lầm lạc, lao đầu vào Cô Tô như những con thiêu thân tội nghiệp, nửa đêm tiếng chuông chùa đã tìm đến con thuyền của khách để cảnh tỉnh con người:

Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên,
Giang phong, ngư hỏa đối sầu miên.
Cô Tô thành ngoại, Hàn sơn tự,
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
 
Cụ Tản Đà dịch là:

Trăng tà cái quạ kêu sương,
Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ.
Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn.

Dịch như vậy là đã biến một bài thơ Đạo thành một bài thơ tả cảnh rất xa nguyên tắc với những chữ “giấc hồ” không đúng là sầu miên và chữ “nghe” làm mất hẳn chữ đáo tràn ngập tinh thần từ bi quảng đại của tiếng chuông chùa.

Chữ “nhã” trong việc dịch thơ (kể cả dịch phú) còn gặp một trở ngại lớn nữa là sự khác biệt của hai ngôn ngữ. Ví dụ như các từ: thô, sơ ngu trong bài Nhàn vịnh của Cao Bá Quát: Độc hậu ư nhân đắc khí thôKhẳng tương danh lợi dịch sơ ngu. Thô sơ ngu cũng có nghĩa như chữ chuyết (vụng về) mà các cụ hay dùng. Nó chính là cái tính ban đầu của con người, chất phác, tự nhiên, quý lắm. Vì vậy tác giả mới nói là độc hậu (hậu hĩ riêng đối với ta). Người dịch bài thơ này cũng dễ dàng hiểu cái ý dưỡng chuyết, “đắc thô” như thế, nhưng dịch cho gọn ra tiếng ta mà lại là dịch ra thơ thì khó quá. Vì vậy, ông đã dịch gượng: “Được cái hơn người tính khí thô” và “Há ham danh lợi chịu ngây ngô” (Thơ chữ Hán Cao Bá Quát - Nxb Văn học) thì làm sao mà “nhã” được! Ngoài ra, lại còn không ít trường hợp địa danh chữ nghĩa, tên nhân vật lịch sử không rõ ràng trong thơ chữ Hán của nước ta thời xưa nữa. Ví dụ các cụ hay nói “Phùng tý” (cánh tay họ Phùng) thì là Phùng nào, Phùng Đạo hay Phùng Dĩ, Đại thụ tướng quân thời Hán? Thơ Đường in nhiều rồi, mà bài Phù Dung lâu tống Tân Tiệm của Dương Xương Linh cũng còn có nhiều vấn đề phải bàn đi bàn lại: Bình minh tống khách Sở sơn cô thì chữ “cô” này là trơ trọi, đơn độc, hay là tên hai rặng núi “Đại Cô sơn, Tiểu Cô sơn” nước Sở ? Ngay việc dịch thơ Bác Hồ của chúng ta cũng phải đâu là chuyện dễ. Bác rất sâu về Hán học. Tính Bác lại rất vui, hay chơi chữ. Câu thơ Sơn lâu chung hưởng kinh thu mộng của Bác nghe rất cổ kính: ngôi nhà lầu trên núi, tiếng chuông từ xa vọng đến làm kinh động giấc mơ thu, nghe hay quá, “Đường” quá! Nhưng câu thơ tiếp theo sau câu đó mới làm cho chính người dịch thơ Bác bừng tỉnh lại: Chính thị Liên khu báo tiệp thì! à, thế ra sơn lâu là cái nhà sàn của Bác, chung hưởng không phải là tiếng chuông chùa ở đâu vọng đến, mà chính là tiếng chuông điện thoại ngay nơi Bác làm việc, dồn dập báo tin toàn Liên khu thắng giặc. Quả thật là khó dịch!

Anh Tào Mạt, nhà nghệ sĩ sáng tác bộ ba chèo “lịch sử” “Bài ca giữ nước” nổi tiếng, có lần nghe tôi kể những cái “oái oăm” trong việc dịch thơ mà tôi thường gặp. Anh lắc đầu, chép miệng: “Khó quá! Khó quá! Dịch cho đúng đã khó, dịch cho hay càng khó!”. Đúng là khó như thế đấy, nhưng tôi tin rằng trong thời đại chúng ta hiện nay, dịch thuật nói chung, dịch thơ chữ Hán của ông cha ta nói riêng, đã trở thành một nhiệm vụ quan trọng, chúng ta làm việc có mục đích hẳn hoi, lại được học thêm, hiểu thêm rất nhiều do có đầy đủ các ngành, các bạn để nhờ góp ý, việc nắm cái “thần” của bản chữ Hán có thể làm tốt được, việc đảm bảo cái “nhã” cũng có điều kiện để cố gắng nâng cao thêm. Nhất định chúng ta sẽ làm được điều mà chúng ta hằng mơ ước: có được những bài thơ dịch tốt cùng sống lâu dài với nguyên tác, hoặc nói rõ hơn nữa với mục đích truyền đạt lại những tư tưởng, tình cảm của ông cha ta là sẽ có được những bài thơ dịch tốt, qua đó, các nhà thơ chữ Hán thời xưa của nước ta trực tiếp nói chuyện với con cháu thời nay và mai sau bằng ngôn ngữ thơ hiện đại của đất nước chúng ta. Có phải thế không các bạn ?

Tạp chí Hán Nôm số 1 – 1988.

3 nhận xét :

  1. Viết về thành tựu của Ngô Linh Ngọc ,Nguyễn Xuân Diện còn quên mảng sáng tac thơ trào phúng ,đả kích của ông mà theo tôi cũng rất thành công .

    Trả lờiXóa
  2. Đúng rồi, bác Bùi Công Tự.
    Viết về Ngô Linh Ngọc, chắc phải cần cả một cuốn sách 500 trang, hoặc một luận văn.

    Trả lờiXóa
  3. Xin thay mặt gia đình, chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện, Viện Nghiên cứu Hán - Nôm, về bài viết và nghĩa cử chân thành, tốt đẹp của anh dành cho ông cụ thân sinh của chúng tôi nhân tưởng niệm 9 năm ngày ông ra đi. Cũng nhân dịp này, cho phép tôi được gửi lời cảm ơn tới sự quan tâm, chia sẻ, thương mến của các Quý vị, các anh, các chị, chú, bác trên blog của TS Diện, đã dành cho cụ, ông, bố của chúng tôi. Xin chân thành cảm tạ! Ngô Quốc Phương, London, United Kingdom

    Trả lờiXóa