Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2018

TẢN MẠN NHÂN NGÀY DOANH NHÂN VIỆT NAM 13 - 10


Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10:

NHÀ NHO VÀ NHÀ BUÔN 

VÀ VẤN ĐỀ VĂN HÓA DOANH NHÂN

Nguyễn Xuân Diện


Trong xã hội theo Nho giáo, “tứ dân” được xếp theo thứ tự: sĩ - nông - công - thương. Phải những khi “hết gạo chạy rông” thì tạm thời chuyển đổi lại là “Nhất nông nhì sĩ”. Thương không được đề cao. Trong quan niệm dân gian, nhà buôn được gọi là “con buôn”. Và từ “con buôn” là một từ bao hàm nghĩa xấu, gắn liền với việc lọc lừa, gian lận, mua rẻ bán đắt, với rất nhiều phương ngôn cạnh khóe. Song cho dù quan niệm thế nào thì cả xã hội đều phải cần đến các hoạt động buôn bán của nhà buôn - một hoạt động bao giờ cũng cần thiết cho sự duy trì xã hội.


Ở tầm quốc gia, thời nào các triều đình cũng buộc phải để tâm đến chuyện buôn bán với các nước, vừa là để nâng cao cảnh giác trước ngoại bang, vừa là để đảm bảo sự giao hảo với các nước có quan hệ buôn bán. Những thương cảng nổi tiếng trong sử sách như: Vân Đồn, Phố Hiến, Hội An, Kẻ Chợ luôn là một địa chỉ ghé thăm của các tàu buôn phương Tây.
.
Bài viết này ghi lại mấy nét về ứng xử và quan niệm của nhà Nho đối với nhà buôn và hoạt động buôn bán, từ đó góp bàn thêm về văn hóa doanh nhân hôm nay. Ba nhân vật lịch sử được đề cập đến trong bài viết này là Nguyễn Bá Lân (1700 - 1785), nhà thơ, nhà chính trị xuất sắc thời Lê Trung hưng; Kiều Oánh Mậu (1854 - 1911) nhà báo, nhà văn hóa tâm huyết cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX; Bạch Thái Bưởi (1874 - 1932), một doanh nhân tài ba và đầy nhân cách đầu thế kỉ XX. 

1. "Bức trướng thêu của khách buôn phương Bắc ở Cao Bằng"

Gia phả dòng họ Nguyễn Bá Lân ở Cổ Đô (Cổ Đô Nguyễn Bá Lân gia phả) còn ghi được câu chuyện như sau:

Vào thời chúa Trịnh Doanh (1740 - 1767) đất Cao Bằng rối loạn, triều đình liên tiếp sai 3 người làm Đốc trấn để trừng trị giặc cướp, giữ yên dân địa phương nhưng các quan đều chịu tội chứ không đi. Cuối cùng Trịnh Doanh phải cử Nguyễn Bá Lân trấn nhậm Cao Bằng (tháng 10 năm Canh Ngọ, 1750). Ông nhậm chức, mang quân lên phía Bắc, vừa đánh vừa phủ dụ và chỉ trong một thời gian ngắn ông đã đem lại trật tự, an ninh cho tất cả các châu ở Cao Bằng. 

Bấy giờ ở đây có nhiều người Hoa làm ăn sinh sống, làm nghề buôn bán, giặc cướp đã làm cho họ nhiều phen phải điêu đứng, mất sạch gia sản. Sau khi có Đốc trấn Nguyễn Bá Lân, họ mới được yên ổn làm ăn.

Sau đó vào năm Quý Dậu (1753) thấy Cao Bằng yên ổn, chúa cho triệu Nguyễn Bá Lân về kinh trao cho chức khác. Dân bốn châu và hai phố Kinh, Khách ở Cao Bằng cho người về kinh sư phủ phục ở cửa Trạch Cát để khải trình với chúa xin để ông ở lại để cứu trăm họ, nhưng Trịnh Doanh không phê chuẩn.

Năm Canh Thìn (1760) khách buôn người Hoa ở phố Khách Cao Bằng trước đây xin chúa để ông ở lại không được, nhưng ân tình quyến luyến không quên, bèn cấp tiền bạc thuê người khách buôn ở Quảng Đông về Trung Quốc mua bức gấm quý và đặt thêu bài văn tạ ơn đem về tận kinh đô dâng lên Nguyễn Bá Lân. Bức trướng thêu bài “Cao Bằng Bắc khách hạ trướng văn” (Bài văn trướng mừng của khách buôn phương Bắc ở Cao Bằng). Bài văn có đoạn:

“Đất - bất kể là Trung nguyên, Người - chẳng riêng Hoa Hạ, hễ có âm đức thì đều được ghi nhớ cả. Có ghi nhớ thì có lưu truyền. Quan Thị lang họ Nguyễn trước đây có đến trấn nhậm Cao Bằng, giữa lúc giặc cướp rối loạn, mùa màng thất bát liên miên. Ngài không phiền đến một người lính, không phí một mũi tên mà gọi chúng về phủ dụ, mọi nơi nhờ vậy đã lập lại trật tự, thương khách nhờ đó mà được an toàn làm ăn buôn bán...”.(1)

Như vậy, Nguyễn Bá Lân chẳng những đem lại yên vui cho dân sở tại mà còn trông đến sự làm ăn của những khách buôn người Hoa chân chính để họ yên ổn trong buôn bán, điều này vừa thể hiện nhãn quan chính trị xa rộng, vừa thể hiện lòng đại lượng của ông. Ổn định để phát triển, tạo điều kiện tốt nhất cho những người nước ngoài buôn bán để mở rộng quan hệ, tăng cường mối hòa hiếu, lưu thông hàng hóa là bài học của người xưa mà đến hôm nay chúng ta vẫn thấy còn nguyên tính thời sự.

2. "Non nước hỡi bao giờ hưng khởi?".

Những năm cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, nhằm phục vụ và duy trì hệ thống thuộc địa, trong đó có Việt Nam, người Pháp đã cho xuất bản tờ báo Đại Nam đồng văn nhật báo. Đây là tờ báo viết bằng chữ Hán đầu tiên xuất bản ở Hà Nội, do toà Thống sứ Pháp tổ chức và kiểm duyệt. Chức vụ Đốc biện thường được giao cho những nhà khoa bảng danh vọng. Đốc biện đầu tiên là Hoàng giáp Đào Nguyên Phổ(2), rồi đến Phó bảng Kiều Oánh Mậu(3), Thám hoa Vũ Phạm Hàm(4). Tờ báo này thường đăng những thông tư, nghị định của bộ máy thống trị như là một loại công báo. Đối tượng chủ yếu của Đại Nam đồng văn nhật báo là các quan lại và nhà nho, lớp trí thức nho học ở miền Bắc. Tuy vậy báo cũng có các mục thời luận, phiếm đàm và các mục sinh hoạt xã hội khác. Học giả Kiều Oánh Mậu đã cho đăng những bài bình luận, thời đàm trên tờ báo này. Ông đã khéo sử dụng tờ báo như một phương tiện hợp pháp để kín đáo tuyên truyền, cổ động, hô hào tân học, kêu gọi phát triển nền kinh tế quốc dân, chấn hưng công nghiệp, nông nghiệp và thực nghiệp, các ngành thủ công, các hội buôn, các công ti thương nghiệp(5).  

Trong thời gian này, Kiều Oánh Mậu còn quen biết và giao du với Bạch Thái Bưởi. Ông còn tặng cả thơ và câu đối cho nhà tư sản dân tộc này. Do những hoạt động yêu nước của ông ở báo quán mà năm 1902, ông bị chuyển sang làm Đốc học tỉnh Vĩnh Yên (thuộc tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay), Thám hoa Vũ Phạm Hàm giữ chức Đốc biện thay Kiều Oánh Mậu.  

Kiều Oánh Mậu là một nhà khoa bảng, một nhà Nho. Trong tay ông chỉ có một vũ khí là văn học và tờ báo do ông làm chủ bút. Nhưng khi xã hội đang trong cơn quặn đau chuyển mình, trước các luồng gió “tân thư” thổi tới Việt Nam, ông đã ý thức được vũ khí trong tay và đóng góp cho sự nghiệp phát triển dân trí, cổ súy cho các phong trào thực nghiệp, các hội buôn, các công ti thương nghiệp. Bài học mà ông để lại là nhanh chóng tiếp thu từ sách báo và kinh nghiệm của các nước, học lấy điều hay, rồi viết sách báo truyền bá và cổ động cho sự phát triển kinh tế.

3. "Bậc anh hùng kinh tế thứ nhất trong kinh tế giới nước nhà"

Một hình ảnh doanh nhân và văn hóa doanh nhân đã đi vào lịch sử nước Việt như một biểu tượng mà chúng ta không thể không nhắc đến đó là nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi.
.
Ông sinh năm 1874 trong một gia đình nông dân nghèo họ Đỗ. Cha mất sớm nên từ nhỏ ông đã phải giúp mẹ sinh sống bằng nghề bán rong. Thấy ông thông minh và lanh lợi, một hào phú họ Bạch đã nhận ông làm con nuôi và đổi sang họ Bạch. Bạch Thái Buởi được đi học quốc ngữ, tiếng Pháp rồi đi làm chân kí lục (nhân viên thư kí) cho một hãng buôn của người Pháp ở phố Tràng Tiền (Hà Nội), sau đó sang làm cho một hãng thầu công chính. Năm 21 tuổi, ông được Phủ thống sứ Bắc Kì chọn làm người giới thiệu sản phẩm hàng Việt Nam tại hội chợ Bordeaux (năm 1895). Qua đó, giúp cho Bạch Thái Bưởi học được cách tổ chức, quản lí sản xuất kinh doanh và tiếp xúc với các thiết bị máy móc hiện đại.

Khi thực dân Pháp xây dựng cầu Long Biên, Bạch Thái Bưởi làm Giám đốc cho công trình này. Nhận thấy người Pháp đang cần gỗ rất lớn trong việc mở đường sắt nối liền Bắc Nam, Bạch Thái Bưởi đã cùng một nguời Pháp hùn vốn làm đại lí cung cấp tà vẹt gỗ cho Sở Hỏa xa Đông Dương. Sau 3 năm kinh doanh, ông đã thu được số tiền lời trên mấy vạn đồng. Thấy làm ăn hiệu quả, Bạch Thái Bưởi đứng ra kinh doanh độc lập nhưng thời gian đầu ông thất bại trong việc buôn bán ngô. Không chịu lùi bước trước khó khăn, Bạch Thái Bưởi chuyển sang mở hiệu cầm đồ ở Nam Định. Mặc dù ở lĩnh vực này có sự cạnh tranh mạnh mẽ của giới thương nhân người Hoa sống tại đây nhưng hiệu cầm đồ của ông vẫn phát triển mạnh, thu được nhiều lợi nhuận. Trên đà phát triển đó, Bạch Thái Bưởi chuyển sang lĩnh vực kinh doanh vận tải đường sông rồi từ đó trở thành doanh nhân lớn. Năm 1909 ông thuê lại 3 chiếc tàu Phi Phụng, Phi Long và Khoái Tử Long của hãng tàu A.R.Marty của Pháp để chạy hai tuyến vận tải đường thủy Nam Định - Hà Nội và Nam Định - Bến Thủy (Vinh). Vào thời điểm này ông thực sự bắt đầu phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của những đối thủ nặng kí nhất người Pháp và người Hoa có thế lực mạnh, tiềm năng vốn và giàu kinh nghiệm. Giới kinh doanh người Hoa và người Pháp đã có lúc phải kết hợp để âm mưu đánh bại Bạch Thái Bưởi. Trong thế cạnh tranh không cân sức, Bạch Thái Bưởi đã biết vươn lên bằng việc sử dụng sức mạnh tinh thần dân tộc để thắng lại đối phương trên thương trường. Ông đã vận động, kêu gọi mọi người ủng hộ công cuộc kinh doanh của người Việt. Bạch Thái Bưởi đã thành công và thắng lợi. Đội tàu của ông không những vượt qua “sóng gió” mà còn lớn mạnh bởi sự bổ sung những đội tàu của công ti Pháp, Hoa không còn khả năng kinh doanh do bị đánh bại phải phá sản. Năm 1915, Bạch Thái Bưởi đã quyết định mua lại xưởng sửa chữa và đóng tàu của A.R.Marty, một trong những xưởng đóng tàu đầu tiên của Pháp ở Hải Phòng. Sau 7 năm kể từ khi bước vào lĩnh vực kinh doanh đường thủy, ông đã tạo dựng được một công ti hàng hải lừng danh mang tên “Giang Hải Luân thuyền Bạch Thái Bưởi Công ti” với biểu tượng là lá cờ hiệu màu vàng có hình chiếc mỏ neo và ba ngôi sao đỏ. Công ti của ông hoạt động theo một chu trình khép kín từ đóng tàu, chạy tàu và sửa chữa tàu với nhiều chi nhánh ở khắp nơi. Sang năm 1917, hãng Des Chwanden của Pháp tiếp tục bị phá sản, Bạch Thái Bưởi đã mua lại 6 chiếc tàu của hãng này làm cho công ti hoạt động ngày càng lớn mạnh. Bên cạnh đó, ông còn làm rạng danh ngành hàng hải Việt Nam bởi ngày 7-9-1919 con tàu Bình Chuẩn hoàn toàn do người Việt thiết kế và thi công với chiều dài 42m, rộng 7,2m, cao 3,6m trọng tải 600 tấn, động cơ Com Pound 450 mã lực vận tốc 8 hải lí/giờ đã đi từ Hải Phòng, cập cảng Sài Gòn ngày 17-9-1920 trong sự đón chào nồng nhiệt của giới thương nhân và người dân Sài Gòn. Từ chỗ còn non kém về kinh nghiệm, thiếu thốn về vốn của những năm đầu khi bước vào kinh doanh thì đến những năm 20 của thế kỉ XX, công ti của Bạch Thái Bưởi đã lớn mạnh và khẳng định vị thế của mình với hơn 40 chiếc tàu, xà lan chạy khắp các tuyến đường sông Bắc Kì và cả các lãnh thổ lân cận như Hồng Kông, Trung Quốc, Nhật Bản. Số lượng nhân viên trong Công ti của Bạch Thái Bưởi ngày một nhiều, có lúc lên tới 2.500 người. Ông đã được giới tư sản đương thời tặng biệt danh là “Chúa sông miền Bắc”.


Ngoài sự thành công ở lĩnh vực đường thủy, Bạch Thái Bưởi còn thành công ở cả lĩnh vực khai thác hầm mỏ để Bạch Thái Bưởi trở thành “Vua mỏ nước Việt”. Cùng với sự thành công trên thương trường kinh doanh, Bạch Thái Bưởi còn có đóng góp lớn vào lĩnh vực văn hoá dân tộc. Ông đã cho xây dựng nhà in Đông Kinh ấn quán (sau ông nhường lại cho người em rể là Lê Văn Phúc quản lí) và xuất bản từ báo Khai Hóa, góp phần nâng cao dân trí, cổ động phong trào thực nghiệp và đặc biệt chú ý việc bảo vệ quyền lợi cho nền công thương Việt Nam.

Mặc dù sống giữa thời kì bị thực dân chèn ép nhưng doanh nhân Bạch Thái Bưởi, với tinh thần dân tộc làm nên sự thành công vang dội cho giới thương nhân Việt Nam trên thương trường. Ông mất năm Mậu Thân (1932), mộ táng tại vùng mỏ Đông Triều, nơi ông đã từng khai thác mỏ than. Khi ông mất, học giả Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố viết trên tạp chí Đông Thanh, gọi ông là: “Bậc anh hùng kinh tế thứ nhất trong kinh tế giới nước nhà”.

Bạch Thái Bưởi là một doanh nhân có tấm lòng nồng nhiệt đối với các hoạt động văn hóa xã hội. Ông là một trong những sáng lập viên và là một trị sự đắc lực của Hội Khai trí tiến đức, và nhiều năm được cử làm Phó Hội trưởng. Nhiều nhân sĩ Bắc Hà danh tiếng đương thời đều là chỗ bạn bè với Bạch Thái Bưởi như: Giá Sơn Kiều Oánh Mậu, Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu... mà trong văn thơ của họ vẫn vang lên dư âm và hình bóng của những cuộc luận đàm, xướng họa. Sau đây là các bài học về văn hóa doanh nhân mà Bạch Thái Bưởi để lại cho hậu thế:

- Sử dụng sức mạnh và tinh thần đoàn kết dân tộc để thắng lại đối phương trên thương trường.

- Sử dụng logo và các khẩu hiệu hoặc tên sản phẩm gợi lại lịch sử và tinh thần Việt Nam(6).


- Cổ súy cho văn hóa, góp phần nâng cao dân trí, cổ động cho sự phát triển của các ngành nghề và bảo vệ cho nền công thương Việt Nam(7).

Thay lời kết luận

Từ quan hệ ứng xử của nhà Nho với nhà buôn thời trung đại đến sự hình thành và xây dựng văn hóa doanh nhân thời cận đại phản ánh bước phát triển của xã hội Việt Nam, biểu hiện của tâm thế hội nhập một cách quyết liệt, tự tin, dựa trên sức mạnh của tinh thần dân tộc. Điều này càng cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của cha ông ta từ 100 năm trước là muốn biến tư tưởng “quốc phú, dân cường” thành hiện thực lịch sử.


Chúng ta đã bước vào thế kỉ XXI trong bối cảnh và xu hướng toàn cầu hóa trong đó sự hội nhập về kinh tế là tất yếu, điều này càng có ý nghĩa nếu văn hóa doanh nhân được xác lập và trở thành nhân tố đầu tiên cho sự phát triển của mọi doanh nghiệp. Những kinh nghiệm từ lịch sử sẽ là bài học cho chúng ta các biện pháp rất cụ thể trong việc phát huy tinh hoa văn hóa doanh nhân trong xã hội hiện đại hôm nay.

--------------------

CHÚ THÍCH

(1) Xem bản trích dịch Cổ Đô Nguyễn Bá Lân gia phả (Ngô Thế Long dịch), trong sách Danh nhân Nguyễn Bá Lân - Con người và Sự nghiệp, Trung tâm UNESCO Thông tin Tư liệu Lịch sử và Văn hóa Việt Nam và Sở Văn hoá thông tin Hà Tây xuất bản, 1999, tr. 229, 232 - 233. Bài “Cao Bằng Bắc khách hạ trướng văn” Nguyễn Xuân Diện dịch từ Cổ Đô Nguyễn Bá Lân gia phả, bản gốc lưu tại từ đường Nguyễn Bá Lân ở xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, Hà Tây.


(2) Đào Nguyên Phổ (1860 - 1907), tự Hoành Hải, hiệu Tảo Bi, người làng Thượng Phán, huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình. Năm Thành Thái 10 (1898) ông đỗ Hoàng giáp, làm Thừa chỉ, sau ra làm báo, chủ bút Đại Nam đồng văn nhật báo.


(3) Kiều Oánh Mậu (1854 -1911), hiệu Giá Sơn, người làng Đông Sàng, tổng Cam Giá Thịnh, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây, nay là xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây, đỗ Phó bảng năm 1880, dưới thời Tự Đức. Ông là một nhà khoa bảng yêu nước (đã từng tham gia giảng dạy trường Đông Kinh Nghĩa thục và có quan hệ chặt chẽ với Đề Thám, Bạch Thái Bưởi), một nhà văn hóa tài năng và tâm huyết. Từng giữ chức Tri phủ Xuân Trường, Lý Nhân, Đốc biện Đại Nam đồng văn nhật báo.


(4) Vũ Phạm Hàm (1864 - 1906), tự Mộng Hải, hiệu Thư Trì, người xã Đôn Thư, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay là tỉnh Hà Tây) đỗ Thám hoa năm Thành Thái 4 (1892), từng giữ chức Đốc học Hà Nội, Đốc biện Đại Nam đồng văn nhật báo và án sát tỉnh Hải Dương.


(5) Hồng Chương, Tìm hiểu lịch sử báo chí Việt Nam, Nxb. Sách giáo khoa Mác-Lênin, Hà Nội, 1987, tr.34.


(6) Logo của Công ti Vận tải thủy của Bạch Thái Bưởi là cờ hiệu màu vàng, có hình chiếc mỏ neo và ba ngôi sao đỏ. Tên các con tàu của Bạch Thái Bưởi: Hồng Bàng, Lạc Long, Trưng Trắc, Trưng Nhị, Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi, Gia Long, Minh Mệnh, Tự Đức ...


(7) Bạch Thái Bưởi chủ trương xuất bản tờ Khai hóa và lập nhà in Đông Kinh ấn quán. Ông là sáng lập viên của Hội khai trí tiến đức, và thường giao du với các nhân sĩ trí thức.



TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Bá Thế. Bản in lần thứ 5, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1991.
2. Danh nhân Nguyễn Bá Lân - Con người và Sự nghiệp (Kỉ yếu Hội thảo khoa học), Trung tâm UNESCO Thông tin Tư liệu Lịch sử và Văn hóa Việt Nam và Sở Văn hoá Thông tin Hà Tây xuất bản, 1999.
3. Hồng Chương, Tìm hiểu lịch sử báo chí Việt Nam, Nxb. Sách giáo khoa Mác - Lênin, Hà Nội, 1987.

4. Nguyễn Xuân Diện, Bước đầu tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của Kiều Oánh Mậu, Tạp chí Hán Nôm, số 1 - 1992.
5. Nguyễn Xuân Diện, "Kiều Oánh Mậu - nhà khoa bảng yêu nước, một học giả lừng danh đầu thế kỉ XX". Tạp chí Thông tin KHXH số 9 -1995.
6. Nguyễn Xuân Diện, Học giả Kiều Oánh Mậu và vấn đề dân trí. Báo Dân trí, số Tết Bính Tí (26&27), 1996.
7. Minh Đức - Xuân Giao, Bạch Thái Bưởi nhà doanh nghiệp tài ba, Tập san Ngày Nay (Số cuối tháng của Báo Nông thôn ngày nay), số 2 - 1997 (Số Xuân Đinh Sửu).
8. Hữu Hoài, Doanh nhân Bạch Thái Bưởi làm rạng danh nền công thương đất Việt, Báo Hà Tây điện tử, ngày 31/1/2005.
                                                        


N.X.D

16 nhận xét :

  1. Bài hay quá! Rất đáng ngẫm nghĩ. Cám ơn bác Diện.

    Nhân hai bài học đầu của doanh nhân Bạch Thái Bưởi: "Sử dụng sức mạnh và tinh thần đoàn kết dân tộc để thắng lại đối phương trên thương trường - Sử dụng logo và các khẩu hiệu hoặc tên sản phẩm gợi lại lịch sử và tinh thần Việt Nam", tôi chợt nhớ đến kỷ niệm buồn khi mua... một thùng mì gói.

    Các bác biết không, các chợ Việt bên Mỹ này, dãy hàng mì gói, miến gói, cháo gói... nhiều vô thiên lủng. Đủ các loại nhãn hiệu của nhiều nước, như TQ, Thái Lan, Mã Lai, Hàn quốc v.v... nhưng bao giờ tôi cũng mua hàng Việt, gọi là ủng hộ đồng bào mình. Lúc vê đến nhà mới để ý hàng chữ trên bao bì: "MỞ THÙNG CÓ THƯỞNG"! Buồn ơi là buồn! Cảm thấy như bị tổn thương vậy. Tôi nghĩ nếu nhà sản xuất trong nước in hàng chữ: "NGƯỜI VIỆT DÙNG HÀNG VIỆT" chẳng hạn, thì ấm lòng cho người xa xứ chúng tôi hơn biết bao nhiêu!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng. Ngày nay các doanh nhân đã được chuyển từ con buôn lên doanh nhân ( có nghĩa là từ 4 chân tiến hóa lên 2 chân). Vậy thì còn chần chừ gì nữa, hãy tiến lên! Thương trường là chiến trường. Doanh nhân là chiến sỹ. Phong bì là vũ khí. Đánh đâu thắng đó. Nào anh em ta cùng nhau xông pha lên nào...

      Xóa
  2. Chân Không cư sỹlúc 00:32 10 tháng 10, 2012

    TỨ DÂN xưa,
    không phải là SĨ NÔMG CÔNG THƯƠNG đâu,
    mà là NGƯ TIỀU CANH ĐỘC đấy.

    Trả lờiXóa
  3. Người Việt đi vào các lãnh vực mới mẻ đều chứng tỏ khả năng rất cao. Như việc buôn bán vốn bị xã hội phong kiến coi khinh, nhưng Bạch thái Bưởi đã làm cho nghề buôn bán trở thành một nghề rất đáng quí trọng, làm giàu cho mình và cho đất nước.
    Biết bao nhân tài VN ở nước ngoài, như ở Mỹ khiến người Mỹ và cả thế giới kính phục . Do đâu ?
    Tôi nghĩ do môi trường chính trị và do nền giáo dục . Một chế độ chính trị ổn định , bền vững hợp lòng dân khiến dân tin tưởng . Một nền giáo dục tốt, đào tạo ra nhân tài.
    Người tài được trọng dụng sẽ làm cho đất nước phồn vinh.

    Trả lờiXóa
  4. Tứ Dân là cái gốc gác của xã hội; Tứ Dân nằm trong muôn dân; khi hạ nó xuống thì trở thành Dân Đen!

    Trả lờiXóa
  5. Từ nay tôi sẽ nhớ được Ngày Doanh Nhân VN 13/10 hàng năm rồi, vì mới "phát hiện" ra là trùng với sinh nhật con bé út nhà tôi. Tôi không có khiếu kinh doanh, và nói thiệt là mãi đến hơn 40 tuổi tôi vẫn còn ác cảm với nghề "con buôn", một thứ thành kiến có lẽ từ sâu trong tiềm thức. Tôi đã xác định cái thành kiến đó là sai, và đôi khi nuối tiếc là mình hiểu ra vấn đề muộn quá. Hôm nay nguyện thức khuya một chút để... tạ tội với những doanh nhân chân chính của dân tộc vậy.

    Đọc lại bài của bác Diện ba lần rồi mà vẫn còn thích. Giờ chỉ xin dừng lại ở chi tiết vị khách buôn người Hoa ở Cao Bằng dâng món quà tri ân lên quan cựu Đốc trấn Nguyễn Bá Lân. Để ý đến thời điểm dâng quà: 7 năm sau khi quan đã chuyển sang nhiệm sở khác, tức là chẳng có động cơ nhờ vả cầu cạnh gì ở đây nữa, tôi thật cảm kích sự trung tín và chung thủy của vị... "con buôn Tàu Khựa" này. Ai dám bảo dân kinh doanh trăm người như một chỉ biết đến lợi nhuận?

    Và, theo kinh nghiệm làm ăn giao dịch của tôi hồi còn sống ở Sài Gòn, tôi thấy rằng, nhìn chung, các thương nhân người gốc Hoa họ biết trọng chữ tín hơn người Việt. Không biết có bác nào có cùng cảm nghĩ như tôi không? Những đức tính tốt trong thương trường, theo tôi, người Việt mình còn phải học hỏi thiên hạ nhiều lắm thì mới mong có ngày quốc gia thịnh vượng.

    Người mình hay nói: "thương trường cũng như chiến trường", e câu nói quen miệng đó có thể làm dân ta, nhất là những người trẻ mới bước vào kinh doanh, suy nghĩ thiên lệch. Làm sao đây, cho mọi người dân Việt ý thức được rằng: thương trường phải là môi trường của tinh thần trách nhiệm, của sự cộng tác, sự sáng tạo, sự hăng hái đóng góp xây dựng cuộc sống chung?

    Trả lờiXóa
  6. Lúc còn nhỏ mãi 10 tuổi tôi mới lò dò lêm phố thị theo mẹ mua mấy món đồ để vào trường chẳng hiểu buôn bán là gì ? Mấy năm đi học đến kì hè nhỏ, hè lớn đi qua phố thấy phần lớn các hiệu buôn là của người Hoa, người Việt cũng tập tành mấy hiệu sách. Năm 1954, một thoáng Hà Nội, một thoáng Hải Phòng rồi ở Saigon có lẽ là lâu nhất, thấy việc buôn bán người Hoa vẫn chiếm thương phong trong mọi lãnh vực. Phố xá các cửa tiệm người Hoa vẫn chữ Hán kèm chữ Việt. Vào tới Chợ Lớn thấy tòan chữ Hán, người Hoa lí la lí lố, tưởng chừng lạc vào thế giới nước ngoài !
    Một số người Bắc bán buôn ở gần chợ Bến Thành có tiệm, còn ở Chợ Lớn thì đừng hòng chen chân với người Hoa . Đến thời bao cấp XHCN, tư sản mại bản bị đánh tơi tả, giai cấp thương buôn bị liệt vào hàng thù nghịch của chế độ , thay vào đó là những cửa hàng mậu dịch quốc doanh, hàng hóa ngày càng lèo tèo mắc mỏ so với túi tiền của người lao động ! Người Việt mua bán chui khổ sở !
    Cái nghề buôn bán ở VN không có số phận may mắn. XHCN chẳng ưa gì thương lái !
    Hơn 20 năm trở lại đây mới mở mắt ra thì làm sao chạy đua với thế giới ? Cho nên bị lừa là chuyện thường tình !

    Trả lờiXóa
  7. So với cụ Bạch Thái Bưởi thì Thuyết buôn vua chắc ở thứ bậc cao hơn phải không các Bác! Toàn hàng sạch sẽ cao sang mà lợi nhuận lại cao hơn nhiều cho nên học trò của Thuyết ngày càng ăn nên làm ra và phát triển mạnh mẽ

    Trả lờiXóa
  8. May mà cụ Bạch Thái Bưởi mất năm 1932.

    Nếu cụ mà sống trong Nam vào khoảng 1975 thì sẽ bị đánh tư sản mại bản, tịch thu hết tài sản và "được" đưa đi kinh tế mới. Không biết có giữ được mạng không.

    Còn ở ngoài Bắc khoảng 1955 thì khỏi nói rồi, đố tránh khỏi bị đấu tố.

    Trả lờiXóa
  9. Báo NguoiViet.de xin phép đăng lại tại đay:

    http://nguoiviet.de/nv/modules.php?name=News&op=viewst&sid=24177

    Xin cảm ơn TS NXD

    NguoiViet.de

    Trả lờiXóa
  10. Bài viết của Nguyễn Xuân Diện đề cập đến trường hợp nhà Nho Nguyễn Bá Lân đề cao việc buôn bán. Thực ra đó chỉ là những trường hợp hiếm hoi (cũng như về sau, sang tận thế kỷ XIX cũng chỉ có thêm vài người: Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, Phạm Phú Thứ,...), còn nhìn chung nhà Nho xưa (thường kiêm quan chức) có thành kiến nặng nề với việc buôn bán hay công thương nói chung. Nền kinh tế nông nghiệp phù hợp với sự tĩnh tại khiến những người "cầm cân nảy mực" xã hội luôn ngại mọi sự biến đổi. Ông vua Tự Đức sợ hãi trước sức mạnh của kỹ nghệ Tây phương nhưng vẫn nhất quyết không chịu hiện đại hoá đất nước với lý do "cơ xảo sinh cơ tâm".
    Chỉ đến đầu thế kỷ XX, một bộ phận nhà Nho tân tiến (gọi là sỹ phu, chí sỹ) do tiếp thu "Tân thư" (của Phương Tây, qua con đường Trung Quốc) mới tách ra khỏi những thành kiến cổ hủ của tầng lớp mình, dám cổ vũ cho công thương (sau "Khai dân trí" là "Chấn dân khí", tức phải đẩy mạnh kinh tế). Trong Văn minh tân học sách, sự phê phán đầu tiên các cụ dành cho nền kinh tế hủ lậu:
    "Của báu núi rừng, nguồn lợi đó ta không được hưởng. Trăm thứ hàng hoá, quyền lợi đó ta không được nắm. Cho đến các hàng vóc nhiễu, nhung len, vải lụa, giày dép, khăn tay, mục kính, dù che, dầu hoả, đồ sứ, đồ pha lê, đồng hồ, phong vũ biểu, hàn thử châm (...) không mua của Tàu thì mua của Tây cả (...)
    Nông học có hội: người ta đương tranh nhau về nghề nông đấy, còn ta thì vẫn như cũ! Hỏi ta có cày máy để giúp việc cày, điện khí để làm cho lúa tốt, các phương pháp mới để trị hạn hán, trị sâu keo không?
    Thương chính có sở: người ta đương tranh nhau về nghề buôn đấy, còn ta thì vẫn như cũ! Hỏi có hạm đội để hộ thương, thị trường để thông thương, công ty lớn do chính phủ và nhân dân góp cổ phần lại để lập nên không?
    Công nghiệp có xưởng: người ta đương tranh về công nghệ đấy, còn ta thì vẫn như cũ! Hỏi trong công nghệ có ai khéo, phô tài, ngày một mới, tháng một lạ như Oát (Watt), như E-đi-sơn (Edison) không? (...)
    Kìa những kẻ đam mê đàn sáo, đầu hồ, bài lá, cờ tướng, đố thư, đánh chữ, số tướng địa lý, phù thuỷ, ngày ngày dốc cả trí khôn vào những thứ vô dụng, sống say chết mộng thì chả kể làm gì. Nhưng hạng cao hơn đỗ đạt lên một tí, được cái tiếng quèn, đã vội khủng khỉnh ta đây kẻ cả, tự xưng là bậc giữ gìn thế đạo, ngày ngày khoe câu văn, giữ những thuyết hủ lậu, khinh bỉ hết thảy học mới văn minh. Hạng kém thua hơn nữa thì chỉ nghe có việc thăng quan lên bậc mấy, cất nhắc mấy người, chứ không hề biết đến vấn đề gì khác".
    Nói cách khác, có được tư tưởng trên là các chí sỹ (lớp nhà Nho Tân tiến) đã "phản bội" lại truyền thống của giai cấp mình.

    Trả lờiXóa
  11. Các nước đều nhờ Kinh Doanh, Thương Mại mà trở nên hùng cường . Người Tàu vẫn nói " phi thương bất phú " . Họ sắp đặt trật tự XH theo thứ tự các giai cấp : sĩ, nóng, công, thường cũng không sai . Kẻ sĩ phải đứng đầu thiên hạ , vì kẻ sĩ giữ giường mới, kẻ sĩ cai trị thiên hạ . Kẻ sĩ là những người phải được đào tạo bài bản và thường là giai cấp tinh hoa . Chính vì vậy , người ta tranh đua nhau để chiếm vai trò của kẻ sĩ , để làm quan, để cai trị thiên hạ. Do do Kẻ sĩ sinh ra kiêu ngạo khinh miệt các giai cấp khác . Còn kẻ làm nghề thương mại, kinh doanh . Giai cấp này có thể dung nạp mọi hạng người . Người tài giỏi thì thành công nhieu, kẻ kém cỏi thì thành công ít . Các nghề khác như nghề nông, nghề công nghệ không thể giải quyết công ăn việc làm cho hết mọi người trong XH . Nghề kinh doanh thương mại giúp giải quyết vấn đề thất nghiệp , đem lại công ăn việc làm cho rất nhiều người . Từ thời mở cửa trở lại, nhờ những người kinh doanh buôn bán mà đời sống ND được nâng lên . Nhieu nguoi nho buon ganh ban bung ma nuoi song gia dinh . N can co nhung luat phap ro rang de ND co co hoi lam an luong thien hop phap, co cho kinh doanh buon ban de song. ND co sung tuc, song trong luat phap moi khong lam XH bat an. Nguoi ta noi loan vi mieng com manh ao nhieu chu vi li tuong cao sieu thi it lam !

    Trả lờiXóa
  12. Trên trang Gs.Trần Hữu Dũng có bài "Tham nhũng ở đâu tồi tệ hơn: CNXH hay CNTB? (Sputnik 11-0-17)" Tễu nên đăng!
    CCB đánh Tàu.

    Trả lờiXóa
  13. Doanh nhân xưa lớn lên bằng kêu gọi sức mạnh tinh thần dân tộc."Ranh nhân"nay lớn lên bằng sử dụng sức mạnh của PC50 CA Hà Nội.Khác nhau nhiều quá!

    Trả lờiXóa
  14. Doanh nhân Bạch Thái Bưởi mà gặp ông Đỗ Mười thì chỉ còn đường...lên rừng cuốc đất.
    Bi kịch thay,cháu gái của doanh nhân BTB là cô phát thanh viên đã sáng tạo ra câu nói nổi tiếng : "Đây là tiếng nói Việt Nam,phát thanh từ Hà Nội..."
    Cái đài đã góp phần rất lớn cho ông ĐM tiêu diệt hết những người như doanh nhân BTB.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất đúng. cụ Bạch Thai Bưởi mà kinh doanh thời nay thì một là vào tù hai là phải phân chia lợi nhuận cho bọn có quyền.ba là phải có thể lực chống lưng và làm tay sai cho chúng để cươp.

      Xóa